Vĩnh biệt Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa
Tôi thoáng biết, Chị từ khi Chị mới ngoài 10 tuổi, lúc tôi đến thăm nhà Giáo sư Dương Minh Thới, thân phụ của Chị, mà cũng là thầy dạy Việt văn của tôi ở trường trung học. Ai học thầy thuở đó chắc còn nhớ thầy thuộc nằm lòng và thường đọc lại lưu loát nhiều đoạn văn trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộccủa Cụ Nguyễn Đình Chiểu cho học sinh nghe, và qua đây, như sau này chúng tôi nghiệm lại, thầy bộc lộ tấm lòng yêu nước của thầy, điều mà thầy đã giữ được trong sáng ngay trong lòng địch, suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chắc chắn đây là yếu tố quan trọng đã thúc đẩy Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa đi với cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp từ lúc Chị còn là sinh viên ở Paris.
Lúc đầu, tôi chỉ biết như vậy thôi, nhưng không ngờ, một hôm, sau ngày tập kết, công tác tại Hà Nội, tôi được tin người con trai duy nhất của thầy, anh Dương Trung Tín, một luật sư trẻ đầy triển vọng, đã bị kẻ thù giết chết khi chúng theo dõi các hoạt động yêu nước của anh. Liền đó, tôi cũng được biết Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, người con gái út của thầy mà tôi thoáng gặp năm xưa, hoạt động rất tích cực trong giới trí thức Sài Gòn, đã rời thành phố vào chiến khu tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, và cùng với một số nhân sĩ bạn bè của Chị thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình. Khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra đời, tôi rất vui mừng thấy Chị được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Y tế Thương binh và Xã hội, nghĩ rằng chị không những sẽ góp phần chăm sóc tốt sức khoẻ của chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng, mà còn sẽ là nòng cốt đắc lực trong cuộc vận động cách mạng đối với trí thức y dược thành phố Sài Gòn và cả miền Nam.
Đầu năm 1970, đi vào chiến trường và được Đảng phân công công tác trong nội thành Sài Gòn, tôi sớm bắt liên lạc với Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, Trưởng Ban Dân y Nam bộ đang công tác sát cánh với Chị. Theo sự bố trí của anh Bảy Thủ, đầu 1972, tôi vào chiến khu làm việc với anh chị em trong đó. Thật là xúc động biết bao khi tôi gặp lại nhiều bạn bè đồng chí, và đây là cuộc hội ngộ đầu tiên của tôi đối với vị nữ Bộ trưởng trong rừng, rất thân mật và cởi mở. Chị Dương Quỳnh Hoa hỏi tôi về tình hình thành phố Sài Gòn nói chung, về tình hình y dược nói riêng, và các nhân vật mà tôi biết được, đồng thời bàn với tôi một cách hết sức xác đáng những mặt công tác cần thiết. Tôi lặng người hồi lâu, khi được biết đứa con của Chị, sinh ở chiến khu, được cẩn thận đưa về Sài Gòn vì tác hại của chất độc da cam/dioxin đã không sống nổi. Và sau này Chị không thể có đứa con nào khác.
Một sự kiện khá lý thú: theo nguyên tắc bí mật, vào chiến khu, tôi đã che mặt để tránh mọi người biết được gương mặt và tông tích của mình. Nhưng đối với mấy anh chị trong Ban Dân y mà tôi quen biết từ trước, tôi không che mặt với Chị và chồng chị, anh Huỳnh Văn Nghị. Nhưng qua buổi tiếp xúc ban đầu, tưởng anh Nghị không biết tôi từ trước, lại bất ngờ hỏi Chị: “Có phải anh Cương không?”. Thì ra anh đã từng gặp tôi trong kháng chiến chống Pháp, khi tôi vận động bãi khoá năm 1947, và đã đưa anh cùng một số bạn bè vào “bưng biền” học chính trị. Điều này càng gắn bó tôi với Chị.
Đất nước được giải phóng, Chị trở về Sài Gòn, làm nhiệm vụ Bộ trưởng, và sau ngày thống nhất, Chị được cử làm Thứ trưởng Bộ Y tế nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng Chị vẫn thiết tha xin được trở lại chuyên khoa nhi của mình. Mặc dù những năm sau giải phóng khó khăn chồng chất, Chị đề nghị và được đứng ra thành lập, rồi điều hành một Trung tâm Nghiên cứu Nhi khoa ở thành phố. Trong bối cảnh mới, Chị toàn tâm toàn ý xây dựng cơ sở, tranh thủ viện trợ, đẩy mạnh nghiên cứu, để có một đơn vị đầu đàn trong công tác chăm sóc sức khoẻ của trẻ em, mà Chị vô cùng thương yêu, một phần để lấp lỗ trống to lớn mà đứa con yêu quý đã để lại trong lòng Chị.
Ai đã từng gặp Chị, dù lúc Chị còn là một nữ bác sĩ trẻ, hay Chị đã là một cán bộ lãnh đạo đứng tuổi, vẫn không thể quên được thái độ sôi nổi của Chị đối với mọi vấn đề trong cuộc sống, tiếng cười sảng khoái, lạc quan, phong cách thân tình, niềm nở, lời nói thẳng thắn, bộc trực mà Chị giữ cho đến ngày cuối đời, đều đã để trong lòng mọi người một tình cảm sâu sắc.
Chị đã đi xa, để lại vô vàn thương tiếc, với ước mơ và hoài bão. Những kỷ niệm của Chị sẽ không phai trong thân bằng cố hữu. Tôi tin rằng Chị sẽ mỉm cười trong giấc ngủ nghìn thu.
Nguồn: T/c Thuốc - Sức khoẻ, số 304 (15/3/2006), tr 5