Vai trò của khoa học, kỹ thuật đối với sự phát triển xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong nửa đầu thế kỷ XX, khoa học, kỹ thuật trên thế giới có những bước phát triển vượt bậc, tạo nên hàng loạt thay đổi quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đánh giá về sự phát triển đó, ngay từ năm 195l, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: ""Năm mươi năm vừa qua có những biến đổi mau chóng hơn và quan trọng hơn nhiều thế kỷ trước cộng lại"" về khoa học, kỹ thuật. Xuất phát từ chủ nghĩa Mác - Lênin và từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú của mình, Hồ Chí Minh cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa, vai trò to lớn của khoa học, kỹ thuật đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Người coi ""Thời đại của chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa..."". Chính vì thế, Người khẳng định một cách dứt khoát rằng, cách mạng xã hội chủ nghĩa phải gắn liền với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển văn hóa của nhân dân; đồng thới tin tưởng rằng, chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ mang lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho loài người nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng.
Đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khoa học, kỹ thuật và sự phát triển của nó lại càng chứa đựng ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một xuất phát điểm hết sức thấp kém, nhất là về phương diện kinh tế - xã hội. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế còn rất nghèo nàn: trong nông nghiệp thì sản xuất nhỏ là phổ biến, kỹ thuật vô cùng lạc hậu; công nghiệp còn nhỏ bé và lẻ tẻ. Mặt khác, đối với chúng ta, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển của dân tộc. Trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy, chỉ có dựa vào sự phát triển của một nền khoa học tiên tiến, bao gồm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, chúng ta mới đủ sức nghiên cứu, giải quyết một cách đúng đắn, có hiệu quả những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách mà sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra.
Miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một hoàn cảnh đặc biệt: xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu và đất nước còn bị chia cắt. Trong điều kiện như vậy, một vấn đề lý luận hàng đầu đặt ra cho Đảng ta là phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Trong bài Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ""Muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta"". Tư tưởng đó của Người không thuần túy là lời chỉ dẫn cho việc giải quyết một vấn đề lý luận đặt ra từ thực tiễn. Hơn thế, đó còn là định hướng chung cho sự phát triển của khoa học, đặc biệt là đối với hoạt động nghiên cứu lý luận mác-xít và khoa học xã hội.
Khái quát thực trạng và những khó khăn to lớn của miền Bắc khi bước vào thời kỳ quá độ, xét từ góc độ khoa học và kỹ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ""trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều"". Vì thế, nhiệm vụ của khoa học ""là ra sức cải biến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên"". Thực tế, ngay từ khi miền Bắc triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Người đã chỉ đạo việc tiến hành cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, coi cách mạng khoa học và kỹ thuật là then chốt.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của toàn dân chứ không phải của riêng một nhóm người nào. Dưới chủ nghĩa tư bản, khoa học chịu sự chi phối và thao túng của các nhà tư sản, tài phiệt. Vì thế, nó trở thành một trong những công cụ làm giàu cho một thiểu số người giàu, có quyền lực trong xã hội; đồng thời, trở thành phương tiện áp bức, bóc lột nhân dân lao động một cách ngày càng tinh vi hơn. Ngược lại, trong điều kiện chủ nghĩa xã hội, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật hướng về con người, bởi vì mục đích cao cả và đầy tính nhân văn của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người, phát triển con người toàn diện. Trong xã hội mới, những thành tựu của khoa học và kỹ thuật được sử dụng vì sự tiến bộ xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân lao động.
Xuất phát từ thực tiễn, gắn chặt với thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn - đó vừa là biện chứng của sự phát triển khoa học, vừa là con đường để khoa học thâm nhập vào đời sống xã hội và ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nói về mối quan hệ biện chứng giữa khoa học, kỹ thuật với sản xuất và đời sống xã hội, trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ""Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi"". Có thể thấy rằng, tư tưởng này của Người có ý nghĩa như một nguyên tắc phổ quát đối với mọi khoa học nói chung, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn. Khoa học chân chính phải bắt nguồn từ thực tiễn và tác động tích cực trở lại đối với thực tiễn. Có như vậy, khoa học mới mang lại những giá trị hữu ích, giúp cho con người cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình.
Từ quan niệm cho rằng, ngày nay, trí thức ""không còn là những người chỉ nằm trong cái tháp ngà và xa rời quần chúng"", trái lại “ luôn luôn hòa mình với công nông và cùng công nông ra sức xây dựng xã hội mới"", Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi những người trí thức nói chung, những nhà khoa học nói riêng phải đem sự hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động. Người viết: ""Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tu tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi”.
Có thể nói, tư tưởng về sự phát triển xã hội bằng biện pháp phát triển khoa học, kỹ thuật là một nét độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh. Khi cho rằng, chúng ta phải dựa vào khoa học để tăng năng suất lao động, để cải thiện không ngừng đời sống nhân dân và bảo đảm cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội..., Người đã nhìn thấy ở khoa học, kỹ thuật một nguồn lực quan trọng của sự phát triển xã hội. Nhờ có tri thức khoa học, con người có thể hạn chế những sai lầm, lệch lạc mang nặng tính chủ quan, kinh nghiệm trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn, và do vậy, làm cho quá trình phát triển của xã hội ngày càng gần hơn, phù hợp hơn với quy luật khách quan.
Việc áp dụng rộng rãi những thành tựu khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân nhằm đưa nước ta trở thành một nước văn minh, hiện đại là công việc rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh, công việc ấy không thể tiến hành một cách tùy tiện, thiếu sự kiểm tra, giám sát. Sự phát triển của lịch sử nhân loại đã và sẽ tiếp tục chứng minh rằng, khoa học, kỹ thuật luôn chứa đựng trong bản thân nó một sức mạnh tiềm tàng: nó có thể mang lại cho con người những lợi ích to lớn, song cũng có thể đặt con người trước những nguy cơ, hiểm họa khôn lường. Các Mác đã từng nhấn mạnh đến những hậu quả, đặc biệt là về mặt xã hội, do sự phát triển của khoa học, kỹ thuật dưới chủ nghĩa tư bản mang lại. Là người sống trong thời đại có cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật phát triển mạnh mẽ và từng đặt chân tới nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, Hồ Chí Minh đã chứng kiến cả mặt tích cực, tiến bộ lẫn những hậu quả tiêu cực mà cuộc cách mạng này đưa lại. Tiên liệu và cũng là để ngăn chặn những hậu quả có thể xảy ra của khoa học, kỹ thuật, Người đòi hỏi: những tri thức khoa học, kỹ thuật đem phổ biến phải thiết thực, chính xác. Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ có thực hiện được hay không, kết quả thực hiện tốt hay xấu, ""như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm”. Tư tưởng này của Người có ý nghĩa rất sâu sắc, thấm đượm tinh thần của chủ nghĩa nhân văn: tất cả vì lợi ích chung, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn của con người. Ngày nay, khi phải đối mặt với những hậu quả do sự lạm dụng khoa học, kỹ thuật vì những toan tính vụ lợi, ích kỷ của con người gây ra, như ô nhiễm môi trường sống, ngộ độc thực phẩm, bệnh tật..., chúng ta lại càng cảm nhận rõ hơn chiều sâu cũng như ý nghĩa vượt trước thời đại trong tư tưởng của Người.
Là một tấm gương mẫu mực về sự kết hợp giữa học và hành, giữa lý luận và thực tiễn, Hồ Chí Minh không chỉ nói, viết một cách thuần túy về vai trò, nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật đối với tiến bộ xã hội, mà Người còn thường xuyên lưu tâm làm tất cả những gì có thể vì sự phát triển của nền khoa học, kỹ thuật nước nhà. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến việc tập hợp trí thức, trọng dụng nhân tài, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật. Bởi vì, theo Người, ""muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư..."". Đặc biệt, ngay từ những năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã luôn kêu gọi, khuyến khích những nhà trí thức, nhà khoa học Việt kiều yêu nước cố gắng học tập, tiếp thu những tinh hoa trong kho tàng tri thức của nhân loại và trở về tham gia vào công cuộc “Kháng chiến, kiến quốc"". Hòa vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, họ nhanh chóng trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào sự hình thành, phát triển của nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật khác nhau. Nhiều người trong số họ như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Phạm Ngọc Thạch... đã trở thành những nhà khoa học hàng đầu của đất nước và được thế giới biết đến.
Hơn nửa thế kỷ qua, nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ nước ta có những bước chuyển biến tích cực trên mọi phương điện, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng phát triển nền kinh tế tri thức, hơn bao giờ hết, khoa học, kỹ thuật và công nghệ biểu hiện như là nguồn lực cơ bản nhất, như là «chìa khóa"" của sự phát triển xã hội. Kế thừa tư tưởng đúng đắn của Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học, kỹ thuật và lấy đó làm nền tảng tư tưởng cho việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ mới, tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: cùng với giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ sẽ tiếp thêm sức mạnh, chắp cánh cho đất nước ta trên con đường phát triển, vươn lên ""sánh vai với các cường quốc năm châu"" như ước nguyện của Người.
Tạp chí Cộng sản số 21, tháng 11/2004