Vài nét về sự biến đổi trong quan hệ ruộng đất Việt Nam đầu thế kỷ XX
Trong đợt khai thác lần I (1897-1914), tư bản Pháp chủ yếu tập trung bỏ vốn vào khu vực mỏ (vì cần ít vốn, thời gian thu lợi nhanh, nhân công rẻ…) và giao thông vận tải (chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho khai thác). Số vốn đầu tư giai đoạn này chủ yếu của tư bản Nhà nước. Từ năm 1896 đến năm 1914, Nhà nước Pháp đầu tư vào Đông Dương (chủ yếu vào Việt Nam) số tiền 242 triệu Francs vàng (1). Trong đợt khai thác lần I, số vốn của tư bản tư nhân đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều.
Từ năm 1888 đến 1920, tư nhân Pháp đầu tư vào Đông Dương số tiền 500 triệu Francs (Fr) vàng (2). Theo Robequain, chỉ tính từ năm 1888 đến 1918, thì số vốn đầu tư của tư bản tư nhân ở Đông Dương vào Việt Nam là 429 triệu Fr vàng, trong đó hướng đầu tư chủ yếu vào ngành mỏ chiếm 51% tổng số vốn, giao thông vận tải chiếm 26% số vốn, còn nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn 8% (3).
Nhìn chung tới đầu thế kỷ XX, số vốn đầu tư của tư bản Pháp vào Đông Dương tăng nhanh. Mức độ đầu tư của tư bản Nhà nước và tư bản tư nhân tương đương nhau. Mục đích là thu lợi nhuận sẵn có và nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng cho cuộc khai thác.
Khai thác thuộc địa lần II (1919 - 1929), cơ bản giống khai thác lần I về mục đích nhưng cuộc khai thác thuộc địa lần II diễn ra với quy mô và tốc độ lớn hơn nhiều lần so với khai thác lần I. Trước tiên có thể thấy khai thác lần II diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi. Nếu khai thác lần I đây đó vẫn còn phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam thì đến khai thác lần II cơ bản thực dân Pháp đã bình định xong các phong trào đó. Điều này tạo trạng thái tâm lý “an toàn” cho các nhà tư bản có ý định đầu tư. Hơn nữa, khai thác lần II được xây dựng trên nền tảng của khai thác lần I. Tới khai thác lần II, hệ thống giao thông, kho tàng bến bãi đó được đưa vào sử dụng đặc biệt là hệ thống đường sắt (4).
Khi bước vào khai thác II, nước Pháp vừa trải qua cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tuy là nước thắng trận nhưng Pháp chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Để tìm cách khôi phục kinh tế sau chiến tranh, tư bản Pháp hướng hoạt động chủ yếu vào thuộc địa ở Đông Dương để kiếm lời. Tại Việt Nam , tư bản Pháp quan tâm hơn cả vẫn là nông nghiệp mà chủ chốt dầu tư khai thác là đồn điền cao su, đồn điền lúa và các cây công nghiệp khác. Mặt khác, giai đoạn 1919-1929, kỹ nghệ sản xuất ô tô phát triển mạnh đòi hỏi nhu cầu lớn về cao su. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, thị trường đầu tư của tư bản Pháp tại đó không còn nữa. Trước tình hình đó, số vốn của tư bản Pháp vào Đông Dương đặc biệt vào Việt Nam tăng vọt. Khác với khai thác lần I, vốn đầu tư trong khai thác lần II chủ yếu của tư bản tư nhân. Nếu từ năm 1988 đến 1918, tư bản Pháp đầu tư vào Đông Dương khoảng 1 tỷ Fr vàng thì từ năm 1924 đến 1929 tư bản Pháp đã đem vào nước ta số vốn 4 tỷ Fr vàng. (Riêng năm 1920, khối lượng đầu tư vào Việt Nam của tư bản Pháp đạt 225 triệu Fr (5)).
Năm 1924, vốn đầu tư vào nông nghiệp là 52 triệu Fr thì đến năm 1927 số vốn bỏ vào nông nghiệp lên tới con số khổng lồ, 400.700.000 Fr. Đồng thời 3 năm 1927 đến 1929, cao su cũng chiếm số vốn 600 triệu Fr (6).
Quá trình đầu tư của tư bản Pháp ở Việt Namtrong khai thác thuộc địa lần I và lần II là nhân tố cơ bản dẫn tới biến đổi trong quan hệ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, quá trình đầu tư của tư bản Pháp vào Việt Nam chỉ đơn giản là quá trình đầu tư vốn để mở rộng quy mô khai thác thuộc địa mà không kèm theo sự đầu tư thích ứng vào các nhân tố kỹ thuật và con người trong quá trình sản xuất.
Diện tích canh tác mở rộng
Mục đích của thực dân Pháp trong việc khai thác nguồn lợi nông nghiệp Việt Nam chủ yếu từ kinh tế đồn điền. Do vậy, đầu thế kỷ XX, diện tích ruộng đất phát triển nhanh chóng. Vào cuối thể kỷ XIX, diện tích canh tác trong nước mới có 2.640.000 hécta (ha) đến năm 1913 đã tăng lên tới 3.130.000 ha (7). Tới năm 1929 – 1930, diện tích ruộngđất trên cả nước đạt khoảng 4.108.260 ha (8), đến những năm 1943-1944, chỉ tính ruộng đất canh tác của cả nước là 4.736.000 ha (9).Riêng diện tích ruộng cấy ở Nam bộ năm 1880 là 522.000 ha đến năm 1900 tăng lên 1.175.000 ha, và đến năm 1937 con số diện tích ruộng đất đó là 2.200.000 ha. Vậy trong vòng 57 năm, diện tích cấy ở Nam bộ tăng được 421% (10), trung bình hơn 7%/năm.
Mối tương quan giữa ruộng đất và dân số
Diện tích ruộng đất tăng lên không ngừng, nhưng theo tính toán thì bình quân ruộng đất trên toàn nhân khẩu lại giảm. Bởi vì, diện tích ruộng đất tuy có tăng, nhưng không thể theo kịp với tốc độ phát triển của dân số. Tính từ năm 1913 đến năm 1943, dân số nước ta tăng lên 8 triệu người tương đương với 57%, trong khi đó diện tích canh tác chỉ tăng được 1.319.000 ha tương đương với 38% (11).
Tuy nhiên với Nam bộ tình hình có phần hơi khác. Vì Nam bộ là vùng đất mới khai phá cho nên tiềm năng trên phương diện mở rộng diện tích còn lớn. Cũng xin lưu ý quá trình mở rộng diện tích canh tác chủ yếu diễn ra ở miền Nam còn miền Bắc diễn ra không đang kể. Vì vậy bình quân diện tích đất canh tác trên đầu người ở miền Nam gấp 3 lần so với Bắc và Trung kỳ. Ở Nam kỳ, tỷ lệ phần trăm tăng diện tích canh tác lớn hơn tỷ lệ phần trăm tăng dân số.
Namkỳ ít dân mà nhiều ruộng, Bắc kỳ, Trung kỳ thì ngược lại ít ruộng mà nhiều dân. So với Bắc kỳ thì Nam kỳ có số ruộng gấp 2 lần mà dân số chỉ bằng một nửa. Nếu chỉ lấy con số mà nói, thì ở Bắc kỳ 100 ha phải nuôi sống 678 đầu người, còn ở Nam kỳ mỗi ha chỉ phải nuôi sống 2 đầu người (12).
Mức độ tập trung và chênh lệch sở hữu ruộng đất ngày càng lớn
Ngày 28-9-2897, Toàn quyền Đông Dương đó ra nghị định mở rộng diện áp dụng quyền sở hữu cá nhân ruộng đất toàn lãnh thổ. “Những công dân Pháp và những người được nước Pháp bảo hộ, có đất do được ban tặng hoặc mua lại của những người có ruộng đất sẽ thuộc toàn quyền sở hữu cá nhân của họ, miễn là phải tuân thủ những quy định do toàn quyền ban hành”.
Lúc này, chính quyền phong kiến chỉ còn là một bù nhìn, những chính sách ban ra không còn hiệu lực, thay vào đó là chính sách của chính quyền thực dân. Với chính sách mới, quyền sở hữu tư nhân được pháp lý thừa nhận. Nó mở đường cho tư hữu ruộng đất phát triển mạnh và sự chiếm đoạt ruộng đất của thực dân Pháp tăng lên không ngừng. Chẳng hạn năm 1890, trên cả nước bị thực dân Pháp chiếm mất 10.000 ha. Năm 1900, bị chiếm mất 301.000 ha. Tính riêng Bắc kỳ bị chiếm mất 182.000 ha, tới năm 1912 là 470.000 ha và đạt tới con số 760.000 vào năm 1930 13).
Quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa xâm nhập vào kinh tế nông thôn Việt Nam làm cho nông dân ngày càng bị phân hoá. Quan hệ kinh tế mới đó lại thúc đẩy thêm quá trình mua bán ruộng đất, càng làm cho ruộng đất có điều kiện tập trung hơn nữa. Tới trước cách mạng, mức độ tập trung ruộng đất ở nước ta ngày càng mạnh. Tình hình tập trung ruộng đất diễn ra không đều ở các vùng.
Nambộ mức độ tập trung ruộng đất mạnh mẽ nhất trong cả nước, phân ra thành hai cực rõ rệt. Số chủ ruộng có sở hữu dưới 5ha ít hơn Bắc Bộ, chiếm 71,7% trong tổng số chủ ruộng. Và tất cả số chủ sở hữu này chỉ có 345.000 ha tương đương với 15% toàn bộ diện tích canh tác. Ngược lại, chủ ruộng có sở hữu lớn hơn 50ha lại nhiều hơn miền Bắc chiếm 2,5% tổng số chủ ruộng. Tuy nhiên, họ lại nắm trong tay một khối lượng diện tích khổng lồ 1.035.000ha, tương đương với 45% toàn bộ diện tích canh tác ở miền Nam.
Ở Nambộ thì vùng miền Tây Nam bộ mức độ tập trung ruộng đất cao hơn cả vì là vùng đất mới.
Tương quan ruộng đất công điền và ruộng tư
Công điền là loại ruộng đất thuộc sở hữu hoặc coi như thuộc sở hữu của Nhà nước, trao cho xã thôn để quân cấp cho dân cùng cày cấy theo đúng định lệ chung (14).
Trong tiến trình lịch sử phong kiến Việt Nam về cơ bản có 3 hình thức sở hữu song song tồn tại. Đó là quyền sở hữu tối cao ruộng đất của Nhà nước, ruộng đất tư và ruộng đất công làng xa. Các loại hình sở hữu này đấu tranh chuyển đổi cho nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Tư hữu ruộng đất ngày càng thắng thế thì quyển sở hữu tối cao ruộng đất của Nhà nước ngày càng thu hẹp, ruộng đất công làng xã bị xâm lấn nghiêm trọng. Vào thời điểm Pháp xâm lược Việt Nam , quyền sở hữu tối cao ruộng đất của Nhà nước bị truất bỏ (năm 1886). Lúc này, tư hữu ruộng đất phát triển mạnh. Cũng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, toàn bộ ruộng đất công tư trên cả nước là 3.396.584 mẫu. Ruộng đất công chỉ còn 580.363 mẫu và chiếm 17,08% trên toàn bộ diện tích ruộng đất công tư cả nước (15).
Mặc dù vậy, đầu thế kỷ XX, đất công điền không những không giảm, mà lại tăng lên thành 19% ở Bắc kỳ; 25% ở Trung kỳ; 3,7% ở Nam kỳ (16). Sở dĩ hiện tượng này xảy ra vì khi nhà Nguyễn lên nắm chính quyền đó ý thức được một điều rằng: Ruộng công điền chính là bệ đỡ kinh tế cho chính quyền phong kiến tồn tại và khi bị quá trình tư hữu ruộng đất phát triển thì điều đó sẽ xâm hại nghiêm trọng tới việc duy trì vương quyền. Bởi vậy nhà Nguyễn đã thực hiện những chính sách để khôi phục ruộng đất công điền như ban hành chính sách quân điền và hạn điền; nhà Nguyễn quy định những vùng khai hoang lập đồn điền nếu sử dụng vốn của Nhà nước thì diện tích khai khẩn được chuyển thành công điền. Bên cạnh đó nhà Nguyễn còn cho tiến hành cải cách thí điểm ở Bình Định, biến 50% diện tích ở đây thành công điền. Hơn nữa, cuối thế kỷ XIX dầu thế kỷ XX nông dân lưu tán khắp nơi, ruộng đất vô chủ một phần bị xung vào công điền. Tất cả những điều kiện trên đó tác động mạnh tới cơ cấu ruộng đất Việt Nam , làm cho tỷ lệ ruộng đất công không những không giảm mà lại tăng.
Miền Nam vùng đất mới, đất rộng dân thưa, con người ưa tự do thích phiêu lưu mạo hiểm, ham làm ăn lớn. Dưới thời chúa Nguyễn, chính sách thoáng mở, nên để mặc cho tư hữu ruộng đất phát triển. Chúa Nguyễn chỉ quan tâm tới chuyện thu thuế nên tại đây tư hữu ruộng đất ở đây cơ bản thắng thế và số lượng ruộng đất công rất khiêm tốn, chỉ chiếm 3,7% toàn bộ diện tích. Ở miền Bắc là vùng đất chật người đông, chế độ công điền, công thổ tồn tại dai dẳng lâu đời và điển hình nhất. Trung kỳ từ thời nhà Nguyễn là thủ đô nên ít nhiều chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách phong kiến, là nơi chính quyền trung ương chi phối mạnh nhất. Cho nên xét cả 3 miền thì Bắc và Trung bộ ruộng đất công chiếm tỷ lệ cao hơn so với Nam bộ.
Nhìn chung từ đầu thế kỷ XX đến trước 1945, quan hệ ruộng đất ở Việt Nam có những biến động mạnh. Diên tích canh tác không ngừng được mở rộng, song không theo kịp với tốc độ phát triển của dân số. Mức độ tập trung ruộng đất diễn ra gay gắt và không đồng đều giữa cách vùng, các miền, dẫn đến xuất hiện nhiều đại địa chủ lớn có hàng trăm hécta ruộng đất. Nông dân trở nên phiêu tán, mất đất, ngày càng bị bần cùng hoá, họ không có ruộng đất hoặc có rất ít buộc phải làm thuê cấy rẽ cho địa chủ. Cũng trong bối cảnh đó, do tác động của nhiều yếu tố, tỷ lệ ruộng đất công tăng lên đáng kể, điều đó phản ánh quá trình tư hữu hoá ruộng đất diễn ra trong lịch sử Việt Nam hết sức chậm chạp và khó khăn.
Chú thích:
(1) Trần Văn Giàu, Giai cấp công nhân Việt Nam, tập I, (xuất bản lần III), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1961, tr.130.
(2) Trần Văn Giàu, Sđd
(3) Nguyễn Văn Khánh , Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.39-40
(4) Theo tác giả Phan Văn Liên trong cuốn Giao thông vận tải Việt Nam giai đoạn (1858-1957), Nxb Giao thông vận tải, 1988, tr.158, 197, 271 thì tính đến năm 1928, ở Việt Nam đó xây dựng được 2.395 km đường sắt. Hệ thống đường bộ so với thời kỳ trước đó cũng khá phát triển. Chẳng hạn tổng chiều dài đường rải đá hoặc đắp đất năm 1920 đó có 18.645km. Năm 1930, có 24.664km (trong đó 14.442km rải nhựa, 1.106km rải đá). Năm 1943, có 34.903km (trong đó 5.618km rỉa nhựa, 24.013km rải đá).
(5) Theo Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Cơ cấu kinh tế xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.12
(6) Trần Văn Giàu, Sđd, tr.133
(7) Nguyễn Văn Khánh, Sđd, tr.53
(8) Trần Văn Giàu, Sđd, tr.180
(9) Nguyễn Văn Khánh, Sđd, tr.82-83
(10) Phạm Thành Vinh, Kinh tế miền Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1957, tr.9
(11) Nguyễn Văn Khánh, Sđd, tr.83
(12) Trần Văn Giàu, Sđd, tr.180
(13) Trần Văn Giàu, Sđd, tr.135
(14) Nguyễn Đình Đầu, Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh, Hội sử học Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr.184-185
(15) Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập I, Nxb Khoa học xã hội, 1977, tr.80
(16) Theo Nguyễn Văn Khánh, Sđd, tr.84. Đây là số liệu được tính toán trên diện rộng. Còn theo như nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì tỷ lệ ruộng đất công ở miền Nam là 25%; theo Nguyễn Kiến Giang thì tỷ lệ trên có chênh lệch, ở miền Bắc ruộng công là 20%, Trung bộ là 25%, Nam bộ 3%. Còn Trần Văn Giàu, Sđd, tr.181-184 thì miền Bắc có 233.745 ha công điền tương đương với 21%.