Xã hội văn học
PHẦN I.
NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP
Chương I
XÃ HỘI HỌC VĂN HỌC ĐỂ LÀM GÌ ?
Văn học và xã hội
Mọi hiện tượng văn học đều cần đến nhà văn, sách và người đọc; hoặc để nói một cách chung chung hơn là người sáng tác, tác phẩm và độc giả. Đó là một hệ thống trao đổi được thực hiện thông qua một bộ máy giao truyền rất phức tạp vừa thuộc về nghệ thuật, vừa thuộc về kỹ thuật và thương mại; hệ thống trao đổi này nối liền một số cá nhân cụ thể (ít ra là luôn được biết tên tới) với một tập thể ít nhiều vô danh (nhưng hạn chế).
Ở mọi điểm của hệ thống này, sự hiện diện của cá nhân người sáng tác đặt ra các vấn đề tâm lý, đạo đức, triết học, còn sự tồn tại của tác phẩm viết đặt ra các vấn đề mỹ học, phong cách, ngôn ngữ, kỹ thuật, và cuối cùng là sự tồn tại của một tập thể-độc giả đặt ra các vấn đề thuộc về lịch sử, xã hội, thậm chí kinh tế. Nói khác đi là từ ba góc độ đó có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau nhằm tìm hiểu hiện tượng văn học.
Tuy nhiên việc văn học đồng thời thuộc về ba thế giới khác nhau đó - thế giới tinh thần cá nhân, thế giới các hình thức trừu tượng và thế giới các cấu trúc tập thể - gây khó khăn cho việc nghiên cứu hiện tượng văn học. Chúng ta khó có thể hình dung một hiện tượng trong thế giới ba chiều, nhất là khi cần phải viết lịch sử của hiện tượng đó. Thật vậy, trong nhiều thế kỷ và ngay cả ngày nay, lịch sử văn học thường chỉ quan tâm nghiên cứu đến các nhà văn và tác phẩm (nghĩa là tiểu sử tinh thần của nhà văn và bình luận văn bản) và thường chỉ coi bối cảnh đời sống tập thể như một loại trang trí dành cho các nhà nghiên cứu tò mò tìm hiểu lịch sử chính trị.
Ngay cả các sách giáo khoa lịch sử văn học truyền thống được đánh giá cao nhất cũng không tránh khỏi nhược điểm này và hoàn toàn không quan tâm tới yếu tố xã hội. Đôi khi một số tác giả có ý thức về không gian xã hội và cố gắng miêu tả nó, nhưng họ không có phương pháp phù hợp để làm việc này và do đó vẫn hạn chế trong sơ đồ truyền thống “con người – tác phẩm”. Chiều sâu lịch sử do đó bị xóa bỏ, cũng giống như các hiện tượng trong không gian ba chiều được chiếu trên màn ảnh hai chiều, và do đó hiện tượng văn học bị méo mó cũng giống như khi trái đất tròn được thể hiện trên một bề mặt phẳng. Cũng giống như bản đồ thế giới có những chi tiết hoàn toàn sai (ví dụ như Alaska trở nên to lớn khác thường, trong khi đó Mêhicô trở nên bé xíu), trong lịch sử văn học thế kỷ XVII hơn một chục năm lịch sử cung đình Versaille đã đẩy lùi sáu chục năm của đời sống văn học Pháp vào bóng tối.
Chúng ta không thể xóa bỏ những khó khăn đó. Nhưng cho dù không thể miêu tả một cách hoàn toàn trung thành thực tế văn học, điều quan trọng là những người khám phá thế giới văn học - người viết tiểu sử hoặc người bình luận, nhà sử học hoặc phê bình - cần có một cái nhìn toàn diện và không méo mó về hiện tượng văn học. Ví dụ để tìm hiểu một cá nhân là nhà văn, chúng ta cần hiểu rằng ngày nay nghề viết đã trở thành một nghề (hoặc ít ra là một hoạt động có lợi nhuận) được thực hiện trong khuôn khổ một hệ thống kinh tế rõ ràng có ảnh hưởng tới quá trình sáng tác. Để tìm hiểu tác phẩm, ta cũng cần phải biết rằng ngày nay sách là một sản phẩm được sản xuất trong một dây chuyền công nghiệp và được phát hành trong một hệ thống thượng mại và do đó sách cũng chịu sự chi phối của luật cung cầu. Cuối cùng cũng cần phải nói rằng không thể chối bỏ một thực tế là sách cũng là nhánh “sản xuất”trong ngành sản xuất sách cũng như việc đọc là một nhánh mang tên “tiêu thụ”.
Lịch sử vấn đề
Khái niệm “văn học”(littérature) như chúng ta hiểu ngày nay xuất hiện vào khoảng những năm cuối thế kỷ XVIII. Trước đó, văn học được hiểu với một nghĩa khác: người ta không “viết”văn, mà người ta “có”văn. Thật vậy trong một thời gian dài văn học được hiểu như một dấu hiệu thuộc về tầng lớp những người “có chữ”(lettrés). Đối với một người đồng thời với Voltaire, “văn học”đối lập với “công chúng”(cũng có nghĩa là “dân chúng”). Những người có học là một tầng lớp quý tộc văn hóa và bởi đó là một hiện tượng xã hội, vấn đề quan hệ giữa văn học và xã hội không được đặt ra một cách có ý thức.
Nhưng một sự chuyển biến đã bắt đầu từ thế kỷ XVI và tăng nhanh vào thế kỷ XVIII. Một mặt các tri thức ngày càng trở nên chuyên môn hóa và các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật dần dần tách rời khỏi văn học với nghĩa hẹp; văn học dần dần trở nên một lĩnh vực dành cho giải trí. Vốn không phải là một hoạt động có tính lợi nhuận, văn học bắt buộc tìm cách thiết lập các quan hệ hữu cơ mới đối với tập thể xã hội.
Mặt khác các tiến bộ văn hóa và kỹ thuật (là những yếu tố nhấn mạnh sự phi lợi nhuận của văn học) lại phát triển nhu cầu về văn học trong tập thể người tiêu dùng và các phương tiện trao đổi. Nhờ có phát minh ra máy in, sự phát triển của công nghệ sách, quá trình xóa nạn mù chữ và về sau là các công nghệ nghe nhìn, cái trước đây là đặc quyền của một tầng lớp quý tộc có học đã trở thành việc tiêu thụ văn hóa của một tầng lớp tư sản có tính chất khá mở rộng, và gần đây là công cụ truyền bá văn hóa đại chúng.
Sự chuyên môn hóa các lĩnh vực tri thức, cũng như sự phát triển đại chúng, đạt tới mức cao nhất vào khoảng năm 1800. Đó là thời điểm văn học bắt đầu có ý thức về yếu tố xã hội của mình. Tác phẩm của bà de Stael Về văn học trong quan hệ với các thể chế xã hội có thể được coi là nghiên cứu đầu tiên tại Pháp nhằm tìm hiểu một cách có hệ thống các khái niệm văn học và xã hội.
Bà de Stael định nghĩa mục đích của mình trong Lời nói đầu như sau: “Tôi có dự định tìm hiểu ảnh hưởng của tôn giáo, phong tục và luật pháp tới văn học, cũng như ảnh hưởng của văn học tới tôn giáo, phong tục và luật pháp”[1]. Mục đích của bà de Stael thật ra là áp dụng vào văn học phương pháp mà Montesquieu (một trong những người thầy tư tưởng của bà de Stael) đã sử dụng để nghiên cứu lịch sử luật pháp; tác phẩm của bà có thể được gọi là “Tư tưởng văn học”. Vào thời điểm đó, khi mà các khái niệm “hiện đại ”và “ dân tộc”được sử dụng với một nội dung mới, tác phẩm của bà de Stael cũng còn nhằm mục đích lý giải sự đa dạng của văn học trong thời gian và trong không gian bởi các đặc trưng và các biến đổi của xã hội lòai người.
“Tinh thần thời đại”( Zeitgeist trong tiếng Đức) và “tinh thần dân tộc ”( Volksgeist) - hai khái niệm cơ bản đó được hình thành trong nhóm những người bạn Đức của bà de Stael vào khoảng những năm 1800. Các khái niệm đó cũng sẽ được Taine sử dụng một cách uyển chuyển hơn trong lý thuyết của ông về “chủng tộc”, “môi trường ”và “thời điểm”. Sự hội tụ của ba yếu tố đó là cái quyết định hiện tượng văn học.
Taine chưa thấy rõ được khái niệm “khoa học về con người ”. Chính vì vậy mà một nửa thế kỷ sau Georges Lanson phê bình Taine như sau: “Phân tích thiên tài thi ca chẳng có gì giống với phân tích việc sản xuất đường”[2]. Sơ đồ do Taine đưa ra (chủng tộc – môi trường – thời điểm) quá đơn giản và không thể cho phép nắm bắt toàn bộ các khía cạnh của thực tế vô cùng phức tạp. Đặc biệt các phương pháp của Taine không phù hợp cho việc phân tích đặc trưng của hiện tượng văn học: thật vậy, ngòai một số phương pháp vay mượn một cách máy móc từ các khoa học tự nhiên, Taine chỉ có thể sử dụng các phương pháp truyền thống của lịch sử và của phê bình văn học là phân tích tiểu sử và bình luận văn bản.
Nhưng cốt lõi của tư tưởng của Taine vẫn còn tồn tại. Từ đó trở đi, các nhà văn học sử, cũng như các nhà phê bình văn học không còn có lý do để bỏ qua ảnh hưởng của các hoàn cảnh bên ngoài, đặc biệt là hoàn cảnh xã hội, đối với hoạt động văn học.
Kinh tế là một khoa học về con người, chính vì vậy mà ta có thể cho rằng triết học mác xít có hiệu quả hơn tư tưởng của Taine trong việc nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, các nhà triết học mác xít đầu tiên rất ít bàn về các vấn đề văn học. Tuyển tập các bài viết của Marx và Engels Về văn học và nghệ thuật thật ra không có mấy giá trị. Chỉ từ đầu thế kỷ XX với các nghiên cứu của Plekhanov thì nhánh triết học mác xit về văn học (chủ yếu là xã hội học) mới thật sự được hình thành. Tiếp đó nhu cầu chính trị đã đưa phê bình văn học Xô Viết (cũng như phê bình cộng sản nói chung) đến chỗ nhấn mạnh tới vai trò của tác phẩm văn học như nhân chứng xã hội.
Sau đây là định nghĩa về văn học của Vladimir Jdanov vào năm 1956: “Văn học cần phải được xem xét trong mối quan hệ không thể tách rời đối với đời sống xã hội, trên nền các yếu tố lịch sử và xã hội có ảnh hưởng tới nhà văn […] Quan niệm chủ quan và võ đoán cho rằng mỗi cuốn sách là một cá thể độc lập và tách rời là không thể được chấp nhận”[3]. Theo định nghĩa này thì phương pháp của Jdanov “coi tiêu chí đầu tiên để đánh giá bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào là độ phản ánh trung thành thế giới hiện thực với toàn bộ các khía cạnh phức tạp của nó”[4].
Phương pháp xã hội học Xô Viết này gặp phải sự phản đối chủ yếu từ trường phái hình thức là một trường phái tìm cách áp dụng mỹ học vào việc nghiên cứu các hình thức và phương pháp của tác phẩm văn học. Trường phái hình thức chính thức bị phê phán từ những năm 1930 ở Liên Xô. Nhìn rộng ra thì trường phái hình thức chỉ là một dạng của một phong trào có nguồn gốc từ Đức và trong đó có các ảnh hưởng của triết học tân-Hegel của Wilhelm Dilthey, phê bình ngữ văn học và tâm lý học của Gestalt. Từ cuối thế kỷ XIX cho đến ngày nay, khoa học về văn học này là một trong những yếu tố chủ yếu ngăn cản việc hình thành một bộ môn xã hội học văn học thực thụ.
Trong khi đó xã hội học (với các nghiên cứu của Comte, Spencer, Le Play, Durkheim) phát triển theo một hướng riêng và trở nên một ngành khoa học độc lập, đồng thời bỏ qua văn học là lĩnh vực phức tạp với những dữ liệu và các định nghĩa không mấy chính xác (và được bảo vệ bởi sự tôn trọng con người).
Trong lĩnh vực phê bình văn học ở trường đại học thì rõ ràng văn học so sánh, bộ môn được thành lập muộn màng nhất trong các bộ môn văn học, đã có nhiều đóng góp hơn cả cho xã hội học văn học.
Các công trình nghiên cứu các xu hướng chủ yếu của ý thức xã hội (mà Paul Hazard là một trong những đại biểu tiêu biểu[5]) dẫn đến một loại « lịch sử tư tưởng » (mà nhà nghiên cứu người Mỹ Lovejoy là một trong những chuyên gia) là một bộ phận không thể thiếu được nếu ta muốn tìm hiểu một cách thấu đáo các hiện tượng văn học. Jean-Marie Carré đã hướng các học trò của mình về việc nghiên cứu các vấn đề được gọi là “ảo ảnh”: một cộng đồng dân tộc hình dung một cách “méo mó”về một dân tộc khác thông qua tác phẩm của nhà văn[6].
Đối với lịch sử văn học, một trong những ý tưởng phong phú nhất có lẽ là khái niệm “thế hệ”được François Mentré (học trò của Cournot) đưa ra từ những năm 1920 một cách có hệ thống trong tác phẩm Các thế hệ xã hội.Nhưng Albert Thibaudet mới là người đầu tiên có công áp dụng một cách sáng tạo ý tưởng phân biệt các « thế hệ » và mang lại độ sâu xã hội học cho lịch sử văn học trong tác phẩm có tính cách mạng Lịch sử văn học Pháp từ 1780 đến ngày nay được công bố năm 1937.
Tiếp đó tác phẩm kinh điển của Henri Peyre, Các thế hệ văn học (1948) đã chứng minh ý nghĩa xã hội học của “vấn đề cảm hứng tập thể là vấn đề thế hệ văn học”[7]. Ngoài ra còn có Guy Michaud là người đầu tiên (theo tôi được biết) đã đưa ra một cách cụ thể, trong tác phẩm Dẫn luận vào một khoa học về văn học ý tưởng về một bộ môn xã hội học văn học hiểu với nghĩa như chúng ta biết ngày nay.
Như vậy trong một thời gian dài các xu hướng xã hội học tồn tại chủ yếu dưới dạng các ý tưởng, chứ không phải là một tổng thể các phương pháp. Đôi khi các xu hướng này gặp các xu hướng hình thức như trong trường hợp xã hội học về thị hiếu (L.L. Schucking) hoặc ngôn ngữ như một yếu tố xã hội trong văn học (R. Wellek)[8].
Hệ thống xã hội học văn học đầu tiên là hệ thống có nguồn gốc từ tư tưởng của Georges Lukacs và được học trò của Lukacs là Lucien Goldmann hình thành một cách có hệ thống sau Đại chiến thế giới thứ II.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của mác xít, chủ nghĩa cấu trúc phái sinh của Lucien Goldmann quan tâm đến các vấn đề đặc biệt thuộc về mỹ học. Giả thuyết cơ bản của Goldmann là “tính chất tập thể của sáng tạo văn học có nguồn gốc từ việc cấu trúc của không gian tác phẩm tương đương với các cấu trúc tinh thần của một số nhóm xã hội, hoặc có quan hệ với chúng”[9].
Từ 1960 sự phát triển của chủ nghĩa cấu trúc đã mở ra các chân trời mới cho xã hội học văn học, đặc biệt là dưới ảnh hưởng của Roland Barthes vào thời kỳ đầu. Các khoa học ký hiệu học đã nhấn mạnh tới văn bản viết và văn bản như không gian xã hội học. Các nghiên cứu được công bố trong tạp chí Tel Quel là đại diện tiêu biểu cho trào lưu cũng chịu ảnh hưởng của triết học mác xít này.
Mặc dù không tách rời khỏi các truyền thống tư tưởng đã trình bày ở trên nghiên cứu của chúng tôi ở đây có cơ sở dựa trên ý tưởng chủ đạo do Jean-Paul Sartre đã trình bày trong Văn học là gì ?, có nghĩa là một cuốn sách chỉ tồn tại khi nó đựoc đọc và văn học cần phải được tiếp cận như một quá trình giao tiếp[10].
Cho tới một giai đoạn gần đây, việc nghiên cứu các hiện tượng xã hội của văn học gần như không thể thực hiện được bởi thiếu tài liệu. Rất may là tình hình đã được cải thiện một cách rõ rệt từ sau 1965.
Trước hết cần nhắc đến vai trò của UNESCO: các điều tra được các tổ chức của UNESCO tiến hành đã mang lại nhiều thông tin về các khía cạnh tập thể của văn học trước đây không thể nào có được. Báo cáo của R.E. Barker, Sách cho tất cả (Book for all, 1956) mặc dù còn nhiều thiếu sót vẫn có thể được sử dụng làm cơ sở các nghiên cứu về sau này.
Năm 1965 nghiên cứu của R. Escarpit, Cách mạng sách, và công trình tập thể của R.E. Barker và R. Escarpit, Đói sách, nhân dịp Năm quốc tế vì sách (1972), đã tổng kết về tình hình quốc tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Lúc đầu các đại diện của nền công nghệ sách còn rụt rè, nhưng sau đó càng ngày càng tin tưởng rằng cần phải có những nghiên cứu hệ thống về sách. Ở Pháp Phòng nghiên cứu của Bộ Văn hóa và đặc biệt là từ năm 1981 Ban chỉ đạo sách của Bộ này đã góp phần phát triển nhiều chương trình nghiên cứu có hệ thống về tiêu thụ văn học, về sự đọc, về sản xuất và phát hành sách ở cấp quốc gia, cũng như ở cấp các tỉnh thành. Trong các trường Đại học Tổng hợp, một bộ môn khoa học về sách cũng đang được hình thành.
Từ năm 1962 đến 1982, hoạt động của UNESCO trong khuôn khổ “Chương trình phát triển sách”đã giúp các nước thuộc về thế giới thứ ba rút ngắn khoảng cách trong lĩnh vực văn hóa nhờ có một chính sách về sách được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Trong thời đại chúng ta ngày nay cũng như trong tương lai, sự cần thiết phải có một chính sách về sách chắc chắn là động cơ mạnh mẽ nhất cho các chương trình nghiên cứu xã hội học văn học.
Vì một chính sách về sách
Trước đây hiểu biết chính mình là một nhu cầu cá nhân, nhưng ngày nay đó là một nhu cầu tập thể. Nhưng trong lĩnh vực văn học, sự thiếu hiểu biết về chính mình có thể được coi là quy luật của các xã hội phương Tây. Từ hơn một thế kỷ người ta nói về đại đa số quần chúng, nhưng chỉ từ khoảng một thế hệ nay thì điều đó mới trở thành hiện thực và các đô thị đã đổi mới diện mạo để phù hợp với các tầng lớp quần chúng. Tuy nhiên vấn đề văn hóa không được quan tâm đến một cách đúng mức. Mặc dù người ta nói rất nhiều đến “văn hóa quần chúng”, nhưng khái niệm này vẫn còn chịu ảnh hưởng của tinh thần truyền đạo và gia trưởng; đó thật ra là chỉ cái che giấu sự bất lực. Trong thực tế, một đô thị với hàng triệu con người chỉ có một nền văn học dành cho vài nghìn người mà thôi.
Chính vì vậy mà các cơ quan chức năng phụ trách về chính sách xã hội rất lo lắng về tình hình này. Vào tháng 1.1957, tạp chí Thông tin xã hội, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp quốc gia các Quỹ trợ cấp gia đình, đã dành một số đặc biệt để trình bày kết quả của một chương trình điều tra rộng rãi về “Văn học và độc giả quần chúng”. Cuộc điều tra này đã nêu lên phần lớn các vấn đề của xã hội học văn học và việc các kết quả điều tra được công bố có thể được coi là một bước tiến quan trọng đưa tới các nghiên cứu có hệ thống về sau này[11].
Đặc biệt trong số tạp chí này có bài của Gilbert Mury mang tên Liệu xã hội học về sách có thể tồn tại ? trong đó tác giả giải thích sự cần thiết phải có xã hội học văn học thông qua ví dụ về xã hội học tôn giáo: “Cách đây không lâu mọi nghiên cứu khách quan về lòng tin và các hoạt động tôn giáo được những người thông thái coi là một sự khủng bố. Vậy mà ngày nay chính các tổ chức nhà thờ đã tổ chức điều tra với mục đích giảng đạo phù hợp hơn với thực tế xã hội. Rõ ràng là từ nhà văn đến người bán sách, những người làm trong công nghệ sách không thể không quan tâm đến việc có những nghiên cứu hệ thống về công chúng của họ, tìm hiểu các phản ứng của họ và qua đó các phương tiện để đến với công chúng”[12].
Gilbert Mury nhắc lại một cách đúng đắn rằng kinh tế cũng là yếu tố cần phải được tính đến trong văn học: văn học bao gồm những khía cạnh kinh tế mà tôn giáo không muốn đề cập tới, nhưng rõ ràng là văn học cần phải tiếp nhận hơn các yếu tố thuộc về xã hội. Trong lĩnh vực văn học, hiểu biết công chúng không chỉ là một việc cần thiết, mà đó cũng là một yếu tố mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên rõ ràng chúng ta không thể dừng lại ở cấp độ kinh tế này. Diderot đã viết trong Thư về nghề sách như sau: “Một trong những sai lầm mà tôi thường thấy ở những người thích nghe theo các quy tắc chung chung là áp dụng vào việc xuất bản sách những nguyên tắc của một nhà máy dệt vải”.
Xã hội học văn học cần phải tôn trọng đặc trưng của hiện tượng văn học. Là trợ lý đắc lực cho những người làm nghề sách, xã hội học văn học cũng cần phải có ích đối với độc giả bằng cách giúp cho khoa học truyền thống về văn học (văn học sử hoặc phê bình văn học) thực hiện tốt các nhiệm vụ của chúng. Điều đó không có nghĩa là xã hội học văn học không quan tâm đến các vấn đề của văn học sử hay của phê bình, nhưng nó quan tâm đến các vấn đề đó ở cấp độ toàn xã hội.
Chương trình nghiên cứu đó có nghĩa là cần phải tiến hành điều tra trên diện rộng. Việc đó không thể được tiến hành bởi một vài ngườI, hoặc thậm chí một vài nhóm nghiên cứu lẻ tẻ. Trong lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách này năm 1958, tôi chỉ có thể đưa ra một số yếu tố nhằm trả lời cho một phần rất nhỏ trong vô vàn các vấn đề đặt ra. Nó không có mục đích nào khác ngoài việc đưa ra một bức tranh tổng thể về các nghiên cứu đã được thực hiện. Nhưng nó đã giúp tôi thiết lập quan hệ với nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề đó và thậm chí đã gây ra nhiều sự tò mò cho phép chúng tôi tiến hành các nghiên cứu mới. Một hội thảo như hội thảo của Hội văn học so sánh quốc tế được tổ chức tại Bordeaux năm 1971 về đề tài Văn học và Xã hội đã cho thấy rằng các chuyên gia về văn học trong trường đại học càng ngày càng có xu hướng đưa cách tiếp cận xã hội học vào nghiên cứu của họ.
Năm 1959, Trung tâm xã hội học về các hiện tượng văn học được thành lập tại Bordeaux; trung tâm khiêm tốn này về sau trở thành Phòng nghiên cứu các khoa học về thông tin và truyền thông lớn hơn. Ở Mỹ, Canada, cũng như ở Tây Âu và Đông Âu, ở Nhật Bản, nhiều trung tâm nghiên cứu làm việc theo các xu hướng và với các mục đích khác nhau, nhưng đều trong một tầm nhìn xã hội học. Trong nhiều trường đại học xã hội học văn học đã được giảng dạy. Điều mới chỉ là một dự án trình bày năm 1958 ngày nay đã trở thành sự thật.
Chương II.
TIẾP CẬN HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC NHƯ THẾ NÀO ?
Sách, đọc sách, văn học
Hiện tượng văn học tồn tại chủ yếu theo ba chiều: vật thể sách, quá trình đọc, và cuối cùng là văn học. Trong ngôn ngữ thường ngày chúng ta thường sử dụng các từ này một cách không phân biệt. Nhưng thật ra ba khái niệm này có nội dung khác nhau và ranh giới giữa chúng không thật rõ ràng. (…)
Các định nghĩa truyền thống đôi khi quan tâm đến nội dung sách, nhưng không có định nghĩa nào quan tâm đến việc nó được sử dụng. Sách thật ra là một “cái máy đọc”, và chính sự đọc là cái định nghĩa nó: “Chính nỗ lực chung của tác giả và của độc giả là cái làm cho vật thể vừa cụ thể vừa tưởng tượng là tác phẩm tinh thần tồn tại”(J.-P. Sartre, Văn học là gì ?).(…)
Có thể đọc không có nghĩa là đọc trên thực tế. Trên cơ sở số lượng giấy dùng để in như đã nói ở trên, và trừ đi những người không biết đọc cũng như trẻ em, đồng thời tính đến việc một cuốn sách có thể được ba hay bốn người đọc, chúng ta có thể đưa ra con số sau: ở Pháp một người đọc trung bình 40 000 từ mỗi ngày (có nghĩa là bằng 1,5 cuốn sách như khổ cuốn sách bạn đang đọc), trong khi đó thì ở Anh con số đó tăng lên gấp ba!
Ngoài ra còn cần phải tính đến số lượng sách không bán được và số sách xuất khẩu. Cả hai yếu tố này đều làm giảm số lượng sách đọc trung bình trong khuôn khổ một quốc gia. (…)
Tất nhiên là chúng ta sẽ không định nghĩa văn học bởi bất kỳ tiêu chí về chất lượng nào. Tiêu chí sử dụng ở đây vẫn là tiêu chí mà chúng tôi gọi là khả năng phi lợi nhuận. Tác phẩm văn học là một tác phẩm không phải là một công cụ, mà tự thân nó đã là một mục đích. Đọc văn học là sự đọc một tác phẩm không với mục đích công cụ, có nghĩa là đọc văn học nhằm việc thỏa mãn một nhu cầu văn hóa không có tính công cụ.
Các cách tiếp cận
Phương pháp dễ dàng nhất để tìm hiểu một hiện tượng vừa có tính chất tâm lý vừa có tính chất tập thể là đặt câu hỏi cho một số lượng người được chọn một cách phù hợp. Đó là phương pháp do bác sĩ Kinsey đã sử dụng để điều tra về tập tính của người Mỹ trong lĩnh vực tình dục. Tuy nhiên nếu ông muốn điều tra về các tập tính trong lĩnh vực văn hóa thì chắc chắn ông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. (…)
Thật vậy chỉ cần so sánh kết quả giữa quan sát trực tiếp và có hệ thống về một tập tính văn hóa của một người nào đó với lời kể (có thể là hoàn toàn chân thành) của người đó là có thể hiểu độ phức tạp của việc phân tích các thông tin chủ quan. Ví dụ, một người nói rằng anh ta thường xuyên đọc Stendhal hoặc Malraux và thỉnh thoảng đọc tiểu thuyết trinh thám để giải trí, nhưng anh ta sẽ khó công nhận rằng thời gian anh ta đọc văn học trinh thám lớn hơn thời gian anh ta đọc các tác phẩm cổ điển “để đầu giường”rất nhiều lần. Nếu anh ta nhắc đến việc đọc báo, chắc chắn anh ta sẽ quên nhắc đến vài phút dành cho truyện tranh, mà vài phút này nếu được cộng lại tất cả thì sẽ thành một con số khá lớn. Ngoài ra anh ta cũng sẽ quên không tính đến việc đọc tạp chí trong các phòng chờ khám bác sĩ hoặc sách mượn ở thư viện trẻ em: ai có thể tưởng tượng rằng các tập truyện tranh như Sapeur Camembert hoặc Tintin lại có thể chiếm vị trí quan trọng trong hành vi đọc của một người Pháp thành niên và có học?
Vấn đề này dễ được giải quyết hơn khi việc điều tra quan tâm đến quá khứ. Các tài liệu lịch sử thường thẳng thắn hơn các lời kể làm chứng của cá nhân. Thật vậy nghiên cứu so sánh các nguồn tài liệu khác nhau (như hồi ký, thư từ, các thông tin do người khác kể lại, các lời ám chỉ, thư mục các thư viện cá nhân) cho phép xác lập một cách khá chính xác toàn bộ các hành vi đọc của một người cụ thể, với điều kiện là người này thuộc về một tầng lớp xã hội “thượng lưu”. Thật vậy đối với đại đa số quần chúng gần như không có nguồn tài liệu nào có thể cho phép tìm hiểu việc đọc, mặc dù chúng ta biết là người bình dân cũng đọc khá nhiều ngay từ khi công nghệ in xuất hiện và nhờ có những người bán sách rong mà Charles Nisard đã phân tích trong Lịch sử sách bình dân hoặc văn học của gánh sách rong vào thế kỷ XIX[13].
Đây là một lĩnh vực rộng lớn mà nhà văn học sử không thể không đi sâu nghiên cứu. Đó là cái thường được gọi là “văn học thứ cấp ”hoặc “văn học ngoại biên”[14]. Tuy nhiên giữa khu vực (cho tới gần đây) không được sách giáo khoa quan tâm tới này và địa phận của các tác phẩm “có giá trị ”, luôn luôn có những trao đổi ở cấp độ đề tài, tư tưởng hoặc hình thức. Đôi khi một vài tác phẩm còn thay đổi vị trí và di chuyển từ khu vực này sang khu vực kia. Thật vậy (và chúng ta sẽ thấy rõ hơn ở phần sau) việc thuộc về “văn học”hay là về “văn học thứ cấp”không được quyết định bởi các giá trị trừu tượng của nhà văn, của tác phẩm hay của công chúng, mà bởi một loại hình trao đổi[15]. Chính vì vậy mà đối với những người thuộc về tầng lớp có học (thường được gọi làm nhân chứng trước lịch sử và là tầng lớp xã hội của nhà xã hội học) sự vênh giữa sách được đọc và sách cần phải đọc luôn bị coi là một sự bê bối và hổ thẹn (mặc dù đó là thực tế đã được nhiều lần kiểm chứng bởi nhiều thế kỷ lịch sử).
Nếu chúng ta nghi ngờ sự làm chứng của người đọc và quay sang tra hỏi nhà văn thì chúng ta sẽ còn bị thất vọng hơn nữa. Bởi lý do hành động sáng tạo văn học là một hành động cô đơn và tự do, nó cần phải được cởi bỏ khỏi mọi hình thức yêu cầu xã hội. Nói khác đi là nếu nhà văn, với tư cách là con người và nghệ sĩ, cần phải hình dung độc giả của mình và cảm thấy mình đồng điệu với độc giả, nhưng nếu nhà văn có ý thức một cách quá rõ ràng về những yêu cầu của độc giả thì đó lại là một điều nguy hiểm. Người ta thường so sánh việc sáng tác văn học cũng giống như hành động của một người bị đắm thuyền vứt một vỏ chai ra biển; nhưng hình ảnh so sánh này chỉ đúng phần nào, có nghĩa là người đắm thuyền có thể hình dung ra người có thể sẽ đến cứu anh ta, có thể cảm thấy gần gũi với người đó, nhưng không thể biết sóng biển sẽ đẩy vỏ chai về đâu. (…)
Trường hợp của người thủ thư có nét đặc thù riêng, bởi anh ta thường có thể trả lời trực tiếp cho câu hỏi về hành vi của người đọc. Vấn đề là câu trả lời này chỉ đúng với những người đến đọc ở thư viện, có nghĩa là một bộ phận khá giới hạn và đặc biệt của công chúng người đọc. Tuy nhiên chúng ta không thể không sử dụng con đường này, bởi mặc dù nhỏ hẹp, đó có lẽ là con đường duy nhất để đưa chúng ta đến thẳng thực tế tiêu thụ văn học. Nghiên cứu thư viện trong xí nghiệp là phương pháp nghiêm túc duy nhất để tìm hiểu vấn đề đọc trong giới công nhân.
Như vậy nghiên cứu các dữ liệu khách quan được phân tích một cách có hệ thống và không có bất kỳ một ý kiến võ đoán nào là phương pháp cần sử dụng để tìm hiểu hiện tượng văn học.
Trong các dữ liệu khách quan, loạt dữ liệu đầu tiên có thể sử dụng là số liệu thống kê.
Mặc dù số liệu thống kê về công nghệ sách và việc buôn bán sách chỉ có ít và không đầy đủ, nhưng chúng cũng có thể được phân tích và so sánh với các nguồn tài liệu khác, qua đó mang lại nhiều thông tin có thể sử dụng được. Số liệu thư mục (chủ yếu nhờ việc nộp lưu chiểu) đã có nhiều tiến bộ từ những năm 1960. Tuy nhiên thông qua các nhà xuất bản thương mại có được các con số chính xác về số bản in và số lượng bản bán được không phải là việc dễ dàng. Việc phát triển các cuộc điều tra ý kiến ngày càng phát triển và mặc dù giá trị của chúng không đồng đều, chúng cho phép hình dung một cách cụ thể về thị trường sách. Các thư viện cũng ngày càng có khả năng đưa ra những thông tin chính xác về người đọc của mình. Đặc biệt việc sử dụng máy tính đã cho phép tìm hiểu một cách cụ thể hơn về hiện tượng đọc trong các tầng lớp xã hội khác nhau.
Nếu có thể thì cũng cần phải sử dụng các số liệu lịch sử trên cơ sở các danh sách tác phẩm hoặc nhà văn nhằm làm rõ các biến đổi trong lịch sử. Trong phần sau chúng tôi sẽ phân tích một danh sách 937 nhà văn Pháp có năm sinh giữa 1490 và 1900[16].
Các dữ liệu thống kê cho phép phác thảo các đường nét chủ yếu của hiện tượng văn học. Cần phải phân tích chúng trên cơ sở một loại dữ liệu khách quan khác; đó là các dữ liệu của nghiên cứu các cấu trúc xã hội của hiện tượng văn học và các phương tiện kỹ thuật của nó: chế độ chính trị, thể chế văn hóa, giai cấp, tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động giải trí, số dân chúng biết chữ, vị thế (kinh tế và luật pháp) của nhà văn, cũng như của người chủ hiệu sách, nhà xuất bản, các vấn đề ngôn ngữ, lịch sử sách v.v…
Cuối cùng chúng ta cũng có thể nghiên cứu các trường hợp cụ thể theo phương pháp của văn học nói chung hoặc của văn học so sánh: số phận của một tác phẩm, sự phát triển của một thể loại hoặc một phong cách, cách đề cập một đề tài, lịch sử một câu chuyện thần thoại, miêu tả một không khí v.v… Trong trường hợp này các dữ liệu chủ quan sẽ phát huy tác dụng và nhà nghiên cứu sẽ sử dụng các dữ liệu điều tra, phỏng vấn, các lời làm chứng truyền miệng hoặc trên văn bản viết, so sánh các thông tin mang lại từ các “nghiên cứu trường hợp”, và qua đó có thể soi sáng các hiện tượng được quan sát một cách khách quan với toàn bộ ý nghĩa của nó.
Từ những năm 1970 các khoa học về thông tin và truyền thông đã cho phép lý thuyết hóa và mô hình hóa các giả thuyết nghiên cứu theo kinh nghiệm. Từ đó đã hình thành một khoa học (ít ra là một lĩnh vực khoa học) đựoc gọi là khoa học về sách. Trong lĩnh vực này tạp chí Sơ đồ và sơ đồ hóa do Giáo sư Robert Estivals lãnh đạo đã có những đóng góp quan trọng.
Cũng từ những năm 1970 nhiều nhóm nghiên cứu đã đặc biệt quan tâm đến sách, việc đọc và văn học dành cho nhi đồng và thiếu niên. Ở Bordeaux nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Xã hội học các hiện tượng văn học nghiên cứu lĩnh vực này dưới sự chỉ đạo của Denise Escarpit.