Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
Ngày 16/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Viện Nghiên cứu công nghệ hỗ trợ Nông nghiệp (Astri) và một số đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”.
Toàn cảnh hội thảo
TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN&MT Vusta và TS. Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các hội chuyên ngành toàn quốc, các tổ chức KH&CN trực thuộc, đại diện các Viện nghiên cứu, trường Đại học trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan báo chí, truyền thông.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN&MT Vusta cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Ước tính, mỗi năm, thiên tai đã làm thiệt hại cho nước ta hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dự báotrong những năm tới, BĐKH sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn so với trước đây. BÐKH có thể làm năng suất lúa vụ xuân giảm 0,41 tấn/hécta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất ngô giảm 0,44 tấn/hécta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050. Thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP vào năm 2030. Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thích ứng với BĐKH là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký VustavàTS Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc giađồng chủ trì hội thảo
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ mới (CNM) vào sản xuất nông nghiệp, cũng như tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới ngành nông nghiệp, Đảng ta đã có những định hướng đúng đắn nhằm phát triển NNCNC thích ứng với BĐKH trong văn kiện Đại hội XIII. Điểm mới xuyên suốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp là nhấn mạnh yếu tố KHCN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với BĐKH.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển NNCNC và có nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH. Một số công nghệ tiên tiến đã được nghiên cứu phát triển phục vụ sản xuất. CNC đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Cơ cấu nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Các giải pháp gắn phát triển nông nghiệp với BĐKH cũng đã được triển khai và đạt hiệu quả nhất định.
TS. Lê Công Lương – Tổng Thư ký Vusta cũng nhận định, nhận thức về phát triển NNCNC, về BĐKH hiện còn chưa thực sự đầy đủ và toàn diện; Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH còn thấp;Phát triển các khu, vùng NNCNC chưa tương xứng với dư địa hiện có; Cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi chuyển dịch chậm; Nhân lực ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các thành tựu KHCN mới; Năng lực thích ứng với BĐKH của ngành nông nghiệp chưa có bước cải thiện rõ rệt...
Nhằm phát huy vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ, kết nối các chuyên gia, các nhà khoa học với các doanh nghiệp nhằm phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại CMCN4.0, Vusta đã phối hợp với Viện Nghiên cứu hỗ trợ Nông nghiệp tổ chức Hội thảo và các tổ chức liên quan tổ chức hội thảo.
Các diễn giả của hội thảo: Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuỳ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và Đầu tư phát triển IC Group, chuyên gia về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bà Thuỳ chia sẻ về "Dự án INNSA: Chuyển đổi số và tích hợp công nghệ cao trong chuỗi giá trị và cung ứng cà phê Việt Nam"; TS. Tống Văn Hải – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ hỗ trợ nông nghiệp. TS. Hải chia sẻ về đề tài "Ruồi lính đen: Chìa khoá trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn"; TS. Trần Hồng Hải - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái nhân văn và Phát triển bền vững trình bày về "Công nghệ xanh: Giải pháp đột phá trong giảm phát thải carbon và ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam"; TS. Nguyễn Ngọc Thụy, Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia chia sẻ nội dung: Truy xuất nguồn gốc tích hợp kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất cà phê.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuỳ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và Đầu tư phát triển IC Group,
TS. Nguyễn Ngọc Thụy, Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia
TS.Tống Văn Hải – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ hỗ trợ nông nghiệp
Sau phần trình bày của các diễn giả các đại biểu đã tham gia trao đổi, thảo luận ý kiến tập trung vào các nội dung: Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nông nghiệp; Công nghệ sinh học và vai trò trong nông nghiệp bền vững; Nông nghiệp chính xác và tự động hóa; Blockchain và truy xuất nguồn gốc … Các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất như: Cần có sự kết hợp đồng bộ giữa chính sách, công nghệ và nguồn nhân lực để thúc đẩy nông nghiệp bền vững; Việc áp dụng công nghệ mới cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền và quy mô sản xuất; Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan: nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và nông dân; Việc phát triển nông nghiệp bền vững cần đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an ninh lương thực toàn cầu; Đề xuất các hướng đi tiếp theo trong việc ứng dụng công nghệ mới cho nông nghiệp bền vững tại Việt Nam; Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ, xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…
Bên cạnh đó một số đại biểu cũng đưa ra các đề xuất góp ý nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN của Vusta trong bối cảnh hiện nay; Nâng cao vai trò của Vusta trong việc tập hợp, kết nối các nhà khoa học hàng đầu ở tất cả các lĩnh vực, các độ tuổi …
Theo TS Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia, hội thảo đã tạo một diễn đàn cho các chuyên gia, nhà khoa học nhiều thế hệ, từ nhiều lĩnh vực, đơn vị khác nhau đã cùng nhau trao đổi, phản biện, học hỏi lẫn nhau về chuyển dịch xanh, chuyển đổi xanh, phát triển nông nghiệp bền vững.
ÔngĐặng Huy Đông Viện trưởngViện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển phát biểu
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và sâu sắc tại hội thảo
Hội thảo “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu” đã thực sự tạo ra một diễn đàn cởi mở để các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp công nghệ mới nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Ý nghĩa của hội thảo được các đại biểu đánh giá cao bởi đã cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp Việt Nam; Thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; Đề xuất các chính sách và giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đồng thời gợi mở ra nhiều hướng đi trong thời gian tới của Vusta và các đơn vị thành viên cùng các đơn vị hợp tác, mở ra những hướng nghiên cứu KH&CN mới cần sự góp ý trong thời gian tới từ các nhà khoa học.