Hỗ trợ thực hiện các giải pháp bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững
Dự án Hỗ trợ phục hồi rừng tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt là Chủ dự án với mục tiêu hỗ trợ việc thực hiện các giải pháp bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Dự án được Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (International Institute for Environment and Development - IIED), Vương quốc Anh tài trợ trong 3 năm. Kết quả chính của dự án bao gồm một báo cáo nghiên cứu về những thách thức, rào cản và cơ hội trong quản lý rừng cộng đồng toàn diện và hiệu quả được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và nhóm nghiên cứu từ cộng đồng của dự án; một mô hình thí điểm theo phương pháp tiếp cận mới về quản lý rừng dựa vào cộng đồng được xây dựng và thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu nêu trên; một bộ công cụ và phương pháp tiếp cận mới, chi phí thấp, phù hợp với địa phương để theo dõi suy thoái và phục hồi rừng được xây dựng và áp dụng thí điểm tại địa phương; một ấn phẩm (báo cáo) về việc sử dụng các công cụ và phương pháp tiếp cận mới được hoàn thành vào cuối dự án; ít nhất 04 cuộc hội thảo về quản lý rừng tại địa phương (cấp huyện, xã) và 25 cá nhântừ các cơ quan quản lý rừng và Ban quản lý rừng ở huyện Quảng Ninh được tập huấn chuyên môn để hỗ trợ quản lý rừng dựa vào cộng đồng; kế hoạch được xây dựng nhằm hỗ trợ mở rộng quy mô quản lý rừng cộng đồng ở huyện Quảng Ninh và có thể được nhân rộng trong toàn tỉnh Quảng Bình.

Mô hình trồng rừng bằng cây bản địa tại huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình (Ảnh: ngaynay.vn)
Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã kêu gọi thành công khoản tài trợ từ Chương trình Đảo ngược suy thoái môi trường ở Châu Phi và Châu Á do Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế quản lý để thực hiện Dự án “Hỗ trợ phục hồi rừng tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Mục tiêu và nội dung dự án phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia về phục hồi rừng nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu được xác định tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng. Dự án sẽ phối hợp với các chủ rừng và cộng đồng sinh sống xung quanh các khu rừng tự nhiên để phát triển các giải pháp sáng tạo và phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng để quản lý rừng nhằm mang lại sinh kế bền vững gắn với bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên.
Trong hơn 10 năm qua, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt tập trung thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phục hồi rừng gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng sinh sống ven các khu rừng tự nhiên, từ đồng bằng Sông Hồng cho đến khu vực Tây Nguyên. Dự án thí điểm trồng phục hồi rừng trên đất bị chiến tranh tàn phá do tập đoàn Maeda Nhật Bản tài trợ, dự án bảo vệ rừng và tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái tại rừng Động Châu – Khe Nước Trong, Lệ Thủy, Quảng Bình do tổ chức World Land Trust tài trợ. Hai dự án này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như hỗ trợ địa phương “nâng hạng” rừng phòng hộ thành Khu dự trữ thiên nhiên và được tỉnh Quảng Bình cho thuê môi trường rừng tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước trong trong vòng 30 năm để nghiên cứu khoa học và bảo tồn; thực hiện các giải pháp sinh kế bền vững cho cộng đồng sinh sống gần rừng, giúp bảo vệ các giá trị của rừng phòng hộ Quảng Ninh, tăng cường năng lực cho chủ rừng, hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, cũng như hỗ trợ cộng đồng vùng đệm thực hiện một số giải pháp sinh kế bền vững như trồng cây bản địa phân tán, tham gia quản lý rừng bền vững có chứng chỉ FSC.
Các nhóm cộng đồng hưởng lợi trực tiếp từ Dự án Hỗ trợ phục hồi rừng ở huyện Quảng Ninh bao gồm cộng đồng dân cư đã được Nhà nước giao đất rừng để quản lý lâu dài cũng như các cộng đồng trong tương lai có thể được giao đất rừng. Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương được nâng cao kiến thức và kỹ năng khi tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, giám sát trên thực địa, đào tạo, tập huấn thông qua thực hành, ...
Các hoạt động của dự án được thực hiện hướng tới mục tiêu lâu dài là phục hồi rừng và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân địa phương hiện còn sinh sống phụ thuộc vào rừng khu vực huyện Quảng Ninh. Dự án nhằm xây dựng năng lực cho cộng đồng địa phương để họ quản lý rừng tốt hơn, để có thể gia tăng lợi ích từ rừng như mang lại các dịch vụ hệ sinh thái nâng cao, bao gồm khả năng hấp thụ các-bon. Những dịch vụ này phù hợp với các phương án tài chính xanh có thể đóng góp vào nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phục hồi rừng. Dự án Hỗ trợ phục hồi rừng tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đang hướng tới một mô hình bền vững với các giải pháp dài hạn.