Việt Nam - hành trình đi đến phồn vinh
Tác giả hiện là giảng viên tại trường Chính sách Công mang tên Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhưng trước đó, ông đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau của Nhà nước ta: phục vụ trong quân đội; chuyên viên lập trình máy tính Công ty Điện lực Miền Nam; Giám đốc xí nghiệp Hóa chất Sông Cấm Hải Phòng; Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu kinh tế Đình Vũ Hải Phòng; Chuyên viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ… TS Vũ Minh Khương tốt nghiệp khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội (1980); Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA, 1995) và Tiến sĩ Chính sách Công (2005) tại Đại học Harvard.
Cuốn sách tổng hợp những bài viết đã đăng tải trên các báo Việt Nam , nói lên những suy nghĩ trăn trở của tác giả về hành trình đi đến sự phồn vinh của đất nước trong thế kỷ này.
Mở đầu cuốn sách, TS Vũ Minh Khương chia sẻ cùng bạn đọc: “ Những hy sinh vô bờ bến của biết bao thế hệ người Việt Nam trong hàng nghìn năm và hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước vừa qua chứng minh hùng hồn về sức mạnh vô song của dân tộc trong việc thực hiện ước mơ về một dân tộc ngẩng cao đầu, một quốc gia phồn vinh, một xã hội chứa chan tình yêu thương và ý thức trách nhiệm trong sự sâu sắc về đạo lý và anh minh về công lý…”. Thế nhưng hiện tại có một nghịch lý là, vẫn còn tình trạng hạn chế về tầm nhìn, yếu mềm về bản lĩnh, say sưa với phô trương, mê mẩn với danh tước, vụ lợi cá nhân bất chấp những tổn thất khôn lường của cộng đồng và đất nước… Sự tồn tại và thắng thế của nghịch lý này có căn nguyên từ ba yếu tố liên quan tương tác khăng khít với nhau. Đó là, khiếm khuyết trong tư duy phát triển của xã hội; hạn chế trong phẩm chất hợp tác của cộng đồng, và tính hạn chế của bộ phận tinh hoa.
Cuốn sách bao gồm 04 chương với các chủ đề: Ước mơ không bao giờ tắt; Những trăn trở khôn nguôi; Tìm chân lý từ thực tế cuộc sống; Lớp trẻ và gánh nặng tương lai; phần kết, tác giả chia sẻ với bạn đọc những chiêm nghiệm từ cuộc sống của mình.
Có thể nói, tác giả có cách nhìn theo dòng lịch sử, nhìn từ trong ra ngoài, và nhìn từ khung cảnh thế giới vào các vấn đề của đất nước. Cùng với lối viết sinh động có tính báo chí là những lập luận vững vàng trong tư vấn, phản biện xã hội đầy tâm huyết, khiến cho cuốn sách có sức thuyết phục cao.
Tác giả chứng minh rằng, khiếm khuyết trong tư duy phát triển của xã hội thể hiện ở sự thiên lệch, coi trọng phát đạt hơn phát triển. Theo ông, phát đạt là sự gia tăng về thu nhập GDP, nâng cấp về điều kiện vật chất và mở rộng thanh thế - quan hệ. Trong khi đó, phát triển không chỉ được tính bằng các chỉ số tăng trưởng kinh tế mà còn phải được đo bằng tính tự trọng của mỗi công dân và sự tôn trọng cộng đồng, tầm nhìn và khả năng sáng suốt trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong khi phát đạt có thể được tạo ra nhờ những nỗ lực nhất thời hoặc may mắn, thì phát triển tạo nên nền tảng căn bản có tính cấu trúc cho một sự thịnh vượng lâu dài. Thiên về phát đạt, coi nhẹ phát triển, có thể làm gia tăng những yếu tố chống lại sự phát triển, gây nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến suy tàn.
Con người cùng đất nước sẽ lớn lên nếu có sự đồng bộ của Lực đẩy lêntừ sự thỏa mãn của các nhu cầu tối thiểu (vật chất, an sinh) với Lực kéo lêncủa các nhu cầu cao (thấu cảm, danh dự, sứ mệnh cao cả). Trái lại, con người cùng đất nước sẽ nhỏ bé đi nếu họ bị nhầy nhụa trong nỗ lực chụp giật các nhu cầu thấp và bế tắc trong cố gắng chân chính nhằm vươn lên các nhu cầu cao hơn.
Trả lời câu hỏi: Vì sao dân tộc Việt Nam biết đoàn kết tạo thành sức mạnh vô địch chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước mà hiện tại lại có sự hạn chế về phẩm chất hợp tác của cộng đồng?Tác giả quy cho bởi suy nghĩ của những người tiểu nông - ham muốn nhỏ, sợ rủi ro, thiếu lòng tin vào cộng đồng là nguyên nhân chủ quan, và thiếu một thiết chế hiệu lực cho sự công bằng, minh bạch trong phát triển kinh tế thị trường lành mạnh là nguyên nhân khách quan.
Ông cho rằng, còn có sự hạn chế của bộ phận tinh hoa đại diện bởi các chính trị gia, các nhà lãnh đạo, giới trí thức trong đó có trí thức khoa học - công nghệ và doanh nhân, họ vốn đóng một vai trò quyết định trong thúc đẩy công cuộc phát triển xã hội. Sự ưu tú của bộ phận tinh hoa thể hiện ở ba thước đo chủ yếu: khát vọng dân tộc; ý chí học hỏi tinh hoa nhân loại; và ý thức truy tìm chân lý đến cùng, với tinh thần cầu thị và sâu sắc trong tiếp nhận các ý kiến phản biện để không ngừng hoàn thiện những đóng góp cho đất nước.
Tính hấp dẫn và bổ ích của cuốn sách này không chỉ ở lối nghị luận chặt chẽ, sắc bén mà còn do sự phong phú về các thông tin trong nước và trên thế giới, như tác giả quan niệm: phải tìm ra chân lý từ thực tế cuộc sống. Bạn đọc có thể nhận được rất nhiều dẫn chứng xác đáng về kinh tế học và xã hội học của các đề tài được bàn thảo trong sách này, như: Tiến trình tăng trưởng và phát triển của Việt Nam so với các nước trong khu vực; Phản biện về Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; Dự án Dung Quất; Đôi điều về cải cách cơ cấu (tái cấu trúc) nền kinh tế; Coi trọng yếu tố công bằng trong hoạch định chính sách công; Một số kiến nghị nâng cao sức cạnh tranh phát triển của nền kinh tế Việt Nam…
Với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tác giả mong muốn lớp trẻ phải sớm trưởng thành về trí tuệ, đổi mới tư duy - thay đổi tư duy biện bác bằng lối tư khoa học, để có thể gánh vác trách nhiệm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.