Vĩnh Phúc: Tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập úng trên địa bàn thành phố
Ngày 30/7/2024, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học Tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập úng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Đồng chí Phan Tuệ Minh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có đại diện các sở: Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên môi trường, Giao thông vận tải, Chi cục Thủy lợi và một số đơn vị có liên quan.
Đ/c Phan Tuệ Minh – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu chủ trì Hội thảo
Trong những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều đợt mưa lớn kéo dài với lưu lượng nước mưa lớn khiến nhiều địa điểm, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên ngập úng cục bộ, gây khó khăn cho việc lưu thông, đi lại, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người dân quanh những khu vực này.
Theo số liệu thống kê, thành phố Vĩnh Yên còn tồn tại 20 điểm ngập với chiều sâu ngập trung bình từ 0,2 - 08 m, có những điểm ngập sâu lên tới 1 mét như: Điểm ngập tại QL2, khu vực siêu thị BigC, điểm ngập trên QL2 tại trạm Đăng kiểm, thời gian ngập phụ thuộc nhiều vào mực nước trên sông Phan cũng như hồ Đầm Vạc; các tuyến đường chính của thành phố VĩnhYên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng gồm: Quốc lộ 2, đường Mê Linh, Tôn Đức Thắng, Lê Thanh, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Trần Phú, Nguyễn Tất Thành, Lê Ngọc Chinh, Điện Biên Phủ, Tô Hiến Thành, Nguyễn Thị Minh Khai…
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng là do: Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp khiến cho thảm thực vật, đồng ruộng, hệ sinh thái ao hồ và chế độ thủy văn thay đổi. Việc bê tông hóa trong xây dựng các công trình khiến cho độ thấm bề mặt thay đổi, nước chảy tràn bề mặt lớn, tăng lưu lượng dòng chảy, lượng nước dồn đến các vùng trũng nhanh dẫn đến không tiêu thoát kịp; do hạn chế về kinh phí dịch vụ công ích đô thị, chi phí cho việc nạo vét, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước không đủ dẫn đến toàn bộ hệ thống cống/rãnh thoát nước mưa chưa được nạo vét đồng bộ và định kỳ, làm giảm tiết diện dòng chảy, dẫn đến ách tắc, cản trở dòng chảy gây ngập úng cục bộ; do ý thức của người dân chưa cao, xả rác sinh hoạt, rác thải xây dựng ra đường bừa bãi…
Để khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Hội nghị đã thảo luận và đề xuất các nhóm giải pháp gồm: Tăng cường nạo vét và chống bồi lắng, chống lấn chiếm. Nếu có điều kiện thì mở rộng và xây dựng thêm các hồ điều hòa để tăng cường dung tích chứa nước mưa, đảm bảo việc tiêu nước cục bộ; Đề xuất phương án đầu tư các trạm bơm cưỡng bức tại các vị trí không khắc phục được tình trạng ngập úng cục bộ và trạm bơm cưỡng bức tập trung bơm nước ra hệ thống chống ngập úng của tỉnh; Thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, hạn chế việc xây dựng không phép, sai phép, hạn chế rác thải xây dựng đổ vào hệ thống cống rãnh, hạn chế việc bê tông hóa bề mặt tự nhiên; Tăng tỷ lệ diện tích được phủ xanh, mặt đường có thể thấm thấu, và các nền có khả năng thẩm thấu ở khu vực đô thị theo hướng tiếp cận của Chiến lược Quốc gia về phát triển bền vững đô thị…