Về một câu nói và một lời kêu gọi
Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đât nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!
Đoạn văn cho thấy câu “Không có gì quí hơn độc lập tự do” ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt do chính quyền Mĩ trước đây tiến hành trên đất nước ta. Đoạn văn ấy trích trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nướccủa Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 7 năm 1966, cách nay hơn 40 năm. Thiết tưởng cũng nên nhân dịp này chúng ta tìm hiểu thêm Lời kêu gọi và lời văn của Người.
Trong Lời kêu gọithiêng liêng ấy, Bác Hồ kính yêu của chúng ta dành cho đồng bào miền Nam một tình cảm hết sức đặc biệt. Bác nói: Chúng ta quyết đánh thắng chiến tranh phá hoại của địch, đồng thời hết sức hết lòng ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt.Trong khi đó, đối với kẻ địch bạo tàn, Người nói: Đế quốc Mĩ dã man, gây ra chiến tranh xâm lược hòng ăn cướp nước ta...Đây là một lời lên án mạnh mẽ và qua lời kết án ta thấy rõ sự đối lập giữa một bên là ruột thịt và bên kia là dã man , giữa đồng bào miền Nam và đế quốc xâm lược, đồng bào miền Nam thân thương bao nhiêu, đế quốc xâm lược dã man bấy nhiêu. Vậy địch dã man như thế nào? Bất kỳ một người dân bình thường nào cũng có thể đặt ra câu hỏi đó. Ngay sau đây là câu trả lời: Gần đây, giặc Mĩđiên cuồngleo thang thêm một bước rất nghiêm trọng: chúng bắn phá ngoại ô Hà Nội và Hải Phòng.Lời tố cáo thật rõ ràng, không những chỉ rõ cho mọi người thấy địch dã man bắn phá ngoại ô Hà Nội và Hải Phòng mà còn cho thấy hành động của chúng là điên cuồng và cuối cùng, theo nhận định của Bác, Đó là hành động tuyệt vọngcủa chúng... Một nhận định thật tuyệt vời! Điên cuồng và tuyệt vọng, hành động đó còn được minh hoạ thêm bằng một hình ảnh đầy thú vị: ... khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng.
Không chỉ dùng hình ảnh minh hoạ, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn dùng cả những con số: - Giôn xơn và bè lũ phải biết rằng: chúng ta có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quânhoặc nhiều hơn nữa... – Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 nămhoặc lâu hơn nữa. Chắc chắn mọi người dân Việt Nam thời ấy đều biết rằng chiến tranh sẽ còn kéo dài, nhưng trong bao lâu? Thật khó mà trả lời. Cho nên nếu chỉ nói trống không, không một con số nào, thì không nói lên được bao nhiêu. Qua câu trích dẫn, chúng ta thấy Bác Hồ dùng các con số minh hoạ một cách cụ thể cho lời nói của mình, gây được ấn tượng mạnh và tạo được nhiều cảm xúc hơn. Tương tự như vậy, nếu chỉ nói Giôn- xơn và bè lũ cầm quyền của ông ta có thể đưa thêm quân, thêm nhiều quân, thì thiết nghĩ không gây được ấn tượng bao nhiêu, mà ở đây là 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa...
Để gây được ấn tượng mạnh, trong Lời kêu gọi, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn dùng cả phép đảo ngữ. Bác nói: Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mĩ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hi sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Qua đó ta thấy Bác sống và chiến đấu không chỉ vì độc lập của tổ quốc hay vì tự do hạnh phúc của đồng bào mình, mà còn vì nghĩa vụ đối với cả các dân tộc anh em trên thế giới. Người thật cao cả!
Nhưng trước khi nói về độc lập của tổ quốc, về nghĩa vụ quốc tế, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã thẳng thừng đặt câu hỏi với người đứng đầu nhà nước Hoa kì rằng Ai đã phá hoại hiệp nghị Giơ-ne-vơ là hiệp nghị bảo đảm chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam?Không chỉ đặt câu hỏi, nêu vấn đề, Bác còn cho luôn câu trả lời, để giải quyết vấn đề, dưới dạng câu hỏi, thật là hùng biện: Phải chăng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kì và giết hại người Hoa Kì? Hay là chính phủ Mỹ đã đem quân đội Hoa Kì đến xâm lược nước Việt Namvà giết hại người Việt Nam ?Hỏi cũng là trả lời, nhưng ta thấy không chỉ một mà là hai câu trả lời, cho đối phương tuỳ ý lựa chọn, đức độ là thế, hùng biện là thế, nhưng trong thực tế chúng ta chỉ có thể chọn được một, và một mà thôi, vì đó là chân lí, vì chính phủ Mĩ đã đem quân đội Hoa Kì đến xâm lược Việt Nam và giết hại người Việt Nam.Lãnh đạo nước Mĩ nếu có lương tri tất sẽ hiểu được điều này. Rồi sau đó, Bác không ngần ngại khẳng định:
Nhân dân Việt nam nhất định thắng!
Giặc Mĩ xâm lược nhất định thua!
Lời khẳng định gồm hai phát ngôn song song trông rất cân xứng như là câu đối vậy. Về phép đối, có đối thanh và đối ý. Về đối thanh, bằng đối với trắc và trắc đối bằng. Ta thử đọc lại hai phát ngôn ấy để xem thanh đối thanh như thế nào: nhân(bằng) | giặc(trắc); (dân) bằng | Mĩ(trắc); Việt(trắc) | xâm(bằng); Nam (bằng) | lược(trắc); thắng(trắc) | thua (bằng); như vậy là rất ổn. Đối với câu đối cũng cần chú ý đến nhịp điệu. Về nhịp điệu phát ngôn của Bác là bảy chữ, một chỗ ngắt: Nhân dân Việt Nam / nhất định thắng/ / Giặc Mĩ xâm lược/ nhất định thua. Và cũng theo nhịp điệu mà từng nhóm đối ý với nhau : Nhân dân Việt Nam đối với Giặc Mĩ xâm lược; nhất địnhthắngđối với nhất định thua. Như thế là rất chuẩn, rất hay, khác nào là câu đối. Song tất cả điều đó không vì mục đích phù phiếm mà vì mục đích thiết thực, tạo sự đối lập, khác biệt rõ rêt giữa hai phía, phía này nhất quyết thắng, phía kia tất yếu thua.
Như vậy, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nướcngày 17 tháng 7 năm 1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đáng ghi nhớ câu nói nổi tiếng “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Và qua Lời kêu gọichúng ta học tập được rất nhiều điều, đặc biệt là lời văn của Người vì đó là văn phong của người chiến sĩ cách mạng, vừa hay, vừa đẹp, không khô cứng mà rất sinh động lại giàu cảm xúc, và đặc biệt lợi hại như một vũ khí. Người chiến sĩ cách mạng sống là để chiến đấu, vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngay như với nhà thơ, thích ngắm trăng, xem hoa, Người không quên nhắc nhở:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Và rất có thể đây là tuyên ngôn của Người dành cho mọi người. Chúng ta nguyện mãi mãi khắc ghi trong tim hình ảnh cùng những lời dặn dò của Người!
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh – Vì độc lập , tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970.
2. Hồ Chí Minh – Không có gì quí hơn độc lập tự do, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975.
3. Phong Lê, Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh – Hành trình thơ văn – Hành trình dân tộc, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2003.
4. Đinh Trọng Lạc – 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 2001.
5. Nguyễn Hoàng Huy – Câu đối trong văn hoá Việt Nam ,Nxb tổng hợp TP. HCM, 2004.