Vài kỷ niệm về nhà thơ Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân
Tôi quen Ca Lê Hiến vào mùa đông năm 1962. Lúc ấy anh về trường học sinh miền Nam số 24 để dự hội trường hàng năm. Vốn say mê thơ anh, nhất là hai bài Nhớ mưa quê hươngvà Đọc thơ Đồ Chiểu, chúng tôi những học sinh lớp 10, yêu văn học vây lấy anh hỏi chuyện. Tôi khoe với anh năm ngoái tôi có hai bài thơ được đăng ở báo Văn học(nay là báo Văn nghệ). Anh hỏi:
- Em định thi vào trường nào?
Tôi đáp ngay:
- Em sẽ thi vào tổng hợp văn.
Anh nói nhỏ nhẹ như tính anh vẫn thế, sau này tôi được biết:
- Hồi học sinh, anh học văn rất giỏi, luôn luôn được 9 điểm rưỡi vì các thầy không cho 10. Anh cũng muốn thi Tổng hợp văn. Nhưng một hôm, bác Trần Văn Giàu đến nhà chơi với ba anh (bác Ca Văn Thỉnh - TQ) bác khuyên anh nên đi học sử. Học sử sẽ nắm được sâu về quá khứ dân tộc để có cái khung cho mình dựng những bộ tiểu thuyết lớn như Chiến tranh và Hoà bìnhcủa Lép Tônxtôi chẳng hạn. Ở bộ môn sử, sinh viên còn được học nhiều giờ triết hơn văn. Mà triết học là cái cốt của văn học.
Nghe theo anh, giữa năm 1963 tôi xin thi vào Tổng hợp sử. Vào trường, không ngờ được học anh Ca Lê Hiến. Anh dạy chương: " Lịch sử văn hoá Hy La". Chính nhờ có sự quen biết cũ nên ở trường, tình thày trò tình anh em chúng tôi càng phát triển.
Ca Lê Hiến là một người đẹp trai, dong dỏng cao, có đôi mắt xám mơ màng và bộ tóc dày với những cuộn xoăn trước trán rất đẹp. Anh lại lành tính, lúc nào cũng mỉm cười. Có lần, anh bất ngờ xuống tìm tôi để đưa xem một bài thơ của anh, thấy tôi đang cãi lộn với một người bạn cùng lớp vì anh này vô tình làm bẩn áo tôi, anh Hiến dắt tay tôi ra một góc nhà:
- Thôi mà, thôi mà, em phải để tâm sức cho những việc như làm thơ chẳng hạn.
Một lần, tôi nhờ anh đưa một bài thơ cho nhà thơ Bảo Định Giang lúc ấy đang làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Khi anh về tôi hỏi:
- Ổng nói sao?
- Ổng chỉ cười.
Tôi nói:
- Ổng có một câu ca dao ai cũng nhớ.
Anh Hiến cười:
- Có một câu ca dao hay cũng quý lắm rồi, mình phải trọng từng đóng góp nhỏ của từng người em à.
Hồi ấy, khoa văn và khoa sử trường Đại học Tổng hợp ở gần chùa Láng. Anh Hiến cũng ở trong một phòng nhỏ khu tập thể các giảng viên. Tới tối thứ bảy anh mới về nhà ở phố Hàng Bột (nay là đường Tôn Đức Thắng) Hà Nội. Có một lần, anh dẫn tôi đến khu nhà tập thể ấy chơi. Ở cửa ra vào của căn hộ có ghi tên những người chủ:
Ca Lê Hồng / Ca Lê Thuần / Ca Lê Thắng / Ca Lê Hiến / Ca Lê Dân
Chị Ca Lê Hồng vốn là một diễn viên nổi tiếng của đoàn cải lương Nam Bộ. Sau này, khi anh Ca Lê Hiến đi "B", tôi có đến gặp chị xin một cái ảnh để ghép vào bài giới thiệu tập thơ Tiếng gà gáydo Hồng Tân, một nhà phê bình trẻ tuổi viết. Chị Hồng rất dịu dàng và vui vẻ. Anh Ca Lê Thuần lúc đó học nhạc ở Liên Xô vừa về. Hôm tôi đến thấy anh đang hôn một cô gái. Anh Hiến nói nhỏ: "Người yêu của ảnh". Anh có vẻ nghiêm nên tôi không dám gần. Ca Lê Thắng lúc đó chừng mười lăm tuổi, nhỏ hơn tôi bốn tuổi, đang học trung cấp mỹ thuật. Tôi chưa gặp anh Ca Lê Dân. Anh Hiến giải thích ba anh họ Ca, mẹ anh họ Lê, nên anh chị em của anh đều ghép hai họ ấy thành Ca Lê mở đầu rồi đến tên. Quê quán anh ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, nhưng anh được sinh ra tại Đà Lạt, thành phố đầy thông và những vườn hoa mà sau này anh bồi hồi nhớ lại trong bài thơ Em đẹp nhất.Cũng phải nói thêm rằng, anh cùng quê với anh hùng Nguyễn Văn Tư, người dùng ong vò vẽ đánh địch mà trong Đại hội Anh hùng các lực lượng vũ trang miền Nam lần thứ nhất, năm 1965 anh được phân công viết…
Gian phòng rộng chừng 36 mét vuông, đặt mấy cái gường và một cái bàn. Có lẽ đó là nơi anh em trong nhà gặp nhau ngày nghỉ chứ chẳng ai ở. Ba má anh Hiến đang ở Nông Pênh. Cụ làm đại diện lâm thời đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Vào ngày tôi, Hồng Tân, Prékimalamak, Từ Quốc Hoài tiễn anh Hiến về Nam, liên hoan ở nhà hàng Phú Gia xong thì về đây nghỉ. Dạo đó, chúng tôi chưa biết uống bia rượu nên mỗi đứa uống có một chai Trúc Bạch đã ngà ngà say. Lúc ấy có tiếng gõ cửa. Anh Hiến đứng dậy mở cửa. Tôi nghe anh gọi "Ba". Một cụ già quắc thước hiện ra: "Bác vừa đi với ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia về đây. Bác nghe nói Hiến sắp đi "B". Má Hiến gửi cho Hiến một cái đài bán dẫn để nghe tin tức". Tôi nghe nói, mãi sau này, cho tới hy sinh, anh Hiến vẫn mang theo cái đài này. Bác Ca Văn Thỉnh mở một bao Côtáp mời chúng tôi. Ở miền Bắc lúc ấy, Côtáp là thứ vô cùng hiếm. Sau đó, bác hỏi từng đứa đã in những tác phẩm gì. Tôi rất ngượng vỉ chỉ có mấy bài thơ đăng báo.
Vào cuối năm 1963, một buổi sáng tôi đang tập thể dục ở trước sân nhà thì thấy anh Hiến đứng ở đầu nhà anh, cười cười đưa tay ngoắt ngoắt. Lát sau tôi đến phòng anh, anh nói:
- Anh mới vừa làm xong một bài thơ, bài Gửi Bến Tre, viết về quê anh, anh xúc động lắm, em xem thử.
Anh đưa tôi một quyển sổ. Trong sổ có nhiều bài thơ của anh. Anh quen làm thơ trong sổ tay để khỏi bị lạc. Anh gọi đó là quyển "sổ lòng". Anh chỉ cho tôi bài thơ mới, đầy những chỗ gạch xoá. Tôi đọc…
- Bài thơ hay lắm.
- Thật không em - Mắt anh sáng lên.
- Rất thích là đằng khác.
Anh nói, giọng run run:
- Anh cũng thích lắm, mà cứ sợ mình làm rồi mình thích, nên đưa em xem thử. Em nói thế, anh rất mừng. Nhưng anh xem ra còn dài, để anh cắt bớt đã mới cho in báo.
Tôi nhớ đâu như bài thơ ấy được đăng trên số báo Văn nghệra ngày 20-12-1963. Sau này, khi về Nam, anh viết bài Trở về quê nôirất hay như là sự nối tiếp của bài thơ Gửi Bến Trevậy.
Tiếp đến, Ca Lê Hiến viết hàng loạt bài thơ Nhịp chày ba, Anh là con sông trước ngõ nhà em… Dạo đó những tin tức chiến thắng từ miền Nam dội ra cùng với Những lá thư từ tuyến đầu Tổ Quốclàm nức lòng chúng tôi. Ca Lê Hiến viết:
Muốn được theo em sớm chiều mưa nắng
Muốn được cùng em cầm súng giữ làng.
Tuổi thơ xưa anh thích hồ xanh lặng.
Nay lòng anh như thác trắng gầm vang.
Tôi nhớ một đêm ở tại Văn Miếu Hà Nội có tổ chức buổi đọc thơ về miền Nam. Chúng tôi bỏ cả cơm chiều, đi tàu điện ra chờ sớm để được ngồi gần các nhà thơ. Đêm đông người, chen chúc nhau, không khí thật sôi sục. Nhà thơ Thanh Tịnh dẫn chương trình. Nhà thơ Tố Hữu với giọng trầm ấm nghẹn ngào của xứ Huế đọc bài thơ Miền Nam. Khuya ấy chúng tôi đi bộ hàng chục cây số để về trường vì hết xe điện. Ca Lê Hiến có vẻ lặng lẽ suy nghĩ. Một lúc sau anh nói:
- Phải về Nam chiến đấu thôi. Thấy nôn nao quá rồi.
Một hôm, sau khi cho tôi xem mấy bài thơ mới làm, anh lại nói:
- Quế này, anh nhất định phải xin về Nam. Ở chiến trường chắc có ít thời gian để viết nên anh đang tập làm thơ cho nhanh.
Thế là, cứ vài buổi sáng, tôi lại đến phòng anh, đọc những bài thơ: Miền Nam, Thơ gửi anh. Anh cười:
- Bài Miền Namcó đoạn:
Dù em có đi trên đường đá lát
Mắt quen nhìn những phố chọc trời cao
Hay rừng phi lao rì rào tiếng nhạc
Vui với người yêu bên biển chiều êm hát
Em đừng quên con đường tới trường làng
Có hàng me xanh và dòng kênh đỏ
Đừng quên ngấn bùn trên chân em thuở nhỏ
Đừng quên đất mẹ miền Nam
Là anh viết cho chị Bùi Xuân Lan đấy. Lê là họ má anh. Lan Xuân là anh đổi ngược tên chị Xuân Lan đấy. Em chú ý đọc nhé. Ít năm nữa chị Lan về, em đón chị giùm anh nhé... (Nhưng khi vào Nam anh sửa là Lê Anh Xuân. Có lẽ anh dùng chữ "Anh" của Anh Đức).
Trước khi về Nam, Ca Lê Hiến đã tập hợp các bài thơ lẻ tẻ vào tập Tiếng gà gáyđưa cho nhà xuất bản Văn học. Hồi đó, anh em trẻ được in chung một tập hai, ba người là quý lắm rồi. Chỉ có Thái Giang in trường ca Gió từ cánh rừngvà Ca Lê Hiến in Tiếng gà gáylà riêng thôi. Tập thơ ấy có chừng 24 bài, in 400 quyển. Tôi đến lĩnh giùm nhuận bút đưa cho chị Hồng, được 400 đồng. Thời bấy giờ là mua được 1 tấn gạo. Tiếc rằng, không hiểu sao, những người biên tập lại loại bài Nhịp chày bamột bài thơ rất sinh động ra khỏi tập. Vì thế, sau này Ca Lê Hiến mãi mãi bị mất bài thơ ấy. Theo tôi, trong tập thơ có những bài vào loại hay nhất trong đời thơ anh: Nhớ mưa quê hương, Đọc thơ Đồ Chiểu, Gửi Bến Tre, Em đẹp nhất. Đó là tấm lòng của một người con mang nặng nỗi nhớ thương quê hương đang bị quân thù giày xéo. Đó là niềm mong ước thiết tha muốn được trở về cầm súng chiến đấu với đồng bào, đồng chí ruột thịt. Sau này Tiếng gà gáyđã hợp cùng với các tập Hoa dừa, Trường ca Nguyễn Văn Trỗiđể hoàn chỉnh khuôn mặt của Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, một nhà thơ, một chiến sĩ cách mạng.
Tôi nhớ đêm chia tay tại căn hộ của anh ở phố Hàng Bột anh đã nói:
- Mình đi, các cậu học xong rồi cũng nên đi Nam. Anh em miền Bắc xung phong vào quê mình chiến đấu ào ào còn tụi mình là người miền Nam mà không xin về quê hương chiến đấu là kỳ lắm, coi sao đặng...
Một năm sau, tôi được đọc bài thơ Về đi emcủa anh đăng trên báo ở miền Bắc. Bài thơ như lời nhắn gửi các bạn học sinh miền Nam, mong mỏi các bạn trở về quê hương chiến đấu.
Theo gương anh, tôi cũng xin trở về Nam