Báo chí cách mạng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân
- Ngày 2/9/1945, báo chí cách mạng đã đưa hình ảnh đất nước Việt Nam độc lập tự do đến toàn thế giới và hiệu triệu người Việt Nam giữ vững nền độc lập tự do ấy. Là ĐBQH, cũng là nhà báo, nhân dịp này, Ông có thể chia sẻ về vai trò của báo chí cách mạng trong thời khắc lịch sử đó?
ĐBQH Hà Minh Huệ: Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ những dòng tin của báo chí về thời khắc lịch sử đó, mà một nước Việt Nam nhỏ bé - mang danh An Nam thời thực dân, ít người biết đến, trở nên nổi tiếng.
Báo chí cách mạng của chúng ta được hình thành từ ngày 21/6/1925, khi Bác Hồ thành lập Báo Thanh Niên, khi đất nước ta còn chìm đắm dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Từ khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập và thành lập Chính phủ lâm thời thì báo chí thực sự vào cuộc, trở thành nguồn thông tin chính thống của một nhà nước độc lập.
Ngày 7/9/1945 thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam - “phát ngôn viên” chính thức của nhà nước non trẻ của chúng ta. Việt Nam Thông tấn xã (Thông tấn xã Việt Nam ngày nay) - Cơ quan thông tấn của Nhà nước Việt Nam độc lập cũng ra đời vào thời gian đó và lấy ngày 15/9 là ngày truyền thống. Những dòng tin hồi đó phát ra thế giới bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt được coi là những dòng tin “xác định chủ quyền”. Qua 89 năm xây dựng và phát triển, dòng báo chí cách mạng của chúng ta lớn lên, thực sự trở thành công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là tiếng nói và diễn đàn của nhân dân.
- Báo chí cách mạng đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành lực lượng hùng hậu, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
ĐBQH, Hà Minh Huệ: Hiện nay, báo chí của chúng ta là một lực lượng thực sự hùng hậu với 838 cơ quan báo chí, 1.111 ấn phẩm, 67 đài phát thanh truyền hình, nhiều báo điện tử và trang thông tin điện tử, là những nguồn thông tin hết sức rộng lớn, nhiều chiều, thực sự đóng góp vào quá trình xậy dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có gần 400 nhà báo liệt sỹ, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Phải nói rằng đội ngũ nhà báo chúng ta thực sự là đội quân tin cậy của Đảng, nói tiếng nói của Đảng, tiếng nói của nhân dân, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. Báo chí phản ánh trung thực tình hình thực tiễn, tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo chí của chúng ta là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân.
- Điều gì khiến Ông trăn trở về báo chí hiện nay?
ĐBQH Hà Minh Huệ: Công lao, đóng góp của báo chí rất to lớn, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhất là khi truyền thông điện tử phát triển mạnh mẽ, hoạt động báo chí bị ảnh hưởng, có những sự lệch lạc nhất định. Báo chí bị phê phán về tình trạng “lá cải hóa”, chạy theo cơ chế thị trường vì mục tiêu kinh tế. Một số tờ báo, nhất là các phụ bản, báo mạng thì đưa thông tin không chọn lọc, chưa được kiểm chứng, không chính xác. Những câu chuyện về tiền, tình, tù, tội được một số tờ chí khai thác một cách triệt để, chủ yếu để “câu khách”. Một vụ việc tiêu cực gì đó xảy ra thì các tờ báo loại này tập trung khai thác đậm đặc, liên tục, làm như xã hội không còn gì khác để nói. Từ đó niềm tin vào báo chí phần nào bị giảm sút.
Đó là chưa kể hiện nay trong dư luận có một sự nhầm lẫn rất lớn, nhiều người nghĩ rằng những trang mạng xã hội, những thông tin trên facebook, trên internet là thông tin báo chí. Hiểu thế là hoàn toàn không đúng. Thông tin trôi nổi trên mạng xã hội đôi khi bị lợi dụng, bị bóp méo có chủ ý, có khi vì mục tiêu chính trị, phục vụ mục đích cá nhân. Chúng ta có hẳn một dòng báo chí cách mạng, những tờ báo chính thống. Đây mới là những nguồn thông tin chính thống, tin cậy.
Bên cạnh đó, cần phải khẳng định rằng đa số đội ngũ những người làm báo là tốt, còn một bộ phận nhỏ chưa làm tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, không thực hiện tốt quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nhà báo đưa ra thông tin phải chuẩn xác, mang tính xây dựng. Đó là trách nhiệm đối với xã hội. Còn nghĩa vụ công dân, nhà báo phải thực hiện là tuân thủ pháp luật. Tất cả những thứ đó được thể hiện trong 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo do Hội Nhà báo ban hành từ năm 2005.
- Để phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí. Vậy, với vấn đề này Ông có kiến nghị gì?
ĐBQH Hà Minh Huệ: Theo tôi, hành lang pháp lý của chúng ta cũng tương đối đầy đủ, nhưng trong quá trình phát triển cần phải hoàn thiện hơn nữa. Hiện nay, chúng ta đang đặt ra vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí sao cho phù hợp với tình hình phát triển của một xã hội toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Cần quy định rõ ràng vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí, yêu cầu đối với phóng viên, nhà báo là phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp. Về phía Hội Nhà báo, chúng tôi đang muốn sửa đổi Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, vì 9 điều đã được thông qua từ năm 2005, tuy đầy đủ, nhưng còn chung chung. Bây giờ cần phải đi vào cụ thể hơn, quy định rõ hơn những sự “nên và không nên” khi nhà báo làm nhiệm vụ thông tin.
Về phía các cơ quan báo chí cũng vậy, có nhiều điều cần phải chỉnh sửa cho phù hợp. Báo chí cần được sắp xếp lại, vì số lượng báo chí khá lớn, có rất nhiều tờ báo thì sẽ có sự trùng lặp, chồng chéo. Phải khắc phục tình trạng cái cần thì báo chí đưa ít, các xấu, các tiêu cực thì lại được khai thác nhiều, vì chạy theo thị hiếu, vì bán báo bằng mọi giá.
Theo tôi, để báo chí làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, ba cơ quan được giao trách nhiệm chỉ đạo và quản lý báo chí, gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần phân định rõ và làm tốt phần việc của mình. Ban Tuyên giáo quy định về đường lối, chủ trương, Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng về nội dung, cách thức thông tin và Hội Nhà báo quan tâm hơn tới vấn đề tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, báo chí Việt nam trong gần 90 năm qua luôn đồng hành cùng dân tộc, đã có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước. Còn trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, tuy có một cái gì đó lệch lạc, nhưng về cơ bản đội ngũ báo chí hùng hậu của chúng ta vẫn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ nhân dân. Báo chí của chúng ta đã và đang làm tốt chức trách của mình. Còn những cái gì khiếm khuyết đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ rõ, thì báo chí phải thể hiện quyết tâm, ý chí sửa chữa, khắc phục.
Ở Việt Nam, chỉ có Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp duy nhất của những người làm báo Việt Nam, được pháp luật công nhận và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn Ông!