Xanh lại rừng luồng xứ Thanh
Ngay từ đầu, Ban điều hành dự án và cộng đồng cùng tham gia bàn bạc về mục tiêu và các giải pháp thực hiện, bình chọn 67 hộ đáp ứng các tiêu chuẩn và ký cam kết thực hiện dự án. 14 lớp tập huấn về các biện pháp kỹ thuật đã được tổ chức với hơn 1000 lượt người dân tham dự. 25 ha rừng luồng thoái hoá có độ tuổi từ 4-10 năm được quy hoạch cho việc thử nghiệm xây dựng mô hình phục tráng rừng luồng. Bà con trong bản dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia đã phấn khởi tham gia phát dọn thực bì dưới tán rừng, làm vệ sinh bụi luồng, chặt bỏ những cây sâu bệnh, già cỗi, trồng dặm vào những diện tích chưa đảm bảo mật độ cây. Lần đầu tiên rừng luồng xứ Thanh chứng kiến bà con dân tộc Mường bón phân cho luồng, cuốc sới lật đất xung quanh bụi luồng, xử lý đất bị thoái hoá, bạc màu. Sau 3 năm, hệ số cây sinh măng đã tăng từ 1,2 lên 2,0, đường kính cây măng to hơn 1,5-1,8 thân cây mẹ, số cây trong buị tăng từ 5 -15 cây, luồng ít bị sâu bệnh hơn.
Dự án cũng trồng thử nghiệm 25 ha rừng luồng hỗn giao với các cây lâm nghiệp khác như lim, trám, keo lai để đảm bảo sự phát triển bền vững hệ sinh thái rừng luồng. Qua 3 năm, cây của mô hình rừng hỗn giao đã phát triền khá tốt, có thể làm điểm tựa cho luồng phát triển chiều cao, chống đỡ cho luồng trước gió bão. Đây là mô hình đối chứng với rừng luồng thuần loại, góp phần tạo cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu phát triển rừng luồng bản địa xứ Thanh thành một vùng chuyên canh tre luồng có giá trị kinh tế cao.
Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài trong phát triển kinh tế lâm nghiệp ở hộ gia đình, mô hình nông lâm kết hợp giữa luồng và cây nông nghiệp ngắn ngày như lúa, sắn, ngô đã được triển khai trên diện tích 17 ha. Những sản phẩm lúa, ngô đã góp phần làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân tham gia dự án. Đất được cải tạo, luồng phát triền nhanh hơn nhiều so với diện tích ngoài dự án. Cả một vùng đồi núi trọc ngày nào, bây giờ đã trở thành những rừng luồng vươn màu xanh ngút ngàn giữa trời xuân.
Chủ nhiệm dự án, ông Hoàng Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển khoa học công nghệ và môi trường Thanh Hoá, cho biết: Ban điều hành dự án xác định chìa khoá cho sự thành công là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân. Công tác này được lồng ghép vào nội dung các lớp tập huấn, hội thảo, hoạt động của cộng đồng, nhân các ngày kỷ niệm, như ngày Lâm nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Ban điều hành còn tổ chức nhiều chuyến thăm quan cho 67 hộ dân và cán bộ chính quyền địa phương để chia sẻ kinh nghiệm trong bảo vệ và khai thác rừng ở các dự án khác trong cả nước.
Các chuyên gia đánh giá độc lập của GEF/SGP và chính quyền địa phương đều thống nhất đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án. Cái được lớn nhất của dự án là tạo được lòng tin trong dân về các mô hình, bước đầu làm chuyển đổi nhận thức của người dân, từ đó lôi kéo họ nhập cuộc, tham gia bàn bạc và quyết định những hoạt động dự án. Qua đó, họ đã hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng luồng mà công sức bao đời ông cha tạo dựng.
Thăm lại những cánh rừng dự án vào đầu mùa xuân mới 2005 này, được tiếp xúc với cộng đồng tham gia dự án, nghe bà con nói mới thấy niềm vui của họ khi chứng kiến ngày càng nhiều búp măng to, khoẻ vươn lên trên rừng luồng quê hương.
Các kết quả khả quan bước đầu cùng với những ý tưởng mới đầy sáng tạo và đầy tính khoa học mà Ban điều hành dự án và các cấp chính quyền xây dựng đã được Quỹ môi trường toàn cầu phê duyệt giúp chúng ta tăng thêm niềm tin tưởng vào sự thành công của pha 2 dự án, góp phần trả lại giá trị đích thực cho những cánh rừng luồng bản địa Thanh Hoá.
Tạm biệt Nguyệt ấn trong tiếng cồng chiêng và tiếng hát âm vang giữa núi rừng của những chàng trai cô gái Mường đã trở thành dấu ấn không quên của chúng tôi khi về thăm những cánh rừng dự án xứ Thanh.
Cán bộ dự án thăm rừng luồng |