“Vị kỷ hay vị tha?”
Tên tuổi của Richard Dawkins được tạo lập từ cuốn sách này, và sau đó là với nhiều cuốn sách có giá trị khác như: Ảo tưởng về Chúa, Người thợ đồng hồ mù... Tuy nhiên, như chính Dawkins đã chia sẻ, Gen vị kỷđã trở nên quá nổi tiếng, đến mức át cả những cuốn sách của ông: “Nhiều năm qua, mỗi khi một trong bảy cuốn sách sau này của tôi ra đời, các nhà xuất bản đã tổ chức các chuyến đi để tôi quảng cáo sách. Bất kể đó là cuốn sách nào đi chăng nữa, độc giả đều phản hồi lại, với sự nhiệt tình hài lòng, sự khen ngợi lịch sự và những câu hỏi thông minh. Và sau đó họ lại xếp hàng để mua và yêu cầu tôi ký tặng cuốn... Gen vị kỷ”.
Xét đến cùng, Gen vị kỷkhông hẳn là một cuốn sách về quá trình tiến hoá, mà là một cuốn sách tranh luận về quan điểm: gen, chứ không phải sinh vật hay nhóm, mới là trung tâm của quá trình tiến hoá. Một gen được coi là thành công khi nó tạo ra càng nhiều bản sao càng tốt. Và có một chút hài hước, khi nhìn từ quan điểm của lý thuyết gen vị kỷ, tất cả những cá thể “sở khanh” đều đáng được tôn vinh vì sự xuất sắc trong công cuộc tạo ra các bản sao.
Lựa chọn một cách diễn đạt hài hước, Richard Dawkins đã kể một câu chuyện mà theo ông là “một viễn tưởng khoa học”, về nguồn gốc của sự sống: bắt đầu từ những tập hợp, những nguyên tử đơn giản từ hàng trăm triệu năm trước, thông qua quá trình sao lưu mà tạo ra một số lượng lớn các gen. Sau đó, vì những sai sót trong quá trình sao lưu, các gen ngày càng đa dạng hơn. Quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra giữa các gen, tìm kiếm những đối tượng tốt nhất có thể tồn tại và sinh sản.
Nói về sự “vị kỷ” và “vị tha” giữa các cá thể “chuyên chở” gen, tác giả cho rằng quan niệm “vị tha” gần như là một ảo tưởng của các nhà tập tính học. Ví dụ điển hình cho tính “vị tha” là việc các cá thể bố mẹ chăm sóc con cái được “bóc tách” dưới góc nhìn của lý thuyết gen vị kỷ như sau: do các cá thể bố mẹ chia sẻ một nửa số gen với cá thể con, nên việc chăm sóc cá thể con chính là một trong những cách bảo tồn gen. Thậm chí, mối quan hệ giữa các cá thể cha mẹ và con cái cũng không hoàn toàn là “vị tha”, khi ở trong tự nhiên, không thiếu những trường hợp cá thể con “lợi dụng” các cá thể bố mẹ để bảo đảm cho sự sinh tồn của riêng mình. Cơ bản, cách hành xử “vị tha” thường tồn tại ở những cá thể có nhiều gen chung, có nhiều liên quan lợi ích với nhau.
Với Gen vị kỷ, Richard Dawkins đã dành nhiều trang sách để nói về giới. Trong chương Cuộc chiến giữa các giới tính, ông khu biệt hai giới bằng cách định nghĩa “cá thể đực” là những cá thể có tế bào sinh sản nhỏ hơn và nhiều hơn các cá thể cái; và những cá thể đực này bắt buộc phải chinh phục các cá thể cái, những cỗ máy sinh sản mới có thể phát tán gen của chúng trong quần thể. Chính vì điều này, các cá thể đực trong tự nhiên đều trở thành những kẻ đánh bạc liều mạng; còn các cá thể cái, hiển nhiên, có quyền khắt khe trong quá trình lựa chọn bạn tình. Trong cuốn sách này, Dawkins còn đưa ra một nhận xét rất hóm hỉnh rằng: do sở hữu tài nguyên hiếm trong quần thể (trứng), các cá thể cái trong tự nhiên thường xấu hơn các cá thể đực, vì chúng hiển nhiên là thành phần cần được thu hút chứ không phải là thành phần phải đi “tán tỉnh”. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược hoàn toàn ở loài người, và đây liệu có phải là sự đột biến trong quá trình tiến hoá hay không?
Hấp dẫn, gây ra nhiều tranh cãi, và thậm chí, bị buộc tội đem lại sự bi quan cho người đọc khi hiểu rằng “chúng ta chỉ là những cỗ máy sống – những phương tiện rôbốt được lập trình một cách mù quáng để bảo tồn các phân tử vị kỷ được gọi là các gen”, Gen vị kỷđã, và hẳn vẫn luôn là một cuốn sách không thể bỏ qua về thuyết tiến hoá. Với việc ưa thích sử dụng ẩn dụ, diễn đạt mạch lạc và không hề khô khan, có thể nói không quá rằng, Gen vị kỷđôi khi đem đến cho người đọc cảm giác đang đọc một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hơn là một cuốn sách về lý thuyết khoa học. Sự kích thích tư duy và những thách thức mà cuốn sách đem tới, chỉ khiến nó vượt qua giới hạn của một cuốn sách chuyên ngành để đến với nhiều đối tượng độc giả không chuyên khác.