Alecxanđrơ Graham Ben: Người nối liền mọi khoảng cách
Ben sinh ra và lớn lên ở Scốt len, quê hương của rượu Wisky nổi tiếng. Ngay từ khi còn nhỏ Ben đã rất lưu tâm đến các phương pháp truyền thông của con người. Bởi lẽ cả cha và ông của Ben đã làm việc nhiều năm với người điếc và câm - Những nạn nhân khốn khổ do khuyết tật bẩm sinh, để giúp đỡ họ có khả năng học hỏi và trao đổi thông tin với nhau. Quá trình nghiên cứu lâu dài và gian khổ đã dẫn ông tới thành công trong sự phát triển một hệ thống ngôn ngữ đặc biệt là: “ngôn ngữ nhìn thấy được” dành cho người câm và điếc. Trong hệ thống này ông đã sử dụng những sơ đồ về vị trí khác nhau của môi và lưỡi làm cơ sở biểu hiện ngôn ngữ. Chính điều này đã tạo nên nền móng vững chắc cho sự hiểu biết của Ben về tính cơ học của ngôn ngữ con người, để từ đó ý tưởng về chiếc máy nói dùng điện trong tương lai đã dần hình thành rõ rệt qua từng năm tháng.
Khi Ben lên 14 tuổi, bố anh cảm thấy con trai có nhiều khiếm khuyết về kiến thức nên gửi Ben sang Luân Đôn để nhờ ông nội rèn cặp có hiệu quả hơn. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng của nhà phát minh tương lai. Ông nội không chỉ giúp Ben trau dồi kiến thức mà điều quan trọng hơn là ông đã chỉ ra cho cháu trai thấy rõ những nhược điểm của mình và khơi dậy trong lòng cậu quyết tâm vượt lên trên bản thân mình.
Nhận xét về giai đoạn quan trọng của đời mình, sau nhiều năm Ben đã phát biểu chân thật như sau:
- Ông tôi khiến tôi nhận ra rằng tôi rất ngu dốt về các môn học thông thường mà một học sinh nào cũng phải biết. Ông làm cho tôi thấy xấu hổ về sự ngu dốt ấy và đã thức tỉnh trong tôi tham vọng phải khắc phục các nhược điểm về học vấn của tôi bằng cách bản thân tôi phải học tập.
Tuy vậy, tâm trí của Ben vẫn để cả vào lĩnh vực nghiên cứu âm thanh. Càng đi sâu vào vấn đề những rung động trong cơ quan phát âm của người để tạo ra tiếng nói, Ben càng thấy đầy rẫy những khó khăn phức tạp. Hàng chục năm đi qua mà Ben chưa thu được kết quả đáng kể nào.
Một sự kiện đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Ben. Năm 1870 ông đã cùng gia đình di cư sang Canađa , tại vùng đất mới, cha của Ben đã trở thành một thuyết trình viên nổi tiếng về khoa tiếng nói. Noi gương cha, Ben cũng nổi tiếng không kém về lĩnh vực này ở Canađa và Mỹ, ít năm sau Ben đã mở hẳn một trường học đặc biệt cho người điếc ở Boston , bang Maschachuset (Mỹ). Tại đây ông đã nghiên cứu một phương pháp mới lạ giúp cho người điếc hiểu được tiếng nói của họ như thế nào. Quá trình chế tạo một thiết bị sao chép lại trên giấy các rung động tiếng nói của người câm điếc để họ có thể nhìn thấy những gì mà người bình thường nghe được, Ben đã phát minh ra được một hiện tượng mới mẻ là khi cho mở, ngắt mạch điện qua một cuộn dây đồng, có thể tạo ra tiếng động tương ứng nơi cuộn dây. Từ đó ông tiến hành gửi các âm thanh của nốt nhạc hay cái chấm và gạch của mã hiệu moocsơ qua sợi dây ấy. Rất tiếc, thiết bị này chưa thể chuyển tải được âm thanh đặc biệt của giọng nói con người. Việc này hiện thời vẫn còn quá sức đối với Ben buộc ông phải học thêm nhiều nữa.
Tháng 3-1875 Ben đã lên đường tầm sư học đạo tại Oasinhtơn. Người mà Ben đến học hỏi và xin ý kiến chỉ giáo chính là nhà vật lý đại tài JôzepHenry. Gặp gỡ được người thầy Ben nói:
- Chào ngài Henry! Tôi là AlêcxanđrơBen, giáo viên dạy người câm điếc ở Bostơn . Tôi có ý tưởng chế tạo một cái máy nói chạy bằng điện để giúp họ, xin được ngài chỉ giáo…
Ông Henry vui vẻ động viên:
- Xin anh cứ nói.
- Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi đã nhận thấy rằng, để có thể truyền được tiếng nói của con người cần phải tạo ra một dòng điện liên tục mà dòng điện này sẽ rung động theo âm sắc của giọng nói của con người. Như vậy phải thay thế các sóng điện cho sóng không khí mà trên các sóng giọng nói của con người trong các cuộc nói chuyện trực tiếp với nhau được chuyển tải.
Vừa nghe đến đây, đôi mắt nhà vật lý tài năng đã sáng lên một niềm hứng khởi mạnh mẽ, ông xiết chặt tay người thanh niên thông minh lớn tiếng khen ngợi:
Thật tuyệt vời! Anh có ý tưởng đi đến một phát minh tuyệt vời đấy.
- Cảm ơn ngài đã đồng cảm với suy nghĩ của tôi. - Giọng Ben cảm động - Tôi rất muốn chứng minh lý thuyết của mình và phát minh ra chiếc máy có thể truyền giọng nói con người qua đường dây điện. Chỉ tiếc rằng, tôi chưa đủ sức để biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Ngài Henry, xin ngài hãy chỉ bảo cho tôi biết phải làm gì? Công bố sự khám phá của tôi để người khác giải quyết nó, hay tự tôi cố gắng giải quyết vấn đề này ạ?
- Tốt hơn hết là anh hãy tự giải quyết nó đi - Nhà vật lý quả quyết trả lời và bắt chặt tay Ben.
Trên đường từ thủ đô về Boston , Ben như được tiếp thêm nguồn nghị lực lớn lao mà nhà vật lý vĩ đại đã truyền cho mình. Anh tiếp tục lao vào nghiên cứu chiếc máy ước mơ của mình với niềm tin tưởng và hăng say mới. Lần này anh đã không đơn độc, Tomat Watson, một thợ điện trẻ và thông minh đã tự nguyện cộng tác với Ben với tư cách là trợ lý kỹ thuật. Chính sự cộng tác giữa hai người trong nhiều tháng trời. Ben đã bổ sung được nhiều kiến thức về điện đồng thời đã cải tiến dần dần được thiết bị truyền tiếng nói của mình. Thêm vào đó, với sự tài trợ về tài chính của hai nhà hảo tâm vốn có con bị điếc đã giúp cho công việc của Ben tiến triển với tốc độ khẩn trương hơn.
Trong suốt năm 1875, hầu như Ben không hề chú ý gì đến công việc dạy học mà tập trung hết tài năng và sức lực vào việc thử nghiệm cải tiến máy móc. Ben cùng Watson thực hiện việc chế tạo. Sau khi hoàn thành, hai người nối máy vào hai đầu dây. Ben nói thật to như hét vào máy, còn bên kia Watson thì lắng nhe. Suốt ngày này qua ngày khác họ vừa thử máy, vừa cải tiến, hoàn thiện dần dần…Tuy nhiên suốt cả năm mày mò, tiếng mà Watson nghe được chỉ là tiếng vọng qua các bức tường chứ chưa phải là tiếng nói qua hệ thống máy móc. Họ tưởng như ý tưởng của họ là điên rồ không thể thực hiện nổi. Trong thời gian đó cũng có nhà vật lý tài năng là Gray đang nghiên cứu loại máy nói dùng điện. Điều này đã làm Ben cố gắng hơn, quyết tâm hơn, anh cùng Watson thúc đẩy tốc độ nghiên cứu nhanh hơn. Cuối cùng, phần thưởng cho sự lao động không biết mệt mỏi đã đến với hai người.
Ngày 2-6-1875do một động tác sai của Watson đã làm Ben nghe thấy tiếng của phía Watson, nhưng rời rạc. Một tia sáng loé lên trong đầu anh, anh vội bàn với Watson cải tiến để tiếng nói to lên và không gián đoạn.
Vào buổi sáng ngày 10-3-1876họ vui mừng khi nghe tiếng của nhau qua đầu dây. Đó là tiếng hét kêu cứu của Ben khi anh vô tình để rớt mấy giọt axít vào đùi mình. Ngay lúc đó Watson thông báo cho Ben là đã nghe rõ tiếng kêu cứu của anh, Ben sung sướng chạy đến ôm chầm lấy người cộng sự.
- Tuyệt quá! Tiếng nói đầu tiên qua dây điện là tiếng kêu của tôi. Cảm ơn cậu.
Trước thành công lớn lao này Ben không khỏi nhớ tới lời khích lệ của nhà vật lý vĩ đại Henry. Anh nói với Watson:
- Thắng lợi của chúng ta hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của nhà vật lý vĩ đại Henry. Không có những lời khích lệ của ông chắc hẳn tôi đã chẳng nghĩ ra chiếc máy điện thoại này.
Niềm vui sướng khiến Ben không chợp mắt. Anh viết thư về cho người mẹ thân yêu: “Đây là một ngày trọng đại đối với con …Con cảm thấy cuối cùng mình đã có lời giải cho một bài toán trọng đại và ngày ấy đã đến khi đường dây điện báo đến từng căn nhà như nước hay khí đốt vậy. Từ nay các bạn sẽ được nói chuyện với nhau mà không phải ra khỏi nhà”.
Chiếc máy điện thoại do Ben sáng tác ra đã giúp cho nhân loại nối liền mọi khoảng cách cho dù cách xa đến hàng nghìn cây số.
Khi nghe tiếng u u trong máy Ben thường nói với bạn bè: Đó là tiếng hát về cuộc sống. Mà cuộc sống không bao giờ ngừng nghỉ. Những sợi dây đồng ở trên cao đó đang truyền tin tức về sự sinh ra và mất đi, thất bại và thành công từ trạm này đến trạm khác trên khắp hành tinh chúng ta.
Năm 1922 mạng lưới điện thoại khắp thế giới đã truyền đi tin buồn “Alexandrơ Graham Ben, cha đẻ của điện thoại đã từ giã cõi đời, hưởng thọ 75 tuổi”.
Nguồn: Xưa và Nay số 9, tháng 8 năm 2004