Bệnh giun xoắn
Vài nét về mầm bệnh
Ký sinh trùng giun xoắn, thuộc ngành giun tròn. Giun trưởng thành kích thước nhỏ, ký sinh chủ yếu ở ruột non. Giun cái đẻ ấu trùng, sau khi đẻ, ấu trùng vào thành màng nhày ruột non. Nó có thể chui qua mao mạch, cơ nhai, sơ liên sườn, cơ vận nhãn… Ấu trùng lớn dần, thường cuộn xoắn lại như lò xo trong một nang hình quả cau trong tổ chức cơ vân. Sau khoảng 6 tháng, kén bị vôi hoá, ấu trùng ở bên trong không phát triển nhưng sống được rất lâu, có trường hợp tới 30 năm.
Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, mức độ bệnh phụ thuộc mức độ nhiễm ấu trùng, độ toan dịch vị và tình trạng rối loạn tiêu hoá. Nếu bệnh nhân có đi lỏng nhiều thì tình trạng bệnh sẽ đỡ hơn nhiều.
Biểu hiện của bệnh
Quá trình nhiễm giun xoắn là một quá trình nhiễm độc dị ứng, dẫn tới tình trạng viêm dị ứng toàn bộ mao mạch, hoại tử các tế bào cơ vân và thiếu oxy trong các tổ chức của cơ thể.
Sau khoảng 15 ngày kể từ khi ấu trùng từ máu vào cơ vân và tạo thành kén, có các biểu hiện chủ yếu sau:
- Sốt: sốt cao đột ngột, 39 – 40 độ, có gai rét, đôi khi có rét run. Thời gian sốt dài hay ngắn tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, có trường hợp sốt dao động kéo dài hàng tháng.
- Đau cơ, điển hình nhất là đau cơ tứ chi nên bệnh nhân đi lại khó khăn, khó vận động thay đổi tư thế. Ngoài ra còn đau các cơ khác như cơ vận nhãn làm bệnh nhân khó liếc mắt, cơ mi mắt làm bệnh nhân khó nhắm mắt…
- Phù nề, thường ở mặt và mi mắt, một số trường hợp ở cả mu bàn chân, bàn tay.
- Một số biểu hiện khác: ban dị ứng, da xung huyết dãn mạch, có thể có đốm xuất hiện, trường hợp nặng có thể có biểu hiện rối loạn thần kinh như ngủ gà, cuồng sảng, mạch nhanh, huyết áp hạ…
Biến chứng nào có thể xảy ra?
- Suy hô hấp:thường gặp do hạn chế cử động cơ hô hấp như cơ hoành hay cơ lồng ngực hay do rối loạn hô hấp tế bào.
- Suy gan, suy tim hoặc hôn mêdo thiếu oxy phủ tạng kéo dài.
- Xuất huyết lớn dưới da,thậm có trường hợp xuất huyết phủ tạng hay đông máu rải rác lòng mạch.
- Biến chứng thần kinh:đau đầu, mê sảng, loạn thần, liệt nửa người, viêm đa dây thần kinh.
- Suy kiệt, bội nhiễm toàn thân.
Điều trị & dự phòng
Thiabendazol là thuốc điều trị đặc hiệu, diệt cả giun trưởng thành và ấu trùng. Thuốc có tác dụng chống viêm hạ sốt và giảm đau. Dùng liều trung bình có hiệu quả hơn dùng liều cao ngắn ngày. Cần theo dõi các tác dụng phụ của thuốc như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn.
Dùng các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chống dị ứng, corticoid, giảm đau an thần, phòng chống suy hô hấp, phòng chống bội nhiễm, tăng cường nuôi dưỡng.
Tại những nơi có ổ bệnh thiên nhiên, phải kiểm tra lợn trước khi mổ theo đúng chế độ kiểm định động vật. Dọn sạch sẽ trong và ngoài khu làm thịt lợn, không thả lợn rông, không vận chuyển lợn đi nơi khác khi chưa được kiểm tra, không ăn thịt lợn tái, nếu có điều kiện thì thức ăn cho lợn có thể pha thiabendazol 0,1% để làm cho lợn không mắc bệnh hoặc mắc bệnh nhẹ.