Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 11/10/2021 17:51 (GMT+7)

Nhà văn hóa lớn Vũ Khiêu và tình yêu dành cho Hà Nội

Một cây đại thụ của đời sống văn hóa – tinh thần Hà Nội vừa mới ra đi.

Bên cạnh lòng tiếc thương vô hạn, chúng ta cùng rất đỗi tự hào và cùng cảm nhận sâu sắc lòng biết ơn chân thành đối với một công dân Hà Nội đích thực, đã có hơn một thế kỷ sống gắn bó cùng Thủ đô, một trí tuệ lớn, một tâm hồn lớn, đã có rất những cống hiến xuất sắc cho văn hóa và con người Hà Nội.

GS – AHLĐ Vũ Khiêu

Tôi có may mắn quen biết nhà văn hóa Vũ Khiêu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đó, chúng tôi trân trọng mời ông tham gia vào biên soạn một công trình khoa học lớn của giới văn học nghệ thuật Hà Nội:“Hình ảnh người Hà Nội trong văn học nghệ thuật cận và hiện đại”. Đây là một công trình tổng thể của 9 ngành văn học nghệ thuật Thủ đô, tập hợpnhiều trí tuệ lớn như: Giáo sư Trần Quốc Vượng, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc; các nhạc sĩ: Phạm Tuyên, Dương Viết Á…; các nhà văn: Tô Hoài, Bằng Việt, Hồ Anh Thái; các kiến trúc sư: Phạm Cao Nguyên, Trần Hùng, Tiến sĩ Lê Ngọc Canh; các nhà nghiên cứu: Lâm Tô Lộc, Giang Quân, Tiến sĩ Tất Thắng, Tiến sĩ Trần Đình Ngôn; các nhà nhiếp ảnh: Lê Cường, Hoàng Kim Đáng; các nhà điện ảnh: Đào Trọng Khánh, Đan Thiết Thụ...Công trình được một Hội đồng phản biện do Giáo sư, Tiến sĩ Đình Quang làm Chủ tịch, được đánh giá đạt mức nghiệm thu xuất sắc.

Giáo sư Vũ Khiêu là người viết bài Tổng luận cho tập sách, tổng kết toàn bộ công trình với rất nhiều nhận định mới mẻ và sắc sảo, không đi sâu vào từng nhánh của công trình, mà tập trung đi sâu vào tính chất con người Thăng Long-Hà Nội qua các thời đại, đồng thời nhấn mạnh tính chất “địa linh, nhân kiệt” của mảnh đất kinh kỳ, nơi hội tụ, tinh lọc và lan tỏa mọi giá trị văn hóa, mọi nhân vật anh hùng hào kiệt bốn phương rồi lại làm hạt nhân tỏa đi, phát huy thế mạnh cho cả nước.

Tôi nhớ là hồi ấy, khái niệm “Văn hiến Thăng Long” mới được Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đi sâu nghiên cứu, nhưng có lẽ đến Giáo sư Vũ Khiêu thì ông mới hoàn chỉnh khái niệm này, - vì như ông nói hồi đó- với tư cách một người sống và gắn bó với Hà Nội gần 80 năm, ông đã bỏ ra gần 10 năm để chuyên nghiên cứu về “Văn hiến Thăng Long” và “Tính cách và sự phát triển tinh thần và tâm linh người Hà Nội”. Ông đã khẳng định rằng: “Phương Tây không có khái niệm văn hiến”. Họ chỉ có từ: Văn hóa và văn minh. Văn hiến là một thuật ngữ hoàn toàn mang tính học thuật phương Đông, chỉ có ở nước ta và Trung Quốc. Sau khi đã trích dẫn các ý kiến của Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, ông đưa ta về cội nguồn của định nghĩa “văn hiến”. Đó là thuật ngữ được sử dụng đầu tiên trong sách Luận ngữ của Khổng Tử. Đến đời Tống, Chu Hy giải thích:“Văn - điển tịch dã. Hiến - hiền dã”. Có thể hiểu: Văn là văn hóa, chỉ khuôn phép, trước tác, sách vở. Còn Hiến là người tài, là đức của đất nước. Như vậy “văn hiến”không chỉ có phạm trù văn hóa mà thôi, mà còn bao gồm cả hiền tài của đất nước nữa. Đó là định nghĩa chuẩn mực của Giáo sư Vũ Khiêu.

Khi bàn về tính cách người Hà Nội, bản Tổng luận của Giáo sư Vũ Khiêu cũng lần đầu tiên đưa ra 3 chuẩn mực, đó là : Văn minh, Thanh lịch, Hiện đại.Ba tiêu chí này sau đó đã được phổ biến rộng rãi và trở thành câu cửa miệng của các nhà lãnh đạo, các nhà tuyên truyền văn hóa, xây dựng con người mới Thủ đô, làm tiêu chí cho các bản quy ước về nề nếp ứng xử văn hóa người Hà Nội. Sau này, có lẽ người ta thấy rằng, dùng hai từ “văn minh, thanh lịch” cũng đã đủ nghĩa, nên đã bớt đi từ “hiện đại”. Tuy nhiên, Giáo sư Vũ Khiêuđã nêu lại nhiều lần ý tứ minh triết của ông như sau: “Văn minhtrước hết xuất phát từ những thành tựu về vật chất (do lực lượng sản xuất của xã hội phát triển mà có) mà liên hệ với sự phát triển về tinh thần. Còn Văn hóa trước hết xuất phát từ sự phát triển về mặt tinh thần và từ đó mà liên hệ hữu cơ với cơ sở vật chất của nó”. Như vậy, một nền văn minh là biểu hiện toàn diện của các thành tựu và tiến bộ từ cơ sở sản xuất vật chất, nhưng lại phải có sự thăng hoa của nền tảng vật chất ấy, thì mới thành tinh thần, thành văn hóa. Còn “hiện đại”, theo Giáo sư Vũ Khiêu, trước tiên, không phải là chỉ biết thừa hưởng những giá trị mới của ngày hôm nay mà cắt đứt với quá khứ, trái lại, vẫn bao hàm sự nối tiếp các giá trị của truyền thốngcủa văn hóadân tộc. Mặt khác, con người hiện đại phải nắm bắt được những đặc trưng cơ bản nhất trong sự vận động của nhân loại, từ đó, anh ta phải trở thành gạch nối hài hòa giữa quá khứ với tương lai, đồng thời biết phân tích được chiều hướng đi tới tương lai bền vữngđúng với chủ nghĩa nhân văn chân chính. Hiểu theo nghĩa này của Giáo sư Vũ Khiêu, ta thấy rõ có sự khác biệt lớn giữa 2 khái niệm văn minh và hiện đại.Một số người nghĩ hẹp thì cho rằng đưa khái niệm hiện đại vào làm gì, chỉ tổ xui thanh niên du nhậpmốt sống hưởng thụ lố lăng tầm thường, đua đòi các lối “chịu chơi” môđecnitxả láng kiểu phương Tây, nghe những thứ nhạc ẻo lả hoặc giật gân, xem các phim bạo lực không có chủ đề giáo dục rõ ràng,rồi những loại ảnh “porno” vô đạo đức...

Giáo sư Vũ Khiêu cũng thấy những điều đó, nhưng ông còn suy nghĩ sâu xa và cơ bản hơn nhiều. Ông nói, đương nhiên nóitính hiện đại là phải nói đến mối liên hệ với những thành tựu của khoa học, kỹ thuật.Tiến bộ ấy cho phép con người thâm nhập được cả vào chiều sâu và chiều rộng của vũ trụ. Đặc biệt, nó cũng tạo ra cho loài người các phương tiện để tự giải thoát khỏi những lo âu, ám ảnh họ từ buổi sơ khai, như các bệnh tật, đói rét, tai họa thiên nhiên...Tuy nhiên, con người hiện đại lại phải nhìn thấy khoa học đã bất lựcnhư thế nào trước những thiên kiến đầy rẫy trong xã hội loài người: thiên kiến tôn giáo, thiên kiến về chủng tộc, giai cấp, ý thức hệ, thiên kiến địa phương, dòng họ...Thậm chí, có khi chúng ta chứng kiếnsự tiến bộ trong quan hệ với thiên nhiên hay xã hội, thì lại đem lại sự thụt lùi trong quan hệ giữa người với người! Đây đang là những dấu hiệu bi thảm của thời đại chúng ta. Vậy con người hiện đại phải có cách nghĩ như thế nào để khắc phục và loại bỏ những mâu thuẫn ấy trong thời đại hôm nay?Đấy quả thực là những suy nghĩ rất lớn và rất sâu về tính hiện đại trong 3 phẩm chất mà con người Thủ đô chúng ta hôm nay cần phải có, theo Giáo sư Vũ Khiêu.

Trong mọi suy nghĩ mực thước và mang tính tổng hòa cao ấy, chúng ta bắt gặp một tính cách rất bình dị, khiêm tốn, hòa đồng với mọi người. Giáo sư còn rất sôi nổi tham gia vào các hoạt động xã hội rộng lớn khác của quần chúng. Ví dụ, khi một nhóm anh chị em sáng tác thơ lục bát và thơ Đường luật mời Giáo sư Vũ Khiêu tham dự hội thảo, ông rất vui vẻ đến dự và phát biểu những cảm nhận sâu sắc của mình về hai thể thơ nhiều “duyên nợ” này trong truyền thống của thơ ca dân tộc. Thậm chí, ông còn bỏ tiền túi ra tài trợ, giúp đỡ Ban tổ chức, để cuộc hội thảo trênđông tới trên 1000 người từ toàn quốc về tham dự ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có điều kiện tổ chức thành công, nhằm duy trì sức sáng tạo và đổi mới thơ lục bát.

Khi nhận làm Chủ tịch Hội đồng khoa học cho Dự án lớn của Thành ủy Hà Nội là “Tủ sách 1000 năm Thăng Long” với trên 100 đầu sách, nhân Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Giáo sư Vũ Khiêu đã thể hiện tinh thần làm việc say mê và tận tụy hiếm có, một trí tuệ minh mẫn phi thường, khi phải họp đều đặn với Hội đồng, cho ý kiến thẩm định về các đề tài phong phú trên nhiều lĩnh vực, đánh giá cụ thể từng đầu sách cùng hàng trămgiáo sư, các nhà khoa học, nhà quản lý...để đưa được Dự án lớn này đi tới thành công và xác nhận giá trị khoa học có chất lượng cao của cả“Tủ sách 1000 năm Thăng Long”. Bản thân tôi từng có những kỷ niệm không thể quên khi tham gia làm chủ biên 2 tập “Tuyển thơ Thăng Long Hà Nội 10 thế kỷ” dày trên 2000 trang khổ lớn. Giáo sư Vũ Khiêu đã có những lời khuyên rất thiết thực và sâu sát về tiêu chí chọn lựa tác giả, nhất là các tác giả cổ điển, cách nhận định các bài thơ Hán – Nôm từxa xưa. Hay khi tôi chọn lựa một đề tài rất khó là “Kẻ sĩ Thăng Long”, để nhận làm một tập sách chuyên khảo về tầng lớp trí thức Thăng Long xưa, Giáo sư Vũ Khiêu đã động viên tôi chân tình, đồng thời có những chỉ dẫn về phương pháp, đểdễ đi vào kho tàng Hán Nôm ở những khu vực nào, nhằm có được những tư liệu quý hiếm nhất về “kẻ sĩ” mọi thời, nhất là đặc thù của họ qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Đây quả thực là một người thầy uyên bác và chân thành, đầy tâm lý khi thuyết phục người khác bằng những lời nói nhỏ nhẹ, ôn tồn nhưng đầy sức nặng, đầy lý lẽ vững chắc, có khi lại rất nhẹ nhàng, hóm hỉnh.

... Hôm nay, tiễn người Thầy của nhiều thế hệ đã vừa theo cánh hạc lên tiên, tôi mãi mãi ghi nhớphẩm chất cao quý mà giản dị của Ông, một trí thức chân chính, một công dân Hà Nội đầy cốt cách tài hoa, một vị Anh hùng trên diễn đàn văn hóa của thời kỳ Đổi Mới, sẽ còn lưu lại lâu dài trong tâm trí mọi người!.

(Theo Nhà thơ Bằng Việt)

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới