Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Đông Dương
Một gánh nặng quá lớn đối với Pháp
Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chính thức đã tốn cho nước Pháp từ 1.800 tỉ franc (1953), chiếm 60% toàn bộ chi phí ảnh hưởng trước hết là đối với ngân sách. Tuy nhiên không phải dễ tính toán, ngân sách Đông Dương được chia cho nhiều bộ: Bộ Pháp quốc hải ngoại trước tiên, rồi đến các quốc gia liên hiệp, rồi cuối cùng là Bộ Quốc phòng. Đấy chủ yếu là ngân sách duy trì quân đội từ 50.000 lên đến 180.000 người, ngoài ra còn có rất nhiều lực lượng bổ sung. Như vậy Đông Dương đã ngốn một phần lớn ngân sách quốc phòng, chiếm 45% năm 1950.
Số chi phí cho chiến tranh còn lại do Mỹ đảm bảo. Từ 1950, viện trợ của Mỹ đối với Pháp là nhằm đối lại với sự trợ giúp của Trung Quốc cho Việt Minh, đã trở thành một nước Cộng sản từ năm 1949. Thất bại quân sự ở Cao Bằng, Lạng Sơn cho thấy cuộc chiến tranh này đã vượt quá khả năng của Pháp. Trong cuộc tranh luận ở Quốc hội ngày 19 – 10 – 1950, Pierre Mendès France đề nghị đàm phán trực tiếp với đối phương, hoặc là tăng gấp ba nỗ lực chiến tranh. Nhưng các Quốc gia liên hiệp đã được thành lập từ 1949, và những chuyến tàu đầu tiên của Mỹ đã đổ phương tiện quân sự xuống - việc phát động chiến tranh Triều Tiên tháng 6 – 1950 đã gạt hết mọi dè dặt của Washington. Viện trợ Mỹ gồm ba hình thức: quân sự, khí tài gửi đến trong khuôn khổ PAM; dân sự, đối với các Quốc gia liên hiệp Đông Dương; cuối cùng là tài chính, cao nhất, kể từ 1952. Viện trợ của Mỹ vượt quá phần của Pháp trong chi phí chiến tranh kể từ năm 1953, năm chiến tranh cuối cùng Mỹ đã bảo đảm 80% chi phí.
Cái giá của chiến tranh trở nên một điều tồi tệ đối với nước Pháp, trong bối cảnh đất nước đang phải xây dựng lại. Đảng Cộng sản Pháp đã thường xuyên tố cáo trong bước ngoặt của năm 1950. Cuộc tấn công hoà bình của cộng sản còn rộng lớn hơn chống lại chạy đua vũ trang: một pháo đài bay ngang với 125 ngôi nhà, một chiến hạm ngang với xây dựng một thành phố 100.000 dân… Đấy là chưa kể đến thiệt hại về con người.
Tính chất tồi tệ của chi phí chiến tranh còn ở chỗ phát hiện “các vụ buôn bạc”. Từ 1945, đồng bạc Đông Dương được chuyển đổi chính thức 17 franc, nhưng trên thực tế chỉ có giá trị 8 hay 10 franc. Chênh lệch đó khiến cho việc chuyển đổi hợp pháp trở nên rất có lợi, ai cũng có phần. Những vụ chuyển tiền đã bảo đảm phần chủ yếu mà Kho bạc phải chi cho Đông Dương để duy trì chiến tranh. Vào lúc mà Jacques Despuech và một số người khác tố giác tình trạng đó, năm 1952, các vụ chuyển tiền - tức buôn bạc – đã lên đến khoảng 100 tỉ franc. Sự phá giá của đồng bạc Đông Dương tháng 5 – 1953, đã chấm dứt tình trạng đó.
Đánh giá toàn bộ kinh tế và tài chính của cuộc chiến đối với nước Pháp như thế nào. Chi phí chiến tranh không làm nước Pháp phá sản. Dù tình hình có tiêu cực, nó vẫn nằm trong cơn lốc chi tiêu, chủ yếu cho việc xây dựng lại, đặc điểm của thời đó, những khoản chi phần lớn được kế hoạch Marshall tài trợ.
Hiệu quả lạm phát của những chi phí cho Đông Dương, lúc chiến sự sôi động nhất đã chiếm 10% ngân sách quốc gia, là không thể chối cãi, nhưng khó mà đánh giá chính xác. Các lý do lạm phát ở Pháp có rất nhiều chứ không phải cho do riêng cuộc chiến tranh xảy ra ở nơi tận cùng của trái đất đó. Tuy nhiên phải ghi nhận rằng, tuy không nhất thiết tạo nên hậu quả máy móc, từ 1948 đến 1950, khi ngân sách quân sự Đông Dương lên cao nhất, đồng franc đã bị phá giá hàng loạt theo dây chuyền.
Ngược lại, chiến tranh Đông Dương không phải không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Pháp. Tuy chỉ là giả thuyết, nhưng nước Pháp đã bị chậm chân trong việc chuyển sang giai đoạn được gọi là bộc phát sau năm 1950. Phần lớn việc xây dựng đã được thực hiện, nhưng sự tăng trưởng có vẻ như đã đến lúc, lại tụt giảm từ 1952 sang 1953, bị đình trệ xung quanh 3%. Từ 1954 sự tăng trưởng của GDP, tăng gấp đôi so với năm 1953, đã khởi động lại một cách khó khăn, trong khi nước Pháp trên thực tế đã ra khỏi cuộc xung đột từ năm 1953. Như vậy chiến tranh Đông Dương đã làm sự phát triển của nước Pháp chậm lại, nhưng không phải là lâu dài.
Cuộc chiến tranh không phải không tác động, trên mức độ “kinh tế vi mô” đối với các doanh nghiệp Pháp. Chủ nghĩa tư bản thuộc địa đã bị lung lay từ cú sốc năm 1945, không còn sống sót nữa, trừ Ngân hàng Đông Dương. Có lẽ ngân hàng này đã mất độc quyền phát hành giấy bạc, nhưng chiến tranh đã đem lại cho nó những phi vụ tốt. Có vị trí tốt để nhìn về tương lai, nó đã biết chuẩn bị cho mình bằng cách chuyển một phần lớn cổ phiếu và từng bước chuyển đổi sang ngân hàng kinh doanh. Trong lúc đó, những doanh nghiệp khác, đã đầu tư ở Pháp vào khu vực giao thông, lại biết kiếm lợi trong tình hình đó. Công ty hàng không Air Azur của Sylvain Floirat, thành lập Europe 1 vào tháng 1 – 1955, cũng phất lên trong việc vận tải quân sự. Sự đánh giá chung có lẽ còn đang phải bàn thêm, nhưng cuối cùng nó đã diễn ra bằng việc chu chuyển tư bản chứ không phải bằng phá sản. Nhưng có lẽ sự tổng kết nửa vời đó còn gắn với sự việc Hoa Kỳ từ rất sớm, đã tiếp nối những nỗ lực quân sự và tài chính của Pháp ở Đông Dương.
Sự tiếp nối của Mỹ
Sự dính líu của Mỹ vào chiến tranh bắt đầu từ 1950, tạo thành yếu tố liên tục của hai cuộc chiến ở Đông Dương, nhưng sự tham gia vào cuộc chiến tranh thứ nhất chưa đè nặng lên bản thân nước Mỹ. Chi phí sẽ nặng nề hơn trong giai đoạn sau, chủ yếu từ 1965 đến 1972. Riêng chiến tranh Việt Nam đã tốn kém gấp ba lần hơn chiến tranh Đông Dương trước 1954. Việc đánh giá tuy vậy vẫn chưa chắc chắn. Với chi phí ngân sách 173 tỉ đôla còn thêm chi phí “ăn theo” khoảng 250 tỉ và chi phí kinh tế gần 100 tỉ, có thể ước tính tối thiểu là 515 tỉ đôla. Có người ước tính đến 900 tỉ.
Chính chi tiêu cho binh sĩ là tốn kém nhất đối với chính phủ Mỹ, cũng như cho chính phủ Pháp trước đó. Lầu Năm góc đã làm con tính: một người lính chi tốn 25.000 đôla một năm, và Mỹ đã duy trì tại chỗ đến 500.000 quân và còn hơn nữa. Một quả bom nặng 3.000 bảng trị giá 85.000franc, mà Mỹ thả vô tội vạ xuống Việt Nam. Ở miền Nam, chiến tranh đã trở thành lãng phí ghê ghớm: một công trình nghiên cứu dự tính rằng lực lượng Mỹ phải sử dụng 27.000 viên đạn mới tiêu diệt được một Việt cộng.
Giống như Pháp trước đây, tác động tài chính của chiến tranh trước hết là ngân sách. Mỗi năm, chính phủ của tổng thống Johnson phải được Quốc hội chuẩn chi ngân sách ngày càng cao, nhanh chóng đạt tới rồi vượt 10% ngân sách toàn liên bang: 10 tỉ đôla năm 1966 trong ngân sách chung 113 tỉ, ngân sách quân sự để can thiệp vào Việt Nam lến đến 26 tỉ năm 1968 trong ngân sách chung 186 tỉ. Tổng ngân sách Việt Nam vẫn thấp hơn ngân sách cho chiến tranh Triều Tiên, nhưng nó làm phình ngân sách quân sự vốn đã nặng do cuộc chạy đua vũ trang, lên đến 75 và gần 80 tỉ đôla năm 1967 và 1968. Con số đó chỉ bị vượt qua vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1944 và 1945.
Gánh nặng ngân sách chiến tranh tuy vậy chỉ là tương đối. So với các chương trình lớn của Mỹ lúc đó thì chưa phải là lúc phải tiết kiệm. Về quân sự thì có: vấn đế “tên lửa gap”, chạy đua về vũ khí hạt nhân, vũ khí chiến lược, hệ thống chống tên lửa ABM. Chương trình vũ trụ Apollo dự tính lên mặt trăng vào cuối những năm 1960 đã chi tốn từ 5 đến 6 tỉ đôla và còn bị gặm nhắm vài trăm triệu cho Việt Nam.
Nhìn từ góc độ đó, chiến tranh Việt Nam cũng giống như việc chi tiêu các khoản khác, tất nhiên là tốn kém, nhưng nằm trong một chương trình tổng quát mà mục tiêu chính là chiếm vị trí dẫn đầu để đối chọi với Liên Xô. (…)
Hậu quả rõ rệt nhất của chiến tranh Việt Nam ở Mỹ thuộc về vấn đề kinh tế - xã hội: đó là việc thực hiện đường lối “xã hội lớn”, một tham vọng lớn của chính phủ đảng Dân chủ của tổng thống Johnson. Ba mươi triệu người nghèo cần được quan tâm, phải làm cho họ có thu nhập, việc làm, nhà ở, chăm sóc y tế, trường học cho trẻ con… Nhưng trong diễn văn năm 1966, Johnson đã cho biết chiến tranh Việt Nam đòi hỏi phải có một số “hy sinh”. (…) Nhiều chương trình của “xã hội lớn” phải chậm lại thậm chí bị huỷ bỏ. Vì người nghèo phần lớn thuộc các nhóm thiểu số về chủng tộc, đặc biệt là người da đen, nên có người cho đấy là nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo loạn trong các khu da đen ở nước Mỹ hùng mạnh. Rõ ràng không có sự bùng phát kinh tế do chiến tranh Việt Nam như đã từng có sự bùng phát kinh tế trong chiến tranh Triều Tiên.
Giống như ở Pháp, cũng có những khía cạnh kinh tế “tích cực” của chiến tranh Việt Nam. Nhìn chung, chi phí chiến tranh đưa đến nhu cầu lớn, tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp trên mức độ “kinh tế vi mô”: sản xuất vũ khí, thiết bị hàng không, hoá chất… Khi 8 công ty Mỹ chia nhau 57 triệu đôla để sản xuất hoá chất diệt cỏ thì họ không còn phản đối sự can thiệp của chính phủ ở Việt Nam. Nhưng sự tính toán lời lãi chiến tranh đó còn rất cục bộ. Dù sao, mặc dầu – hay nhờ vào - chiến tranh Việt Nam, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã tăng một phần ba trong nhiệm kỳ của chính phủ đảng Dân chủ những năm 1960.
Riêng đối với các chương trình quân sự thì không phải là không có ích. Bom “thông minh” điều khiển bằng laser, tên lửa điều khiển bằng truyền hình, vô số khí tài thăm dò… ở đây khó mà đánh giá chi phí và cái lãi, vì mọi cuộc xung đột thực sự đều là cơ hội để các nhà chiến lược xác định vũ khí mới, đấy là giá trị thặng dư về kỹ thuật.
Rõ ràng nhìn chung, hai cuộc chiến tranh ở Đông Dương không đè nặng lắm lên ngân sách và kinh tế Pháp và Mỹ. Về lâu dài mà nói, hai cuộc chiến tranh đó không ngăn cản sự tăng trưởng mạnh của hai nước đó, tuy nó có gây nên một số khó khăn. Những cuộc chiến tranh đó đã làm thiệt hại và đem lại lợi ích cho sự phát triển. Nhưng không thể nói như vậy với chiến trường chính diễn ra cuộc xung đột, sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ còn thực hiện cấm vận đối với Việt Nam trong 18 năm.
Phá hoại và chẫm trễ của phát triển ở Việt Nam
Đối với Việt Nam, chiến tranh trước hết là sự phá hoại. Nó đã bắt đầu từ 1945, khi các tham vọng của Nhật, Trung Quốc, Pháp va chạm thô bạo trên đất nước này. Trong 9 năm chiến tranh với Pháp, cả nước đều bị ảnh hưởng. Nhưng đến cuộc chiến thứ hai, với những phương tiện được sử dụng, sự phá hoại càng nặng nề hơn.
Giao thông và sản xuất, cụ thể ở khu vực có tư bản Pháp đầu tư, phải khó khăn lắm mới tìm lại được thăng bằng. Trên châu thổ sông Hồng, Việt Minh phải phá các đường giao thông quân Pháp có thể đi qua. Còn đường sắt, vừa mới làm xong nhưng chỉ có một nửa được sử dụng trong chiến tranh, phải khó khăn lắm mới chở được những đoàn tàu bọc thép, và đạt kỷ lục về tốc độ chậm, chỉ 118 km đường từ Sài Gòn đi Lộc Ninh, trong tháng 11 – 1950 phải đi mất… 20 ngày.
Vấn đề lúa gạo, cao su hay than đá, suy sụp năm 1950, đã được phục hồi phần nào từ 1952 – 1953, với xuất khẩu sang Mỹ (cao su), Nhật Bản (than) và Đông Nam Á (gạo). Nhưng vẫn thấp hơn trước chiến tranh: với cao su có tiềm năng từ 100.000 đến 120.000 tấn, sản xuất chỉ đạt 45.000 – 73.000 tấn từ 1950 – 1953. Tuy vậy trong báo cáo trước Hội đồng kinh tế năm 1954, Paul Bernard vẫn thấy rằng mặc dầu chiến tranh, tương lại của Đông Dương vẫn khả quan.
Tổng kết chiến tranh lần thứ hai, theo nguồn từ Hà Nội hay báo cáo Misoffe năm 1973, thì vấn đề trở nên quan trọng hơn. Sự phá hoại không giống nhau ở Bắc và ở Nam. Miền Bắc, mức độ phá hoại thật khủng khiếp. Thành phố bị phá huỷ: 12 tỉnh lỵ trên 29 thành phố bị san phẳng, đặc biệt là Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Vinh, Đồng Hới. Khu công nghiệp bị phá huỷ hay hư hại nặng nề, công nghiệp Bắc Việt Nam mất đi 50% tiềm năng, công nghiệp nặng 70%, khu công nghiệp Thái Nguyên bị đánh phá 70 lần. Đường sắt, nhà ga, cảng, cầu đều chịu chung số phận. Hệ thống đê sông Hồng bị hư hại nặng, tuy vậy vẫn giữ được. Tuy nhiên thiệt hại oanh kích của Mỹ gây nên đối với một nền kinh tế chủ yếu là nông thôn cũng chỉ là tương đối.
Ở miền Nam các thành phố cũng bị phá huỷ, như An Lộc hay Quảng Trị trong cuộc tấn công năm 1972. Nhưng chính nông thôn, mà việc kiểm soát trở thành một thách thức của chiến tranh, lại bị nặng nhất: các nguồn đưa ra con số 10 triệu hecta bị ảnh hưởng, với 20 triệu hố bom, 10% đất đai bị nhiễm chất độc hoá học. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, cao su tụt xuống mức 75.000 đến 20.000 tấn.
Xã hội truyền thống, nhất là ở miền Nam, cũng bị huỷ hoại, rõ rệt từ 1954 nhưng đặc biệt nặng nề sau đó. Lao động nông thôn ra đi và đô thị hoá vô tổ chức, nhất là Sài Gòn. Nông nghiệp và công nghiệp cũ suy giảm, phát triển công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng, cụ thể được kích thích bằng 700 đến 800 triệu đôla Mỹ do quân viễn chinh đổ vào mỗi năm từ 1965 – 1972. Cơ sở hạ tầng mới được trang bị cho miền Nam, nhưng tình hình đó, cộng thêm sự mất thăng bằng trong trao đổi với nước ngoài, đã đẻ ra một tình hình phụ thuộc đã bị tố cáo nhiều. (…)
Cuối cùng, về mặt vật chất, thì tác động kinh tế và tài chính đè nặng lên Việt Nam chính là sự chậm trễ của phát triển. Có lẽ là đến 20 năm, 30 năm: nhiều thế hệ kế hoạch và dự án đã dự báo cho Việt Nam một sự cất cánh, nhưng chưa bao giờ thành hiện thực, các nguồn nhân lực và kinh tế sẵn có đều bị chiến tranh thu hút.
Từ 1945, Pháp đã đưa ra “kế hoạch hiện đại hoá và thiết bị” cho Đông Dương, song song với kế hoạch Monnet, hướng dẫn việc xây dựng sau chiến tranh. Nhưng số tiền đó đã phải chi hết cho chiến tranh.
Trong những năm 1960, nhiều tham vọng mới lại xuất hiện. Ở miền Bắc, ít ra là cho đến 1965, khi Hà Nội được sự giúp đỡ của các nước anh em, đã có ý đồ xây dựng một kiểu mẫu xã hội chủ nghĩa đối với Thế giới thứ ba. Miền Nam cũng vậy, lại đi theo con đường gần như Hàn Quốc; khu công nghiệp Biên Hoà sát Sài Gòn được xây dựng năm 1963, nhiều khu công nghiệp chế biến đã được thiếp lập. Nhưng trong những nơi khác, chiến tranh đã ngăn cản nhiều dự án, như một khu công nghiệp do Pháp đầu tư định lập ở Hội An, chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu; khu công nghiệp An Hoa – Nông Sơn sẽ lập xung quanh một nhà máy nhiệt điện và một nhà máy urê.
Trong những năm 1970, khi dấu vết dầu lửa được phát hiện ngoài khơi Nam Việt Nam, Sài Gòn đã hy vọng thực hiện được sự khởi động kinh tế như Đài Loan và Hàn Quốc. Vì vậy lời kêu gọi đầu tư của Sài Gòn năm 1970 không phải không có hưởng ứng. Các phái đoàn quốc hội đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philipin đã kêu gọi nhiều nước Châu Á đầu tư. Ta không thể không đặt câu hỏi rằng, nếu các vụ giao dịch được thực hiện tốt ở Nam Việt Nam trong chiến tranh, thì nó có giúp cho việc cất cánh của Việt Nam hay không. Vì trong số những nước đó đã có “bốn con rồng” trong tương lai của Châu Á là Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc. Và giao dịch giữa các nước đó với Nam Việt Nam đã có đủ sức khởi động khiến Uỷ ban LHQ về Châu Á và Viễn Đông (ECAFE) phải lo lắng trong báo cáo tháng 4 – 1968. Về thực chất, uỷ ban này cảnh cáo các nước có kinh tế được đầu cơ qua chiến tranh hãy tính đến hậu quả có thể xảy ra khi hoà bình được lập lại ở Việt Nam, du cho đó là điều mà mọi người rất mong muốn.
Điều nghịch lý là 20 năm sau thất bại của chính thể Sài Gòn, Việt Nam ngày nay vẫn nghĩ về sự phát triển của mình với cùng một cách thức và cùng những đối tác như trước kia, nhưng lần này có nhiều cơ may thành công hơn. Nhưng trên thực tế đây vẫn là đất nước nghèo nhất của Châu Á. Vì Việt Nam vẫn là nạn nhân chính của chiến tranh về kinh tế và tài chính, giờ đây đã mất chỗ dựa lịch sử là Liên Xô. Thực tế cho thấy một mặt chiến tranh đã cấu trúc lại sâu sắc nền kinh tế Việt Nam, mặt khác nó đã tạo nên vô vàn sự chu chuyển tài sản và quyền lực sang Pháp và sang Mỹ, và cả những nước Châu Á khác. Chiến tranh đã góp phần tạo nên bộ mặt kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt ở Châu Á Thái Bình Dương. Về mặt này, khi phân bổ lại bản đồ của sự tăng trưởng kinh tế, hai cuộc chiến tranh Việt Nam, nhất là cuộc chiến thứ hai, đã tác động như là một yếu tố trung gian khủng khiếp.
Nguồn: Xưa và Nay, số 226, tháng 12/2004, trang 6 - 9