Vượt qua những tọa độ lửa
Điểm đầu tiên tôi muốn nhắc đến là bến Âu Lâu, xưa thuộc huyện Trấn Yên, hiện tại thuộc địa phận TP Yên Bái. Năm xưa, bến phà Âu Lâu kết nối đôi bờ sông Hồng, nối dài mạch Quốc lộ 13A, đầu mối giao thông quan trọng để chuyển vũ khí, lương thực, đạn dược và hàng vạn bộ đội từ Việt Bắc lên Điện Biên Phủ. Theo nhiều cứ liệu lịch sử cũng như các nhân chứng, phương tiện tại phà Âu Lâu ngày đó cũng thô sơ, chủ yếu là những chiếc đò gỗ nhỏ, dùng dây kéo. Mãi sau mới được tăng cường thêm hai chiếc phà, trọng tải 12 tấn. Để bảo đảm an toàn, ban ngày, phà được kéo vào Ngòi Lâu và được làm chìm xuống. Buổi chiều tối lại trục vớt đưa ra bến. Ông Hà Đức Hoan - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: “Từ tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các con đường lên Tây Bắc. Chúng muốn dùng bom đạn để biến sông Hồng thành hàng rào chặn đứng đoàn quân chi viện cho tiền tuyến. Bến phà Âu Lâu trở thành toạ độ lửa. Để đối phó với địch, vào thời gian cao điểm, ngoài việc vận chuyển bằng phà, tỉnh đã huy động Nhân dân trong vùng khai thác, đóng góp hàng chục vạn cây tre, nứa, gỗ ghép thành cầu phao bắc qua sông Hồng; mở thêm nhiều bến đò ngang và bố trí hàng trăm thuyền nan, đò gỗ để vận chuyển, đưa bộ đội và hàng qua sông nhanh chóng, an toàn…”.
Điểm thứ hai là ngã ba Cò Nòi, nơi gặp nhau của đường 13 và đường 42 (Quốc lộ 6 ngày nay), là khu vực bộ đội, dân công, thanh niên xung phong (TNXP) từ các đơn vị Khu III, Khu IV hay từ Việt Bắc sang đều phải đi qua. Địch cho nhiều tốp máy bay đánh từ phà Âu Lâu đến đèo Lũng Lô, đèo Chẹn, phà Tạ Khoa đến ngã ba Cò Nòi. Chúng dùng các loại bom nổ chậm, bom phá, bom Na Pan... Cứ 13 phút, chúng lại ném bom đánh phá một lần. Trong ký ức của nhiều cựu chiến binh, TNXP, ngã ba Cò Nòi chẳng khác nào “máy xay thịt” bởi có ngày địch trút xuống đến 400 tấn bom. Rất nhiều chiến sĩ hy sinh, các con đường dân công, TNXP vừa sửa chữa xong lại bị bom cày xới. Im tiếng bom, các lực lượng tiếp tục sửa đường, bảo đảm tuyến đường thông suốt. Ông Mai Ất - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Nghệ An cho biết: “Cuối tháng 3/1954 địch bắt đầu dùng một loại bom mới đó là bom bươm bướm. Đây là loại bom cực kỳ nguy hiểm. Khi địch thả xuống, từ quả bom mẹ tách ra hàng trăm quả bom con bám vào cành cây. Trên thì bom bươm bướm, dưới chân thì chông, bom nổ chậm, bộ đội, TNXP và dân công của ta bị thương, hy sinh rất nhiều. Nơi đây chẳng khác ngã ba Đồng Lộc thời kỳ đánh Mỹ”.
Chung dòng cảm xúc ấy, ông Lò Văn Hếnh ở xã Nà Bó (Mai Sơn) kể bằng giọng trầm buồn: “Có một tiểu đội 12 người làm nhiệm vụ san lấp hố bom đã bị vướng bom nổ chậm, hy sinh cuối năm 1953. Hay tin, anh em trong đơn vị ai cũng khóc, càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, hướng về ngày chiến thắng để máu đồng đội đổ xuống không vô ích”. Tại khu vực này, tỉnh Sơn La đã xây dựng tượng đài TNXP. Nhiều dân công, TNXP ngày đó hy sinh đến nay đã 60 năm vẫn chưa tìm thấy mộ. Các nghĩa trang tại huyện Mai Sơn, Yên Châu... chỉ thấy mộ vô danh...
Đèo Pha Đin ngày nay đã bớt hiểm trở, nhưng độ dốc, độ khúc khuỷu, nhiều khúc cua tay áo, vẫn được coi là sự trải nghiệm của các tay lái xe. Mùa hoa ban đang nở, tạo cho cảnh sắc của đèo trở nên huyền diệu. Song, ngược dòng lịch sử trở về 60 năm trước, nơi đây là điểm giao tranh vô cùng ác liệt giữa ta và địch. Các lực lượng TNXP, dân công bố trí tới chín đại đội, bốn ở đầu dốc Thuận Châu, bốn ở dốc phía Tuần Giáo, một đại đội “trụ” trên đỉnh đèo. Mỗi ngày, nơi đây in dấu chân của khoảng 8.000 dân công, TNXP, chiến sĩ... đi qua. Đây cũng chính là điểm khởi đầu gian nan nhất của hành trình kéo pháo bằng sức người của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Từ đèo Pha Đin qua nhiều đèo, nhiều dốc, nhiều vực sâu, núi cao đến điểm cuối là nơi những viên đạn pháo rời nòng súng, hướng tới cứ điểm, nã vào đầu quân thù. Ông Lê Ngọc Đồng, cựu TNXP ở 107 Lê Văn Hưu (TP Thanh Hóa) nhớ lại: “Cuộc chiến đấu trên đèo Pha Đin vô cùng ác liệt, hàng trăm người đã hy sinh. Vào giữa tháng 4/1954, 10 đoàn xe của ta chở hàng ra mặt trận. Địch phát hiện, chúng cho máy bay đến bắn phá. Một ô tô của ta bị cháy. Anh Trịnh Văn Huyền, dân công làm nhiệm vụ đã dũng cảm nhảy lên xe dập lửa, hô hào anh em nhanh chóng bốc đạn, chuyển hàng, cứu xe. Sau đó anh Huyền được bầu là chiến sĩ thi đua, được đi dự Đại hội Công nông binh toàn quốc”.
Những tọa độ lửa đã chặn đánh từ hậu tuyến, trung tuyến và ra hỏa tuyến. Nhưng không thể cắt đứt được dòng người Việt Nam ra trận. Con đường vẫn thông suốt, làm cho tất cả cố gắng của địch phải thất bại. Phải khẳng định, đường tiếp vận, đường kéo pháo vào chiến dịch và đường chiến thắng 60 năm trước đã được xây dựng bằng biết bao xương máu của các lực lượng cách mạng. Sự hy sinh ấy là lớn lao và đầy ý nghĩa. Bởi những người dân ấy đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại.