Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 23/08/2007 00:57 (GMT+7)

Vua Minh Mạng với tư tưởng "Củng cố nền thống nhất quốc gia"

Việc Minh Mệnh có làm được một Lê Thánh Tông của triều Nguyễn hay không, còn phải có thời gian để minh định. Nhưng sự thật là trong 20 năm ở ngôi, Minh Mệnh đã làm được nhiều việc. Không thể phủ nhận: Nước Đại Nam dưới triều Minh Mệnh có một cương vực rộng lớn nhất từ trước đến cuối thế kỷ XIX, cũng là mạnh nhất so với các triều vua khác của triều Nguyễn.

Gia Long khi sáng lập vương triều Nguyễn vào năm 1802, lần đầu tiên đất nước Việt Nam thống nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Nhưng đó là sản phẩm của lịch sử để lại, đất nước ngày đó còn chứa đựng nhiều hậu quả của sự chia cắt, phân liệt của những thế kỷ trước. Gia Long rất hiểu những hạn chế đó, song do nhiều nguyên nhân: vì tuổi già sức yếu, vì việc phải chia quyền hành cho các ông “Công thần trung hưng”… nên ông không thể làm khác được những gì ông đã làm với lịch sử, đối với việc củng cố nền thống nhất quốc gia.

Đến Minh Mênh, yêu cầu củng cố nền thống nhất quốc gia trở nên cấp bách. Tư tưởng chính trị này luôn thường trực ở Minh Mệnh và biểu hiện trên các mặt: vấn đề thống nhất gắn liền với vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, còn gắn liền với vấn đề tập trung quyền lực về trung ương, không chấp nhận sự phân quyền, chia quyền.

Vấn đề toàn vẹn lãnh thổ dường như là vấn đề được Minh Mệnh đặc biệt quan tâm. Minh Mệnh đã tăng cường xác lập chủ quyền Việt Nam ở các hải đảo, vùng biển và miền biên giới xa xôi. Đối với quần đảo Trường Sa, trước đó, từ tháng tư năm Tân Mão (1711), đời chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai “đo bãi cát Trường Sa dài ngắn, rộng hẹp bao nhiêu” (2), nhưng tới nay Minh Mệnh lại tiếp tục khẳng định chủ quyền của triều đỉnh ở vùng đảo này. Đối với quần đảo Hoàng Sa, thì vào tháng bảy năm Giáp Tuất (1754), đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, sử nhà Nguyễn chính thức ghi chép về quần đảo này như sau: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm” (3). Đến đời Minh Mệnh, ông tiến thêm một bước trong việc xác lập chủ quyền bằng cách cho “lập miếu trồng cây ở đảo Hoàng Sa (Quảng Ngãi” (4).

Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), ông bắt đầu cho đặt pháo đài ở đồn Phú Quốc thuộc tỉnh Hà Tiên. Trước đây, đảo Phú Quốc dân ở đông đúc nhưng là nơi trú ẩn, nương náu của bọn cướp biển. Chúng hoạt động lúc ẩn lúc hiện, tấn công cướp bóc nhân dân trên đảo và thuyền bè qua lại vùng này. Đến đây, Minh Mệnh sai quân tỉnh chọn chỗ đặt pháo đài ở Phú Quốc để phòng thủ cho nghiêm cẩn” (5).

Một hạn chế lớn đối với việc tập trung quyền lực của chính quyền trung ương cũng có ý nghĩa ảnh hưởng tới việc thống nhất quốc gia trong lịch sử - chế độ phong kiến Việt Nam, đó là việc bỏ trống quyền lực tại các vùng dân tộc thiểu số, không chỉ là vấn đề có tính chất nội trị, mà quan trọng hơn, nó liên quan tới biên cương của tổ quốc, đó còn là vấn đề đối ngoại. Trước đời Minh Mệnh, kể từ triều Lý, Trần, Lê, Tây Sơn cho đến đời Gia Long, triều đình trung ương đều sử dụng biện pháp “kimi” (ràng buộc lỏng lẻo): gả công chúa cho các tù trưởng thiểu số, hoặc phong quan tước và để cho họ có quyền thế tập, tự cai trị. Mặc dù các triều đại phong kiến đều hiểu rất rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề biên cương, vấn đề đối với dân tộc thiểu số, nhưng do hạn chế của lịch sử (mà chủ yếu triều đình trung ương Đại Việt bấy giờ chưa đủ mạnh) nên không thể vươn tay nắm chắc các vùng đất quan yếu này.

Đến triều Minh Mênh, tình hình đã khác, ông không thể chấp nhận sự “chân không quyền lực” tại vùng đất dân tộc thiểu số mà theo ông, đó là những thành phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi đất nước Đại Nam thống nhất. Trong lĩnh vực này, một lần nữa, chúng ta lại thấy khả năng suy đoán của Minh Mệnh và tài chính trị của ông. Biện pháp của ông là: từng bước, từng bước từ chỗ hạn chế quyền lực của tù trưởng thiểu số, tiến tới chỗ thủ tiêu quyền hành của họ. Từ năm Minh Mệnh nguyên niên (1802) đến năm thứ 9 (1828), ông tiếp tục các biện pháp truyền thống: vừa phủ dụ ban tước, vừa dùng vũ lực đàn áp các cuộc nổi dậy của tù trưởng. Đến năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), ông chính thức ban bố bỏ lệ thế tập tù trưởng thiểu số (6). Vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), triều đình ban bố cac quy định đặt chức thổ quan trị huyện, tri châu, xã quan tại vùng dân tộc thiểu số.

Trong các dân tộc thiểu số vùng phía Bắc Việt Nam, thì dân tộc Mường Hoà Bình và miền tây Thanh - Nghệ là đông người hơn cả, do vậy, quyền lực của các lang cun, lang đạo ở đây rất lớn mạnh. Chỉ nói riêng vùng Mường Hoà Bình, từ lâu đời đã hình thành 4 mường với quyền lực về chính trị, kinh tế rất mạnh là “Bi - Vang - Thành - Động”. Minh Mệnh đã kiên quyết xoá bỏ các đơn vị hành chính “mường” nói trên. Ông cho chia nhỏ ra các huyện, các xã như vùng đất khác. Bằng biện pháp rất cương quyết, Minh Mệnh đã “hạ cấp” các lang cun, lang đạo xuống chỉ còn như các tri huyện, xã trưởng. Với các biện pháp trên, Minh Mệnh không chỉ hạn chế nhằm tiến tới xoá bỏ quyền lực của thổ tù, tù trưởng vùng dân tộc thiểu số, mà còn nhằm mục đích quan trọng hơn là xoá bỏ lãnh vực, địa bàn cư trú cổ truyền của họ, cũng chính là thủ tiêu nguồn gốc tạo nên quyền lực truyền thống đó.

Nhưng một chính sách mạnh mẽ, quan trọng hơn cả của Minh Mệnh đối với vùng dân tộc thiểu số, đã giáng một đòn mạnh vào xu thế cát cứ, phân quyền là chế độ “lưu quan” (7) được ban bố và thi hành từ năm Minh Mệnht hứu 16 (1835) trở về sau. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chế độ phong kiến, Minh Mệnh thủ tiêu chế độ thổ quan, chính thức bổ quan lại của triều đình lên cai trị trực tiếp các châu, huyện vùng dân tộc thiểu số.

Nhưng theo tôi, tư tưởng củng cố nền thống nhất quốc gia được thể hiện cụ thể và rõ nét hơn cả trong cuộc cải cách hành chính do Minh Mệnh thiết kế và tổ chức thực hiện. Từ năm đầu lên ngôi đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), ông từng bước hoàn thiện bộ máy hành chính tại trung ương và các địa phương trong cả nước. Và cũng có thể coi cuộc cải cách đơn vị hành chính từ trấn đổi sang tỉnh (chia cả nước thành 30 tỉnh: 10 tỉnh lớn, 10 tỉnh vừa và 10 tỉnh nhỏ) vào 2 năm Minh Mệnh thứ 12 (1831 - ở các tỉnh miền Bắc) và Minh Mệnh thứ 13 (1832 - ở các tỉnh miền Nam) thì quá trình củng cố nền thống nhất quốc gia từ triều Tây Sơn đến đây, về cơ bản đã hoàn tất. Trong một lời dụ cho đình thần, trước khi tiến hành các cuộc cải cách này, Minh Mệnh đã chính thức bộc lộ tư tưởng thống nhất quốc gia của mình: “Việc phong tước, dựng quan chức, là chính thể lớn của triều đình, quốc gia ta xây dựng nền tảng ở phương Nam, các trấn đều đã đặt quan chức làm việc. Hoàng khải thế tổ cao hoàng đế ta khi thống nhất đất nước (8) thì 11 trấn Bắc thành mới tạm đặt một đại diện cai trị, phàm việc cai trấn trực thuộc đều phải trông đến, đó là bậc thánh minh mưu đồ sâu xa, muốn một phen cải định lại nhưng chưa kịp làm.

Nay trẫm theo chí ngài, lại nghĩ đến các việc kiện tụng và binh lương trong các thành, các hạt còn phức tạp nhiều, tất phải theo từng hạt, chia người giữ các việc để có chuyên trách, các người nên ban định tâu lên” (9). Tư tưởng này còn được Minh Mệnh thể hiện trong cách dùng người. Một lần, nhân viên Giám sát ngự sử đạo An - Tĩnh Nguyễn Bá Chi tâu về việc: Trong số quan lại địa phương, phần nhiều phân biệt Nam, Bắc. Số quan lại gốc miền Nam kinh thị, lấn lướt số quan lại quê ở miền Bắc. Minh Mệnh đã nghiêm khắc dụ rằng: “Ta từ khi lên ngôi đến nay, dùng người làm việc giữ một lòng công, nào có kỳ thị bao giờ. Nay thống nhất một nhà, sách cùng văn tự, xe cùng bánh chính là vận hội phong hóa cộng đồng. Bộ, Viện và Nội các ở Kinh, các trực và các tỉnh ở ngoài, từ trước đến nay, người Nam, người Bắc miễn có tài đều được dùng, muốn cho họ gom công, góp sức, kính cẩn giúp việc. Đến như truất bỏ hay thăng chức chỉ nhằm vào người có công hay có tội, chứ chẳng vì Bắc hay Nam mà đối xử khác nhau. Thế mà có một vài lũ xấu xa, nảy sinh ý kiến càn bậy” (10).

Tư tưởng củng cố nền thống nhất quốc gia là tư tưởng đặt ra thường xuyên và cấp thiết ở mọi triều đại phong kiến trung ương tập quyền của Việt Nam . Bởi lẽ, tư tưởng này có ảnh hưởng trực tiếp tới sự toàn thịnh của bất kỳ triều đại phong kiến nào. Và, cũng có nghĩa tư tưởng ấy được thực hiện đến mức độ nào thì sức mạnh của đất nước được tăng cường tới mức độ đó.

Có thể nói một cách khái quát: Tư tưởng thống nhất quốc gia từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau được hình thành và bắt đầu thực hiện ngay dưới triều Tây Sơn. Nhưng công cuộc thống nhất quốc gia mà Tây Sơn thực hiện chưa được bao lâu thì chính Nguyễn Nhạc đã phá bỏ thành quả đó bằng việc chia đất nước thành 3 vùng đất: tự mình là Trung ương hoàng đế, cai trị miền Trung, phong cho Nguyễn Huệ là Bắc bình vương cai trị miền Bắc và Nguyễn Lữ làm Đông định vương cai trị miền Nam. Gia Long khi sáng lập triều Nguyễn, một lần nữa ông tái lập nền thống nhất quốc gia. Nhưng sự thống nhất dưới triều Gia Long (1802 - 1819) mới chỉ dừng lại ở sự thống nhất về mặt lãnh vực địa vị hành chính: Trấn Bắc thành (bao gồm 11 trấn) và trấn Gia Định (bao gồm 6 trấn) với hai viên tổng trấn có quyền hành rất lớn như một vị phó vương, trong thực tế đã nuôi dưỡng tư tưởng cát tứ.

Theo tôi, sự nghiệp thống nhất đất nước được đặt ra và thực hiện vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX là một qúa trình. Quá trình này có thể chia ra làm 3 giai đoạn, gắn liền tên tuổi của ba nhân vật lịch sử - ba vị hoàng đế: Quang Trung - Gia Long - Minh Mệnh. Ở mỗi giai đoạn, mỗi nhân vật nói trên đều có công đối với sự nghiệp thống nhất, có lẽ chẳng nên quy công cho riêng một người nào. Phải chăng: Quang Trung là người đặt nền móng. Gia Long là người tiến hành xây dựng những điều kiện cần thiết và cuốic ùng, Minh Mệnh là người hoàn tất quá trình thống nhất quốc gia đó.

Như vậy, tư tưởng củng cố nền thống nhất quốc gia của Minh Mệnh không phải là sản phẩm của riêng ông mà tư tưởng đó xét về nguồn gốc sâu xa là của lịch sử trao gửi nơi ông. Cái điều may mắn là Minh Mệnh đã thực hiện khá thành công những gì ông suy nghĩ trên lĩnh vực thống nhất quốc gia này.

(1)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục chính biên, Nxb KHXH, Hà Nội, tập X, tr. 203.

(2)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục tiền biên, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tập 1, tr. 172.

(3)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục tiền biên, sđd, tập 1, tr. 222.

(4)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục chính biên, sđd tập IX, tr. 53.

(5)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục chính biên, Nxb KHXH, Hà Nội, tập XI, tr. 65 - 66.

(6)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, sđd tập IX, tr. 248, 249.

(7)   Lưu quan: là một danh từ để đối lại với thổ quan chỉ số quan lại được triều đình bổ nhiệm có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Thuật ngữ lưu quan có nguồn gốc từ cải thổ quy lưu mà ra, có nghĩa: thay đổi thổ quan bằng lưu quan (Từ Hải, trng 599).

(8)   Nguyên văn: “hoàng khảo thế tổ Cao hoàng đế hỗn nhất khu vũ…” Minh Mệnh chính yếu, tập 1, Sài Gòn, 1972, tr. 369 (phần chữ Hán).

(9)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, tập 1, Sài Gòn, 1972, tr. 203, 204.

(10)   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục chính biên, sđd tập XVII, tr. 182.

Nguồn: Xưa & Nay, số 286, 6 - 2007, tr. 32

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.