Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 27/07/2006 00:11 (GMT+7)

Bài học vỡ lòng chưa được học

Tư tưởng chủ đạo là: mọi công dân đều được tự do làm những gì mình thích và, trong điều kiện cùng sống trong ngôi nhà chung là xã hội dân sự, việc thực hiện tự do của một người đồng nghĩa với việc hạn chế tự do của mọi người. Một người chỉ có thể vượt ngã tư một cách an toàn nếu tất cả những người đang di chuyển theo hướng vuông góc với người đó tạm dừng lại để nhường đường. Việc một người hưởng tự do trong khi những người khác bị hạn chế tự do tạo ra một tình trạng mà, thoạt trông, có vẻ không bình đẳng. Tuy nhiên, chính tình trạng bất bình đẳng ấy lại là biểu hiện bề ngoài của sự bình đẳng bên trong theo nghĩa rộng nhất. Một người có quyền vượt ngã tư khi đèn xanh, bởi khi đèn đỏ, chính người này phải dừng lại để nhường quyền vượt ngã tư cho người khác. Bởi vậy, người ta nói rằng quyền là biểu hiện của sự “bất bình đẳng chính đáng”.

Sinh ra trong lòng xã hội dân sự, quyền có khả năng tồn tại ngay cả trong trường hợp không được nâng lên thành luật. Chẳng hạn, luật pháp thường không (đúng ra là không bao giờ) quy định rằng nếu cùng một lúc nhiều người có ý định mua bánh mì ở cùng một cửa hàng bánh mì, thì người đến trước được quyền mua trước; thế nhưng, một cách tự giác, mọi người đến sau đều tôn trọng quyền của người đến trước và tự động xếp hàng để chờ đến lượt mình. Thói quen xếp hàng là biểu hiện của ý thức xã hội về thực hiện quyền và ý thức đó nuôi dưỡng quyền mà không cần sự hỗ trợ của pháp luật.          

Đạo đức xã hội và pháp luật không cho phép một người thực hiện một quyền không phải của mình. Người vượt ngã tư khi đèn đỏ bị coi như đã có hành vi chiếm đoạt quyền sử dụng đèn xanh của người khác và hành vi này có thể được phân tích thành một vụ ăn cắp, thậm chí thành một vụ ăn cướp trong trường hợp hành vi mang tính chất công khai giành đường và được thực hiện với thái độ đe dọa, sừng sộ chống lại những ai phản đối.

Được phân phối cho mọi công dân, không phân biệt địa vị, giai cấp, sang hèn, trình độ học vấn..., quyền trong xã hội dân sự, về bản chất, đối lập với đặc quyền. Người có đặc quyền được phép thụ hưởng lợi ích trước người khác, dù xét theo các tiêu chí thông thường, thì việc hưởng trước đó là không có căn cứ. Việc thừa nhận các đặc quyền được lý giải bằng sự cần thiết của việc bảo vệ một lợi ích chính đáng lớn hơn trong điều kiện giữa các lợi ích chính đáng có sự xung đột. Ví dụ, trong trường hợp cần chữa cháy khẩn cấp, xe cứu hỏa có thể vượt ngã tư khi đèn đỏ. Trong một xã hội có tổ chức, quyền là giải pháp nguyên tắc, còn đặc quyền là các ngoại lệ. Việc xác lập và thực hiện đặc quyền được chi phối bằng các quy tắc chặt chẽ để ngăn ngừa sự lạm dụng. Các quy tắc ấy phải do cơ quan lập pháp ban hành và phải vạch ra một lộ trình cho việc thừa nhận một đặc quyền nào đó, dựa vào việc xác định lợi ích được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở sự đánh giá minh bạch và công khai. Việc thực hiện đặc quyền luôn được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của nhân dân, một cách trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại diện dân cử.

   

Quyền cũng hình thành và phát triển trong xã hội dân sự ViệtNam. Song, có vẻ như quá trình nhận thức về quyền đi theo con đường ngược so với nhiều nước khác. Quyền xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta dưới hình thức một khái niệm pháp lý chứ không phải một hiện tượng xã hội. Được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp dưới tên gọi các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền được cụ thể hóa trong các văn bản luật thành các quyền trong các lĩnh vực, chủ yếu là trong lĩnh vực dân sự. Các quy định pháp lý về quyền sau đó được giới thiệu cho nhân dân thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm “đưa pháp luật vào cuộc sống”.

Vấn đề là: do được tiếp nhận như một giá trị ngoại lai đối với hệ thống quan hệ xã hội, quyền trong xã hội dân sự ở ViệtNam, ít nhất cho đến bây giờ, không có khả năng tồn tại như một quan hệ xã hội thuần túy mà không cần sự can thiệp của pháp luật. Người ta có thể dừng lại trước đèn đỏ, khi có công an đứng cạnh đó; nhưng nếu cùng một lúc có nhiều người muốn mua vé xem hát, thì hầu như tất cả mọi người sẽ tìm cách vượt lên để được mua vé trước. Nói cách khác, ở ViệtNamchưa có các quyền tồn tại được chỉ nhờ ý thức xã hội. Việc tranh giành hưởng trước các quyền gắn với lợi ích vật chất còn được lý giải bởi tâm trạng lo âu trước tình trạng khan hiếm, cầu lớn hơn cung kéo dài suốt thời kỳ kinh tế bao cấp: nếu không tìm cách vượt lên để hưởng, thì cuối cùng sẽ chẳng còn gì để mà hưởng.

Cũng vì ý thức xã hội về quyền còn rất nhạt nhòa mà việc tranh giành để hưởng quyền thường không bị lương tâm (của đương sự) phán xét dựa trên nhận thức về tình trạng bất bình đẳng chính đáng. Trong đa số các trường hợp, người vượt đèn đỏ ở Việt Nam không ở trong tâm trạng của một kẻ ăn cắp hoặc ăn cướp, mà của một người đang vội vàng với những ý định của riêng mình và cảm thấy việc phải dừng lại trước đèn đỏ là điều gò bó, bất tiện. Người không xếp hàng trước quầy bán vé thường tin tưởng một cách hồn nhiên rằng trong điều kiện quầy bán vé rộng mở, người bán vé luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mua vé của bất kỳ ai tiếp cận được với mình. Thậm chí có những người đã “thấm nhuần” nếp sống hoang sơ và không hề có ý thức gì về mối quan hệ nhân quả giữa tự do của một người và hạn chế tự do của mọi người: khi vô tư chen ngang vào dòng người đang xếp hàng hoặc đi ngược chiều quy định trong đường một chiều, họ không nghĩ rằng mình đang ăn cắp lượt của người khác hay chiếm đoạt đường đi của người khác.

Bên cạnh quyền, pháp luật nước ta cũng thừa nhận các đặc quyền. Nhưng, việc thiết lập các đặc quyền cho đến nay chưa được đặt trong một cơ chế phân phối minh bạch và công bằng. Không ít quan chức, nhờ sự lỏng lẻo của cơ chế, đã thiết lập trót lọt cho mình quyền qua phà, qua cầu mà không cần xếp hàng; quyền băng qua các giao lộ mà không cần biết đèn tín hiệu đang xanh hay đỏ, quyền nhận các lô đất “đẹp” với giá rẻ mà không phải qua đấu giá... Điều đáng lo nữa là hiện rất phổ biến suy nghĩ theo đó, quyền (được hiểu là các quyền thông thường) là những thứ tầm thường và dành cho người dân thường; còn người có trọng trách, có địa vị thì phải được “trang bị” các đặc quyền thể hiện ưu thế của mình trong quan hệ với mọi người.

Trong một xã hội lành mạnh, công dân luôn được dạy dỗ từ tấm bé để có ý thức đúng đắn về tự do cá nhân, về mối quan hệ giữa thực hiện tự do của một người và tôn trọng tự do của người khác. Ý thức xã hội đúng đắn về tự do cá nhân, đến lượt mình, là tiền đề của ý thức tự giác về thực hiện quyền và tôn trọng quyền trong quan hệ xã hội.

Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền trong điều kiện công dân chưa được học các bài học vỡ lòng về bản chất xã hội của tự do cá nhân (bởi đơn giản là không có ai dạy). Do vậy, không nên ngạc nhiên trước tình trạng phổ biến của việc vô tư chiếm đoạt quyền của người khác, cũng như trước sự hoành hành của tệ nạn lạm dụng đặc quyền trong cuộc sống hàng ngày.    

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn25/5/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.