Bắc Giang: Đề án phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử
Ngày 8/9/2022, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học tư vấn, phản biện “Đề án Phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, giai đoạn 2022-2030”.
Đề án phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử giai đoạn 2022-2030 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành. Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển du lịch trên con đường Hoằng Dương Phật Pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại tỉnh Bắc Giang, phụng dựng các điểm di tích, tái hiện con đường theo dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông, con đường bộ hành tâm linh độc đáo nhất tại Việt Nam, kết nối các điểm du lịch tâm linh lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và Thiền phái Trúc Lâm, trở thành điểm sáng của du lịch Bắc Giang và lan toả ra cả nước. Làm rõ giá trị di sản nổi bật của vùng đất Tây Yên Tử Bắc Giang, tôn vinh giá trị di sản Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và di tích, danh thắng Tây Yên Tử, là chốn tổ, nơi phát tích và phát triển hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là địa bàn kết nối kinh đô Thăng Long với non thiêng Yên Tử.
Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng phản biện đã nhận xét, đánh giá: phạm vi nghiên cứu, mục tiêu của Đề án chưa được xác định rõ; tên Đề án không thống nhất với nội dung; Đề án còn thiếu cơ sở khoa học, tính thuyết phục chưa cao; việc kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có, các quy hoạch có liên quan và khai thác yếu tố văn hóa chưa quan tâm đúng mức; các giải pháp thiếu cụ thể, tính khả thi thấp. Đồng thời, đã đưa ra nhiều ý kiến tư vấn, phản biện góp ý cho Đề án như: Cần thống nhất phạm vi, vấn đề cần giải quyết để xây dựng nội dung của Đề án cho sát thực; xem xét lại việc đặt tên của Đề án cho phù hợp với nội dung; thuyết trình các luận điểm bảo đảm tính thuyết phục; quan điểm phát triển phải phù hợp với quy hoạch phát triển KHXH; gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; huy động nguồn lực xã hội hóa và giải quyết việc làm; nội dung quy hoạch cụ thể cho con đường để xác định được quỹ đất của từng dự án; các điểm chính của tuyến đường cần đầu tư; xây dựng thành 03 tuyến chính: 02 tuyến bộ hành và 01 tuyến thủy hành; chú trọng yếu tố văn hóa da dạng, độc đáo của Bắc Giang để khai thác; các giải pháp phải cụ thể, gắn với phục dựng và phát triển du lịch văn hóa tâm linh của con đường; quan tâm đến giải pháp về truyền thông, xây dựng cốt truyện “thổi hồn” cho con đường; giải pháp về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Phát biểu tại Hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng Đề án cần có sự nghiên cứu tổng thể cả thời Lý - Trần, quan tâm đến cơ sở khoa học và phù hợp với quy hoạch, kết quả nghiên cứu đã có; liên kết toàn bộ con đường với Hải Dương và Quảng Ninh; phải có sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, phật giáo có liên quan; việc phát triển phải đi đôi với bảo tồn; chú trọng khai thác tuyến đường sông, gắn kết với các lễ hội, tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo. Đề án cần bổ sung yếu tố tác động đến môi trường và tác động xã hội khi triển khai Đề án.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Quang Hải, Chủ tịch Liên hiệp hội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, phản biện đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Đề án, bảo đảm chất lượng trình UBND tỉnh ban hành để tổ chức thực hiện.