Về nhân vật lịch sử Lê Tần
Do có công lao đóng góp nhiều cho nhà Trần nên ông được sử chép là Lê Phụ Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thưchép: “Tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Thia xâm lấn đồng Bình Lệ. Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngảnh lại hai bên chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) cưỡi ngựa một mình ra vào trận giặc, sắc mặt như thường. Lúc ấy có người khuyên vua đóng lại để trông coi chiến đấu. Phụ Tần cố sức can rằng: “Như nay chỉ là bệ hạ dốc túi đánh nước cuối cùng thôi. Nên lánh đi, chớ nên nhẹ tin lời người ta”. Bấy giờ vua mới lui quân đóng ở sông Lô, Phụ Trần đi giữ ở mặt sau; quân giặc bắn tới tấp, Phụ Trần lấy ván thuyền để che được thoát nạn. Thế giặc hăng lắm, lại lui giữ sông Thiên Mạc (1). Phụ Trần theo vua bàn việc cơ mật, không mấy người biết (2).
Từ sự ghi chép của sử sách như trên, chúng ta được biết trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất Lê Tần là người có công rất lớn. Ông cùng nhà vua xông pha trận mạc ở Bình Lệ Nguyên (3), đặc biệt khi giặc tiến vào Thăng Long, trong cuộc rút lui chiến lược về sôgn Thiên Mạc để sau đó tiến lên phá giặc ở Đông Bộ Đầu, Lê Tần còn là tướng nơi màn trướng, theo vua bàn việc cơ mật, không mấy người biết.
Rất tiếc về cuộc chống giặc Mông – Nguyên lần thứ nhất sử chép rất ít đến tên các nhân vật có công lớn. Ngoài Trần Quốc Tuấn được nhà vua giao giữ quyền tiết chế toàn quân thuỷ bộ ngăn giặc ở biên giới vào tháng 9 năm 1257 còn có Trần Thủ Độ, có Lê Tần (Lê Phụ Trần) với những đóng góp như trên. Sử còn chép đến Nhật Hạo với Tinh Cương và kế “nhập Tống” của ông ta. Sự ghi chép của chính sử như vậy đã nói lên rằng Lê Tần là một nhân vật nổi bật trong cuộc chống giặc lần thứ nhất. Do có công lao lớn nên sau thắng giặc, định công phong tước, Lê Tần được vua Thái Tông cho làm Ngự sử đại phu, gả công chúa Chiêu Thánh và nói: “Trẫm không có khanh thì làm gì được có ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc sau này” (4).
Chúng tôi sẽ không đi sâu vào cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên lần thứ nhất mà chỉ tập trung tìm hiểu về Lê Tần.
Trước hết nói về quê quán của ông, Toàn thưcũng như Cương mụcđều chép rõ ông người châu Á. Lời chua sách Cương mụcchép: Lê Phụ Trần tên cũ là Lê Tần người ở châu Á. Trong sách Thanh Hoá danh thắngvà tài liệu ghi chép ở chùa Kênh, Hoàng Tuấn Phổ cho rằng Lê Tần tức Thượng tướng minh tự Lê An. Lê An là bố của Lê Bằng - người đã khởi công xây dựng chùa Hưng Phúc (tức chùa Kênh) ở xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá vào năm 1264. Đây là điều nhầm lẫn lớn, hoàn toàn không có căn cứ. Sự trùng hợp của chức tước Thượng tướng minh tự và họ Lê chưa thể khẳng định Lê An là Lê Tần được.
Nếu như về quê quán của ông cho đến nay cũng chỉ biết ông người Thanh Hoá, nhưng ở xã nào, huyện nào chưa có tài liệu để xác định cụ thể thì về dòng dõi của ông chúng ta còn có thể biết được đôi điều.
Phải nói ngay rằng chính sử không chép về lai lịch của Lê Tần. Bổ sung cho sự thiếu vắng đó còn có văn bia và tộc phả. PGS. TS. Trần Bá Chí đã căn cứ vào Lê Tần miêu duệvà Cổ Mai bi kýcho biết: “Lê Tần (tự là Lê Kính), Tần là con trai Lê Khâm, là thân phụ của Trần Bình Trọng”… “Lê Khâm là ông nội của Trần Bình Trọng. Thời cuối Lý đầu Trần, Lê Khâm đã giúp Trần Thừa và Trần Thủ Độ đánh dẹp Nguyễn Nộn đem lại ngôi báu cho họ Trần, được Trần Thái Tông phong tước Khuông quốc thượng tướng quân. Hai tài liệu trên không nói rõ Lê Khâm là cháu mấy đời của Lê Đại Hành” (5). Ta còn biết Toàn thưchép Trần Bình Trọng là “dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được cho quốc tính là họ Trần” (6). Như vậy Trần Bình Trọng gốc họ Lê, là con Lê Tần, cháu Lê Khâm thuộc dòng dõi Lê Hoàn ở A Châu Thanh Hoá. Nói rõ hơn Lê Tần là con của Lê Khâm, bố của Trần Bình Trọng là hậu duệ của Lê Hoàn.
Lê Tần tham gia chính sự từ năm nào, sử sách cũng không chép. Ta chỉ biết vào năm Kỷ Dậu (1250) đời Thái Tông, ông được nhà vua cho làm Ngự sử trung tướng tri tam viện sự - một chức quan cao cấp trong hàng ngự sử kiêm xét đoán kiện tụng. Năm 1257 tham gia chống giặc Mông Cổ, năm Mậu Ngọ (1258) định công phong tước, ông được vua Thái Tông ban chức Ngự sử đại phu. Liền sau chiến tranh, vào năm 1258 ông được cử làm Chánh sứ sang nước Nguyên. Về việc này sử chép: “Khi ấy sứ Nguyên sang đòi của dâng hàng năm, tăng thêm vật cống. Bàn tính phân vân, vua sai Lê Phụ Trần sang sứ, Chu Bác Lãm làm phó. Rốt cục định 3 năm một kỳ cống làm lệ thường” (7). Một năm sau, vào năm Kỷ Mùi 1259, ông được vua Trần Thánh Tông cho giữ chức Thuỷ Quân Đại tướng quân. Cuối đời về già năm 1274, ông được Thánh Tông cho làm Thiếu sư kiêm chức Trừ cung Giáo thụ dạy thái tử. Về việc này sử chép: “Chọn người nho học trong nước, người nào có đức hạnh sung vào hầu Đông cung (8). Tham gia dạy dỗ thái tử Khẩm (vua Nhân Tông sau này), ngoài Lê Tần còn có Nguyễn Thành Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung làm Nội thư học sĩ”.
Từ những ghi chép trên ta biết được ông không chỉ là võ tướng từng tham gia chống giặc, bàn việc cơ mật với nhà vua, từng giữ chức Thuỷ quân Đại tướng quân mà còn là văn quan, nho sĩ có đức hạnh, đủ năng lực được tin dùng làm thầy dạy con đầu của vua Thái Tông là thái tử Khảm, tức vua Nhân Tông lên ngôi vào năm 1259. Là quan võ, làm quan văn, ông đều được tin cẩn và giao giữ trọng chức.
Nếu như về công tích, về quan chức của Lê Tần sử sách chép tương đối rõ, thì về năm sinh, năm mất của ông hoàn toàn không thấy chép đến. Toàn thưchỉ chép việc mất của Chiêu Thánh là phu nhân của ông. Sử chép vào tháng 3 năm Mậu Dần (1278) “phu nhân của Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh nhà Lý bị mất, Chiêu Thánh lấy Phụ Trần hơn 20 năm, sinh công Thuỵ chúa Khuê, đến đây thì mất, 61 tuổi” (9). Ta biết Chiêu Thánh là hoàng thứ nữ của Lý Huệ Tông, sinh năm 1218, tức Lý Chiêu Hoàng. Vào năm 1256 bà nhường ngôi cho Trần Cảnh tức Trần Thái Tông, và được phong làm hoàng hậu. Năm 1237, Thái Tông lấy công chúa Thuận Thiên - vợ của Trần Liễu, lập làm hoàng hậu, bà bị giáng làm công chúa. Năm 1258 bà được vua Thái Tông gả cho Lê Tần đến năm 1278 thì mất. Như vậy phu nhân của Lê Tần sinh năm 1218, mất năm 1278 đúng 61 tuổi âm lịch như sử đã chép. Từ đó ta có thể đoán được Lê Tần sinh vào khoảng cuối đời Lý, trước sau năm 1218, cùng thời với Lý Chiêu Thánh và mất vào cuối đời Thánh Tông hoặc đầu đời Nhân Tông, tức những năm sau khi ông được Thánh Tông ban chức Thiếu sư dạy thái tử (năm 1274) trở về sau, khi Trần Nhân Tông lên ngôi (1278).
Tóm lại, Lê Tần sử chép là Lê Phụ Trần người châu Ái, Thanh Hoá ngày nay. Ông thuộc dòng dõi Lê Đại Hành, sinh vào khoảng cuối thời Lý, mất vào cuối đời Trần Thánh Tông hoặc đầu đời Trần Nhân Tông. Ông phục vụ vương triều Trần trải qua các đời vua Thái Tông, Thánh Tông và có thể cả đầu đời Nhân Tông. Ông còn là con của Lê Khâm, là thân phụ của Trần Bình Trọng. Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ nhất, ông là một trong số nhân vật nổi bật có công lớn, được sử sách ghi chép. Do công lao to lớn trong chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, ông được lưu danh trong sử sách và xứng đáng được đương thời và hậu thế tôn vinh.
Chú thích
1. Sông Thiên Mạc, Mạn Trù, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
2. Toàn thư. Bản dịch Nxb Văn hoá Thông tin, H. 2004, tập I, tr 468, 469.
3. Bình Lệ Nguyên, bản dịch Toàn thư, đã dẫn, chú thích: có thể là huyện Bình Nguyên đời Mạc đổi làm Bình Tuyền, sau đổi làm Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú. Sách Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 4 cho rằng Bình Lệ Nguyên là nơi sông Cà Lồ chặn ngang đường tiến quân, tr 146.
4. Toàn thư, sđd, tr 471.
5. Trần Bá Chí, bài “Quê quán, gia tộc của Lê Đại Hành”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sửsố 2 – 1981, tr 23.
6. Toàn thư,sđd, tập I, tr 506.
7. Toàn thư, sđd, tr 472
8. Toàn thư, sđd, tr 487
7. Toàn thư, sđd, tr 492