Vì sao người Nhật đoạt nhiều giải Nobel?
Vì sao người Nhật được tặng nhiều giải Nobel như vậy?
Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng nếu xét từ sự thực hầu hết 18 chủ nhân giải Nobel này đều là giáo sư đại học thì có thể thấy trường đại học là một yếu tố quan trọng . Chắc hẳn nhà trường đại học xứ sở Mặt Trời Mọc này phải có những đặc điểm gì đó góp phần tạo điều kiện sản sinh các nhà khoa học tài giỏi.
Giới quan sát cho rằng, trước hết đó là do nhiều năm qua các trường đại học Nhật Bản đều coi tự do học thuật là nguyên tắc căn bản trong công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Thực chất của tự do học thuật là tự do tìm kiếm chân lý, tự do tiến hành các hoạt động khám phá, thăm dò, nghiên cứu. Điều 23 Hiến pháp Nhật Bản ghi rõ: “Hiến pháp này bảo đảm tự do học thuật”. Điều 2 của Luật cơ bản giáo dục nước này cũng quy định : để thực hiện các mục tiêu giáo dục, nhất thiết phải “Tôn trọng tự do học thuật”.
Trong thực tế, các trường đại học Nhật Bản đã kiên trì nguyên tắc tự do học thuật. Thí dụ ĐH Kyoto là nơi sản sinh các chủ nhân giải Nobel vật lý, hóa học, sinh học và y học đầu tiên của Nhật Bản; tại đây từng xuất hiện nhiều vụ tranh đấu cho tự do học thuật, thí dụ vụ giáo sư Kiyoshi Inoue có quan điểm lịch sử trái ngược với Chính phủ Nhật nhưng sách của ông vẫn được xuất bản.
Thứ hai, các trường Đại học Nhật Bản thực hiện quyền tự trị đại học ở mức rất cao. Tự trị đại học là nói nhà trường có quyền loại bỏ tất cả mọi sự can thiệp của các thế lực chính trị, tôn giáo, hành chính đối với hoạt động của nhà trường; các trường đại học hành xử quyền tự do giảng dạy và nghiên cứu dựa theo ý chí của giáo viên, cán bộ và sinh viên nhà trường.
Thực ra, mục đích của tự trị đại học là nhằm bảo đảm tự do học thuật của nhà trường. Điều 14 Luật cơ bản giáo dục quy định: nhà trường “không được phép tiến hành các hoạt động giáo dục chính trị và các hoạt động chính trị khác nhằm ủng hộ hoặc phản đối một chính đảng nào đó”. Điều 16 Luật này còn quy định rõ “giáo dục không tiếp thụ sự chi phối không chính đáng”.
Lấy thí dụ Sự kiện Takigawa (tiếng Nhật: Takigawa jiken) xảy ra năm 1933 tại Đại học Kyoto: ông Takigawa Yukitoki [1], giáo sư bộ môn Luật của trường này phát biểu quan điểm “Phạm tội là do chế độ nhà nước không tốt gây ra”, vì thế bị kết luận là có ngôn luận “chống đối nhà nước”, dẫn đến hậu quả bị Bộ Giáo dục kỷ luật đình chỉ chức vụ. Tất cả các giáo sư (cộng 31 người) và toàn thể sinh viên bộ môn Luật trường này đều tập thể từ chức và bỏ học để tỏ ý phản đối việc nhà nước vi phạm nguyên tắc tự trị đại học.
Ở đây, điều đáng chú ý là phần lớn các giáo sư từ chức đều không tán thành quan điểm của giáo sư Takigawa, nhưng vì để bảo vệ tự do học thuật họ sẵn sàng từ bỏ địa vị cùng mức thu nhập cao của chức danh giáo sư được cả xã hội ngưỡng mộ (lương giáo sư ĐH Kyoto hồi ấy bằng khoảng 100 lần lương sinh viên mới ra trường đi làm). Xin nhớ rằng thập niên 30, nước Nhật do thế lực quân phiệt phát xít cai trị đang ráo riết chuẩn bị xâm lược Trung Quốc và Mông Cổ, chế độ chính trị trong nước rất hà khắc, nghiêm cấm mọi ngôn luận và hành động chống Nhà nước. Thế mà các giáo sư và sinh viên Nhật vẫn dám công khai chống lại quyết định của Bộ Giáo dục.
Thứ ba, các trường ĐH Nhật Bản áp dụng chế độ dân chủ tương đối triệt để – giáo sư quản lý nhà trường, giáo sư phụ trách công tác giảng dạy, giáo sư tham gia bàn luận mọi công việc nhà trường.
Điều 93 Luật giáo dục nhà trường quy định: tại trường đại học, các bộ môn đều có Hội Giáo sư với thành phần là toàn thể giáo sư, phó giáo sư, giảng viên; Hội này vừa là đơn vị cơ sở quyết định mọi chủ trương của nhà trường lại vừa là cơ quan quyết sách cuối cùng các công việc lớn của bộ môn.
Thí dụ, tại trường ĐH Kyoto, dưới Hội Giáo sư bộ môn giáo dục có các tiểu ban soạn thảo chế độ, tiểu ban ngân sách, tiểu ban học vụ, tiểu ban giáo vụ, tiểu ban tự đánh giá. Các tiểu ban này xem xét và quyết định tối hậu mọi công việc thường ngày về giáo vụ, học vụ, nghiên cứu, tài chính, nhân sự. Nói cách khác, tại các trường ĐH Nhật Bản, giáo viên chủ yếu làm công việc giáo dục, nghiên cứu; viên chức chủ yếu làm các công việc phục vụ giáo dục và nghiên cứu. Trong việc quản lý nhà trường, giáo viên phụ trách quy hoạch và quyết sách, còn viên chức thì chịu trách nhiệm thi hành. Chế độ này vừa tận dụng được tri thức chuyên môn, trí tuệ và năng lực của các giáo sư với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, lại vừa phát huy tốt tính chủ động và tính tích cực của giáo sư trên các mặt giáo dục, nghiên cứu, ra quyết sách.
Ngoài ra, giáo sư đại học ở Nhật có uy tín và danh vọng cao, lương bổng hậu – điều đó tạo điều kiện thuận lợi để họ toàn tâm toàn ý làm công tác giảng dạy, nghiên cứu.
Thí dụ, theo kết quả điều tra năm 1995 của SSM (cơ quan chuyên điều tra các tầng lớp xã hội và sự chuyển dịch của xã hội), điểm số về uy tín danh vọng nghề nghiệp của giáo sư đại học Nhật Bản là 83,5, chỉ kém điểm số của thẩm phán và luật sư (87,3), xếp thứ hai trong tổng số 187 nghề nghiệp ở Nhật Bản, bỏ xa điểm số của các cán bộ quản lý cấp cao doanh nghiệp (73,3), viên chức cấp cao (70,5), diễn viên (58,2) và cảnh sát (54,2).
Về thu nhập, kết quả “Điều tra thống kê cơ bản cơ cấu lương” của Bộ Lao động Nhật Bản cho thấy năm 2008, lương bình quân hàng năm của giáo sư đại học Nhật Bản bằng khoảng 11,22 triệu đồng Yen, vượt xa lương viên chức nhà nước (6,63 triệu Yen), viên chức doanh nghiệp có niêm yết trên thị trường chứng khoán (5,89 triệu) [2].
Tóm lại, tại các trường đại học ở Nhật, bầu không khí nghiên cứu tự do thoải mái; chế độ giáo dục, nghiên cứu và quản lý lấy giáo viên làm chủ thể; chế độ thu nhập và danh vọng cao dành cho giáo viên – tất cả những cái đó là nhân tố quan trọng làm cho Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á đoạt nhiều giải Nobel nhất.
1 Akira Suzuki, giải Nobel hoá học
Ei-ichi Negishi, giải Nobel hoá học