Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 04/01/2008 00:12 (GMT+7)

Ý nghĩa không gian - thời gian của con số bảy trong đời sống dân tộc Ê Đê

Một trong những "sức mạnh" ấy là sức mạnh của biểu tượng con số. Chúng ta đã nhận thấy con số không chỉ biểu thị một đại lượng (tính đại lượng này là như nhau ở các dân tộc, các vùng địa lí khác nhau) mà còn tượng trưng cho một ý tưởng hay một quan niệm, một hiện tượng hay một lực lượng (các ý nghĩa này khác nhau ở các dân tộc, các vùng địa lí khác nhau). Tầm quan trọng của con số là rất lớn, thậm chí đôi khi "chỉ riêng nó thôi cho phép ta đạt đến một sự hiểu biết đích thực về những con người và những biến cố" [2, tr.827].

Mỗi một con số có một bản sắc riêng nhưng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, dân tộc Ê Đê nói riêng thì chỉ có con số 7 (số bảy) mới là con số thiêng liêng và quan trọng. Đồng bào Ê Đê đam mê con số bảy, dường như còn hơn cả niềm đam mê đối với âm nhạc, lễ hội và các bài khan, bởi vì linh hồn của những nghệ thuật này, theo người Ê Đê đều được tạo nên ít nhiều từ sự kì diệu của con số bảy.

Nếu như ở khắp nơi trên thế giới "ba là một con số cơ bản, biểu tượng một trật tự trí tuệ và tinh thần nơi thần linh, trong vũ trụ hoặc trong con người..." thì cũng ở khắp nơi trên thế giới " bảy là con số tượng trưng cho tổng thể khônggian và tổng thể thời gian".Jean Chevalie và Alain Gheerbrant trong cuốn Từ điển biểu tượng văn hoá thế giớiđã cho chúng ta những dẫn chứng: Tuần lễ gồm sáu ngày hoạt động cộng thêm một ngày nghỉ; bầu trời có sáu hành tinh (trong phép tính ngày lễ cổ), mặt trời ở trung tâm; ngôi sao sáu cánh có sáu góc, sáu cạnh hay sáu nhánh sao, trung tâm đóng vai trò cái thứ bảy; sáu hướng không gian có một điểm trung gian hoặc trung tâm, hợp lại cũng cho con số bảy v.v. [2, tr.70].

Thật bất ngờ khi người Tây Nguyên ý thức rất rõ về điều này. Trước hết, để thể hiện quan niệm số bảy là tổng thể không gian, họ kể câu chuyện về bảy tầng vũ trụ. Điều lưu ý chúng ta rằng, trong đạo Phật, bảy là con số của các tầng trời, trong đạo Hồi, bảy cũng là con số bảy tầng trời, bảy tầng đất, bảy biển, bảy ngăn địa ngục, bảy cửa... nhưng đối với người Tây Nguyên thì bảy là con số của toàn bộ vũ trụ, con số của các tầng không gian có trong thế giới.

Câu chuyện Trời đất - Địa ngụccủa người Giarai được Dam Bo (Jacques Dournes) sưu tầm trong France-Asie, số 49-50 (Numéro spécial consacré aux Populations Montagnardes du Sud-Indochinois) như sau:

" Thuở ban đầu, khi chưa có mặt trời và mặt trăng, tất cả mọi vật đều được sáng tạo ở thượng tầng thế giới K"du đam Thang, rồi qua tầng thứ nhì, giang sơn của K"mang dạm Jong và sau hết mới qua tầng trời thứ ba của K"tang dam Pri"ơ. Ba vị thần này đều là hình ảnh của đấng tạo hoá bất diệt, sống một đời đầy cực lạc thần tiên. Sống ở tầng trời trên hết K"yai dam Du đem tất cả mọi vật sáng tạo ở ba cõi thế giới bên dưới xuống địa ngục. Sự tạo lập của 3 thế giới này bắt đầu bởi Brah Ting, tại xứ xở của K"Bung dam Dur, sau đó đến Gling Glong và tiếp là Corang Lu Corang Liang, tại giang sơn của Lanka.

Cuối cùng Bung đưa mọi vật lên mặt đất của chúng ta, là chốn ở giữa cõi trời và địa ngục. Đó là lí do vì sao mà tất cả mọi vật đều từ địa ngục mà ra.

Trên mặt đất, tổ tiên của loài người là Uông Khot và Uông Kho đã tổ chức tất cả, và Bung lại trở xuống. Nhờ K"yai dam Du giúp sức, Khot và Kho buộc chặt được trời (hình một cái thúng tròn to lớn) vào mép đất (hình tròn phẳng) bấy giờ chưa được vững chắc.

Tại mặt đất, K"du Kon Dit bấm cây tre làm ra cành, K"du Kon Dat vặn cây tre làm ra mắt; K"du Kon Dit đập cây tre làm cho rỗng ruột. Cây tre là khuôn mẫu đầu tiên của thân hình con người.

Từ khi Nyut đẩy trời lên thật cao, đường đi lại giữa ba tầng trời bên trên với bên dưới không còn nữa. Sống trên trời không một ai phải chết, còn ở cõi giữa là đất và thế giới bên dưới, con người phải chết. Giữa ba tầng trời bên trên và ba tầng địa ngục bên dưới, loài người ở thế giới thứ bảy. Hình ảnh bảy cõi thế giới này đều phỏng giống như nhau. Ba tầng thế giới bên trên cũng có cõi trời, các vị thần sống bằng tinh khí thượng giới, các tầng thế giới bên dưới là địa ngục cũng có cõi trời riêng, vận chuyển trái ngược với mặt đất loài người: ở đây mưa thì dưới ấy tạnh, trên này ban ngày thì dưới ấy ban đêm..."*

Như vậy vũ trụ của người Gia Rai bao gồm bảy tầng và những mối quan hệ trong đó, mối quan hệ ràng buộc giữa những thực thể của địa ngục, những thực thể trên bề mặt đất và những thực thể của trời cao mà chúng ta có thể ước đoán được, tạo nên nhịp điệu của thế giới. Dam Bo đánh giá cao nhận thức này: "... quan niệm hình học không gian bao gồm mối liên hệ này và vượt lên trên cả nó.." [1, tr.1185].

Và từ đó ông đã dựng lên cả một sơ đồ mô hình vũ trụ của người Tây Nguyên:

Con số bảy đã trở thành con số thiêng, con số của "tổng thể không gian" đối với người Gia Rai nói riêng, Tây Nguyên nói chung có nguồn gốc từ cái nhìn về thế giới như vậy. Bằng cách kết hợp ba tầng trời, ba tầng địa ngục, và mặt đất ở trung tâm (khác với cách kết hợp số bốn, tượng trưng cho đất với bốn phương trời và số ba, tượng trưng cho trời), "số bảy - không gian" này còn đem đến cho người Tây Nguyên ấn tượng về những con số lẻ. Bên cạnh con số bảy, người Tây Nguyên còn dùng con số ba để miêu tả tổng thể không gian hay sự di chuyển không gian là vì vậy.

Ý nghĩa thời giancủa con số bảy được người Tây Nguyên thể hiện trong những huyền thoại về mặt trăng. Người Tây Nguyên tin con số bảy là "tổng thể thời gian" bởi họ tính thời gian theo chu kì của mặt trăng. Mỗi chu kì mặt trăng kéo dài bảy ngày và bốn kì mặt trăng (7 x 4 = 28) khép lại một chu kì. Tương ứng với các chu kì hoạt động của mặt trăng, người ta tổ chức những hoạt động của con người: làm lụng, nghỉ ngơi, vui chơi, lễ hội .v.v.

Cũng chính là Dam Bo trong tạp chí France - Asie, số đặc biệt dành cho các dân tộc Tây Nguyên, nhấn mạnh vai trò của con số bảy đối với người Tây Nguyên và đặc biệt là nhấn mạnh "nguồn gốc mặt trăng" của nó (tr.1185). Ông cho biết, đối với người Tây Nguyên, K)nghai, thần Mặt trăng - vị thần lịch biểu ít vinh quang hơn (so với T)nghai, nữ thần Mặt trời - nữ thần của khả năng sinh sản), nhưng lại thân mật, gắn bó hơn. Thần có một vai trò quan trọng đối với sự trưởng thành, sự gia nhập cộng đồng của các chàng trai. Con người luôn đi theo những dấu chân của Thần để lầm rẫy hay làm vườn. Thần chỉ cho chúng ta biết thời kì gieo giống và thời kì thu hoạch, những ngày tốt và những ngày xấu. Mặt trăng lên cao là thuận lợi, là giai đoạn để tiến hành những công việc lớn; mặt trăng xuống thấp thì không nên làm gì cả, nhưng khoảng thời gian lân cận mà Mặt trăng có thể trông rõ là thời gian tốt cho việc gieo giống: những con chuột sẽ không ăn những hạt lúa giống. Một truyền thuyết của dân tộc Srêkể: "Ngày xưa, Mặt trăng ở ngay gần mặt đất và kết hôn với một nàng cò trắng. Nhưng vợ của thần lại có tính gắt gỏng, hay cãi vã. Thần muốn kết thúc cuộc hôn nhân và vì vậy mà lên ở tít trên cao của bầu trời, như ngày hôm nay. Khi gần mặt đất, Thần lại hướng dẫn, chỉ bảo cho con người trong công việc của họ, nói cho họ biết những ngày tốt và những tháng tốt. Bây giờ, thần luôn ở trên cao và hài lòng với công việc quan sát, trông nom" [tr.1133]. Một truyền thuyết khác của dân tộc Xơ Đănglại cho biết: "Ngày đầu tiên của mặt trăng, hãy đi săn lợn nòi, ngày thứ hai của mặt trăng hãy đi săn gấu, ngày thứ sáu của mặt trăng, bạn có thể đi tìm cặp sừng hươu (con hươu hoang đường mà chúng ta chưa bao giờ thấy)... Những ngày lẻ (theo mặt trăng), bạn sẽ thành công trong công việc của bạn; buổi sáng bạn đi làm trên rẫy, buổi chiều tối bạn đi làm trên rẫy, buổi đêm bạn sẽ đi tìm kiếm những con trâu của bạn..." [tr.1148].

Như vậy, chu kì hoạt động của mặt trăng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống người Tây Nguyên, không chỉ là cuộc sống lao động mà cả cuộc sống lễ hội, vui chơi: "Người Tây Nguyên rất thích những đêm trăng, đó là thời điểm lí tưởng để hát lên những bài hát truyền thống và nói chuyện với thần linh... Trăng tròn thường là lúc khởi động cho những ngày hội tôn giáo, đó là biểu tượng cho sự tán dương, sự hào hứng, phấn khởi và sự trọn vẹn, đầy đủ.." [tr.1133].

Câu chuyện trên chính là lí do vì sao khi nói đến thời gian, người Tây Nguyên, đặc biệt là người Ê Đêrất thích dừng lại ở con số bảy: "đi 7 ngày 7 đêm", "đi 7 lần trăng mới tới", "Aê Điê, thần trời nghĩ 7 ngày 7 đêm, quyết định cho giống người phải chết,... cứ 7 mùa trăng thì hồn người chết về thăm người sống một lần".v.v.. Đó chính là con số kết thúc một kì trăng (một tuần trăng) mà họ đã luôn luôn dõi theo để tổ chức nhịp sống của mình. Con số bảy cũng là con số của tổng thể vũ trụ, con số cuối cùng của các tầng không gian mà chúng ta đã chỉ ra ở trên. Từ đó, đối với người Tây Nguyên, con số bảy trở thành biểu tượng tượng trưng cho những gì "đủ", "đúng", "chính xác", "trọn vẹn", là giới hạn cuối cùng hoàn thành một chu kì, đồng thời diễn ra một sự thay đổi về "chất" để tạo nên chiều hướng của một sự "đổi mới tích cực". Sau con số bảy, bao giờ cũng phải là một sự thay đổi.

Ý nghĩa này ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nhất đến đời sống dân tộc Ê Đê, vốn được coi là dân tộc đại diện cho nét độc đáo của văn hoá Tây Nguyên. Trong các lễ hội của người Ê Đê, chúng ta thấy dấu ấn đậm nét của biểu tượng con số bảy. Theo PGS Lê Trung Vũ, lễ vật phổ biến tiêu biểu cho sự khá giả của người Ê Đêlà: "Thịt một con trâu, kèm theo 7 ché rượu, 7 đĩa thịt trâu, 7 chén đồng đựng huyết trâu và rượu, 7 bầu nước... và cột buộc ché rượu đầu tiên phải khoanh 7 vòng tiết trâu..." - đây chính là ý nghĩa "đủ", "đúng", "chính xác", "trọn vẹn" của con số bảy, phải là "bảy..." thì mới có thể tiếp xúc được với thần linh và nhận được sự trợ giúp của thần linh. Mối quan hệ giữa con người với thần linh được cải thiện và đó chính là sự thay đổi về "chất" diễn ra nhờ con số bảy. Trong lễ hội trưởng thành của các chàng trai Ê Đê, họ được trao một chiếc vòng đồng có bảy khấc, đánh dấu sự gia nhập cộng đồng của họ (Từ 3-10 tuổi, lễ Un boong Kơ -piê tơ trao cho họ vòng 3 khấc, từ 10 - 15 tuổi lễ Un Kreo Kơ-piê ê-ma trao cho họ vòng 5 khấc), cũng chính là sự thay đổi về "chất" đến từ sự thay đổi về thời gian. Trong buổi lễ này, thầy cúng cầm hai đầu chiếc khăn đỏ, bước 7 bước ngắn, mỗi bước lại hô một tiếng, tới quàng khăn vào cổ người chịu lễ kéo đi trình thần trời: "Chàng trai này xứng đáng là con cháu của người già Ê Đê!"- "7 bước ngắn" của thầy cúng tượng trưng cho sự di chuyển không gian, sự thay đổi về "chất" đến từ sự thay đổi không gian. ý nghĩa của buổi lễ, chính vì vậy cũng là bước ngoặt thay đổi cả thời gian và không gian trong cuộc đời người trai tráng. Họ đã đến tuổi trưởng thành và đã đến lúc gia nhập vào đời sống cộng đồng, từ giã không gian ngoài xã hội và bước vào không gian xã hội.

Trong văn học dân gian Ê Đê, con số Bảy cũng thường xuất hiện trong những cụm từ miêu tả không gian, thời gian và biểu thị sự thay đổi đến ngay sau đó. Thần thoại Krông Búk - Con sông tóckể chuyện hai cô gái H"ring, H"rao do dự không biết có nên gặp lại Y Kông (tên chàng trai do thần Nước hoá thân) nữa hay không: "Họ nghỉ bảy ngày, ngủ bảy đêm" và lại quyết định "ra đi". Thần thoại Nấm hồng - Nấm đỏkể chuyện con gái của Nữ thần Mặt trời kết hôn cùng con trai của Trái đất, "qua bảy ngày gặp nhau" thì trao vòng thương vòng nhớ, kết làm vợ chồng. Trong sử thi Xing Nhã, sau khi lọt lòng mẹ, Xing Nhã khóc miết 7 ngày 7 đêm, mẹ cha đặt tên cho là Xing Nhã mới thôi khóc, Xing Nhã chơi quay 7 ngày 7 đêm thì chiếc quay vỡ; Bơ- ra Tang tiễn Xing Nhã về qua 7 đèo… Trong sử thi Đăm Di, Xing Mơ Nga chặt 7 ngọn mây ê-pông gắn với thân cây tùng cao vút qua 7 lần níu chặt, phá vỡ khoảng cách giữa con người với không gian trên cao. Trong sử thi Đăm Săn, "Đăm Săn nhảy từ ngọn cây ênăt, từ ngọn cây knung xuống đất. Phóng một phóng, chàng vượt qua bảy núi, nhảy một nhảy chàng vượt bảy cái thác; thoắt chàng đã về đến làng, thoáng chàng đã về đến nhà..", phá vỡ khoảng cách giữa con người với không gian chiều ngang. v.v...

Không chỉ dùng con số bảy để diễn tả giới hạn không gian, thời gian, người Ê Đêcòn dùng con số bảy để thể hiện và thực hiện ước muốn khắc phục không gian bằng thời gian. Người Ê Đêluôn ao ước chiếm lĩnh không gian, vì với quan niệm 7 tầng vũ trụ, có những miền không gian (như không gian trên trời, không gian địa ngục) con người không dễ gì đi đến được. Cần có thời gian và thời gian đó đã được người Ê Đê"thiêng hoá" qua con số bảy.

Câu chuyện về sự tái sinh của linh hồn được người Ê Đêquan niệm như sau: Sau lễ tang, hồn người chết bơ vơ, không nơi nương tựa, dứt khoát không thể về buôn làng người sống với họ hàng, nhưng cũng không về được buôn của tổ tiên (Buôn atâo, do vợ chồng thần Băng Bơ đung, Băng Bơ đai cai quản). Chỉ khi làm lễ bỏ mả, hồn mới được tự do, về sống ở buôn atâo (tầng dưới mặt đất), buôn của những hồn nguời chết. Tại đây, hồn lại phải chết - biến hoá - và qua bảy lần biến hoá, hồn sẽ thành giọt sương (Ea nguôn), giọt sương của đất, không phải của trời, trở lên mặt đất nhập vào đứa trẻ sơ sinh (là con cháu của hồn) trong lễ đặt tên, nhập hồn cho đứa bé. Hồn tổ tiên - người chết lại hiện diện trên mặt đất, lại trở về cõi sống dưới dạng một thành viên mới của cộng đồng.

PGS. Lê Trung Vũ đã cho chúng ta sơ đồ về "Vòng đời khép kín" này:

Ở đây, "7 lần biến hoá" chính là một định lượng thời gian, bằng thời gian đó linh hồn con người có thể di chuyển qua ba điểm không gian (Mặt đất, Mộ, Buôn hồn người chết) và cuối cùng được trở về với không gian mặt đất của sự sống, nhập vào linh hồn của con cháu. Đối với người Ê Đê, việc con cháu nối tiếp sự nghiệp của cha ông cũng chính là thể hiện khát vọng chiếm lĩnh không gian bằng thời gian. Những điều cha ông chưa làm được, những miền đất xa xôi cha ông chưa đặt chân tới, con cháu sẽ kế tiếp và sẽ thực hiện đời này qua đời khác. Chúng ta thấy, trong sử thi Đăm Săn, Đăm Săn có khát vọng chiếm lĩnh không gian trên cao, không gian của thần linh qua việc "đi bắt Nữ thần mặt trời về làm vợ". Nhưng chàng đã không thực hiện được điều đó, chàng chết và linh hồn đã nhập vào Đăm Săn cháu - con trai của chị gái H"Âng. Đăm Săn cháu đang thực hiện những bước đi đầu tiên kế tục sự nghiệp của người cậu và đó chính là ước vọng "qua thời gian có thể chiếm lĩnh không gian" của người Ê Đê.

Thật thú vị, như chúng ta đã biết, hệ thống thân tộc, các thế hệ tổ tiên con cháu của người Ê Đêcũng là bảy đời. Nếu lấy hiện tại làm mốc, ta có: Đi xuống (đời con cháu) - 4 thế hệ; Đi lên (đời tổ tiên) - 2 thế hệ; Hiện tại (đời đương sự - 1 thế hệ).

Thậm chí, người Ê Đêcũng dùng con số bảy để liên lạc với không gian bên trên, không gian trời cao, nơi chế ngự của ông Gỗn và các vị thần linh khác. Chúng ta thấy trong sử thi - khan Ê Đê, nếu muốn liên hệ với thần linh, người anh hùng sẽ nhờ cậy đến “độ thiêng” của con số bảy. Chàng Bơ-ra Dam làm phép bảy lần thì bác Mơ Hiêng của chàng sống dậy, như vậy con số bảy lần đã giúp chàng “xin được” sự mầu nhiệm của thần thánh; chàng Xing Mơ-nga giết bảy con trâu cúng, bảy ché rượu cúng thì ông Trời cho chàng gió để thả diều.v.v. Con số bảy luôn được coi là con đường liên lạc ngắn nhất khi các vị anh hùng cần sự giúp đỡ của thần thánh.

Con số bảy thật là kì diệu. Đúng như Jean Chevalier và Alain Gheerbrant nhận xét: "Những ví dụ như thế (ví dụ về sự kì diệu của con số bảy - NV) là không thể kể hết. Bảy là con số thiêng, nói chung nó là số lành, nhưng đôi khi lại dữ. Một ngạn ngữ nêu rõ: bảy là khó".

Riêng đối với người Ê Đê, con số bảy quả là có một vị trí quan trọng trong tín ngưỡng, trong lễ hội và trong cả đời sống văn học nghệ thuật. Người Ê Đênói đến số bảy trong cảm xúc tán dương và trân trọng, với một niềm tin thiêng liêng về "tổng thể không gian, tổng thể thời gian" chứa đựng trong nó. Điều này đã làm nên sức hấp dẫn độc đáo và đầy bí ẩn cho con người và mảnh đất Ê Đê.

Tài liệu tham khảo

1. Có tham khảo bản Trời đất - Địa ngụctrong Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999

2. Dam Bo, France-Asie, Revue de culture et de synthese Franco-Asie, numéro 49-50 (tài liệu tiếng Pháp).

3. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 2002

4. Lê Trung Vũ, Lễ hội dân gian Êđê, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1995

5. Nhiều tác giả, Trường ca Tây Nguyên,Nxb. Văn học, Hà Nội, 1963

6. Y Điêng - Hoàng Thao st, Truyện cổ Êđê,Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1988

Nguồn: hoidantochoc.org.vn (21/11/05)

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.