Bảo vệ môi trường biển, đảo: Cần hệ thống giải pháp đồng bộ
Ô nhiễm môi trường biển đảo Việt Nam xuất phát từ các nguồn như: Chất thải công nghiệp đổ ra từ các cửa sông; Ô nhiễm hữu cơ do nuôi trồng hải sản; Chất thải của tàu hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế ngoài khơi Việt Nam; Tai nạn tràn dầu từ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong nước và khu vực; Ô nhiễm rác thải do hoạt động du lịch và dân cư ven biển.
Chất lượng môi trường biển và vùng ven biển Việt Nam đang tiếp tục suy giảm. Đã có 70 loài hải sản được đưa vào danh sách đỏ để bảo vệ, 85 loài ở tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt là hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện
Việt Nam là quốc gia biển, có diện tích biển gấp hơn 3 lần lãnh thổ đất liền, dân số vùng duyên hải và biển đảo chiếm 30% cả nước (25,8 triệu người). Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước mạnh về biển trong khu vực, thì giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản.
Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định rõ mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Chiến lược Biển cũng chú trọng công tác BVMT sinh thái biển, hải đảo; việc phát huy, khai thác hiệu quả, bền vững kinh tế biển Việt Nam tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Theo ông Ngô Lực Tài Phó Chủ tịch Hội KHKT Biển TP. Hồ Chí Minh, để đạt được mục tiêu trên, cần phải có sự bứt phá trong một vài thập niên tới để có thể đuổi kịp các quốc gia phát triển và các nước tiên tiến trong ASEAN. Đó là triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện. Cụ thể:
Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và BVMT biển; Phát triển khoa học - công nghệ biển; Xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ; Xây dựng tuyến đường ven biển, trong đó có một số đoạn cao tốc và các tuyến vận tải cao tốc trên biển.
Hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển gồm: Khai thác, chế biến dầu khí; Kinh tế hàng hải; Khai thác và chế biến hải sản; Phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo; Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.
Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ, phục vụ công tác điều tra cơ bản, dự báo thiên tai và khai thác tài nguyên biển. Nhà nước nên bố trí nguồn ngân sách thích hợp để đầu tư cho công tác bảo vệ gìn giữ môi trường biển, trong đó cần chú trọng việc mua sắm phương tiện hiện đại và thông tin dữ liệu khoa học về môi trường, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu phát hiện, chế ngự và xử lý ô nhiễm môi trường biển.
Phát triển mạnh hệ thống cảng biển quốc gia, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng các cảng nước sâu ở cả 3 miền của đất nước, tạo những cửa mở lớn vươn ra biển thông thương với thế giới.
Nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng chính sách và cơ chế cho các ngư dân hoạt động trên biển. Thu hút cư dân vùng duyên hải và những lực lượng tham gia khai thác kinh tế biển, bằng các chính sách khuyến khích và cơ chế hợp lý để bảo đảm thực thi việc bảo vệ gìn giữ môi trường sinh thái biển đảo bền vững.
Quan tâm đến an sinh xã hội cho cư dân vùng duyên hải: Dân số vùng duyên hải và biển đảo chiếm 30% cả nước và số người sống nhờ vào kinh tế biển lên đến 45%. Mỗi ngày có khoảng 2.000 phương tiện đánh bắt và hơn 3.000 người hoạt động trên biển. Đây là một lực lượng lao động lớn, đồng thời cũng là nhân tố góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng cho đất nước. Vì vậy, việc bảo đảm an sinh xã hội cho cư dân vùng duyên hải có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà nước cần tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng đánh bắt xa bờ với hiệu quả kinh tế cao bằng tàu vỏ sắt được trang bị kỹ thuật hiện đại, như radar, thiết bị định vị vệ tinh, thiết bị tự động thông báo thời tiết, máy tầm ngư. Đồng thời gấp rút chỉnh trang, nạo vét luồng lạch các cửa sông biển có tàu cá ra vào thường xuyên, xây dựng nơi trú bão an toàn ở các vùng bờ biển và ở những quần đảo xa. Đào tạo nghề nghiệp cho ngư dân, nâng cao kiến thức ứng phó với biển đổi khí hậu cho cư dân vùng biển. Đây là những việc làm thiết thực, tạo cầu nối vững chắc giữa các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương, địa phương với những doanh nghiệp hoạt động kinh tế biển và nhân dân vùng duyên hải.