Xây dựng và bảo vệ nền hòa bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh đã cố gắng không mệt mỏi đấu tranh suốt đời cho một nền hoà bình chân chính vì tiến bộ, lương tri và phẩm giá con người, vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người khẳng định: hoà bình - một nền hoà bình chân chính phải được "xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da"... Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng và bảo vệ nền hòa bình chân chính cần nhận thức và thực hiện các vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, phải vạch trần bản chất của chủ nghĩa đế quốc, phân biệt rõ bạn và thù của cách mạng, của nền hoà bình thế giới.
Chủ nghĩa thực dân, đế quốc với cái gọi là "khai hoá văn minh", luôn tuyên truyền rằng, mọi người trong xã hội được tự do, bình đẳng, đều có quyền tư hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh, rằng pháp luật của nhà nước tư sản là ý chí của toàn dân... nhưng trên thực tế, chúng đã thực thi ở các nước thuộc địa một chế độ cai trị hà khắc, sự bóc lột tàn bạo và chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Vạch trần bản chất của bọn đế quốc, thực dân với mục đích là để làm cho mọi người hiểu được đâu là bạn, đâu là thù của cách mạng Việt Nam và của nền hòa bình thế giới.
Khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, một mặt Hồ Chí Minh phát động sức mạnh toàn dân tộc đứng lên chống lại các thế lực xâm lược, mặt khác luôn giương cao ngọn cờ hòa bình chính nghĩa. Lấy hòa bình, hữu nghị và đạo lý làm tiêu chí để phân biệt bạn và thù, phân biệt lực lượng tiến bộ với phản động, hiếu chiến trong chính phủ của đối phương, ai đem lại lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn, bất kỳ ai làm gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta đều là kẻ thù. Ở điểm này, Hồ Chí Minh khẳng định, nhân dân tiến bộ Pháp, Mỹ là bạn của nhân dân Việt Nam và "chúng tôi không hằn thù gì dân tộc Pháp... chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái", "chúng tôi đã phân biệt người Pháp tốt với người Pháp xấu" và "Nhân dân Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ vĩ đại đang tiếp tục những truyền thống của Hoa Thịnh Đốn và Lincôn đấu tranh cho độc lập dân tộc và dân chủ".
Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những tấm gương hy sinh của các chiến sĩ hoà bình Mỹ như: Hécdơ, Môrixơn, Lapotơ... qua đó bày tỏ sự thông cảm sâu sắc với những tổn thất mà các gia đình Mỹ phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Mỹ gây ra ở Việt Nam . Ngoài ra, trong kháng chiến, Người đã viết nhiều thư kêu gọi thanh niên Pháp, Mỹ sát cánh cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh kiên quyết chống kẻ thù chung là thực dân, đế quốc vì lợi ích chung của nhân dân hai nước là tự do, độc lập, dân chủ và hoà bình. Chính cách nhìn nhận và phân biệt này mà Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã nhận sự đồng tình, ủng hộ của giai cấp công nhân, nhân dân tiến bộ Pháp, Mỹ cũng như nhân loại tiến bộ đối với nền độc lập, thống nhất của Việt Nam .
Hai là, kiên định mục tiêu, giữ vữngnguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, tận dụng mọicơ hội để kiến tạo hòa bình.
Đấu tranh cách mạng là quá trình đầy chông gai, ghềnh thác, phải xử lý muôn vàn những tình huống hiểm nghèo, đòi hỏi Đảng Cộng sản phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, khôn khéo, mềm dẻo để giữ vững nguyên tắc, thực hiện cho kỳ được mục tiêu của cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn chủ trương dùng hòa bình, con đường hòa bình để giải quyết các vấn đề, bởi "mục đíchbất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắccủa ta thì phải vững chắc, nhưng sách lượccủa ta thì linh hoạt".
Cái bất biến ở Hồ Chí Minh tập trung "ở bốn yếu tố liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, đó là độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ. .. Trước hết là độc lập, bởi lẽ nếu không có độc lập, tức bị vong quốc, mất nước, đất nước trong cảnh nô lệ lầm than thì làm gì có tự do, hạnh phúc, dân chủ. Chính vì vậy, nước bị mất độc lập thì việc đầu tiên là phải giành cho bằng được độc lập, và trong hoàn cảnh như vậy, độc lập cho đất nước là cái bất biến số một hàng đầu". Có độc lập rồi thì mới nói đến tự do, tự do gắn liền với độc lập, nước có được độc lập thì dân mới được tự do. Với lý do đó mà Người luôn nhắc nhở: trước hết là phải giành cho kỳ được độc lập, tất cả cho độc lập, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Người giải thích: "Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào", dân tộc Việt Nam phải tự mình vạch ra đường lối, chính sách đối ngoại độc lập trên cơ sở lợi ích quốc gia nhưng đồng thời phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thích ứng với xu thế của thời đại.
Độc lập dân tộc và thống nhất đất nước là nguyên tắc cao nhất cho mọi hoạt động nhưng chúng ta không cứng nhắc trong nguyên tắc mà luôn mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, luôn tận dụng mọi cơ hội để kiến tạo hòa bình. Tức là, trong mọi hành động, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc, còn cách thức thực hiện có thể tuỳ cơ ứng biến để sát với thực tế và tuyệt đối không được rập khuôn, máy móc, nóng vội. Bởi trong mỗi bước đi lên, cách mạng phải đối phó với muôn vàn sự biến đổi khó lường. Cho nên, những người cách mạng, các nhà lãnh đạo, quản lý phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, nhạy bén để linh hoạt biến đổi sách lược, có những hình thức, biện pháp đấu tranh biến hóa thích hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể trong mỗi bước đi, mỗi bước tiến lên của cách mạng. Thực tiễn cho thấy, có những thời điểm chúng ta phải chấp nhận một nền hòa bình có thời hạn hay hòa bình trong điều kiện đất nước còn tạm thời phải chia hai miền là phụ thuộc vào so sánh lực lượng mà Hồ Chí Minh sử dụng như những nấc thang để đạt tới mục tiêu hòa bình với đầy đủ yếu tố của chủ quyền dân tộc cơ bản: độc lập - chủ quyền - thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Thống nhất giữa tính mục đích, tính nguyên tắc với tính sáng tạo, uyển chuyển, linh hoạt là một trong những đặc trưng về việc xây dựng và bảo vệ nền hoà bình chân chính ở Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đó chính là khát vọng cháy bỏng, tôi luyện bản lĩnh, ý chí sắt son của Người và nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhân dân Việt Nam rất tha thiết với hoà bình, nhưng hoà bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thật sự. Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và gìn giữ hoà bình". Mặt khác, sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo có những mục tiêu chiến lược lâu dài cũng như trước mắt, có những lợi ích căn bản và lợi ích tạm thời. Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh là đã tìm ra phương sách giải quyết hài hoà giữa trước mắt và lâu dài, giữa cái cơ bản và cái không cơ bản. Điều đó được thể hiện đặc sắc trong việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9 năm 1946 . Bằng quyết định khéo léo, tài tình mang tính lịch sử đó, Việt Nam vừa giữ vững được nền độc lập non trẻ mới giành được đồng thời có đủ điều kiện, thời gian để chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ nói chung cần hoà bình, độc lập và thống nhất để xây dựng nước nhà, thế giới nhưng tuyệt đối không được ảo tưởng rằng hoà bình là một việc dễ dàng, sự ban phát của kẻ mạnh đối với kẻ yếu mà đây thực chất là cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ, phải quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, phải tiến lên hơn nữa và còn phải làm nhiều việc nữa mới có được một nền hòa bình thực sự. Đồng thời, nếu sự cố gắng để cứu vãn cho hòa bình mà không được chấp nhận thì buộc chúng ta phải cầm súng để bảo vệ cho một nền hoà bình, tự do chân chính, dù phải hy sinh, gian khổ nhưng chúng ta kiên quyết đấu tranh cho được thống nhất, độc lập mới thôi.
Trong những điều kiện nhất định, cách thức hòa bình có ý nghĩa sách lược nhưng nhìn tổng thể con đường hòa bình mà Hồ Chí Minh sử dụng lại mang ý nghĩa chiến lược. Con đường và cách thức này hoàn toàn phù hợp với cuộc chiến đấu của dân tộc nhỏ chống lại đế quốc lớn. Việc vận dụng con đường và phương pháp hòa bình này không phải là hòa bình chủ nghĩa mà đây là nghệ thuật cách mạng, phương pháp cách mạng, là điểm đặc sắc trong tư duy chính trị của Hồ Chí Minh.
Ba là, nêu cao tinh thần chính nghĩa, kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới,thựchiện đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh vì hòa bình.
Luôn theo đuổi con đường hoà giải, hoà bình, nhưng không phải hoà bình với bất cứ giá nào mà là nền hoà bình hợp với công lý và dân chủ, hoà bình trên cơ sở độc lập, tự do thực sự. Hồ Chí Minh luôn hướng tới tương lai vì sự phát triển trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác lâu dài, vững bền giữa các dân tộc.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư từ và điện văn đến nhiều tổ chức quốc tế, đến nhân dân và chính phủ nhiều nước trên thế giới, đồng thời tranh thủ những dịp trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài để nêu cao tính chất chính nghĩa và thiện chí hoà bình của dân tộc Việt Nam, kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do của nhân dân ta. Đồng thời, thể hiện rõ mong muốn của nhân dân ta là có hoà bình, một nền hoà bình thực sự, để kiến thiết quốc gia với sự cộng tác của những người bạn chân chính và tôn trọng những quyền lợi kinh tế, văn hoá của các nước ở Việt Nam và giúp cho những quyền lợi đó phát triển thêm để đem lại lợi ích chung.
Cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc là rất khó khăn, gian khổ, lâu dài và nó không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân ai hay dân tộc nào mà đó là công việc, nhiệm vụ chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Do đó, "vì hoà bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức"; chúng ta phải xây dựng, củng cố, phát triển tình hữu nghị giữa các nước XHCN, giữa các nước yêu chuộng hoà bình để kiên quyết đấu tranh, gìn giữ và củng cố hoà bình.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, từ đó, Người đã đặt cách mạng nước ta trong tiến trình chung của cách mạng thế giới, với tuyên bố "cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam". Đây chính là cơ sở để xác lập tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác với nhân dân các nước, thực hiện thành công việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Điều đó thể hiện tư tưởng vĩ đại, giá trị chân chính mà Hồ Chí Minh đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam và nhân loại: Hòa bình và Nhân đạo. Người luôn đặt hòa bình của dân tộc Việt Nam trong hòa bình thế giới, không chỉ phấn đấu cho dân tộc mình mà còn vì hòa bình cho tất cả các dân tộc khác. Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước ta là một bộ phận của thế giới". Cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình của nhân dân thế giới đều có ảnh hưởng lẫn nhau. Muốn bảo vệ hòa bình, chúng ta cần phải đoàn kết chặt chẽ, thật thà và rộng rãi hơn nữa: Đoàn kết toàn dân. Đoàn kết với các nước trong khu vực. Đoàn kết với các dân tộc đang đấu tranh đòi độc lập tự do và hoà bình trên toàn thế giới. Nói cách khác, là phải liên hợp với các quốc gia, dân tộc để cùng đấu tranh cho hoà bình và chính nghĩa của thế giới.
Bốn là, xây dựng và củng cố tình hữu nghị với các nước trên tinh thần hòa bình, hợp tác và tin cậy lẫn nhau,thựchiện tốt chính sách ngoại giao "thêm bạn, bớt thù".
Với chính sách ngoại giao hoà bình và thân thiện với tất cả các nước, Người tuyên bố: Việt Nam muốn "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai"; "Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường (5 nước mạnh, theo quan niệm lúc này gồm có Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc-BT) là một thái độ bạn bè". Thực hiện chủ trương trên, phương châm ngoại giao đối với khu vực Đông Nam Á là tích cực nhưng thận trọng, khôn khéo, nêu cao tinh thần độc lập dân tộc đoàn kết toàn dân, đoàn kết với nhân dân thế giới chống chủ nghĩa thực dân, giành và bảo vệ độc lập dân tộc; vừa tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới với cuộc kháng chiến, vừa cố gắng góp phần của ta vào phong trào đoàn kết các dân tộc trong khu vực và trên thế giới giành độc lập dân tộc.
Với chủ trương ngoại giao hòa bình, Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa tư tưởng này nhằm xây dựng tình hữu nghị với các nước láng giềng, phấn đấu cho một khu vực hòa bình, hợp tác và tin cậy lẫn nhau, đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh đòi thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc. Người nói: "với một sự tin cẩn lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đằng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất". Điều này không chỉ giúp ngăn chặn và xóa bỏ chiến tranh mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển lâu dài, sự hợp tác hữu nghị bền vững giữa các dân tộc.
Thực hiện phương châm thêm bạn bớt thù muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây oán thù với bất cứ ai, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố rõ quan điểm đối ngoại của Chính phủ ta với chính phủ các nước trên thế giới là: "Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới". Sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hoà bình thế giới.
Ngoài ra, cần thực hiện dân chủ, bình đẳng trong quan hệ quốc tế giữa các dân tộc, các nước có chế độ chính trị khác nhau; giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia thông qua thương lượng, hòa bình; xác định rõ trách nhiệm của các dân tộc trong việc bảo vệ hòa bình thế giới. Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Khi công bằng được thực hiện cho các dân tộc và một thiết chế dân chủ giữa các quốc gia được khẳng định trên phạm vi quốc tế, thì nền hòa bình chân chính của chúng ta có đầy đủ cơ sở bảo đảm. Đây là nền tảng pháp lý cho quyền cơ bản của các dân tộc, cho một trật tự quốc tế mới dựa trên cơ sở bình đẳng và dân chủ, cho nền hòa bình chân chính, bền vững trên thế giới, cho mối quan hệ quốc tế văn minh và cho những nguyên tắc chung sống hòa bình. Luôn chủ trương đề xuất những cơ sở pháp lý cho quyền dân tộc và hòa bình, ủng hộ các nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau và giải quyết các mâu thuẫn giữa các quốc gia thông qua thương lượng hòa bình, Hồ Chí Minh khẳng định: "thế giới hòa bình có thể thực hiện nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng cách thương lượng". Và công bằng, dân chủ phải thay thế cho chiến tranh, thực hiện đúng "Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình":"1. Tôn trọng lãnh thổ toàn vẹn và chủ quyền của nhau; 2. Không tiến công nhau; 3. Không can thiệp vào công việc của nhau; 4. Bình đẳng và cùng có lợi; 5. Cùng tồn tại hòa bình". Điều này thể hiện tư tưởng về dân chủ trong quan hệ quốc tế giữa các dân tộc, các dân tộc đều phải được tham gia bình đẳng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và hòa bình thế giới phải không phụ thuộc vào một thiểu số các nước lớn.
Hiểu được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân toàn thế giới đều có chung một nhu cầu hòa bình, Hồ Chí Minh tin vào trách nhiệm của các dân tộc và lực lượng hòa bình ở mỗi nước trong việc bảo vệ hòa bình thế giới và coi đó là một trong những điều kiện cho việc xây dựng và bảo vệ hòa bình. Tức là, phải có sứ mệnh làm cho dân tộc mình nhận lấy trách nhiệm ngăn cản xung đột, bảo vệ hòa bình, không để cho giới cầm quyền hiếu chiến lừa bịp đẩy các dân tộc vào lò lửa chiến tranh vì lợi ích của chúng. Đó là những điều kiện đủ để thiết lập nền hòa bình thế giới, một nền hoà bình gắn liền với độc lập dân tộc.
Trong điều kiện hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có sự thay đổi nhanh chóng với những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa một số nước trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng hình thành thế giới đa cực ngày càng biểu hiện rõ hơn trước. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ nền hòa bình chân chính có ý nghĩa thiết thực, là cơ sở để tìm lời giải cho vấn đề hòa bình hiện nay trên thế giới cũng như thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Góp phần vào cuộc đấu tranh vì nền hòa bình của thế giới nói chung cũng như thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN nói riêng là vấn đề có tính chiến lược, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tập trung vào việc nâng cao tinh thần cảnh giác đối với chủ nghĩa đế quốc, nhận diện rõ bộ mặt thật của các thế lực thù địch đối với dân tộc và cách mạng Việt Nam, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do; tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, phát huy nội lực và ngoại lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phát triển văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và xây dựng cơ sở vững chắc cho sức mạnh quốc phòng toàn dân; cần có tư duy mới về tăng cường quốc phòng, an ninh phù hợp với sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực và nhanh chóng có các biện pháp triển khai trong thực tiễn để chủ động phòng chống và đủ sức đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công - nông - trí thức; kết hợp chặt chẽ sự kiên định về nguyên tắc chiến lược với phương pháp mềm dẻo, uyển chuyển, thông minh, sáng tạo về sách lược trong quan hệ quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.