Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 10/05/2011 18:49 (GMT+7)

Ngành giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam giành được độc lập, nhân dân ta thoát khỏi chế độ thực dân Pháp. Chinh phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 28 - 8 - 1945 do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thành phần Chính phủ lâm thời có Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Đào Trọng Kim, kỹ sư, nhà nhân sĩ lúc bấy giờ. Để chuẩn bị cho ngày Lễ mừng độc lập của dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc xuôi bằng thuyền theo dòng sông Hồng về Hà Nội cập bến Phúc Xá ngày 24 - 8 - 1945 đảm bảo tuyệt đối an toàn. Ngày 2 - 9 - 1945, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.

Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy…”.

Tình hình đất nước sau khi giành được chính quyền gặp rất nhiều khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ lâm thời đã lãnh đạo nhân dân đầy lùi được thù trong, giặc ngoài, giữ vững nền độc lập.

Ngày 6 - 1 - 1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bầu Đại biểu Quốc hội đã thành công rực rỡ. Quốc hội đã họp kỳ I ngày 2 - 3 - 1946 và thành lập Chính phủ chính thức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước. Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính là kỹ sư Trần Đăng Khoa và kỹ sư Đặng Phúc Thông làm Thứ trưởng kiêm Giám đốc Sở Hỏa Xa.

Ngành Giao thông công chính vừa thành lập đã tiếp quản một gia tài giao thông vận tải kiệt quệ. Theo thống kê của thực dân Pháp năm 1925, toàn Đông Dương có 30.089 km đường, riêng Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ có 21.741 km đường mà trong đó đường rải đá, rải nhựa chỉ có 4.000 km, còn lại toàn đường đất, chỉ đi lại được trong mùa khô. Thực dân Pháp lại chia đường bộ thành nhiều loại: đường thuộc địa (quốc lộ), đường hàng xứ (kỳ), đường liên tỉnh, đường nội tỉnh; nền đường hẹp từ 4 - 6 mét. Mặt đường rộng khoảng 3,5m. Để làm nên những con đường này đã có hàng ngàn đồng bào ta phải đổ xương máu.

Tuyến đường sắt xuyên Việt, chạy tàu chưa được bao lâu, quân phiệt Nhật nhảy vào Đông Dương năm 1940, chúng dùng máy bay bắn phá, ném bom phá hủy một số cầu trên tuyến, nên từ năm 1941 đường sắt xuyên Việt không còn thông tàu được nữa.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 chưa được bao lâu, thực dân Pháp, núp bóng quân Anh, lại nổ súng (ngày 23 - 9 - 1945) gây hấn ở Nam bộ, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Chính quyền cách mạng còn non trẻ, phải đối với thù trong, giặc ngoài. Đất nước “ngàn cân treo sợi tóc. Để giữ vững nền độc lập, chính quyền cách mạng đã ký với Đại diện chính phủ Pháp thừa nhận quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ một thời gian ngắn, thực dân Pháp xé bỏ Hiệp định và gây ra cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn đất nước ta lần thứ 2.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bắt đầu. Ngay những ngày đầu kháng chiến thần thánh, với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” vào mùa xuân Đinh Hợi (năm 1947). Nhân dân Nam bộ, Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến và Tổng bộ Việt Minh đã hăng hái kháng chiến. Giao thông công chính ra quân ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến ở thành phố Sài Gòn và toàn Nam bộ. Nhiều con đường, cây cầu, bến cảng, nhà máy trở thành cứ điểm chiến đấu của quân và dân ta. Các địa phương trong cả nước đã chi viện cho chiến trường. Phong trào Nam tiến rầm rộ ở miền Bắc. Ở Liên khu 5 thành lập ban tiếp tế vào Nam bộ. Chuyến tàu hỏa đầu tiên rời Hà Nội chở 3 đại đội Bắc Sơn, Bắc Kạn, Hà Nội và liên tiếp chở đội tự vệ Nghệ An… vào Nam.

Thực dân Pháp cậy có vũ khí tối tân, được đế quốc Mỹ giúp, chúng tin rằng việc thôn tính nước ta chẳng khó khăn mấy. Âm mưu của chúng là “đánh nhanh, thắng nhanh” và càng nhanh càng tốt. Chính quyền cách mạng kêu gọi toàn dân tiêu thổ kháng chiến, lấy nông thôn bao vây thành thị, và đã tổ chức lại mọi lực lượng sản xuất và chiến đấu. Nhiệm vụ của ngành Giao thông công chính lúc này là:

- Phá hoại đường sá, cầu cống, các đường dây thông tin liên lạc để cản trở giặc Pháp, không cho chúng thực hiện “đánh nhanh, thắng nhanh”.

- Tổ chức vận tải bằng sức người, phương tiện thô sơ, phải đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến, cho hậu phương kịp thời.

Chỉ trong thời gian ngắn. Cán bộ, công nhân giao thông vận tải cùng với bộ đội, nhân dân dã phá hủy 1.540 km đường sắt, gần 10.000 km đường ô tô, 30.500 mét cầu các loại và hầu hết đường dân liên lạc. Đồng thời nhiều nhà máy cơ khí sửa chữa giao thông được lệnh di chuyển máy móc ra vùng an toàn, thứ nào không mang đi được thì phá hủy, không để lọt vào tay quân giặc. Một số phương tiện được cải tiến như biến đầu máy xe lửa thành nồi hơi chạy máy phát điện, biến máy ô tô thành máy nổ chạy máy phát điện. Trong khi đó công nhân của Ngành sống và làm việc ở vùng tạm chiếm, đã đấu tranh kiên cường bằng nhiều hình thức, gây cho địch nhiều thiệt hại. Nhiều nhà máy công nhân bãi công, đòi tăng lương, phá máy móc, làm tê liệt cơ sở kinh tế của giặc Pháp. Năm 1946 công nhân các nhà máy Bason, Eiffel, Orsini lãn công, phá hủy vật liệu khi giặc Pháp bắt anh em đóng gấp một sô ca - nô cho chúng. Năm 1947, công nhân xe lửa Sài Gòn Gia Định bãi công đòi tăng lương. Nhà máy Bason không còn thợ sửa chữa tàu cho giặc Pháp. Các sở xe điện và điện khí bị trục trặc nhiều tháng, vì anh em lãn công, ủng hộ kháng chiến. Anh em công nhân bến cảng Sài Gòn trong 3 tháng (8, 9, 10 năm 1948) đã đổ xuống sông 60 bành vải, 478 kiện hàng gồm quân trang, quân dụng của giặc Pháp. Nhiều công nhân đã phá máy móc, lấy dụng cụ bí mật gửi ra ngoài vùng tự do cho các công binh xưởng.

Toàn bộ các việc làm đó đều được thực hiện trong những ngày đầu kháng chiến. Sự quyết tâm của nhân dân ta biến thành sức mạnh. Sau 1 tháng, nhân dân Việt Nam đã phá hủy quá nửa số cầu đường mà thực dân Pháp đã phải mất 80 năm xây dựng. Giặc Pháp ngay từ ngày đầu xâm lược, đã bị động, lúng túng. Đặc biệt trên tuyến đường huyết mạch của chúng như tuyến đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng) ban ngày chúng kiểm soát đường, nhưng đến đêm các đơn vị du kích và nhân dân ven đường lại ra phá đường, đặt mìn, khiến cho chúng nhiều phen kinh hoàng khiếp đảm. Chính phủ chủ trương tiêu thổ kháng chiến đã làm cho cơ giới của giặc Pháp mất nhiều tác dụng. Ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng không sao thực hiện được.

Ngành giao thông công chính đã thu được nhiều thành tích cùng nhân dân tích cực phá đường, phá cầu để cản bước tiến của giặc, một mặt lại tích cực xây dựng mạng lưới giao thông vận tải và bưu điện trong tình hình mới để phục vụ kháng chiến. Các tuyến đường sắt, đường bộ đã bị phá hủy thì đường sông trở nên cực kỳ quan trọng ở vùng tự do và đã được sử dụng triệt để, trở thành mạch máu vận tải chính. Các loại thuyền, ca nô suốt ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí cho các chiến trường.

Các phương tiện vận chuyển thô sơ đủ các loại như xe ba gác, xe bò, xe trâu, xe cút kít, xe đạp thổ, ngựa thổ, đặc biệt xe đạp thồ là phương tiện vận tải chủ yếu trên đường bộ hồi ấy.

Những cầu sắt, cầu bê tông khi bị máy bay địch bắn phá đã lập tức được sửa chữa ngay hoặc sửa lại thành cầu tre, cầu gỗ, cầu phao, cầu treo bằng dây cáp để bảo đảm giao thông phục vụ tiền tuyến giành thắng lợi.

Mạng lưới giao thông vận tải nhân dân đã hình thành. Hàng đoàn dân công, thanh niên xung phong đã sửa chữa hàng ngàn km đường để dùng cho việc vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ. Do đó, miền núi vẫn không khi nào thiếu muối. Ở hậu phương, trong vùng căn cứ, công nhân giao thông vận tải và bưu điện đã đảm bảo mạch máu giao thông luôn luôn thông suốt. Ngành giao thông bưu điện đã dựa vào nhân dân, nên lực lượng vận tải chính là những đội dân công được tổ chức thành từng đoàn, đội, có đặt các trạm trên các tuyến đường và lấy đội thanh niên xung phong làm nòng cốt. Còn bưu điện chia thành khu vực phục vụ lãnh đạo khu vực. Tổ chức giao thông (giao liên) đi bộ là chủ yếu, đã giữ vững liên lạc suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, góp phần quan trọng cho những trận đánh thắng lợi vang dội, như chiến thắng Sông Lô, Thu Đông 1947. Cuối năm 1949, sau khi giải phóng Bắc Kạn, lực lượng giữa thực dân Pháp và Việt Nam đã thay đổi. Bộ đội, dân quân du kích của ta càng trưởng thành và yêu cầu vận chuyển cho tiền tuyến ngày càng nhiều hơn. Vì vậy chính phủ quyết định khôi phục và sửa đường cho ô tô chạy. Ngành Giao thông công chính đã tổ chức lại lực lượng làm đường, cầu, sửa chữa, mở rộng đường ô tô từ Tuyên Quang đi Cao Bằng, Tuyên Quang lên Hà Giang và Tuyên Quang đi Yên Bái… Chiến thắng biên giới 1950 - 1951, tuyến đường của Việt Nam đã mở thông sang Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Được Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ, hàng trăm xe ô tô các loại được tăng cường cho lực lượng vận tải của quân dân ta. Từ căn cứ địa Việt Bắc, Ngành tổ chức nhiều lực lượng sửa chữa cầu đường, tỏa về vùng Trung Du, sang Tây Bắc, xuống khu 3, vào khu 4. Chỉ trong 4 ngày, lực lượng làm đường đã sửa chữa, làm mới xong tuyến đường từ Âu Lâu (Yên Bái) sang Nghĩa Lô, và từ Chợ Bờ, Suốt Rút đi Yên Châu (Sơn La) trong 9 ngày, kịp thời phục vụ chiến dịch Tây Bắc thắng lợi. Đồng thời, Ngành Giao thông còn sửa chữa khẩn trương đoạn đường sắt Yên Bái - Làng Thíp dài 70 km. Thiếu đầu máy xe lửa, Ngành Đường sắt đã khắc phục bằng cách dùng đầu máy ô tô thay thế. Ở khu 4 cũ, cũng sửa chữa, xây dựng lại đoạn đường goòng dài 70 km dùng vào việc vận chuyển phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên. Ở Liên khu 5, đoạn đường sắt dài 300 km từ Quảng Nam đi Phú Yên được khôi phục, phục vụ sản xuất và chiến đấu kịp thời.

Những năm đầu kháng chiến, Ngành Giao thông vận tải chỉ có 19 xe ô tô thì 2 xe dùng vào việc chạy đường goòng, số còn lại sử dụng như con thoi ở vùng căn cứ địa Việt Bắc. Số xe ô tô tăng dần lên do các nước bạn viện trợ, giúp đỡ.

Khi vùng tự do được mở rộng, nhiều tuyến đường bộ được sửa chữa và làm mới. Đường sắt được khôi phục từng đoạn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, nhất là khi nhiều tuyến đường sông trong cả nước được tận dụng khai thác vào việc vận chuyển thì giặc Pháp lại điên cuồng phá hoại.

Hồi đầu kháng chiến, Ngành giao thông vận tải cùng toàn dân tích cực phá hoại cầu đường thì sau 4 - 5 năm kháng chiến, giặc Pháp lại tích cực phá hoại hệ thống giao thông của ta. Trước đây việc phá hoại cầu đường nhằm chặn bước tiến quân của giặc Pháp thì nay giặc Pháp lại tích cực phá hoại cầu đường để chặn bước tiến của quân ta từ miền núi, miền Trung Du về đồng bằng, hoặc từ vùng Thanh Hóa lên Tây Bắc, vùng sông Hồng, sông Đà lên Tây Bắc…

Trong chiến tranh, làm mới hoặc sửa chữa cầu đường là cuộc chiến gian khổ nhưng việc chống phá hoại cầu đường để đảm bảo an toàn giao thông thông suốt lại còn gian khổ hơn nhiều. Giai đoạn đầu, giặc Pháp thỉnh thoảng cho máy bay bắn phá, thả bom vài chỗ mà chúng nghi là trọng yếu. Từ những năm 1951 - 1952, giặc Pháp hoạt động phá hoại ngày càng ráo riết hơn. Chúng đã thả bom đinh ba càng, bom nổ ngay, bon nổ chậm, bom bươm bướm. Chúng lợi dụng mưa lũ, kẻ thù thiên nhiên của lực lượng làm đường, để tăng cường phá hoại. Những đoạn đường, những nếp nhà, và trên các dòng sông, máy bay giặc Pháp suốt ngày đêm lùng sục bắn phá. Chúng lùng tìm nơi cất giấu phà, ban đêm máy bay giặc luôn thả pháo sáng ở những điểm vượt sông mà chúng cho là quan trọng. Máy bay giặc thay nhau từng tốp đến ném bom liên tục. Các bến phà Chợ Bờ, suối Rút, Âu Lâu, Bình Ca… lúc ấy đã trở thành trận địa ác liệt. Cán bộ, công nhân giao thông công chính cùng với quân dân thường trực ngày đêm ở những đoạn đường xung yếu, những quãng đèo dốc nguy hiểm để sửa chữa đường ngay sau khi máy bay giặc vừa bắn phá. Nhiều cán bộ, công nhân Ngành Giao thông công chính không quản nguy hiểm đã đào, đã tháo các loại bom nổ chậm to, nhỏ và quét sạch các loại bom bươm bướm sau mỗi trận mưa bom để giữ mạch máu giao thông luôn luôn thông suốt. Các chiến sỹ lái xe, các thủy thủ trên các dòng sông dũng cảm mưu trí trong việc vận chuyển hàng cho tiền tuyến.

Dùng máy bay không kết quả, giặc Pháp còn thả biệt kích, tung gián điệp vào vùng tự do để đặt mìn phá cầu, phá xe và chỉ điểm cho máy bay của chúng bắn phá. Có những cây cầu ta mới làm, đã bị phá sập, có những đoạn đường bom dạn của giặc đã biến thành hố sâu. Chúng điên cuồng bắn phá liên tục khiến giao thông của ta bị tắc nghẽn có khi cả tuần lễ.

Chấp hành chỉ thị của Hồ Chủ tịch: “Đường thông, mọi việc dễ dàng thông…”, các đội chủ lực cầu đường, các đội thanh niên xung phong, anh em thủy thủ lái phà, ca nô, thuyền đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân bảo vệ cầu đường, phát huy nhiều sáng kiến trong bảo đảm giao thông, từng bước làm thất bại kế hoạch phá hoại cầu đường của giặc Pháp được đế quốc Mỹ tài trợ, ủng hộ. Hàng trăm chiến sĩ bảo đảm giao thông xuất sắc, được thưởng Huân chương.

Đồng chí Hoàng Thị Cầu, Tiểu đội trưởng dân công đã động viên đồng đội bất chấp gian nguy đắp đường cho xe qua mặc dù chưa có lực lượng đến phá bom nổ chậm. Đồng chí Đinh Trung Thái đã ngồi bên bom nổ chậm để giữ vững tinh thần cho anh chị em sửa chữa lại đường… Khu tự do càng ngày càng được mở rộng, chính quyền nhân dân các cấp được củng cố. Ngành Giao thông công chính được phát triển nhanh, cả về lượng và chất.

Tháng 2 - 1951 Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng thành công tốt đẹp. Đảng ra công khai và đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam. Các tổ chức Đảng và Công đoàn được thành lập trong Ngành Giao thông bưu điện từ cơ quan Văn phòng Bộ đến các đơn vị trực thuộc, các cơ sở hoặc chi sở và các Ty Giao thông bưu điện địa phương trong cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác cầu đường và vận tải lúc này. Người đã gửi thư khen ngợi đồng bào các tỉnh Cao - Bắc - Lạng “Đồng bào ba tỉnh đã cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội…”. Hồ Chủ tịch đã đến thăm dân công, công nhân giao thông làm đường ở Cao Bằng tháng 3 - 1951, Người cũng gửi thư cho cán bộ, công nhân, dân công làm cầu đường. Thư có đoạn viết: “… Công việc cầu đường là rất quan trọng. Nó cũng là một chiến dịch mà các cô, các chú là chiến sĩ…”.

Ngày 19 tháng 6 năm 1948, Hồ Chủ tịch đã phát động phong trào thi đua yêu nước: “Thi đua là yêu nước; yêu nước là phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Chính nhờ có phong trào này mà từ năm 1950, dân công, thanh niên xung phong làm cầu đường đã đưa năng suất lao động lên cao hơn.

Trong hoàn cảnh kháng chiến, cán bộ, công nhân làm cầu đường đã biết tận dụng vật liệu tại chỗ để đỡ tốn công vận chuyển. Nhờ đó, đã khắc phục được máy cán đường, đỡ tốn việc khai thác, vận chuyển đá để có mặt đường tốt, cho xe đi êm thuận. Cán bộ công nhân giao thông cũng học tập được ở các nước bạn về việc khảo sát phải chính xác, cụ thể, lập kế hoạch thật sát và chuẩn bị công trường đầy đủ trước khi khởi công. Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt Người viết bài đăng báo Nhân dân ngày 1 - 7 - 1952 với đầu để “Người không có bằng, vẫn lập công to”. Bài báo đề cập tới trường hợp anh Nguyễn Văn Thường có sáng kiến làm cầu.

Cuộc kháng chiến toàn quốc của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp ở khắp các chiến trường, cả chiến trường Thượng Lào. Chính phủ quyết định mở Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất. Đại hội này họp tại Việt Bắc vào ngày 1 - 5 - 1952, gồm 150 chiến sĩ thi đua toàn quốc, từ cơ sở các cấp bầu lên. Đại hội đã bầu 4 Anh hùng lao động. Trong số Anh hùng Lao động có đồng chí Ngô Gia Khảm, công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm, hoạt động trong công binh xưởng, là một trong những người có công đầu tiến xây dựng công binh xưởng của nước ta. Tại Đại hội này, Hồ Chủ tịch đã tặng đồng chí Ngô Gia KHảm một chiếc áo hoa.

Giặc Pháp càng thua đau, càng điên cuồng liều lĩnh. Máy bay giặc Pháp ráo riết bắn phá, nhất là tuyến giao thông Quốc lộ 3, mà trọng điểm là Đèo Giang. Ở đây, chỉ trong tháng 7 - 1952 chúng đã đánh tới 86 trận, mỗi trận từ 3 - 5 máy bay, ném đủ các loại bom tấn, bom napan, bom nổ chậm, mìn vải… Mặc dầu vậy, các đơn vị bảo đảm giao thông vẫn bám trụ ngày đêm để sửa chữa cầu đường. Các đường cũ được mở rộng, làm thêm một số đường mới cho ô tô chạy, tích cực chuẩn bị về giao thông và vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 10 - 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 53 - 54 hướng lên Tây Bắc. Giữa tháng 11 - 1953, bộ đội ta bắt đầu tiến quân. Quân địch đóng ở Nà Sản (Sơn La) tháo chạy. Ngày 20 - 11 - 1953 giặc Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12 - 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định hướng cuộc chiến đấu vào Điện Biên Phủ. Hồ Chủ tịch đã ra chỉ thị: “… Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng, không những về mặt quân sự và cả về mặt chính trị, không những đối với trong nước mà còn đối với cả quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành kỳ được…”.

Để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngành Giao thông công chính đã cùng với lực lượng dân công, thanh niên xung phong cấp tốc mở thêm 300 km đường, vận chuyển hàng chục ngàn tấn lương thực, quân khí cho bộ đội. Hàng vạn dân công làm nhiệm vụ vận tải. Nhiều anh chị em được Hồ Chủ tịch khen ngợi như đồng chí Hoàng Thị Mới, 20 tuổi; đồng chí Nguyễn Văn Tường 33 tuổi, quê Thanh Hóa; đồng chí Nguyễn Đình Huyền, 40 tuổi, quê Nghệ An.

Với lòng yêu nước, chí căm thù giặc Pháp xâm lược, các lực lượng giao thông vận tải ngày đêm liên tục phục vụ chiến dịch, không quản gian nguy. Thời gian dành cho nghỉ ngơi của họ lúc này thật là ít ỏi. Các bữa ăn của họ hầu hết cơm muối với măng hoặc rau rừng. Họ còn phải chống chọi với mưa phùn, gió bấc, muỗi rừng, với vắt, và nhất là với bom đạn của máy bay giặc liên tục bắn phá trên tuyến đường đi của họ. Những cố gắng, hy sinh của CBCN Ngành Giao thông vận tải đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7 - 5 - 1954.

Giặc Pháp thất bại nặng nề trên khắp chiến trường Bắc - Trung - Nam, nhất là Điện Biên Phủ, và trước sự tiến triển của Hội nghị Giơ - ne - vơ, bọn xâm lược Pháp âm mưu tháo gỡ máy móc hoặc phá hủy máy móc để chuẩn bị cuốn gói ra đi. Từ cuối tháng 7 - 1954, công nhân giao thông vận tải cùng nhiều công nhân các nhà máy khác trong vùng tạm chiến ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, vùng Hòn Gai, Cẩm Phả… lại nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng bảo vệ máy móc, dụng cụ không để cho giặc Pháp phá hủy hoặc mang đi. Chính vì thế, khi tiếp quản Thủ đô, nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng như nhiều nhà máy công binh xưởng khác đã hoạt động sản xuất kịp thời.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp Ngành GTVT góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” góp phần vào thắng lợi của Hội nghị Giơ - ne - vơ được ký kết 20 - 7 - 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam “đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, tôn trọng chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” kết thúc chế độ thực dân Pháp gần 100 năm xâm lược nước ta. Những tên lính thực dân Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên rút khỏi Hà Nội lúc 16 giờ ngày 10 - 10 - 1954 cách đây 55 năm Đại đoàn quân tiên phong và đoàn quân chính thành phố Hà Nội nô nức phấn khởi cờ hoa biểu ngữ khắp nơi trong thành phố vui mừng chào đón. Cùng ngày lịch sử đó, lúc 14 giờ đoàn tàu hỏa sau khi ta tiếp quản cùng đoàn cán bộ từ ga Hàng Cỏ chạy sang Gia Lâm phối hợp với quân đội và nhân dân tiếp quản khu vực cuối cùng ở Hà Nội sau khi thực dân Pháp xuống Hải Phòng lên tàu biển vào Nam tạm thời theo Hiệp định Giơnevơ qui định.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới