Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 13/05/2011 18:52 (GMT+7)

Vì sao Trung Quốc chưa có giải Nobel ?

Cơ chế giáo dục xơ cứng kiềm chế sự phát huy tính sáng tạo của mọi người

Trong 60 năm kể từ ngày thành lập nước CHND Trung Hoa đã có 10 người Hoa đoạt giải Nobel: Lý Chính Đạo, Dương Chấn Ninh, Đinh Triệu Trung, Lý Viễn Triết, Chu Khang Văn, Thôi Kỳ, Đại Lai, Cao Hành Kiện, Tiền Vĩnh Kiện, Cao Côn; trong đó Đạt Lai (Nobel Hòa bình) và Cao Hành Kiện (Nobel Văn học) do có vấn đề chính trị nên hiện nay chưa được Trung Quốc thừa nhận. Một học giả Trung Quốc nhận xét: 60 năm qua chúng ta chưa có thành tựu khoa học tự nhiên và xã hội nào sánh được với thành tựu của các chủ nhân giải Nobel; chưa nhà văn nào có tác phẩm xứng đáng xếp vào cánh rừng văn học thế giới ...

Nếu xét lý lịch 8 người Hoa được thừa nhận, có thể thấy rõ hai điểm: Thứ nhất, họ đều không có quốc tịch Trung Quốc; thứ hai, họ chưa từng hưởng sự giáo dục ở Trung Quốc, hoặc nếu có thì cũng là giáo dục từ trước khi thành lập nước CHND Trung Hoa. Qua đó có thể hiểu được sở dĩ người Trung Quốc chưa thể đoạt giải Nobel, ngoài môi trường xã hội ra, nguyên nhân rõ nhất là cơ chế giáo dục của Trung Quốc có vấn đề.

Ngành giáo dục Trung Quốc trong 60 năm qua đã giành được những thành tựu đáng khẳng định, nhưng về cơ chế giáo dục thì bao năm qua vẫn như cũ. Phương châm giáo dục sao chép từ Liên Xô và nội dung giáo trình của phương Tây đã bị cắt xén dẫn tới tình trạng nền giáo dục Trung Quốc hiện nay chẳng đâu vào đâu cả. Có thể không khách sáo nói rằng nền giáo dục Trung Quốc là nền giáo dục vô vị nhất thế giới; tư tưởng, phương thức và nội dung giáo dục cho học sinh hoàn toàn đi ngược bản chất của giáo dục.

Giáo sư Ngô Hữu Thọ, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc nói: nhân tố chính ngăn cản chúng ta giành được giải Nobel là các nhà khoa học của ta thiếu tinh thần sáng tạo cái mới; các nhà quyết định chính sách lại càng thiếu tính sáng tạo. Đây là lỗi của cơ chế giáo dục hiện hành tại Trung Quốc. Hiện nay chúng ta lấy tỷ lệ học sinh thi đỗ làm tiêu chuẩn chính để đánh giá trình độ nhà trường; trọng tâm mọi công tác của trường học đều nhằm vào nâng cao tỷ lệ học sinh thi đỗ và lên lớp; dù thầy hay trò đều điên cuồng theo đuổi mục tiêu nâng cao thành tích thi; lối học thuộc lòng kiến thức trở thành phép mầu để đạt điểm cao. Cho dù học sinh Trung Quốc liên tiếp giành thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, nhưng đấy chỉ là kết quả sự tập dượt làm thật nhiều bài tập khó mà thôi, thực ra không hề nâng cao được chút nào tư duy sáng tạo của các em, không hình thành tinh thần sáng tạo.

Khưu Thành Đồng, người Hoa duy nhất đoạt giải Fields Toán học mới đây phát biểu tại ĐH Thanh Hoa cho rằng: thi Olympic toán không đào tạo được nhà toán học lớn. Ông không tán thành Trung Quốc dùng hình thức này để đào tạo học sinh; thực tế cho thấy hầu hết học sinh Trung Quốc huy chương vàng thi Olympic toán quốc tế hiện làm nghiên cứu sinh ở chỗ ông đều phải đào tạo lại.

Trẻ em Trung Quốc kể từ ngày lọt lòng mẹ, phần lớn mọi sự sau đấy đều đã được thế giới người lớn thu xếp xong cả rồi; gia đình, nhà trường, xã hội chẳng những “bao” mọi chuyện ăn mặc ở đi lại, lại càng “bao” cả tư tưởng của chúng – đứng trước mọi vấn đề sẽ gặp phải, chúng rất ít khi cần tự mình động não tìm cách giải quyết, mà chỉ cần dựa theo sự thu xếp sẵn có của thế giới người lớn mà xử lý là xong; ngoài ra thế giới người lớn còn chuẩn bị sẵn cho chúng một chân lý duy nhất đúng đắn vĩnh hằng, nhiệm vụ của chúng là bị động tiếp nhận chân lý đó và truyền lại cho đời sau hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Học sinh Trung Quốc từ bé đã không được đào tạo năng lực tư duy độc lập; từ tiểu học tới đại học, cái gọi là triết học và trí tuệ đều không được thực sự coi trọng; dưới cơ chế giáo dục mâu thuẫn, học sinh bị nhồi nhét nhiều nội dung hão huyền. Hiện đã phát hiện một số sự tích “nhân vật anh hùng” trong sách giáo khoa là bịa đặt, nhằm dạy lũ trẻ mù quáng noi theo các tấm gương đó. Toàn bộ hệ thống giáo dục chưa có nhân sinh quan, giá trị quan, thế giới quan đúng đắn, khiến trẻ em Trung Quốc càng học càng mơ hồ, không có niềm tin, không có mục tiêu theo đuổi. Một số học sinh phổ thông tham gia tranh luận về giải Nobel cũng nói chúng em học toán lý hóa là để thi đỗ đại học; học đại học là để kiếm việc làm, kiếm tiền, để làm cán bộ, chẳng ai nuôi chí suốt đời làm nghiên cứu sáng tạo KHKT; như thế thì sao có giải Nobel được.

Khoa học lạc hậu, vấn đề chính là ở khâu đào tạo bậc đại học. Cơ chế quan liêu trong các trường ĐH đã bóp chết mọi nhân tài có tính sáng tạo. Phần lớn cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong trường ĐH và cơ quan nghiên cứu khoa học hiện nay là những người thích làm quan chức và làm học phiệt; đối với họ, làm quan kiếm tiền là trên hết; kiến thức học vấn là thứ yếu. người thực sự làm khoa học đã ít lại càng ít; nếu có thì cũng chẳng có không gian phát triển. Đạo đức của giới cán bộ khoa học ngày một xuống cấp. Mới đây chinanews.com.cn đưa tin không ít giáo sư đại học lợi dụng việc hướng dẫn nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ để giở trò đồi bại với họ. Hiện tượng sao chép luận văn, kết quả nghiên cứu của người khác rất phổ biến, như thế sao có thể thu được kết quả nghiên cứu có giá trị. Cán bộ khoa học kém đạo đức thì sẽ chẳng bao giờ đạt được thành tựu xứng đáng giải Nobel. Nhà khoa học người Hoa Charles Kuen Kao (Cao Côn) ngay từ năm 1966 đã hoàn tất công trình nghiên cứu truyền thông tin ánh sáng bằng sợi cáp quang, sau đó ông cũng chẳng để ý đăng ký sáng chế phát minh, thế mà 40 năm sau ông nghiễm nhiên được trao một nửa giải Nobel Vật lý 2009 – là một điển hình về đạo đức khoa học.

Ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa truyền thống

Tại Diễn đàn văn hóa cấp cao 2004 tổ chức ở Bắc Kinh, chủ nhân giải Nobel người Hoa Dương Chấn Ninh từng “nổ súng” vào Kinh Dịch, nói Kinh Dịch ảnh hưởng xấu tới phương thức tư duy của văn hóa Trung Quốc, “ảnh hưởng này là một trong các nguyên nhân quan trọng làm cho khoa học cận đại không thể nảy sinh ở Trung Quốc”. Trong Kinh Dịch chỉ có phương pháp quy nạp mà không có phương pháp suy diễn; mà khoa học thì đòi hỏi phải dùng cả hai phương pháp đó. Mặt khác, Kinh Dịch chủ trương thiên nhân hợp nhất, coi quy luật của trời (thiên nhiên) và quy luật của con người là một; trong khi khoa học đòi hỏi phải tách riêng.

Các mặt tiêu cực của nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, chủ yếu là văn hóa Nho giáo, đã có ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng giáo dục Trung Quốc, nhất là việc đào tạo nhân tài sáng tạo.

Tư tưởng “Đại nhất thống” của văn hóa Nho giáo nhấn mạnh sự thống nhất cao về chính trị và văn hóa của quốc gia; nó có mặt tích cực là nhấn mạnh ý thức tập thể, song lại xóa bỏ ý thức chủ thể của cá nhân và tự do ý chí. Đồng thời “Đạo Trung Dung” mà văn hóa Nho giáo đề xướng cũng kiềm chế tư duy mới của chúng ta. “Trung Dung” là nguyên tắc cơ bản trong triết học Khổng Tử, là vũ trụ quan, phương pháp luận và tiêu chuẩn đạo đức được văn hóa Nho giáo ra sức đề cao. “Trung Dung” lấy hài hòa thống nhất làm tiền đề, cho rằng sự phát triển của con người hoặc sự vật đều nên vừa phải, trong giới hạn thích đáng, không “quá mức” và “bất cập”. Ảnh hưởng rõ nhất của tư tưởng này đối với giáo dục là thầy giáo chỉ thích các học sinh ngoan ngoãn vâng lời mà ra sức bài xích các học sinh nói năng hoặc có suy nghĩ “ngoài khuôn phép”, đòi hỏi chúng phải “cải tạo” cho hợp khuôn phép. Như thế tuy đã đưa học sinh vào khuôn phép nhưng lại bóp chết năng khiếu của biết bao trẻ em thông minh. Rất tiếc là tới nay nhiều người vẫn chưa nhận thức được tai hại sâu xa của các mặt tiêu cực trong văn hóa truyền thống Trung Quốc đối với việc giáo dục tinh thần sáng tạo KHKT,.

Trung Quốc còn cách giải Nobel bao xa? Điều này không thể nói trong vài câu mà xong. Nhưng nếu không thay đổi phương pháp giáo dục đối phó với thi cử, nếu không từ bỏ các ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa truyền thống đối với giáo dục, nếu ngành giáo dục cứ áp dụng cách làm của nền kinh tế kế hoạch thì chúng ta khó lòng rút ngắn được khoảng cách tới giải Nobel – học giả Từ Hiểu viết.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.