Xuất xứ ngày Khoa học công nghệ Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân, cho các thế hệ đời sau của dân tộc ta những giá trị tư tưởng to lớn, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự phát triển của KH&CN vì Người cho rằng nó có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN để phục vụ cho nước nhà.
Khoa học phải từ sản xuất mà ra
Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Bác Hồ đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều,...” (1). Vì vậy, nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên. Ở đây chỉ nói riêng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Bác nhấn mạnh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân,bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi” (2).
KH&CN liên kết chặt chẽ với sản xuất, nhất là ở nước nghèo, để phục vụ sản xuất phát triển; đồng thời sản xuất cũng là động lực thúc đẩy KH&CN phát triển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta là nước chậm phát triển, việc xây dựng tiềm lực KH&CN hướng tới hiện đại, làm cho sản xuất phát triển nhanh, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là bảo đảm các yêu cầu cơ bản, xóa đói giảm nghèo.
Người khẳng định: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi” (3).
Trải qua thực tế, vai trò KH&CN trong đời sống xã hội là rất to lớn. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của KH&CN không chỉ cần sức mạnh của một vài cá nhân hay tổ chức nhất định mà toàn xã hội phải cùng thể hiện trách nhiệm, cùng chung tay phát triển KH&CN, để đưa cuộc sống người dân ngày càng tiến lên.
Liên kết chặt chẽ giữa KH&CN với sản xuất là một điểm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN. Ngày nay, trong thế giới hiện đại với sự phát triển chưa từng có của KH&CN làm xuất hiện nền kinh tế tri thức, cùng với xu thế toàn cầu hóa đem lại cho tất cả các nước trên thế giới nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức. Trong điều kiện đó càng phải phát huy cao hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN, đặc biệt là quan điểm phối hợp giữa tiếp thu thành tựu KH&CN của thế giới và phát triển công nghệ nội sinh, từ đó từng bước tiến hành một nền KH&CN hiện đại đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa.
KH&CN bảo vệ môi trường thiên nhiên
Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, quan điểm về áp dụng KH&CN bảo vệ môi trường, trước mắt là cải thiện môi trường, hạn chế hậu quả của thiên tai được hình thành từ rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan điểm ấy còn có trước cả khi thế giới đề ra phong trào bảo vệ môi trường sau khủng hoảng hoá dầu đầu những năm 70 của thế kỷ 20.
Bản thân Người rất quan tâm và sống hòa mình, gần gũi với thiên nhiên. Trong vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta, Bác nhấn mạnh đến việc giữ gìn, bảo vệ “môi trường xanh” chính là thảm thực vật, là rừng. Người kêu gọi: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” để bảo vệ môi trường sinh thái cho chính cuộc sống của con người. Người khởi xướng phong trào Tết trồng cây vào năm 1959 và đưa ra một lộ trình cụ thể như: Mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây, thì từ năm 1960 - 1965 chúng ta sẽ có 90 triệu cây và trong 10 năm tới nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn, góp phần quan trọng vào việc làm sạch môi trường sống, nâng cao sức khỏe và cải thiện đời sống của nhân dân. Trong bài viết “Năm mới, hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” năm 1965, Bác tiếp tục khẳng định: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” (4). Bác còn chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa việc trồng cây với việc nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo con người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (5).
Người cho rằng vấn đề bảo vệ môi trường phải gắn liền với việc cải thiện đời sống của nhân dân. Cũng không thể làm một cách thiếu khoa học mà phải ứng dụng KH&CN tiến bộ vào việc chọn giống cây, ươm cây con và trồng cây sao cho cây sống và xanh tốt. Phải có kế hoạch, có hướng dẫn, phải làm đúng khẩu hiệu “trồng cây nào, tốt cây ấy”.
Trong điều kiện nền kinh tế ngày càng phát triển, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, rất nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã vì lợi ích kinh tế mà coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, khiến môi trường bị tàn phá nặng nề và con người đang ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai do suy thoái môi trường như lũ lụt, hạn hán, bão, ô nhiễm không khí, nước, đất,… Bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Những năm qua, tình trạng chặt phá rừng ở nước ta đã trở nên rất nghiêm trọng, độ che phủ của rừng bị giảm đáng kể, càng làm cho môi trường bị suy thoái. Cùng với quá trình CNH, HĐH, sẽ có rất nhiều vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra. Bảo vệ, cải thiện môi trường mà chính KH&CN là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta. Do vậy, chúng ta càng cần phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học và trọng dụng nhân tài
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng, hiểu biết của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Biết bao nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học tên tuổi như: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống êm ấm, giàu có ở Hà Nội, Sài Gòn, Tokyo hay Paris để tham gia cách mạng, sẵn sàng chịu nhiều hi sinh, gian khổ, lập nên những kỳ tích về KH&CN trong kháng chiến. Tất cả họ đều xuất phát từ lòng yêu nước, niềm tin, niềm cảm phục đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Bên cạnh sự quan tâm và chính sách trọng dụng nhân tài, Người cũng đặc biệt chú ý đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực KH&CN. Bác rất coi trọng xây dựng “con người mới” bởi con người là nhân tố quyết định mọi thành công.
Tại buổi nói chuyện với cán bộ, sinh viên đang công tác và học tập ở Matxcơva ngày 01/2/ 1959, nhân Bác sang dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, Bác khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa” (6). Theo Người, con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải có tinh thần làm chủ xã hội “đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ”. Con người mới phải có tri thức văn hóa và khoa học, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Con người mới phải có phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính’, “chí công, vô tư”.
Trong nghiên cứu khoa học, Bác chỉ rõ phải có “nguyên tắc kế thừa”. Khi nghe báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học về phát sóng truyền hình của thầy và trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyên gia Liên Xô đánh giá cao, Bác rất mừng rỡ, đồng thời cho lời khen và chỉ đạo tiếp như sau: Bác bận không tới xem được, nhưng Bác rất khen ngợi các cháu. Về phần lãnh đạo nhà trường, đối với các cháu đã làm ra được hệ thống thử nghiệm thì cho ra nước ngoài học thêm để về giảng dạy cho nhiều người khác. Bộ Tài chính lo cho trường một khoản ngoại tệ mạnh để mua thiết bị và thành lập Phòng Thí nghiệm nghiên cứu truyền hình, đừng bắt các cháu phải mầy mò nghiên cứu lại từ A đến Z. Rõ ràng ở đây thể hiện một nguyên tắc vàng trong chỉ đạo hoạt động khoa học của Bác Hồ, đó là nguyên tắc “Kế thừa”, cần phải biết vận dụng một cách sáng tạo thành quả khoa học của các nước tiên tiến, áp dụng phù hợp với thực tiễn của mình (mà ngày nay gọi là đi tắt đón đầu, rút ngắn thời gian, nhưng không hề đốt cháy giai đoạn), làm sao mang kết quả nghiên cứu khoa học ấy ứng dụng thành công vào thực tiễn.
Bác căn dặn những người làm khoa học: “Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang” (7). Khoa học phải gắn liền với cuộc sống, với sản xuất, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để nghiên cứu khoa học, từ đó đưa thành quả nghiên cứu quay trở lại phục vụ sản xuất, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Nhà khoa học nếu xa rời thực tiễn sản xuất thì sản phẩm của họ sẽ không bao giờ được xã hội đón nhận.
Nhận thức được vai trò, vị trí hết sức quan trọng của KH&CN, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng ta đã sớm có các định hướng và chỉ đạo đúng đắn về phát triển KH&CN. Quan điểm coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới. Cụ thể:Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng coi KH&CN cùng với giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Nghị quyết Đại hội lần thứ IX tiếp tục khẳng định vai trò của KH&CN trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Đại hội X nhấn mạnh vai trò động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế tri thức và Đại hội XI đề ra đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, KH&CN giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.
Kết quả những năm qua, KH&CN nước ta đã có bước tiến dài trong xây dựng và phát triển tiềm lực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống.
Đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Trong tiến trình ấy, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ vẫn mãi là kim chỉ nam, là động lực để chúng ta tiếp tục phát huy nội lực, tạo nên ngày càng nhiều thành tích về khoa học, công nghệ, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước./.
(ST)