Về từ “Tiếp” trong Tiếng Việt
“Vị từ tiếp , dùng như một đồng vị từ (coverb) đặt sau vị từ trung tâm, tiền giả định rằng sự việc được vị từ này (thể hiện) đã bắt đầu từ trước. Do đó trong các tổ hợp câu như:
a . Vừa rồi buổi truyền hình bị gián đoạn vì sự cỗ kĩ thuật. Xin thành thật cáo lỗi với các bạn. Bây giờ mời các bạn xem tiếp phim “Sám hối”.
b. ?? Các bạn vừa nghe chương 1 của bản giao hưởng số 6 của Belthoven. Sau đây xin mời các bạn nghe tiếp chương 2.
c. * Các bạn vừa nghe bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Bây giờ xin mời các bạn nghe tiếp bài “Biển gọi”.
Chỉ có tổ hợp a là mạch lạc. Tổ hợp b khó chấp nhận hơn tuy nhiều người cho là có thể dung thứ (nhưng ai cũng thấy nếu bỏ tiếp thì hơn). Tổ hợp c không chấp nhận được, tuy rất quen thuộc trong các buổi phát thanh. Câu sau của tổ hợp này cần sửa thành:
Xin mời các bạn nghe tiếp chương trình ca nhạc với bài “Biển gọi”.
[2, tr.193-194]
Trong Từ điển tiếng Việt(1998), từ tiếp được quan niệm là động từ đa nghĩa trong đó có mấy nghĩa cơ bản sau:
(1) Liền với, trong không gian; giáp (Vd. Phía đông tiếp núi).
(2) Liền theo sau, làm thành sự liên tục trong thời gian (Vd. Làm tiếp công việc, tiếp lời; ngừng một lát rồi kể tiếp).
(3) Đưa thêm vào để có đủ, đảm bảo hoạt động được liên tục (Vd. Tiếp máu)
[4, tr953]
Từ tiếp được Cao Xuân Hạo bàn đến là từ tiếp với nghĩa thứ hai ( Chúng tôi cũng chỉ bàn đến từ tiếp ở nghĩa này). Nó đứng sau một động từ (nghe tiếp, xem tiếp), liên quan đến ý nghĩa liên tục/ đứt quãng của thời gian. Từ tiếp liên quan đến sự tri nhận không gian và thời gian của người Việt. Chúng tôi hiểu tại sao Cao Xuân Hạo cho rằng nói theo câu (c) là không chấp nhận được, vì bài “Biển gọi” chưa bắt đầu, nên không thể nghe tiếp ; chỉ có thể nghe tiếp chương trình ca nhạcvới bài “biển gọi” mà thôi. Song chúng tôi xin phép được lí giải tại sao ngừơi Việt nói như vậy. Hoạt động của từ tiếp trong thực tế quả thực là khá phức tạp.
Với từ tiếp , không thể nhìn từ một điểm, lấy một phần sự vật thay cho cả sự vật. Tuỳ theo sự chờ đợi của người nghe, tùy theo cách phạm trù hoá sự vật của người nói mà cương vị của các yếu tố tham gia vào sự tình trong câu nói sẽ khác đi.
Trước hết, ta nhận thấy, từ tiếp không bao giờ đứng trong câu mở đầu một văn bản, hoạt động mà từ tiếp bổ sung luôn là hoạt động lặp lại. Xét ở phương diệnc ấu trúc nghĩa, câu chứa từ tiếp được phân tích như sau:
d. Bây giờ tôi lại ăn tiếp một cái bánh nữa.
- Vị từ trung tâm: ăn (tiếp)
- Hành thể: tôi (tham thể bắt buộc)
- Đối thể: một cái bánh (tham thể bắt buộc)
Trong sự tình này, người ta luôn nghĩ có một có một hành động thống nhất với một hành động đã xuất hiện ở câu trước (ăn); chủ thể cũng thống nhất với chủ thể trong câu trước (tôi), Còn đối thể thì tương đương với đối thể trong câu trước (một cái bánh – cái bánh khác với lúc trước). Dễ dàng suy luận câu đi trước là: Lúc nãy tôi đã ăn một cái bánh. Suy luận này cho thấy nhận định của Cao Xuân Hạo là hoàn toàn có lí. Đây là cách suy luận cho đại đa số các trường hợp xuất hiện của từ tiếp.
Nhưng thực tế cuộc sống, từ tiếp được sử dụng trong những ngữ cảnh phong phú hơn nhiều. Đúng là có một cái gì đó đã bắt đầu từ trước, nhưng không nhất thiết cứ phải đủ cả ba nhân tố: vị từ, hành thể và đối thể. Chỉ cần một nhân tố được duy trì là người ta có thể dùng từ này. Nhân tố được duy trì có thể hiện diện, có thể ẩn. Vấn đề là ở chỗ người nói quan tâm đến cái gì. Chúng ta theo dõi những ví dụ:
- Cùng chủ thể, khác vị từ trung tâm:
e. Nó đã ăn một cái bánh. Bây giờ nó lại uống tiếp một chai nước bự nữa.
Chủ thể nó được duy trì nhưng vị từ trung tâm lại thay đổi. Dù là khác vị từ, thì sự tình ăn và uống vẫn được tri giác như những phần, những pha, những giai đoạn, những bộ phận của một tổng thể, của cả một hoạt động ăn uống nói chung. Và cái sự tiếp diễn ấy (ăn rồi đến uống) là sự tiếp diễn của từng bộ phận trong cả một tổng thể.
- Cùng chủ thể, cùng vị từ, có thể khác đối thể hoặc không:
g. Nó châm thuốc hút... Nó lại hút tiếp...
Có thể là hút tiếp điếu thuốc là bỏ dớ, cũng có thể là hút tiếp một điếu khác. Việc hút được duy trì. Tức là hành động đối với mỗi điếu thuốc được xem như là một phần của tổng thể, gắn với tính chất hoàn thành của tổng thể. Đối thể có thể được duy trì, cũng có thể là một đối thể tương đương, đồng loại với đối thể trong câu trước.
- Khác chủ thể, khác vị từ trung tâm
h. Bố nó đã lấy một miếng đất của tôi. Bây giờ thằng con lại giáng tiếp cho tôi một đòn chí mạng
Hai sự tình trên có vẻ rất khác nhau. Nhưng thực chất, chúng lại được phạm trù hoá nằm trong một tổng thể. Nhờ vào từ tiếp (và cả từ lại nữa), chúng ta hiểu được một ý trung gian mà người nói không nói ra: Việc bố nó lấy miếng đất của tôi là đã giáng cho tôi một đòn chí mạng. Ý này bỗng dưng trở thành tiền giả định cho câu tiếp theo. Và rõ ràng là, nhờ tiền giả định, người ta có thể nói ngắn hơn. Nhân tố chủ thể và vị từ đều không được duy trì, nhân tố được duy trì (giáng – giáng tiếp) ở đây là một nhân tố ẩn.
Như vậy, trong ví dụ (c) của Cao Xuân Hạo, người ta không mấy quan tâm tới đối thể (chương trình ca nhạc) của hoạt động nghe, mà chỉ quan tâm tới diễn tiến của bản thân hành động ấy. Do vậy, nhân tố đối thể không xuất hiện. Và để giản tiện, bài “Biển gọi” trở thành đối thể của hoạt động nghe.
Thông thường, hoạt động của vị từ trung tâm được chia ra thành các phần nhất định, có ranh giới giữa các phần, có sự gián đoạn trong thời gian (Vd. giữa ngủ và ngủ tiếp là có một sự gián đoạn, hiểu đơn giản là ngủ - thức dậy - ngủ tiếp; cũng giống như xem và xem tiếp trong ví dụ (a) của Cao Xuân Hạo).
Song điều mà ít ai ngờ tới là vị từ trung tâm có thể không gắn với sự gián đoạn, miễn là có một cái mốc mà người ta đang chờ đợi. Do vậy ví dụ (i) sau đây sẽ khác với ví dụ (k) và (l):
i. Nó đang ngủ say thì chuông điện thoại reo. Nó vội chộp lấy máy điện thoại, nghe, rồi lại lăn ra ngủ tiếp.
k. Thằng bé hí hoáy viết. Thấy giáo bảo: “Hết giờ, dừng lại!”. Nó vẫn viết tiếpnhư không có gì xảy ra.
l. Nó đang ăn. Tôi vào. Nó vẫn ăn tiếp, không thèm ngẩng lên.
Việc viết, việc ăn không hề gián đoạn. Nhưng rõ ràng có một cái mốc thời gian mà lẽ ra việc viết, việc ăn phải bị dừng lại.
Như vậy, ý nghĩa của tiếp liên quan đến sự liên tục hay gián đoạn, liên quan đến tính chất hoàn thành/ chưa hoàn thành của sự tình.
Từ ý nghĩa của tiếp , chúng tôi nhận thấy, cách tri nhận thời gian và phân dòng diễn tiến của sự việc không đơn giản. Đôi khi, chủ thể và vị từ trung tâm không quan trọng, điều quan trọng lại là người nghe chú ý vào phần nào, quan tâm đến điểm nào trong cả dòng tiến triển.
Tài liệu tham khảo
1. Asher R.E. (1994), The encyclopedia of language and linguistics. Volum1. Pergamon press. Oxford. New York. Seoul. Tokyo.
2. Cao Xuân Hạo (1991 ), tiếng Việt – sơ thảo ngữ pháp chức năng,quyển 1, NXB Khoa học xã hội
3. Trần Kim Phượng (2008), Ngữ pháp tiếng Việt - những vấn đề về thời, thế, Nxb Giáo dục.
4. Viện Ngôn ngữ học (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
Trần Kim Phượng, Ngôn ngữ& Đời sống, số 10/2011, tr.7