Bắc Giang: Tăng hiệu quả lò đốt rác tự chế
Do kết cấu đơn giản, nhỏ gọn nên có thể xây ở góc vườn hay những vị trí ít ảnh hưởng đến không gian chung của thôn xóm hoặc khuôn viên gia đình. Một lò có thể xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày của một hoặc nhóm hộ. Rác đưa vào lò đốt cháy kiệt kể cả những thứ khó phân huỷ.
Những lò đốt như vậy đã giúp các hộ chủ động xử lý rác, làm sạch không gian từng gia đình và góp phần giữ gìn vệ sinh chung trong thôn xóm, khắc phục được tình trạng xả rác tràn lan như thường thấy hiện nay ở nhiều vùng nông thôn. Tuy vậy, một số ý kiến lại cho rằng không nên khuyến khích nhân rộng loại lò này vì có thể làm phát thải khí độc hại.
Vệ sinh môi trường là một tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã vì cần nguồn lực lớn và mặt bằng để xây bãi rác tập trung. Một số nơi có bãi rác tập trung và tổ vệ sinh môi trường cũng vẫn chưa thu gom được triệt để vì thiếu kinh phí duy trì. Để xây dựng một lò đốt rác có ứng dụng công nghệ ở nông thôn hiện nay rất tốn kém, thường lên đến vài tỷ đồng/lò và một lò như vậy cũng chỉ có thể giải quyết rác thải cho một hoặc vài ba xã.
Trong khi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới đang gặp khó khăn thì việc tìm ra những giải pháp ít tốn kém, mang lại hiệu quả và dễ áp dụng trên diện rộng là rất cần thiết. Các cơ quan chuyên môn liên quan như nông nghiệp, tài nguyên – môi trường, khoa học – công nghệ nên phối hợp tổ chức khảo sát, quan trắc để có cơ sở khoa học đánh giá ưu điểm, hạn chế của loại lò này. Tìm kiếm, hỗ trợ người dân các giải pháp kỹ thuật để khắc phục những mặt hạn chế, khuyến cáo sử dụng lò an toàn, bảo đảm mỹ quan, tăng hiệu quả sử dụng.
Theo ước tính của ngành tài nguyên - môi trường, hiện nay mỗi ngày bình quân một hộ dân nông thôn có lượng rác thải sinh hoạt dưới 1 kg. Với địa bàn nông thôn, nhất là ở những nơi đất rộng, dân cư thưa, việc tự phân loại, xử lý rác tại nguồn là giải pháp phù hợp điều kiện thực tế hơn cả.