Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/12/2005 14:22 (GMT+7)

Bàn tay gỗ Óc Eo hay Cử chỉ học thời tiền sử của nhân loại?

Bàn tay gỗ gợi tò mò các nhà nghiên cứu nước ngoài, có người đặt câu hỏi “Tượng thần Vệ nữ Milo thiếu hai cánh tay nuột nà, rất nhiều nhà điêu khắc định gắn thêm nhưng cuối cùng người ta đành để nữ thần Ái tình cụt tay vì như thế hằng triệu người xem sẽ tạo thành triệu bức tượng hoàn mỹ trong trí não họ vẫn tốt hơn; bàn tay gỗ Óc Eo kia là bàn tay của ai? Của vũ nữ cung đình trong điệu múa mê hồn, thôn nữ đang vuốt suối tóc huyền, người cầm ngọn bút lông hay của trang chiến sĩ với thanh gươm đẫm máu?”. Di chỉ Óc Eo mang nét văn hoá Bà La Môn - Phật giáo Nguyên thuỷ (Théravada) nên bàn tay gỗ này là một kiết ấn của pho tượng Phật Thích Ca kiết già thuyết pháp hoặc Chuẩn Đề Thánh Tượng, hay chỉ là một bộ Liên Hoa Tam Muội Gia Ấn trong Bát Bửu Cô Đồ Phật giáo ở một ngôi chùa Phù Nam trước đây hơn 10 thế kỷ. Bàn tay Ấn quyết vạch lối cho hành giả đi vào con đường huyền nhiệm, đó cũng là Cử Chỉ Học của nhân loại hằng nghìn năm trước.

Theo Védesme et Hindouisme Indian(Paris, Royet 1962) thì kinh Veda được viết chậm nhất độ 2.400 năm trước CN gồm 4 tập Rg, Yajur, Sàma và Aharva Veda. Tập Rg cổ nhất bàn về sự tạo lập vũ trụ, tôn giáo, huyền thoại; Yajur và Sàma Veda hướng về nghi thức tế tự gồm: Kinh Tụng (Yajus) Thánh ca (Rc) Nghi lễ (Yajna và Agnicayana) và Phù chú (Mantra). Tất cả nguyên tắc hiến tế - phù chú là phương tiện giúp hành giả đi vào nội tâm và huyền nhiệm vũ trụ hầu nhập vào Thực thể của Sáng tạo.

Học thuyết Vedenta gọi Karma là Hành tác, Phật giáo gọi là Nghiệp báo, nghiêng hẳn về nghi thức. Hiến tế - Nghi lễ - Phù chú gọi chung là Istapurta đã làm nên vũ trũ vì theo Rg Veda tập 10 thì “Hiến tế được căn ra bởi 101 nghi thức thẳng mọi chiều thành những vòng biến dịch liên hoàn, thời gian chuyển dịch trong trật tự tương đối lại vừa có tính tuyệt đối; đó chính là nguyên lý bất biến”. Hiến tế cho Thần và dâng cúng cho Tế sư, do vậy hiến tế là nguyên nhân duy nhất cho hạnh phúc mai sau và ngay đời này. Giai cấp Bà La Môn độc quyền về Nghi Lễ - Phù Chú - Ấn Quyết có quyền thông linh với Thần Thánh nên chiếm địa vị thượng tôn trong xã hội, từ đó có giáo đoàn khác chống đối, tư tưởng Phật giáo nảy nở trong hoàn cảnh này nên còn hệ tư tưởng Veda – Upanishad. Kinh điển Phật giáo Nguyên Thuỷ, Đại Chúng Bộ còn đầy Đà La Ni (Dharani) hay Đái Trí tạng (Vidyâdharapitaka) để hỗ trợ Thiền định. Trung bộ Kinh ghi chuyện Đức Phật khuyên Ưng Quát Ma (Angulimâla) dùng chú thuật trị bệnh cho phụ nữ truỵ thai, trong Duy Ma Kinh ghi chuyện Đức Phật trao ấn quyết cho người đi cứu A Nan bị lũ quỉ giam cầm.

Kiết Ấn (Mudrâ) theo Phật Học có nghĩa là phù hiệu, cử chỉ, cách đứng ngồi có ý nghĩa về Đạo lý, là dấu hiệu của ý định đã quyết. Bàn tay mặt biểu hiện cõi Phật, bàn tay trái cõi Người, ngón cái biểu thị Vũ trụ, ngón Trỏ là Phong, ngón Giữa là Hoả, Áp út là Thuỷ và Út là Thổ. Ấn Quyết có Thần Ấn để nhập vào Phật trí, Phục Ma Ấn dùng trừ tà, Tâm Ấn là sự chứng đạo qua tâm thức. Tổng tắt, tất cả cử chỉ đứng ngồi, vẻ mặt, dấu bàn tay của tất cả những tượng cốt chư Phật, Bồ Tát trong chùa đều là Ấn vì có sức cảm hoá, là biểu thị ý nghĩa đạo lý. Phật học nghi Ngũ Phật Kiết Ma Ấn gồm: Tri Quyền Ấn của Phật Đại Nhựt Xúc địa Ấn của Phật A Súc, Thí Nguyện Ấn của Phật Bửu Sanh, Tam Ma Địa Ấn của Phật A Di Đà, Kiết Ma Ấn của Phật Bất Không Thành Tựu.

Mật tông là Phật giáo nguyên thuỷ còn đậm nét Bà La Môn, dùng Phù Chú - Ấn Quyết trợ lực để nhập vào Pháp Giới Tánh, tông phái này thờ Đại Nhựt Như Lai (Vairacana Bouddha: Tỳ Lô Giá Na) làm Giáo chủ, Bồ Tát Kim Cang (Vajra Bodhisattva) kế thừa truyền cho Long Thọ (Nagarjuna) Long Trí (Nâgabodhi) Thiện Vô Uý (Subhakara) Kim Cang Trí (Vajrabodhi). Đầu nhà Đường, Thiện Vô Uý và Kim Cang Trí sang Trung Hoa truyền giáo nghĩa cho Nhất Hạnh Thiền sư từ đó phát triển Mật tông (Tantrisme) thành nhiều phái ở Trung Quốc nhưng đều theo các bộ Đại Nhựt Kinh (Mahavairocanablisambodhi), Kim Cang Đỉnh (Vajra Kesekhara), Vô Tất Địa, Du Ký và Yếu Lược làm gốc. Mật Tông chấp nhận Thích Can có Báo thân và Ứng thân nên có hình tướng thuộc Hiển giáo; Tỳ Lô Giá Na là Pháp Thân tức Pháp Giới Thanh Tịnh của các Đức Như Lai thuộc Mật giáo. Giáo lý Mật giáo cho rằng Lục đại là chơn thể của vũ trụ: Địa - Thuỷ - Hoả - Phong – Không và Thức Đại dung thông thâu nhiếp nhau trên ba phương tiện Thể - Tướng sinh ra Thức Đại dung thông thâu nhiếp nhau trên ba phương tiện Thể - Tướng - Dụng sinh ra các Pháp (Vạn hữu). Muốn chứng ngộ Pháp Tánh, nhập vào Chơn Như, phải quán sát Sự tướng trong bốn Mạn Đà La (Rộng lớn không lường): Đại Mạn Đà La (Sắc tướng hình thể muôn Pháp của vũ trụ) Tam Muội Đà La (Đặc tính của mỗi Pháp) – Pháp Mạn Đà La (Âm thanh - lời nói - cử chỉ, hình ảnh, ký hiệu trong vũ trụ) và Yết Ma Mạn Đà La (Động tác, cử chỉ oai nghi chư Phật - Bồ tát dùng độ chúng sinh). Phương pháp thực hành gồm hai phương diện: Sự Tướng là thực hành Niệm Chú, Kiết Ấn, Cúng dường, Lập đàn và Giáo Tướng tức tham cứu tất cả nghĩa lý huyền nhiệm mà Phật và Bồ tát đã rút ra từ Sự Tướng dạy hành giả. Ngoài ra còn phải chuyên chú vào Tam mật: Thân - Khẩu – Ý. Tay bắt Ấn thì tịnh được Thân nghiệp, miệng niệm Chơn ngôn tịch được Khẩu nghiệp, Trí quán tưởng Đức Đại Nhựt Như Lai dẹp vọng tưởng Ý nghiệp được thanh tịnh; được như thế thì “tức thân thành Phật”.

Biết rằng trước khi Phật giáo từ Ấn truyền sang, Tây Tạng có rất nhiều giáo phái bản địa mà theo nhà Tây Tạng Học Bà Alexandra David Neel ghi nhận gồm có: phái Rolang luyện cách dẫn xác chết đi đứng như người sống; Bon Pa gọi linh hồn người chết nhập xác đồng, nhập vào cây đá; Ngagspa sai khiến âm binh, quỉ dữ; Dzoschen ăn xác chết để hấp thu tinh lực đạt trường sinh; Naljorpa thờ xác các vị chân tu luyện phép nhìn xuyên thời gian, không gian, du hành trong vũ trụ. Tất cả những môn phái, lễ tục huyền bí nêu trên được Tây Tạng hoà trộn vào Mật tông của Phật giáo nguyên thủy từ hơn ngàn năm trước. Do đó, tu sĩ Phật giáo Tây tạng ngày nay còn là phù thuỷ, thầy pháp mà nổi bật nhất là chuyện tái sinh của Đức Đạt Lai và Ban Thiền Lạt Ma cả thế giới đều biết.

Ở Trung Quốc, Lão giáo biến dịch hoà quyện với ma thuật gây nhiều biến động lịch sử như Hoàng Cần Ngũ Mễ đời Hán, Minh Giáo (Toàn Chân Giáo) đời Minh, Bạch Liên Giáo đời Thanh. Phật giáo Nguyên thuỷ từ Ấn Độ truyền sang đâm chồi nẩy lộc ngay trênh mảnh đất ma thuật Thần tiên phái Hoàng Lão, ngoài ra còn đón nhận thêm ảnh hưởng Mật tông Tây Tạng nên Mật Tông Trung Hoa ở giữa tôn giáo và ma thuật. Tuy vậy, Ấn quyết trong Mật Tông TH chính truyền trong Kinh Chuẩn Để Đà La Nigồm có: Phật Bộ Tam Muội Gia Ấn (Buđhasramana mudrâ) – Liên Hoa Bộ Tam Muội Gia Ân (Padma Samadhi Mudrâ) Kim Cang Bộ Tam Muội Gia Ấn (Vajra Samadhi Mudrâ) Hư Không Tạng Ấn (Akasa Garbha Mudrâ) Thân Cúng Dường Ấn (Namakara Mudrâ) Vi Khiển Ấn (Ksepana Mudrâ). Ngoài ra còn có các Thứ Kiết Ấn khác như là Bảo Xa Lộ Ấn, Thỉnh Xa Lộ Ấn, Tường Giới Ấn, Thượng Phương Võng Giới Ấn. Hoả Viện Mật Phùng Ấn, Ứ Già Ấn, Liên Hoà Toà Ấn, Tháo Dục Ấn, Đồ Hương Ấn, Hoa Ấn, Thiêu Hương Ấn, Ẩm Thực Ấn, Kiết Đăng Ấn. Bàn tay Gỗ Óc Eo của Viện Bảo tàng Cần Thơ chính là Liên Hoa Bộ Tam Muội Gia Ấn.

Liên Hoa Bộ Tam Muội Gia Ấn (Padma Samadhi Mudrà) theo Chuẩn Đề Đà La Ni Kinhcó hình dạng: - Bàn tay phải buông thả mở ra hai phần: 1/ Ngón Cái và Trỏ co lại như cầm nhẹ nhàng một cánh hoa; 2/Ba ngón Giữa, Áp út và Út hơi cong như những cánh hoa sen đang nở; tập trung tâm thức vào Quán Tự Bồ Tát; niệm chơn ngôn 7 biến: “Úm, Phá na mô nạp bà, phạ giả ta phạ, hạ” (Từ Pali cổ được các nhà tu TH phiên âm sau đó được âm lại một lần nữa bằng từ Nôm Việt Nam: đại lược có nghĩa: Cử chỉ và âm thanh trang nghiêm thâu nhiếp nhau); từ đó đắc được Ngữ nghiệm thanh tịnh, lời nói oai nghiêm khiến người ưa nghe, biện tài vô ngại thấm vào tâm thức mọi người, thuyết pháp tự tại.

Đến nay chưa có tài liệu xác định thời gian Mật tông truyền vào Việt Nam, hiện ở Bình Dương có Chùa Tây Tạng, một cảnh chùa của sư Viên Đức ở quận 2, TP.HCM, và chùa Hoa Nghiêm Gia Định nghiên cứu sâu Mật tông. Sư Viên Đức dịch nhiều sách về Chẩn Đề và Đà La Ni, sư Tùng Chi đang hành pháp này khá nổi tiếng trong giới. Ở miền Bắc có nhiều chùa theo Mật tông nhưng chưa được khảo sát đầy đủ.

Ấn quyết là sự cô đọng những vũ điệu thông linh ấy trong tôn giáo; cụ thể như là Kiết Ấn Phật giáo các Dấu Thánh Rửa tội, Mình Thánh Chúa, Thêm Sức, Giải Tội, Hôn Phối, Xức Dấu Thánh và Truyền Chức Thánh của Công giáo. Cử chỉ thân xác còn đi xa và tích cực hơn trong võ thuật chiến đấu, nghi thức lễ phong vua chúa thời Trung cổ Châu Âu, nghệ thuật trong múa hát.

Hậu bán thế kỷ 20 người ta nghiên cứu sâu rộng về Ngữ - Bất – Ngôn (Non – verbalist) còn gọi là Cử Chỉ Học, năm 1970 Julius xuất bản sách nghiên cứu về Ngôn Ngữ Thân Thểsau đó là Allan Pease, Albert Mehrabian. Từ thập niên 1930, tài tử phin câm Charlie Chaplin đã tiên phong trong kỹ xảo thông tin không lời chỉ bằng bước đi, ánh mắt, bàn và ngón tay, nhịp chân… nhưng phải nói tác phẩm Sự diễn cảm nơi người và vậtcủa Charles Darwin năm 1872 là công trình đầu tiên nghiên cứu về ngôn ngữ thân thể của động vật.

Nguồn gốc các điệu bộ vẫn còn ghi lại ở động vật hoang dã, ví như khi hay hổ báo nhe răng vểnh môi là hành động đe doạ tấn công ngày nay con người sử dụng nhe răng hay nhếch môi khi chế nhạo. Con thú nằm mọp giống như người quì lạy biểu lộ tôn kính – tuân phục, người nắm chặt tay tỏ vẻ cương quyết hay giận dữ; chỉ một ngón lên trời là xác định mình, về hướng nào là ấn định; vẫy lại là gọi người khác đến gần; nghéo tay là cam kết v.v… Cử chỉ học khác nhau giữa các dân tộc và nền văn hoá nhưng phải nói ngôn ngữ thân xác tập trung nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay và cánh tay; ba đơn vị này kết hợp với mặt, thân mình, chân tạo ra nhiều thông điệp. Cử Chỉ Học ngày nay còn đi xa hơn khi kết hợp với không gian, khoảng cách và hoàn cảnh giao tiếp, địa vị xã hội người nói-người nghe, vật phục thuộc như gậy, thước, bố trí chiều cao bàn ghế, cường độ và hướng chiếu của ánh sáng đơn hay đa sắc cho người nói trong cuộc giao tiếp… đều tăng giá trị cho ngôn ngữ không lời.

Nguồn: Xưa và nay, số 222, tháng 10/2004, trang 33-35

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.