Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 28/08/2007 00:01 (GMT+7)

Những điều tôi biết về báo Le Travail

Theo yêu cầu của Bảo tàng, hôm nay tôi nói về tờ báo Le Travail. Tôi nói theo trí nhớ, nhớ thế nào nói thế ấy, sự việc diễn ra làm sao, mình suy nghĩ thế nào nói lại như vậy. Cũng có thể lúc bấy giờ suy nghĩ khác, bây giờ nhắc lại không được chính xác lắm, vì sự việc đã xảy ra hơn 40 năm rồi.

Vào những năm 1936, gặp thời cơ thuận lợi, Đảng chủ trương đưa một bộ phận ra đấu tranh công khai. Sự kiện này có tác dụng giúp ích rất nhiều cho cách mạng, tạo thuận tiện cho việc tuyên truyền cổ động để mọi người biết đến đường lối của Đảng.

Thời kỳ đó ở Hà Nội rất sôi nổi. Ra một tờ báo viết bằng tiếng Pháp thì dễ dàng hơn, nhưng liệu có thể đưa tờ báo đó đến với quần chúng không? Tiếng Pháp thì không thể đến với thợ thuyền, nhưng có thể dựa vào tầng lớp thanh niên học sinh và trí thức làm cầu nối để đưa tiếng nói của cách mạng đến với quần chúng. Vào lúc đó trình độ hiểu biết của giới trí thức học sinh như thế nào?

Tôi còn nhớ khoảng 10 năm trước đó (tức vào khoảng 1926 - 1927), khi tôi còn nhỏ, trình độ hiểu biết của Hà Nội khác hẳn. Hồi đó, trường học của Pháp mở rất ít. Trường tiểu học đến lớp Nhất đếm trên đầu ngón tay chỉ độ hai ba trường. Cao hơn tí nữa có trường trung học Albert Sarraut, trường Bưởi… Nhưng đến năm 1936, khi báo Le Travailra mắt, học sinh Hà Nội đã rất đông, ngoài các trường công còn có nhiều trường trung học tư khác. Riêng trường Thăng Long chẳng hạn - trường mà nhiều giáo sư lúc đó bây giờ là các nhà lãnh đạo cao cấp như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai… - học sinh đã có tới vài trăm. Các trường tư thục khác cũng có trình độ trung học và nhiều học sinh như thế.

Khoảng 1926, gia đình tôi vẫn ở Hà Nội, tôi sinh trưởng ở đấy. Gia đình tôi thuộc loại khá giả, vậy mà sách trong nhà chỉ có rất ít. Ông cụ sinh ra tôi chỉ có một quyển vở nhỏ chép những bài lý giao duyên, một vài bài thơ, thế thôi. Hoặc ông bác tôi biết chữ nho, chỉ thấy nằm ở nhà trong vắt chân chữ ngũ, thỉnh thoảng đọc một vở tuồng cũ. So sánh với 10 năm sau, năm 1936, thì sự phát triển văn hoá ở Hà Nội đã khác nhiều. Khi chúng tôi còn học tiểu học, những người học lớp Nhất đã có trình độ hiểu biết khá cao rồi. Nghĩa là tự xem, đọc và hiểu tiếng Pháp được. Học đến trình độ Tú tài thì đã là giỏi.

Nhắc lại điều đó để các bạn biết khi nghiên cứu ảnh hưởng, tác dụng của một tờ báo chữ Pháp như tờ Le Travailđối với phong trào quần chúng như thế nào.

Báo ra trong trường hợp nào? Năm 1936, lúc đó ở Pháp Mặt trận Bình dân đã lên cầm quyền. Phong trào ở Sài Gòn có sớm hơn. Còn ở Hà Nội, anh em chúng tôi triệu tập một buổi họp để bàn việc cho ra báo. Nguyễn Thế Rục đứng ra triệu tập cuộc họp này. Rục quê ở Hành Thiện, có học ở Nga, anh em thường gọi là “Giáo sư đỏ”. Tôi quen anh từ lúc còn hoạt động ở Pháp (1).

Toà soạn báo Le Travail

Toà soạn báo
Le Travail

Cuộc họp này có 5 người: Nguyễn Thế Rục, Trần Đình Long, Trần Huy Liệu, Trịnh Văn Phú và Nguyễn Văn Tiến. Năm người họp ở phố Yên Phụ, nhà số mấy tôi quên mất rồi. Chúng tôi nhắn nhau đến đấyhọp để bàn chủ trương ra tờ báo chữ Pháp. Cuộc họp ấn định phân công anh em làm gì, lo việc gì. Điều kiện ra báo chữ Pháp lúc bấy giờ như thế này: cần người sinh trưởng ở Hà Nội, phải là sujet francais(tức dân Hà Nội gốc, được coi là dân thuộc địa, khác với dân bảo hộ là người các tỉnh khác và người miền Trung). Không hiểu tiếng ta gọi dân sujet francaislà gì, chỉ biết trong giấy căn cước nó ghi là thuộc sujet francais. Phải là người như thế mới có quyền rabáo bằng chữ Pháp. Báo chữ Pháp không cần xin phép, chỉ báo cho nhà chức trách biết ngày nào ra báo, chủ nhiệm là ai và ở đâu, thế thôi. Đến lúc báo ra, theo thủ tục phải nộp lưu chiểu mấy tờ. Còn vềsau, nếu có gì phạm pháp lại là chuyện khác. Chúng sẽ truy tố, chứ không kiểm duyệt như đối với các báo tiếng Việt. Lúc đó, tôi đủ tiêu chuẩn “hành chính” để được làm chủ nhiệm một tờ báo chữ Pháp.Anh Nguyễn Văn Tiến là chủ bút. Chúng tôi biết nhau hầu hết là qua anh Rục. Anh Tiến cũng có sang Pháp, nhưng đến sau khi tôi đã bị trục xuất khỏi Pháp năm 1930 cùng với 19 người nữa, do đó tôi khôngquen anh. Đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp anh Liệu, trước đây chỉ biết anh Liệu có viết nhiều bài trên báo về xã hội, về chủ nghĩa xã hội. Còn Trần Đình Long cũng ở Nga về. Cho nên nếu ai hỏi tôibáo LeTravail ra đời do chủ trương của cấp uỷ nào của đảng hay của ai, thì tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết qua Nguyễn Thế Rục, biết nhau và hẹn nhau họp rabáo để tranh đấu. Không biết các anh Rục, anh Long, anh Liệu có nhận được chỉ thị nào của Đảng để ra báo này không, chuyện đó tôi không rõ.

Để tránh bộc lộ hết lực lượng nên ngay trong toàn soạn, bất cứ ai viết bài cũng không ký tên. Trừ trường hợp anh Tiến nhân danh chủ bút, hoặc tôi khi ra tranh cử, nhân danh ứng cử viên viết bài mới ký tên. Báo do chủ nhiệm chịu trách nhiệm trước chính quyền. Tôi nhớ ở bên Pháp có một cái hay là, nếu báo bị phạt thì anh chủ nhiệm bị phạt tù, báo thay chủ nhiệm khác (như báo L’ Humanitéđã làm).

Việc ra báo có phải do Đảng chủ trương không, và chủ trương đó giao cho ai? Tôi là người chủ nhiệm đáng lẽ phải là người nắm tổ chức, nhưng trên thực tế tôi không nắm tổ chức, mà chỉ có danh nghĩa thôi. Cũng như anh Tiến làm chủ bút, tôi đồ chừng cũng chỉ là danh nghĩa. Cho nên trong vấn đề này, gọi là tổ chức mà cũng lại là không tổ chức.

Lúc đầu, báo thuê trụ sở ở góc Phố Nguyễn Trãi - Phạm Phú Thứ, nom thẳng ra chợ Hàng Da. Thuê nhà, làm biển, tôi quan hệ với Trần Đình Long. Tôi biết là Trần Đình Long lo những việc đó. Tôi là chủ nhiệm, vì có cửa hiệu đóng bàn ghế nên có đem một số bàn, tủ sách đến kê làm bàn giấy toà soạn. Báo in ở nhà in Long Quang, phố Hàng Bông. Nhân viên toà soạn tôi chỉ biết là có Cả Sâm và Nguyễn Mạnh Chất thường đến quan hệ với nhà in. Và một số anh em nữa làm nhiệm vụ sửa bản in. Cả Sâm sau này không theo cách mạng, giờ đây hình như anh ta làm gì trong Sài Gòn cũng kha khá lớn đấy. Về chuyện tiền nong, để báo tự nuôi sống được không phải là dễ. Các báo chữ ta lúc đó như các tờ Phong hoá, Ngày naycủa nhóm Tự Lực Văn Đoàn sống được không phải vì bán báo chạy mà là nhờ vào in sách. Người anh họ tôi cũng bị đuổi ở Pháp về, đi làm báo với cụ Nguyễn Khắc Hiếu cũng không thể sống được. Cụ Tản Đà lúc đó muốn ra tờ báo An Namnhưng cũng phải lo tìm vốn. Còn những báo lớn hàng ngày phải dựa vào quyền lực mới sống được.

Báo Le Travailphần nhiều phải đi quyên tiền, hoặc thiếu thì đi vay. Trong việc quyên này, có nhà tư sản Nguyễn Đệ, chủ nhà Nam Long, nhà xuất khẩu lớn ở Hàng Buồm, con làm ngân hàng có quan hệ với bọn chủ ở Lyon. Sau này, anh ta có đi với Bác Hồ sang Pháp, nhưng khi về, anh không đi theo mình. Anh này cũng có quyên nhiều cho báo. Còn tiền bán báo được cũng không đáng bao nhiêu, thuê nhà rồi góp phần nào lo sinh sống cho anh em của báo là hết. Có người mua báo tháng, mua báo năm. Đó cũng là một cách ủng hộ. Có người gửi mua báo đến ba bốn năm. Báo ra rất chạy, do mình tự bán lấy. Có người tình nguyện ăn mặc quần áo Âu đi bán báo ở những nơi đông người, lúc đó mặc Âu là khá đấy. Nhà cầm quyền không cho ta tự bán, vì bán báo phải có thẻ bán báo. Phải in thẻ để xin chính quyền chứng thực cho đi bán báo mới được bán. Hôm nào báo lên khuôn xong, mai báo ra thì hôm đó anh em dẫn nhau ra Hàng Buồm làm chầu phở. Trụ sở báo Nguyễn Trãi như đã nói, nhưng toà soạn ở đâu, ai viết bài gì, tôi không biết. Qua chuyện trò hàng ngày tôi chỉ biết một số anh dạy ở trường Thăng Long như anh Giáp, anh Mai viết nhiều. Anh Mai viết theo lối André Gide để giới thiệu về chủ nghĩa cộng sản. Anh Phan Thanh cũng viết. Anh Giáp viết về lịch sử, về nông dân. Về sau Bùi Ái có tham gia viết. Bùi Ái trước viết ở Effort, Ái viết văn hay từ lớp Nhất, Tây cũng phục, văn hài hước, châm biếm. Báo có giới thiệu chủ nghĩa xã hội, tin tức lấy ở sách, báo của Quốc tế Cộng sản mua tại “Đồng Xuân Thư Quán”.

Nhân dân Hà Nội đón Godart dọc đường phố

Nhân dân Hà Nội đón Godart dọc đường phố

Tờ báo này đấu tranh bênh vực công nhân, nông dân và tiểu thương. Có một vụ anh em thợ cưa, thợ xẻ ở ngõ Gia Ngư đình công bị mật thám bắt, có một anh tự tử chết, báo biết cho người đến điềutra và đăng tin, can thiệp với Thống sứ Bắc kỳ, tố cáo về bên Pháp
Cuộc tiếp xúc của Godart với các đại biểu Hà Nội

Cuộc tiếp xúc của Godart với các đại biểu Hà Nội

cho những người Pháp tiến bộ biết. Thống sứ viết cho báo một lá thư nội dung nói mình đăng tin không đúng, xuyên tạc sự thật. Báo trả lời thư đó và cho đăng công khai cả hai lá thư trên báo.Việc làm này lúc đó có tiếng vang rất lớn. Có lần công nhân mỏ về gặp trực tiếp để tố cáo bọn chủ với báo. Chúng tôi hỏi: “Tại sao chữ Pháo mà anh em cũng biết” Họ nói: “Những người biết chữ Pháp đọccho chúng tôi nghe”. Báo bênh vực nông dân, động đến cả Phan Kế Toại, người có thế lực lớn trong giới quan trường khi ấy.

Báo phát hành, ngoài số bán được, còn gửi biếu ở Hà Nội là chính, rồi vùng xunh quanh Hà Nội, gửi sang cả bên Pháp. Báo cũng đăng danh sách tù chính trị chưa được thả để gây áp lực với chính quyền Pháp ở Đông Dương. Theo tôi biết, Quốc tế Cứu tế đỏ có nhận được đơn của gia đình một số chính trị phạm bị giam cầm ở các nơi. Trong quá trình báo ra, một số anh em tù Côn Đảo hoặc một số nơi khác mới được thả có đến thăm báo, cung cấp tin tức nhà tù cho báo. Thực tế, tôi thấy báo Le Travailcũng mạnh, cũng có tiếng vang vì nó quan tâm đấu tranh bảo vệ và đòi quyền lợi cho anh chị em lao động. Ngay đến Toàn quyền Varenne cũng phải thừa nhận rằng báo này có ảnh hưởng lớn. Lúc đó báo tiếng Việt ngoài Bắc đấu tranh còn dè dặt, ít báo đấu tranh quyết liệt như Le Travail. Báo chí ở Hà Nội lúc đó nói chung cũng có phần vị nể Le Travail. Cũng có lần chúng tôi gọi một số anh bên Ngày nay là “les jeunes vieux” (những thanh niên cụ), nhưng họ không bút chiến đáp đáp lại. Chúng tôi có bút chiến với L’ Annam Nouveauicủa Nguyễn Văn Lĩnh, Lê Thắng.

Nhân đây, tôi nói về cuộc bầu cử dân biểu Bắc Kỳ có liên quan đến báo. Lúc đó, Trần Quanh Vinh dân biểu Bắc kỳ, đại biểu của Hà Nội vừa qua đời. Viện Dân biểu Bắc kỳ khuyết một chân, phải bầu bổ sung. Lúc đầu, anh em trong nhóm Le Travailbảo nhau nhân lúc này ra tranh cử để cổ động cho báo, chứ không nghĩ đến chuyện trúng cử. Anh em bảo tôi ra tranh cử vì là dân Hà Nội. Tôi không viết mấy, chỉ thỉnh thoảng viết một vài bài. Trình độ tôi cũng bình thường, chủ yếu là nhiệt tình. Trong cuộc vận động tranh cử này, mình thu hút sự chú ý cho báo là một việc, ngoài lúc vận động tranh cử lại thu hút được những anh em cũ tập trung lại cùng nhau vận động cho cuộc tranh cử. Còn cử tri đại bộ phận là giới công thương, chắc gì đã tranh thủ được họ. Trước thời gian bầu cử, mỗi ngày chúng tôi ra một tờ truyền đơn bằng chữ quốc ngữ. In chịu, chỉ lo chủ nhà in đòi tiền. Nhưng sau này, khi tôi trúng cử, họ biếu không lấy tiền in nữa. Trong truyền đơn còn in tin tức. Đối tượng tranh cử với tôi là Phúc Đình cha, bán thuốc sốt rét. Quân sư của ông ta là một tay đội mật thám, nó bảo các trưởng phố đi vận động bỏ phiếu cho ông ta. Truyền đơn tranh cử mình cho người đi dán. Đội xếp bắt người dán truyền đơn tranh cử. Anh đội xếp làm như vậy là sai, vì người ra tranh cử có quyền tuyên truyền, cổ động cho mình kể cả in, phát truyền đơn cổ động. Hôm sau, câu chuyện này được in trong truyền đơn cổ động bầu cử. Cứ như vậy, ngày nọ sang ngày kia, việc làm đó rầm rộ cả Hà Nội. Trong suốt một tuần lễ trước bầu cử, chưa bao giờ mình được tuyên truyền tự do như thế. Có anh lại đem in truyền đơn trên giấy trắng mực đen đem ra dán ở tường toà Thị chính. Theo luật lúc đó, in truyền đơn cổ động bầu cử trên giấy trắng mực đen là phạm pháp, phải in trên giấy mầu. Nếu in trên giấy trắng mực đen phải gạch xanh, gạch đỏ rồi mới được phát tán. Chỉ Nhà nước mới được quyền in truyền đơn trên giấy trắng mực đen. Sở Sen đầm làm biên bản chuyện này và đem ra truy tố.

Nhân đây tôi nói thêm về cái tục lệ bầu cử trước kia. Những người ra ứng cử thường mỗi cử tri đi ăn uống đi hát. Mình không có tiền để làm việc đó. Hôm bầu cử, họ thuê nhiều xe sang trọng, thuê cả ngày để đón cử tri ở các nơi trong thành phố về toà Thị chính bỏ phiếu. Còn chúng tôi, qua mấy anh em quen nhau điều được hai xe ô tô hòm đi đón cử tri. Khi bầu phiếu, mình thuê một anh “mõ toà” Tây ở toà Thị chính ngồi chứng kiến xem có gian lận không. Mình làm như vậy để nâng uy tín mình lên, cổ động thêm cử tri bỏ phiếu cho mình. Ngày hôm đó, anh em chúng tôi gặp đâu ăn đấy, khi người nhà đem quà bánh tới, anh em đem ra trước cửa toà Thị chính ngồi ăn.

Lúc kiểm phiếu, chúng tôi cũng bất ngờ. Không hiểu sao mà nhiều cử tri đến dự buổi kiểm phiếu thế, đông nghịt cả phía Bờ Hồ. Anh Rục bảo tôi: “Liệu mà về thôi. Họ được đám cử tri công thương gia đa số ủng hộ, mình thắng thế nào được”. Cứ năm mười phút, anh em kiểm phiếu ở trên gác lại ném giấy xuống dưới đường báo cho mọi người biết số phiếu của hai ứng cử viên. Lúc đầu, tôi thua sát nút. Về giữa, bằng phiếu. Cuối cùng, tôi thăng phiếu, đại diện của báo Le Travail thắng phiếu! Trúng cử rồi, anh em bố trí một chị đến tặng hoa cho tôi. Và đám đông biến thành một cuộc diễu hành kéo về tận đầu Hàng Gai. Cuộc tranh cử vào Hội đồng dân biểu Bắc kỳ năm 1937 này ta đã tận dụng quá trình vận động tranh cử để tuyên truyền sâu rộng và rầm rộ trong công chúng.

Thời kỳ làm báo những năm này còn có chuyện đón Godart. Là đặc sứ của chính phủ mẫu quốc nên khi ông ta sang Đông Dương kiểm tra, đám Thống sứ, Công sứ cũng không muốn để xảy ra những chuyện ầm ĩ (2). Chánh mật thám Bắc kỳ sợ mình phá nên mời đại diện báo Le Travailđến bàn chuyện kết hợp đón Godart. Nó khen mình tổ chức khéo, nên rủ mình cùng lo việc đón Godart để tỏ vẻ giữa chính quyền và nhân dân không có sự cách biệt. Hôm ấy cuộc đón tiếp diễn ra gần Đấu Xảo, ở đấy ngoài mình còn có cả bọn cảnh sát, nhân viên chính quyền. Mình chủ trương không đón chung với bọn chính quyền, mà kéo nhau về đón Godart tại nhà riêng của ông ta ở phía sau Bách hoá Tổng hợp bây giờ. Chiều hôm đó, anh em xe kéo đình công trong toàn thành. Trong thời gian Godart ở Hà Nội, nhiều đoàn đại biểu của lao động thương gia, báo giới… đến trình bày nguyện vọng của giới mình. Tôi cũng nhân danh dân biểu đến trình bày nguyện vọng của nhân dân. Hôm nay anh em chúng tôi đến nhà Godart, gặp cả anh Trường Chinh và anh Võ Nguyên Giáp. Hai anh đến nói về vấn đề nông dân và nguyện vọng của họ.

Le Travaillà một tờ báo đấu tranh hợp pháp, không cấm đoán được nhưng bọn Pháp cố tìm những chỗ sơ hở của mình tích lại để truy tố. Khi đón Godart, có một anh ở Phúc Yên về tham gia, khi về bị bọn chức dịch địa phương khủng bố. Báo đưa tin đó, bọn chúng bố trí tên tri huyện kiện báo nói bậy làm mất danh dự quan huyện. Khi chúng khởi tố, mình tìm được hai thầy kiện, luật sư Lambert và luật sư Trần Văn Chương. Thực tình tôi cũng không biết tiền ở đâu mà báo lo tìm thầy kiện. Tôi không rõ chuyện đó vì đã bị bắt. Toà phạt Le Travailnộp phat 600 đồng. Báo không có tiền nộp phạt, nên số cuối cùng bị cấm, từ đó đình bản luôn.

Lúc truy tố, chúng bắt tạm giam tôi và anh Tiến, là chủ nhiệm và chủ bút vào Hoả Lò. Ít ngày sau, vào đầu tháng 9 - 1937, chúng tôi tuyệt thực 7 ngày để phản đối. Lúc đó Thống sứ Châtel mới sang và Viện Dân biểu cũng sắp họp nên chúng xoa dịu bằng cách tha chúng tôi. Tôi ra được ít lâu thì Viện Dân biểu họp. Tôi đọc một bài diễn văn bênh vực cho lao động và chống thực dân, các dân biểu làm ầm lên, đề nghị không đưa diễn văn đó vào biên bản.

Trong quá trình làm báo Le Travail, tôi không đóng góp được mấy vì khả năng có hạn, nhưng cũng không làm gì thất thố có hại cho uy tín, cho phong trào cách mạng của Đảng. Có thể nói báo Le Travaillà tờ báo của Đảng, đấu tranh công khai, nhưng những người chỉ đạo đều bí mật. Anh Nguyễn Thế Rục là chủ chốt của tờ báo.

Ghi lại theo băng ghi âm ngày 30 - 10 - 1978.

(1)   Để biết thêm về Nguyễn Thế Rục, xem Xưa & Nay, số 68, tháng 10 - 1999.

(2)   Justin Godart (1871 - 1956), là thượng nghị sĩ, đảng viên Đảng xã hội, một người thuộc cánh tả Pháp. Ông được cử đến Đông Dương thị sát từ 1 tháng 1 đến 14 - 3 - 1937. Ông có mặt ở Hà Nội từ ngày 6 đến 11 tháng 2, có đi thăm một số cơ sở và tiếp xúc với dân chúng.

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.