“Báo chí là vũ khí sắc bén góp phần vào cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền quốc gia”
Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
Ông đánh giá như thế nào về việc các cơ quan báo chí (đi đầu như Tuổi trẻ, VTV, VOV, Thanh niên, Lao động…) chủ động có mặt ở Hoàng Sa thông tin về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây?
Theo tôi khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5 thì các cơ quan báo chí đã rất nỗ lực và chủ động cử phóng viên có mặt tại điểm nóng , phán ánh, đưa tin nhanh tình hình tại chỗ. Tôi cho rằng các báo đã có mặt kịp thời, thông tin kịp thời và khẳng định sự quyết liệt của mình trong vấn đề này. Các nhà báo đã góp sức vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng sự có mặt, bằng vũ khí là chính những bài báo nóng hổi tính thời sự tại điểm nóng, cung cấp thông tin giúp nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn sự thật về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Những hình ảnh của VTV, của báo Tuổi trẻ, Thanh niên hay những bản tin thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam đầy sức thuyết phục, tố cáo mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc và cho thấy sự kiên cường khéo léo, sức kiềm chế của cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Mặt khác, cho thấy báo chí là một vũ khí sắc bén góp phần vào cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền quốc gia.
Ông nhận xét thế nào về sức tác động của các bài viết về tình hình biển Đông hiện nay?
Tôi không đọc hết được tất cả các bài trên các báo và nghe hết các bản tin trên đài nhưng cũng đọc, nghe, xem khá nhiều.Có thể nói rằng ngoài một số ít bài còn thiếu nhạy cảm về chính trị, có những sai sót không đáng có về kỹ năng tác nghiệp, kỹ năng xử lý thông tin, còn lại đã đưa tin rất kịp thời. Thông tin được đưa nhanh, tốt và đầy tính chiến đấu, thể hiện tinh thần của Đảng, Chính phủ, các tổ chức xã hội, và nhân dân ta là kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhưng hết sức kiềm chế.
Có một số bài viết về tình hình biển Đông được cho là gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình tư tưởng hiện nay. Theo ông liệu có phải một số tờ báo thông tin chụp giật, câu khách?
Đúng là có một số bài viết còn thiếu sự tỉnh táo hoặc rút tít không phù hợp lắm. Thể hiện tinh thần yêu nước là rất đúng nhưng cũng cần đúng mực và khôn khéo, nhất là đừng để ảnh hưởng đến đấu tranh ngoại giao. Đặc biệt khi chúng ta đang muốn giữ mối hòa khí, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao trên cơ sở tình hữu nghị của hai nước Việt- Trung thì báo chí thông tin cần tỉnh táo và khôn khéo. Cần đúng mực. Quá khích hay chụp giật lúc nào cũng là không nên và lúc này càng tuyệt đối tránh vì báo chí tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới người dân, tới công tác tư tưởng. Công tác truyền thông báo chí có sức tác động từng phút, từng giờ tới công chúng, có thể có sức mạnh như lời hiệu triệu. Nhân dân đặt niềm tin rất lớn vào báo chí. Cho nên thông tin báo chí lại càng cần hết sức thận trọng, tỉnh táo và đúng mực. Đưa hay không đưa, đưa thế nào, đưa lúc nào, báo nào đưa như thế nào,… cũng cần được tính toán và cân nhắc trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, vì hữu nghị giữa các dân tộc, không phải là nói cho nó đã, cho sướng.
Thông tin trên báo chí về tình hình biển Đông liên tục liệu có khiến cho người đọc bị “bội thực” và hoang mang không thưa ông?
Không phải như vậy. Chúng ta đang nói đến báo chí chứ không phải mạng xã hội, không phải các blog cá nhân; mà báo chí thông tin liên tục là rất cần thiết, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, như tôi nói là thông tin nhiều nhưng phải đúng, cần cân nhắc đúng định hướng, chính xác và đảm bảo tính chiến đấu, đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đề ra trên tinh thần hòa bình và giữ hòa khí. Nhân dân theo dõi hàng giờ, từng ngày và không lo bội thực thông tin. Chúng ta đều biết, nhân dân Việt Nam vốn có tinh thần yêu nước nồng nàn như Bác Hồ từng nói. Họ muốn bày tỏ lòng yêu nước theo cách của mình, khi đất nước bị đe dọa, ngay cả trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, theo tôi, thông tin không bao giờ là bội thực, ngược lại thông tin càng kịp thời càng tốt, càng nhiều càng cổ vũ kịp thời sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân với Chính phủ.
Theo ông, báo chí nên làm gì để đưa tin về tình hình biển Đông hiện nay đúng và có lợi nhất?
Thông tin về biển Đông hiện nay cần đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Tôi cho rằng muốn đưa thông tin về tình hình biển Đông đúng và có lợi, phải chấp hành sự chỉ đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tuyệt đối không được tùy tiện, thiếu kiềm chế. Báo chí nên cập nhật thông tin trong và ngoài nước về vấn đề này và thông tin cần được kiểm tra, kiểm chứng, xử lý, nhất là thận trọng với tin tức khai thác từ nguồn nước ngoài. Đặc biệt là những vấn đề có tính nhạy cảm, cần bố trí cán bộ có năng lực và hiểu biết để đưa tin, bình luận sắc sảo trên quan điểm đúng về vấn đề nóng hiện nay, đảm bảo tính khách quan, hấp dẫn và đúng định hướng.