Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế
“Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng cả trong hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ." - GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị Khoa học Vật lý trị liệu Việt Nam.
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị Khoa học Vật lý trị liệu Việt Nam lần 2 diễn ra 16/6, Vật lý trị liệu (VLTL) đóng một vai trò quan trọng cả trong hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, VLTL ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong việc điều trị và phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân sau chấn thương, phẫu thuật, hoặc mắc các bệnh mãn tính. Thông qua các phương pháp điều trị không dùng thuốc, VLTL giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng vận động, và nâng cao chất lượng cuộc sống.
|
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc tại Hội nghị Khoa học Vật lý trị liệu Việt Nam lần thứ II |
"Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực VLTL. Hệ thống chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh, PHCN được hoàn thiện; các quy định về chuyên môn kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả; tổ chức hệ thống, mạng lưới VLTL, PHCN với 01 bệnh viện trung ương, 38 bệnh viện địa phương (trong đó có 10 bệnh viện YHCT về PHCN), khoảng 550 khoa VLTL/PHCN tại các cấp cơ sở KCB từ ban đầu đến chuyên sâu và 25 bệnh viện/trung tâm thuộc y tế các Bộ, ngành, đã ngày càng được củng cố và ngày càng phát triển, làm chủ những kỹ thuật cao; đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao hơn; công tác chăm sóc sức khoẻ PHCN dựa vào cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh ở các địa phương giúp cho người bệnh, người khuyết tật được chăm sóc ngày một tốt hơn, hoà nhập với cộng đồng và nâng cao sức khoẻ toàn dân.
Những kết quả đã đạt được thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, cùng với sự ủng hộ, vào cuộc của các tỉnh, thành phố, các Hội chuyên ngành và sự tham gia tích cực của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước." - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự gia tăng của các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, và các bệnh lý cơ xương khớp đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và hiệu quả của các phương pháp VLTL. Hơn nữa, việc tiếp cận dịch vụ VLTL còn hạn chế ở nhiều vùng nông thôn và khu vực khó khăn. Đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất ở những khu vực này còn thiếu thốn, cần được đầu tư và phát triển.
Trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều chiến lược nhằm phát triển ngành VLTL/PHCN, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng phạm vi tiếp cận cho người dân. Một trong những giải pháp quan trọng đó là chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trong đó quy định rõ khái niệm về PHCN, có riêng một Điều 68 quy định về PHCN. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 53 của Nghị định 96 hướng dẫn Luật KCB cũng đã mở rộng hơn đối tượng đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn của các cơ sở kỹ thuật PHCN, có thể là Bác sĩ hoặc Kỹ thuật y có trình độ cử nhân trở lên với phạm vi hành nghề chuyên khoa PHCN.
Không những vậy, Bộ Y tế đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã đưa ra các mục tiêu rất cụ thể kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, đây sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai phát triển tích cực, mạnh mẽ hơn hoạt động VLTL/PHCN trong thời gian tới.
|
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế tặng hoa chúc mừng Hội nghị |
Nhân hội nghị này, để tiếp tục góp phần phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hội Vật lý trị liệu Việt Nam tiếp tục nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế và phát triển chuyên môn kỹ thuật VLTL tại Việt Nam. Thực hành nghề nghiệp đúng phạm vi hành nghề, chuẩn mực nghề nghiệp và đạo đức người hành nghề, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân
Phát triển nhân lực chuyên môn cao về VLTL, phối hợp với các trường Đại học tổ chức thí điểm thành công mã ngành đào tạo Vật lý trị liệu để đảm bảo đủ điều kiện mở mã ngành đào tạo trình độ đại học, góp phần đào tạo nhân lực chính quy về VLTL cho Việt Nam, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân như theo Quyết định của Thủ tướng.
Tích cực tham gia xây dựng chính sách, hướng dẫn chuyên môn, phản biện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về VLTL, PHCN.
Hội Vật lý trị liệu Việt Nam thành lập năm 2019, song Hội đã hoạt động tích cực, phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế và phát triển kỹ thuật VLTL tại Việt Nam. Hội nghị khoa học Vật lý trị liệu Việt Nam hôm nay là một trong các hoạt động tích cực đóng góp cho sự phát triển chuyên môn về PHCN của Việt Nam, cung cấp các bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của các kỹ thuật VLTL giúp phục hồi chức năng cho người bệnh, người khuyết tật và nâng cao sức khoẻ người dân.