Về Đông Loan, Thượng đế cũng sẽ bực mình
Già - trẻ: đều nói tức
Dù đã được dặn dò phải bình tĩnh, trước khi nói phải suy nghĩ thật kỹ... nhưng tôi vẫn không tránh được, những cái bẫy ngôn từ khiến người đối thoại tức "nổ mắt" mà vẫn không làm gì được.
Chỉ ngồi quán nước chừng dăm phút là chứng kiến người làng trổ tài, lạ một điều, nói tức vậy, nhưng chẳng ai giận ai. Vừa bước vào quán, một cậu thanh niên đã nhanh nhẩu: "Bà cho con chén nước". Chủ quán là bà lão khoảng 70 tuổi, cười hồn hậu: "Tôi nấu nước bán chứ chẳng cho". Không vừa, cậu thanh niên chỉ tay vào dãy bia và nước ngọt, đốp lại: "Thế bà cho con nước bà không nấu nhé". Một lúc sau có chị phụ nữ dắt con vào quán, loay hoay chưa tìm được chỗ ngồi, chị bèn nói với ông khách bên cạnh: "Bác làm ơn cho mẹ con em ngồi nhờ với". Chẳng nhúc nhích ông khách buông một câu: "Có phải ghế của tôi đâu mà cô nhờ". Chị phụ nữ mỉm cười: "Chẳng phải ghế của bác sao bác còn ngồi".... Rời quán nước, chúng tôi lang thang trên đoạn đê dài chạy dọc theo sông Thương. Thấy lũ trẻ đang thả cần câu, tôi lân la hỏi chuyện: "Cần bé thế làm sao mà câu được hả em? ". Đứa trẻ nhỏ nhất trong đám quay lại đáp tôi: "Cá nó đâu có nhìn thấy cần bé hay to. Có lần, em còn câu được con hơn một cân bằng cái cần bé hơn thế này cơ". Chẳng để ý đến khuôn mặt ngẩn ra của tôi, lũ trẻ cười vang. Tôi đánh trống lảng: "Sông này có sâu không em? ". Bây giờ đến lượt đứa cao nhất đáp trả: "Trời, đỉa cũng không có một con chứ chẳng nói đến sâu". Biết mình chẳng đối đáp được, tôi đành cười trừ.
Loanh quanh tìm nhà trưởng thôn, tôi gặp một người trung tuổi, nhìn phong thái khá nghiêm túc, nghĩ rằng mình sẽ không bị nói tức như gặp đám trẻ, tôi bắt chuyện: "Anh cho em hỏi thăm nhà bác trưởng thôn". Ở đây nhiều trưởng thôn lắm, cô hỏi trưởng thôn nào?. Ngơ ngác, tôi đáp liều: "Nhà trưởng thôn nào gần nhất ạ". "Thế thì ngay cạnh cô đấy, nhưng chẳng có ai ở nhà đâu". Tôi cố nài: "Thế chỉ cho em nhà một cán bộ trong thôn cũng được". "Cô hỏi chung chung thế tôi biết thế nào, tìm nhà cán bộ thôn hả? Có nhà ông Chủ ở gần đây này. Qua khúc quanh là tới, nhà có cổng xanh đấy". Chẳng muốn bị vặn vẹo, tôi cảm ơn rồi đi tiếp. Đến nhà ông Chủ thì ông đi vắng, tôi đành chờ, ai dè ông chính là người tôi vừa gặp trên đường. Mặc cho tôi đỏ mặt vì tức, ông Chủ chỉ cười: "Cô hỏi nhà cán bộ thôn chứ có hỏi gặp tôi đâu".
Nói tức... là truyền thống
Rót nước mời tôi, ông Chủ thong thả kể: “Nhà báo về đây lúc đi không hậm hực mới là chuyện lạ. ở đây đứa trẻ 3 tuổi đã biết nói tức rồi, nói tức là truyền thống của làng tôi, ăn vào máu thịt mỗi người. Các cụ già vẫn kể mãi câu chuyện như một minh chứng cho truyền thống nói tức của làng, đó là ngày xưa, khi quan huyện về nhận chức mới, gọi lý trưởng lên hỏi: "Nghe nói Đông Loan có tài nói tức, ngươi thử nói cho ta tức xem nào? ". Lý trưởng khoanh tay: “Dạ, bẩm quan nói láo, chứ làng con làm gì có ai biết nói tức. Quan đập bàn quát: "Ngươi to gan, dám nói quan thế à". Lúc bấy giờ lý trưởng mới khẽ khàng: "Quan chẳng vừa nói đố con làm quan tức còn gì".
Với người Đông Loan, nói tức không xuất phát từ suy nghĩ bắt bẻ người khác mà giống như đối đáp nhau. ông Chủ ví von: "Người Bắc Ninh đối đáp bằng quan họ, còn chúng tôi thi tài bằng cách nói tức". Nói tức cũng phải dựa theo cách triết tự, tạo sự bất ngờ cho người đối thoại. Nếu nói dông dài, nói mà người khác vẫn cãi được thì chưa phải là bậc thầy, rất nhiều nghệ nhân nói tức ở Đông Loan chỉ nói một câu mà người đối thoại đã cứng họng - ông Chủ cho biết.
Không phải ngẫu nhiên mà người Đông Loan từ già tới trẻ đều có biệt tài này, trường học nói tức ở đây chính là thư viện. Chỉ riêng thư viện thôn Đông Thượng đã có hàng ngàn đầu sách, chủ yếu là những tài liệu về thơ, hò vè, triết học, xã hội học, kinh tế, chính trị... Tuy nhiên, nếu vào thư viện sẽ thấy... trống trơn, vì bà con chỉ thích mượn sách về nhà, thậm chí ra đồng cũng mang sách để tranh thủ đọc lúc giải lao.
Chẳng ngạc nhiên khi Đông Loan thuộc cái nôi văn hoá Kinh Bắc, nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ là truyền thống nói tức được gìn giữ tới ngày nay và vẫn đang tồn tại trong nhịp thở hiện đại. Nếu đặt trong một không gian văn hoá nhất định, lối nói ngang ngược khiến người nghe tức anh ách, nhưng phải nể phục vì tài dùng câu chữ rất đáng được trân trọng và gìn giữ.
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn (08/01/07)