Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 06/09/2010 20:36 (GMT+7)

Vai trò của nông nghiệp trong tái cấu trúc nền kinh tế

Nông nghiệp - hậu phương vững chắc cho nền kinh tế

Nông nghiệp, nông thôn nước ta giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân bởi phần đông dân số hiện nay vẫn sống ở nông thôn, thu nhập của nông dân chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Việc giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao, nâng cao đời sống của người dân, xóa đói giảm nghèo có ý nghĩa lớn trong việc ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, nước ta có chỗ dựa vững chắc là nông nghiệp, do đó Chính phủ có các chính sách kích thích cho nông nghiệp phát triển. Điều này sẽ không chỉ đảm bảo phát triển về kinh tế mà còn ổn định được an sinh xã hội.

Với khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho số đông dân cư, nông nghiệp đã, đang đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam vượt lên sau thời kỳ suy giảm kinh tế. Chứng minh rõ nhất cho điều đó chính là khi toàn bộ nền kinh tế phải nhập siêu trong bối cảnh khủng khoảng thì nông nghiệp lại xuất siêu, nông sản là một trong những mặt hàng còn lại kim ngạch xuất khẩu cao kể từ đầu năm đến nay. Các mặt hàng nông, thủy, hải sản Việt Nam vẫn giữ được vị thế cạnh tranh và đóng góp cho sự tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt trước sự ảnh hưởng của kinh tế thế giới, không ít mặt hàng đã giảm tỷ trọng xuất khẩu nhưng tỷ trọng xuất khẩu của nhóm mặt hàng này vẫn tăng và giữ vai trò là chủ lực. Bên cạnh đó, nông nghiệp còn là nơi thu hút nhiều lao động, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao do khủng khoảng kinh tế thì lĩnh vực nông nghiệp lại là nơi thu hút lao động vào làm việc, số lao động thành thị "chảy" về nông thôn trong giai đoạn khủng hoảng là rất lớn. Điều này đã phần nào giải quyết được công ăn việc làm cho những đối tượng lao động ở thành phố bị thất nghiệp.

Trong sự nghiệp tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển bền vững thì nông nghiệp luôn được quan tâm và ưu tiên phát triển. Bởi đầu tư thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động nông nghiệp trở về nông thôn… Như vậy, nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập cho lao động nông thôn, gián tiếp làm tăng sức mua và tăng cầu trong nước bởi đối tượng này chiếm 70% dân số. Vì thế, cần có một chiến lược phát triển nông thôn bền vững, mặt khác, cần tập trung vào thị trường trong nước và khu vực nông thôn. Làm được điều này thì chúng ta sẽ có một hậu phương vững vàng cho nền kinh tế.

Như vậy, có thể nói, nông nghiệp giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vừa là hậu phương vững chắc, vừa là chiếc "phao" giúp nền kinh tế "bơi" qua cơn khủng hoảng.

Nông nghiệp giữ vai trò then chốt trong tái cơ cấu nền kinh tế

Sản xuất nông nghiệp không những cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người, đảm bảo nguồn nhiên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm mà còn sản xuất ra những mặt hàng có giá trị xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ. Hiện tại cũng như trong tương lai, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, không ngành nào có thể thay thế được. Trên 40% số lao động trên thế giới đang tham gia vào hoạt động nông nghiệp, ở nước ta có khoảng 70% dân số hoạt động trong lĩnh vực này. Đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu phấn đấu của mỗi quốc gia, góp phần ổn định chính trị, phát triển nền kinh tế do vậy nông nghiệp có vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Từ lâu, nông nghiệp đã trở thành một thế mạnh của đất nước. Những năm gần đây, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch dần chiếm một tỷ trọng tương đối trong nền kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ đó khiến cho rất nhiều người nhầm tưởng rằng vai trò của công nghiệp đã dần thay thế nông nghiệp trong nền kinh tế bởi tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất của vấn đề, chúng ta mới thấy sản xuất nông nghiệp sẽ mãi mãi đóng vai trò quan trọng, tiên phong để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế vừa qua. Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho thấy, nếu đầu tư 1% GDP vào 3 lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp thì lĩnh vực cho kết quả tăng trưởng cao nhất, tạo công bằng xã hội tốt nhất là nông nghiệp. Điều này là do nông nghiệp nước ta gắn chặt với các thành phần trong nền kinh tế như: tạo nguồn nhiên liệu cho công nghiệp. Do vậy đầu tư cho nông nghiệp là một trong những đầu tư rất có hiệu quả hiện nay và trong tương lai. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù lợi nhuận của sản xuất công nghiệp những năm qua luôn đem lại cho đất nước tốc độ tăng trưởng GDP cao nhưng trên thực tế, chỉ số phát triển của nông nghiệp mới thật sự mạnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng cao hơn công nghiệp. Thực tế đó càng được chứng minh rõ ràng hơn khi các chuyên gia kinh tế đưa ra phác đồ phân tích mức độ tác động bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo phác đồ này, trong 3 lần nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu thì cả 3 lần nền nông nghiệp nước ta không những bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu mà còn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Mặc cho nền công nghiệp, thương mại - dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi suy giảm kinh tế, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp phá sản, lao động khốn đốn vì thất nghiệp thì nông nghiệp vẫn vững bước đi lên. Trong khó khăn, nông nghiệp lại chính là điểm trở về của lao động nông thôn, 70% lao động của cả nước có việc làm ổn định mặc dù thu thập không cao.

Đi sâu phân tích, chúng ta sẽ thấy trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của cây lúa đối với an ninh lương thực là cực kỳ quan trọng. Quay trở lại thời điểm sốt giá gạo hồi đầu năm 2008, chúng ta mới thấy hết được tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp nói chung, vai trò của cây lúa nói riêng. Thử tưởng tượng nếu không có một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, chỉ cần một vài lần sốt áo giá gạo như vậy thì nền kinh tế đất nước sẽ đi đến đâu, thị trường sẽ hỗn loạn như thế nào.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp - nông dân, đầu năm 2009, Chính phủ đã cho thực hiện gói kích cầu kinh tế, trong đó ưu tiên hàng đầu cho phát triển nông nghiệp. Trung ương Đảng cũng đã xây dựng hẳn một nghị quyết về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển mạnh, duy trì và ổn định nền kinh tế đất nước. Những chính sách đúng đắn đó đã góp phần rất lớn vào sự phát triển nông nghiệp, không đẩy nền kinh tế nước ta lún sâu vào đại suy thoái. Như vậy có thể nói, nông nghiệp thực sự có vai trò rất lớn trong nền kinh tế ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt là trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đất nước thì nông nghiệp lại càng giữ vai trò quan trọng…

Nhưng vẫn còn khó khăn

Nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, trước tác động của cuộc khủng hoảng, chính phủ cũng đã đưa ra các chính sách nhằm kích cầu và khu vực nông nghiệp và kết quả là các gói kích cầu của Chính phủ đã tác động tốt đến nền kinh tế trong đó những chính sách kích cầu ở khu vực nông thôn đã giúp giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế. Mặc dù mức độ "đỡ" của nông nghiệp cho nền kinh tế là đáng kể, song bản thân nông nghiệp hiện nay vẫn còn gặp phải những khó khăn như: thị trường cà phê, thủy sản, đồ gỗ đều bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó lực lượng lao động ở các nhà máy thất nghiệp trở về nông thôn đã khiến lao động nông thôn gia tăng do vậy chúng ta cần giải quyết tốt việc làm cho người lao động mất việc ở thành thị trở về nông thôn để tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định. Hiện nay lao động nông thôn chiếm lao động xã hội, là nguồn lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Song thu nhập của người lao động ở nông thôn lại có khoảng cách khá xa so với thành thị, điều này do cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập thiếu hàn gắn đội ngũ lao động có tay nghề cao. Theo một kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn thì chỉ có 3% lao động nông thôn được đào tạo ở mức sơ cấp và trung cấp kỹ thuật. Thêm vào đó chi phí học nghề hiện nay vẫn còn cao, chỉ có khoảng 20% đến 30% số hộ trong nông thôn đủ khả năng đầu tư cho con đi học nghề, do đó trình độ phát triển nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu, hiệu quả còn chưa cao, thiếu đồng đều giữa các vùng miền.

Vậy làm thế nào để phát huy vai trò của nông nghiệp

Để giải quyết những khó khăn trên, đồng thời để nông nghiệp thực sự phát huy được vị trí then chốt của mình trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và trở thành 1 nền nông nghiệp hiện đại, trong thời gian tới chúng ta cần tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp để nó phát huy hết vị trí vai trò của mình. Trong đó cần chú ý tới các vấn đề:

Trước tiên, chúng ta cần phải có 3 đột phá là con người, khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng. Để đưa nông nghiệp tiến lên hiện đại, chúng ta cần hình thành đội ngũ lao động làm nông nghiệp có trình độ cả về kỹ năng sản xuất hiện đại lẫn kiến thức thương mại, thị trường. Đồng thời sản xuất nông nghiệp phải theo tín hiệu thị trường thì mới nâng cao được giá trị gia tăng cho nông sản. Chúng ta có chương trình đầu tư về khoa học, công nghệ đủ tầm cho phát triển nông nghiệp. Khoa học công nghệ phải đi vào giải quyết từ khâu giống có chất lượng, canh tác sạch, đến khâu chế biến tiêu thụ nông sản cao cho có giá trị ngày càng cao. Đây chính là yếu tố nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cần sớm có chính sách đủ mạnh cho dồn điền đổi thửa. Nếu duy trì lối canh tác manh mún hiện nay thì rất khó đưa khoa học, công nghệ vào phát triển nông nghiệp.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong điều kiện kinh tế khó khăn thì hộ nông dân nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã trong nông nghiệp có khả năng chịu rủi ro và có hiệu quả sử dụng vốn cao hơn doanh nghiệp lớn. Do đó, để thúc đẩy cung và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả thì nên ưu tiên đầu tư cho nhóm hộ nông dân sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và tổ hợp tác.

Trong điều kiện suy thoái kinh tế kích thích đầu tư là cần thiết, tuy nhiên cần có một nghiên cứu toàn diện hơn về các biện pháp tác động. Trước mắt cần ưu tiên cho cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội. Việc sửa đổi Luật Đất đai có lợi cho nông dân và các biện pháp hiệu quả bảo vệ đất nông nghiệp, ổn định quy hoạch đất nông nghiệp sẽ mang tính quyết định đến hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư của nông dân vào nông nghiệp.

Cần hoàn thiện và phát triển các thể chế thị trường và thể chế nông nghiệp. Tiến hành cải cách hành chính để tạo môi trường cho các nhà đầu tư, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó để đảm bảo đầu tư có hiệu quả cần chú ý đến phòng chống tham nhũng vì đầu tư xây dựng cơ bản cho sản xuất nông nghiệp còn bị thất thoát rất lớn.

Tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn nữa, trong giai đoạn 2001 - 2005 tổng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn mới đạt 113.116 tỷ đồng đáp ứng 17% nhu cầu. Trong khi nông nghiệp vẫn chiếm 22% GDP thì chỉ tiêu công cho nông nghiệp thì đạt 6 - 7% ngân sách Nhà nước hay 1 - 1,5% GDP và đang tiếp tục giảm (năm 2005 là 7,9%, năm 2007 chỉ còn 6,7%). Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 cơ cấu vốn cho nông nghiệp sẽ là: Nhà nước 26%; doanh nghiệp và hợp tác xã 42%, hộ gia đình 22% và FDI 10%. Tuy nhiên, kế hoạch này khó có thể thực hiện do khủng hoảng kinh tế và biến động mạnh của thị trường làm đầu tư của doanh nghiệp và hộ gia đình giảm, nông dân không dám đầu tư.

Mặt khác, cần tăng cường đầu tư về tài chính, con người và dành quỹ đất phù hợp thì mới giúp nông nghiệp phát triển hiện đại để làm chỗ dựa cho nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư giá trị sản phẩm, xúc tiến thương mại cũng là vấn đề cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giúp người nông dân bán được giá cao hơn, như vậy họ mới có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.