Tỉnh Hải Ninh trong kháng chiến chống Pháp: Sự tồn tại ba hệ thống chính quyền
Một số nhóm phỉ được các đảng phái phản động làm chỗ dựa ra tay cướp phá ở các xã các thôn, bản. Ngày 18/2/1946, Báo Cứu quốc, số 166 đã cảnh báo “Tại Đầm Hà từ lâu vẫn có một bọn phỉ ngay từ còn chế độ Pháp thuộc và Nhật thuộc chúng thường ra quấy rối và cướp bóc lương dân.. Từ ngày Chính phủ VNDCCH thành lập, bọn thổ phỉ ấy lại hoành hành….”.
Do tình hình đó việc thành lập chính quyền cách mạng ở Hải Ninh diễn ra rất chậm. Đến tháng 7 năm 1946, chính quyền huyện Móng Cái mới được thành lập. Như vậy, sau cách mạng tháng 8/1945 gần một năm cơ bản các huyện ở Hải Ninh mới giành được chính quyền về tay nhân dân (2).
Những năm đầu cuộc kháng chiến chống pháp, tỉnh Hải Ninh chưa hình thành Uỷ ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) các cấp một cách đầy đủ. Đến tháng 8/1947, Khu 12 cử cán bộ ra tăng cường, chính quyền tỉnh Hải Ninh mới được củng cố. Trong 7 huyện thì huyện Đầm Hà và huyện Hà Cối chưa có UBKCHC cấp huyện, tỉnh cử phái viên làm đại diện. Ở cơ sở chỉ có huyện Đình Lập (3)củng cố UBKCHC ở 6 xã: Yên Vượng, Đình Lập, Cường Lợi, Đồng Thắng, Thái Bình, Lâm Ca.
Để tăng cường lực lượng cho các huyện miền Đông (Đầm Hà, Hà Cối, Móng Cái), tỉnh Hải Ninh Chủ trương mở các đợt đông tiến đưa cán bộ về bám dân, bám đất để tổ chức đánh địch cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Kết quả hai đợt đông tiến, tỉnh Hải Ninh đã xây dựng chính quyền ở 14 xã.
Năm 1948, thực hiện sắc lệnh số 151 ngày 25/3/1948 của Chủ tịch Chính phủ và chỉ đạo của liên khu, chính quyền các cấp ở Hải Ninh được củng cố thêm một bước. Ở tỉnh, UBKCHC có 6 người gồm 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, 1 Bí thư, 1 Uỷ viên nhân dân, 1 Uỷ viên quân sự do ông Nguyễn Xuân Trúc làm Chủ tịch. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh năm 1947 mới có Ty Bình dân học vụ. Sang năm 1948, lập thêm Ty Dân y (Ty Y tế ngày nay), Ty Công an, Ty Bưu điện và Toà án đệ nhị cấp. Toà án được thành lập nhưng các huyện chưa có thẩm phán. UBKCHC tỉnh chỉ định 1 Uỷ viên phụ trách thêm việc tư pháp ở huyện, vùng tự do cấp xã có 1 người làm tư pháp.
Ở cấp huyện mới củng cố được 4 địa phương: huyện Lộc Bình UBKCHC có 6 uỷ viên do ông Nông Văn Tiến làm Chủ tịch. Huyện Đình Lập UBKCHC huyện có 6 uỷ viên do ông Vi Xuân Hỉ làm Chủ tịch. Huyện Hải Chi (4)UBKCHC huyện có 4 uỷ viên do ông Vi Văn Thịnh làm Chủ tịch. Huyện Bình Liêu UBKCHC huyện có 7 uỷ viên do ông Tô Thiện Thuận làm Chủ tịch.
Ở cơ sở toàn tỉnh mới củng cố được sáu xã thuộc huyện Đình Lập. Sau khi củng cố tỉnh Hải Ninh đã mở hai lớp huấn luyện 17 cán bộ xã. Đến năm 1952, củng cố thêm UBKCHC ở 4 xã thuộc huyện Bình Liêu (Vô Ngại, Tình Húc, Tình Húc Động, Đồng Tâm) và kiện toàn 5 BCH xã đội.
Trong khi chính quyền cách mạng chưa được hoàn chỉnh thì hệ thống hành chính quân sự của thực dân được phát triển. Về quân sự, tại Móng Cái chúng lập 5 vị trí quân sự, Hà Cối 3, Đầm Hà 2, Tiên Yên 8, Bình Liêu 2. Đi đôi với đánh chiếm, thực dân Pháp thiết lập một bộ máy hành chính từ tỉnh đến xã.
Cấp tỉnh có Hội đồng quản hạt, đứng đầu hội đồng là 10 sỹ quan Pháp và một Tuần phủ kiêm Chánh án Toà án. Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có Liêm phóng Liên bang, Cảnh sát, Kiểm lâm, Nhà đoan (Hải quan).
Cấp huyện có Hội đồng an dân do Chánh tri châu đứng đầu, (Châu tương đương với cấp huyện, để phân biệt với miền xuôi huyện ở miền núi gọi là châu), giúp việc có Phó Tri châu. Mỗi huyện lập 1 Châu đoàn (lực lượng vũ trang địa phương) ở 4 huyện (Móng Cái, Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên) thành lập mỗi huyện một Phòng Văn hoá.
Cấp tổng do Chánh tổng đứng đầu, Phó tổng giúp việc. Xã do Lý trưởng đứng đầu, Phó lý giúp việc.
Ngoài bộ máy chính quyền thuộc địa, trên đất Hải Ninh còn có khu tự trị Nùng Hải Ninh (5). Theo lược chí, người Nùng ước chiếm 60% (6), người Dao 12%, người Kinh 13%, người Thổ (Tày) 6%, Hoa kiều 3%, Người Thanh Y 6%.
Cấp tỉnh có Nghị viện tỉnh do Chủ nhiệm khu tự trị và một sỹ quan Pháp đứng đầu. Nghị viện do Chánh phó Nghị trưởng, các huyện, các đoàn thể bầu UBHC có Chủ nhiệm Chánh phó Nghị trưởng và đại diện các dân tộc, các đoàn thể bầu. Cấp huyện có Huyện nghị đội, Bí thư trưởng do Chủ nhiệm Khu chỉ định, cơ quan hành chính cấp huyện có Bí thư giúp việc. Cấp xã do tính chất từng xã để quy định.
Về tư pháp có Toà án tối cao, toà án cấp 2 và toà án sơ cấp ở huyện. Về giáo dục, cấp tỉnh có 1 Đốc học và một viên quan người Pháp điều hành.
Địa giới Khu tự trị Hải Ninh gồm 8 huyện: huyện Móng Cái có thị trấn Móng Cái 3 tổng 22 xã. Huyện Hà Côi có 1 thị trấn 4 tổng 22 xã. Huyện Đầm Hà có 1 thị trấn 1 tổng 10 xã. Huyện Cửa Tiên Yên có 1 thị trấn 3 xã. Huyện Tiên Yên có 3 tổng 19 xã. Huyện Bình Liêu có 2 tổng, 8 xã. Huyện Ba Chẽ có 2 tổng 13 xã. Huyện Đình Lập có 1 tổng 6 xã.
Với lực lượng đông, bộ máy kìm kẹp trải rộng từ miền đông đến miền tây Hải Ninh, địch duy trì thuế thân, làm cho người dân một cổ hai tròng (vừa đóng thuế chính quyền thực dân vừa đóng thuế cho xứ Nùng). Theo quy định thuế thân 3 đồng Đông Dương một thẻ cộng với 15 đồng (Đông Dương) tiền ảnh. Đàn bà không phải đóng thuế thân nhưng phải làm giấy thông hành, tiền giấy và tiền ảnh như thuế thân của đàn ông. Đồng thời địch tăng cường càn quét mở rộng vùng chiếm đóng. Từ ngày 3/1/1948 đến ngày 15/11/1948, thực dân Pháp và tay sai đã tổ chức 32 cuộc càn quét, cướp phá. Trong lực lượng càn quét có cả lính Âu Phi, quân của các Châu đoàn, quân xứ Nùng và phỉ.
Bước sang năm 1949, lực lượng ta được tăng cường, có sự giúp đỡ tích cực của nhân dân nhất là ở Hà Lâu, Đại Dực, Đại An (Tiên Yên), Đầm Hà. lực lượng vũ trang ta đã liên tục tiến công địch mở đầu là cuộc chống càn của quân dân đảo Cái Chiên, tiếp đó là trận đánh trên đường số 4 (địa phận của xã Điền Xá, huyện Tiên Yên) phá huỷ 26 xe quân sự, diệt 150 lính Pháp, bắt 25 lính Âu Phi. Sau trận Điền Xá, ta tập kích vào thị xã Móng Cái, trung tâm hành chính quân sự của thực dân Pháp, thủ phủ của xứ Nùng.
Ngày 19/4/1949, ta đánh đoàn xe quân sự Pháp trên đường 4 (thuộc xã Châu Sơn, huyện Đình Lập) tiêu diệt 240 tên địch, phá huỷ 15 xe quân sự. Tháng 5/1949, đánh kho xăng ở Tiên Yên, tháng 10/1949 đánh tuần sông ở Ba Chẽ.
Song song với đánh địch về quân sự, du kích, nhân dân và công an các địa phương tích cực trừ gian diệt tề, mở rộng vùng du kích, vùng giải phóng. Nhất là từ sau chiến dịch Biên giới 1950 Bình Liêu, Đình Lập được giải phóng. Hệ thống chính quyền của ta được củng cố, phát triển. Hệ thống nguỵ quyền và xứ Nùng lung lay đi đến sụp đổ sau chiến thắng 1954 ở Điện Biên Phủ chấm dứt cảnh trên một địa bàn có ba hệ thống chính trị cùng tồn tại.
Chú thích:
1. Tỉnh Hải Nam được thành lập từ 10/12/1906 đến 30/10/1963 Quốc hội nước VNDCCH khoá II kỳ họp thứ 7 ra Nghị quyết phê chuẩn hợp nhất tỉnh Hải Ninh với khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.
2. Theo Những sự kiện lịch sử Đảng tỉnh Quảng Ninh (1928-1945) do Ban NCLS tỉnh xuất bản năm 1980, các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền lần lượt diễn ra như sau: tháng 10/1945 Tiên Yên; tháng 11/1945 Đình Lập, Bình Liêu; tháng 1/1946 Đầm Hà; 7/1946 ở Móng Cái. Còn huyện Ba Chẽ, huyện Hà Cối chính quyền vẫn trong tay các lực lượng tay sai Pháp (Sđd từ trang 120-124).
3. Huyện Đình Lập, ngày 29/12/1978 Quốc hội khoá VI kỳ họp thứ 2 ra nghị quyết chuyển huyện Bình Liêu về tỉnh Lạng Sơn.
4. Hải Chi (1946-1951) sau này thành Ba Chẽ.
5. Lược chí địa lý Khu tự trị Nùng Hải Ninh, xuất bản 1949, tái bản 1952 chữ Hán, người dịch ra tiếng Việt: Nguyễn Thanh Dân – Ban Thư ký địa chí Quảng Ninh 1994.
6. Ở Hải Ninh phân biệt người Hoa ở nông thôn và ở đô thị khác nhau, ở nông thôn gọi là người Nùng, ở đô thị gọi là người Hoa kiều.