Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 24/08/2005 14:56 (GMT+7)

Tục ăn đất nhìn từ góc độ địa chất học

Theo số liệu điều tra 285 học sinh Kenya thì có đến 73% em nghiện đất, còn ở phụ nữ mang thai thì tỷ lệ đó là 154/275(56%). Tục ăn đất ở châu Phi đang là một vấn đề được quan tâm đặc biệt, được đề cập ở nhiều cuộc Hội thảo về Địa chất y học. Hội thảo khu vực miền Đông và Nam Phi về Địa chất Y học lần thứ 1 tại Nairobi (Kenya) năm 1999, Hội thảo về sức khỏe và môi trường địa hóa tại Uppsala (Thụy Điển) năm 2000, Hội thảo khoa học khu vực miền Nam và Đông Phi về Địa chất Y học lần thứ 2 tại Lusaka (Namibia) năm 2001.v.v… đều có tiểu ban chuyên đề về “Geophagy” (tục ăn đất).

Ở châu Mỹ, tục ăn đất đã có ở một số bộ lạc thổ dân trước khi miền đất này được Columbo phát hiện. Đến khi những người nô lệ châu Phi được đưa sang đây để phục vụ cho công việc khai phá Tân Thế giới của người da trắng thì tập tục này càng phổ biến do dân nô lệ nhập cư truyền bá.

Về tục ăn đất của thổ dân châu Mỹ, ở Venezuela, có bộ tộc Otomac sống dọc theo con sông Orinoco chỉ biết dùng cung bắn cá trong mùa nước cạn làm nguồn thức ăn. Nhưng về mùa nước lũ thường kéo dài 2-3 tháng không săn bắn cá được, họ chỉ biết lấy đất viên thành hòn làm thức ăn mà vẫn sống bình thường ( Khoa học ngày naysố 24,1/9-15/9/2002).

Ở châu Âu, tục ăn đất cũng khá phổ biến ở một số vùng. Như ở Anh, theo điều tra, có khoảng 3.000 phụ nữ thú nhận là họ đã ăn gạch và ăn đất vì quá thèm khi thai nghén ( Thế giới mới số 483,22/4/2002) Ở đấy người ta phải nhập khẩu đất ăn từ Bengal (Ấn Độ) chế biến thành thỏi gọi là “Sikor” bán cho phụ nữ và trẻ em. Ở Đức, cũng thấy bày bán các loại “đất chữa bệnh” (Healing Soil) trong các cửa hàng.

Ở châu Á, hiện có rất ít tài liệu công bố về tục ăn đất nhưng chắc chắn không phải là hiếm, trước hết là ở Việt Nam và Trung Quốc. Như báo Khoa học và Đời sống số 11 (1433) ra ngày 25/02/2002đã kể một chuyện lý thú dẫn từ Nhân dân nhật báo Trung Quốc 12/2001như sau: “Ở thôn Nhân Tứ, huyện Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc có chị Hoành Bố Hương, vợ anh Bành Tùng Bách từ bé rất hay ốm yếu, năm lên 3 tuổi có lần bị hôn mê 3 ngày liền không ăn uống gì, khi tỉnh lại thì không nói được. Vào ngày cuối tháng 10/1994, khi anh Bách đi làm về bắt gặp chị Hương đang ăn bánh. Lúc đó chị Hương tỏ ra lúng túng đánh rơi thức ăn ra bếp. Thấy lạ anh nhặt lên xem thì ra đó là bánh làm từ…đất sét! Anh hỏi chị tại sao lại ăn như vậy, chị chỉ khóc. Cho là vợ bị thần kinh, anh động viên chị đi khám bệnh nhưng chị không đi. Sự việc cứ tiếp diễn. Lạ thay sức khỏe của chị ngày càng tốt hơn. Anh chồng nghĩ đó là do nhu cầu của cơ thể nên để cho chị ăn “bánh đất” thoải mái. Từ đất chị nặn thành bánh rồi phơi khô, nướng lên để ăn thay cơm, có ngày ăn tới 1kg. Sau 3 tháng chị mới trở lại ăn cơm và ăn rất nhiều, người trở nên khỏe mạnh, hoạt bát. Đất chị ăn là đất hoàng thổ, không ăn các loại đất khác và ăn nhiều vào mùa đông (2-3 tháng liền), mùa hè hay lúc thời tiết nóng thì ăn ít hơn. Điều đặc biệt là mỗi khi cơ thể mệt mỏi hay ốm yếu là chị chỉ cần ăn một ít đất là lại khỏi bệnh”.

Thói quen ăn đất cũng thấy ở một số loài động vật. Ở Rwanda, có giống khỉ Gorila rất thích ăn loại đất sét trông giống caolin. Còn giống hắc tinh tinh lại ưa món “đặc sản” đất ụ mối. Ở Mount Elgun, trên biên giới Kenya - Uganda có mỏ calcit-zeolit là khoáng vật được nhiều loài thú ưa thích, đặc biệt là voi Châu Phi. Loài voi này thường đến đào bới đất đá để ăn, lâu ngày tạo thành hang ngầm dưới đất. Người ta còn thấy có những con voi ngà bị mòn vẹt do đào bới đất lâu ngày. Hươu nai cũng hay kéo đến tham gia công cuộc “đào mỏ” lấy đất đá làm thực phẩm. Những loài thú nhỏ không có đủ sức đào bới thì ăn những chất bài tiết của các loài thú lớn, có lẽ không “thơm ngon” gì nhưng cũng rất giàu khoáng chất cần thiết. Người ta cũng thường thấy một số loài thú hoang hay đến uống nước và liếm đất ở những nguồn nước khoáng có độ khoáng chất cao.

Những điều trình bày trên đây cho thấy tục ăn đất ở nước ta không phải là cá biệt mà là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới và cũng không phải là chỉ riêng loài người mới có mà là thói quen chung của nhiều loài động vật. Vậy đâu là nguyên nhân hình thành tập tục có vẻ không bình thường đó?

Tục ăn đất nhìn từ góc độ địa chất học

Các cụ già ăn đất thật ngon lành
Các cụ già ăn đất thật ngon lành
Ta biết rằng để tồn tại và phát triển, cơ thể người và động vật phải được cung cấp thường xuyên những chất dinh dưỡng, trong đó có muối khoáng và các yếu tố vi lượng (chất dinh dưỡng vô cơ),tuy rất ít nhưng có vai trò cực kỳ quan trọng. Thiếu chúng, cơ thể sẽ bị suy dinh dưỡng, có thể phát sinh bệnh tật và tử vong. Thí dụ thiếu sắt dẫn đến thiếu máu; iốt- bệnh biếu cổ và đần độn; thiếufluor-bệnh sún răng, xốp xương…

Muối khoáng thường tồn tại trong đất đá với hàm lượng khác nhau tùy theo vùng địa lý. Chúng được cây cỏ hấp thụ. Nơi nào đất đá chứa nhiều nguyên tố muối khoáng và vi lượng thì cây cỏ ở đó cũng giàu những chất này và ngược lại. Các chất dinh dưỡng vô cơ đi vào cơ thể theo các loại thức ăn có nguồn gốc thức vật (ngũ cốc, rau quả…) và nguồn gốc động vật (thịt cá, trứng sữa…). Như vậy giữa cơ thể người và động vật, thức vật trong tự nhiên hình thành một chuỗi dinh dưỡng liên tục, nếu bị gián đoạn, chẳng hạn bị ngừng cung cấp một số nguyên tố thiết yếu thì ắt phát sinh bệnh tật. Lúc đó cơ thể người và động vật tự nhiên bỗng thèm khát một cách lạ lùng một thức ăn nào đó như lá cây, gạch ngói, than gỗ… buộc phải tìm ăn cho được, trong ngôn ngữ dân gian gọi đó là chứng “ăn dở” (pica) mà ta thường thấy ở những phụ nữ trong thời kỳ thai nghén. Hoặc chúng ta cũng từng nghe trong thời kỳ kháng chiến gian khổ, bộ đội ta hoạt động ở miền rừng núi thiếu muối đến nỗi mờ mắt, chân tay bủn rủn không sao leo dốc nổi, buộc phải đốt cỏ gianh lấy tro ăn. Tuy hàm lượng muối trong đó chẳng có là bao nhưng cũng bớt được phần nào cơn đói muối.

Trở lại chuyện ăn đất, các nhà khoa học trên thế giới cũng như ở nước ta đã có lời giải thích là “do cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng”. Các nhà khoa học trên thế giới còn nhắc đến một số nguyên nhân khác, chẳng hạn:

-Ăn đất trong thời kỳ đói kém, từng rất phổ biến trên thế giới, để có cảm giác no;

- Ăn đất để tiêu độc, giải độc, chẳng hạn chất độc từ khoai tây;

- Ăn đất như một loại thuốc. Có lẽ đất là loại thuốc cổ xưa nhất trên thế giới cho đến nay vẫn còn được sử dụng để trị chứng đau bụng, kháng lại một số độc chất chẳng hạn như các loại thuốc diệt cỏ;

- PAN>Ăn đất để giải tỏa một số căng thẳng về thần kinh, về tâm sinh lý…

Tuy nhiên, xem ra việc giải thích tục ăn đất gắn liền với sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trên phông địa hóa địa phương là có cơ sở hơn cả. Để chứng minh, các nhà khoa học đã lấy một số mẫu đất ăn gửi đi phân tích. Kết quả cho thấy trong đó có nhiều oxit sắt, canxi, kali, photpho, kẽm.v.v… là những khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Tuy số liệu còn nghèo nàn và chưa có nhiều nghiên cứu sâu về dịch tễ học, dinh dưỡng học cũng như địa chất y học liên quan đến chứng nghiện đất nhưng dựa theo các kết quả nghiên cứu nước ngoài có thể xem nhận định trên là có căn cứ khoa học và là cơ sở định hướng cho việc nghiên cứu tiếp theo.

Thực tế thì trong y học, người ta đã sản xuất ra một số loại thuốc, thức chất là các loại đất tinh chế, chẳng hạn như bicana (bicarbonat natri), alusi (aliminosilicat) v.v… để tăng cường sức khỏe và chữa bệnh.

Trong chăn nuôi, để đáp ứng nhu cầu “ăn đất” của gia súc, người ta thường đặt trong trang trại hay ngoài đồng cỏ nhiều cục “muối liếm” (salt-lick) là những khối khoáng chất tự nhiên hay sản phẩm pha chế có nhiều vi chất dinh dưỡng mà thức ăn gia súc thiếu hụt, để gia súc liếm hàng ngày, nhờ đó mà mau lớn, khỏe mạnh, cho sản lượng cao.

Tóm lại, về tác động tích cực của muối khoáng và vi chất dinh dưỡng thì khoa học ngày nay đã khẳng định về mặt nguyên lý nhưng về chi tiết thì còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục tìm hiểu như đặc điểm địa hóa, địa sinh thái, địa y học, dịch tễ học, độc học.v.v…

Tuy nhiên cũng nên hiểu khái niệm “vi chất dinh dưỡng” một cách tương đối, bởi vì cùng một nguyên tố, có khi là chất dinh dưỡng, có khi lại là chất độc hại tùy thuộc vào cách sử dụng và hàm lượng hấp thụ. Ví dụ rõ nhất là tính chất “con dao hai lưỡi” của nguyên tố fluor mà mọi người đều biết đến.

Hơn nữa, khi đánh giá tác dụng của việc ăn đất, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng đất ăn đồng thời cũng có thể đưa vào cơ thể những chất độc hại như As, Hg, Pb, Cd, U.v.v… và nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, nhất là ngày nay, khi môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi đủ loại rác thải, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.v.v… thì khó tìm được một miếng đất nào an toàn tuyệt đối để chế biến thành “thức ăn”. Đó là chưa kể đến việc ăn đất thường xuyên còn nhanh chóng làm mòn răng.

Vì vậy, không nên khuyến khích việc sử dụng trực tiếp đất tự nhiên và cũng không nên dùng “đại trà” cho mọi người. Ngược lại, nên sử dụng có chọn lọc theo nguyên tắc: thiếu chất gì bổ sung chất ấy, thiếu nhiều dùng nhiều, thiếu ít dùng ít và phải qua chế biến để loại trừ các chất độc hại. Muốn làm được như vậy phải có sự can thiệp của khoa học.

Cũng không nên hiểu vấn đề ăn đất một cách đơn giản rằng địa phương nào có môi trường địa chất (và theo đó thức ăn nước uống) không đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể người thì ắt địa phương đó có tục ăn đất. bởi vì tục ăn đất, theo chúng tôi, ngoài nguyên nhân môi trường tự nhiên còn có nguyên nhân xã hội - nhân văn, trong đó bao gồm các khía cạnh kinh tế, lịch sử, phong tục, tôn giáo, tâm linh v.v… đòi hỏi khi nghiên cứu phải có cái nhìn và cách đánh giá toàn diện. Chẳng hạn những người da đen châu Phi bị đem sang Tân Thế Giới, họ vẫn ăn đất theo phong tục tổ tiên, có thể không đơn thuần là do nhu cầu dinh dưỡng mà còn ấp ủ niềm tin rằng khi ăn một miếng đất (có lẽ mang theo từ quê hương) gọi là “tierra santa” (đất thiêng) thì họ đã gìn giữ trong bụng một chút hình hài của đất mẹ để khi chết linh hồn sẽ được mẹ dẫn dắt trở về cố quốc Phi châu. Còn tục ăn đất ở Việt Nam thì có lẽ bắt đầu từ phong tục“việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”lưu truyền qua hàng nghìn năm từ thuở Hùng vương dựng nước (có lẽ vì thế mà tập tục còn lưu truyền đến ngày nay một cách nguyên bản ở miền đất tổ, như ý kiến của các nhà sử học).

Trên đây là một số suy nghĩ về tục ăn đất nhìn từ góc độ địa chất học. Còn nhiều vấn đề khác thuộc các ngành khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội và nhân văn cần được nghiên cứu một cách đầy đủ hơn.

Về phương hướng nghiên cứu sắp tới

Có thể khẳng định rằng tục ăn đất là một trong những đối tượng nghiên cứu của Địa chất y học, một chuyên ngành của Khoa học Địa chất. Tuy ra đời đã lâu nhưng ngay cả trên thế giới địa chất y học cũng mới trở thành một chuyên ngành thực sự “nóng” chỉ trong vài năm trở lại đây, khi con người quan tâm nhiều hơn đến môi trường và mối quan hệ qua lại, nhân quả giữa môi trường với chính bản thân họ, sức khỏe của họ.

Trong nhiều năm qua, mặc dù địa chất y học cũng chưa khi nào trở thành một chuyên ngành độc lập của địa chất học, ở nước ta cũng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu của các nhà địa chất về đối tượng này.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, đa ngành hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học, các nhà địa chất Việt Nam đang hết sức cố gắng phát triển chuyên ngành Địa chất Y học tiến tới một chương trình tổng thể ở quy mô toàn quốc. Và tục ăn đất chắc chắn sẽ là một trong những đối tượng được quan tâm nghiên cứu đầu tiên.

Mối quan hệ giữa các nhà sử học, dân tộc học, y học v.v… và địa chất học ở nước ta từ lâu đã đước thiết lập và đạt được nhiều kết quả tốt. Riêng đối với tục ăn đất có thể thấy rõ triển vọng giải quyết trên cơ sở tiếp tục và mở rộng truyền thống hợp tác đó. Chẳng hạn các nhà khoa học nhiều chuyên ngành có thể cùng đề xuất và thực hiện một chương trình, một đề tài nghiên cứu khoa học về tục ăn đất, hoàn toàn có thể do các nhà khoa học của Trung tâm tiền sử Đông Nam Á chủ trì. Các nhà địa chất với chuyên môn của mình có thể xem xét các khía cạnh địa chất, môi trường, địa hóa, sinh thái liên quan tới tục ăn đất, với các nội dung chủ yếu như:

- Khảo sát thực địa, lấy và phân tích mẫu (đất đá, nước, thực vật, lương thực, thực phẩm), tổng hợp, xử lý tài liệu và lập bản đồ địa sinh thái, địa hóa môi trường những địa phương có tục ăn đất.

- Nghiên cứu thành phần thạch học, hóa học, khoáng vật học, các loại đất được sử dụng để ăn, hiện tại và những di chỉ khảo cổ

- Tham gia cùng với các nhà sử học, dân tộc học, y học tìm hiểu đặc điểm của những người nghiện đất về giới tính, lứa tuổi, dân tộc, mức sống, trạng thái sức khỏe, bệnh tật, tập tục sinh họat, các loại lương thực, thực phẩm chủ yếu và chế độ dinh dưỡng v.v… và so sánh với những người không ăn đất trong vùng.

- Dựa trên những kết quả nghiên cứu giải thích mối liên quan giữa môi trường địa chất - địa hóa với sức khỏe, bệnh tật và ảnh hưởng của tục ăn đất đến cơ thể người và động vật. Từ đó xác định nhận thực khoa học đúng đắn về tập tục này để đề xuất với các cơ quan chức năng có chủ trương thích hợp trong công tác quản lý về mặt văn hóa xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng.

- Tục ăn đất là một hiện tượng phức tạp và nhạy cảm. Nó vừa là đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội, vừa là đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên và có liên quan tới nhiều ngành. Vì vậy để đánh giá đúng bản chất của nó phải có cái nhìn toàn dịên và việc nghiên cứu nó phải có sự tham gia của nhiều lĩnh vực khoa học. Về mặt địa chất học, hiện tượng ăn đất đã được nhiều nhà khoa học giải thích là do cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng, đòi hỏi phải bổ sung để phát triển và duy trì sự sống. Nhận định đó có cơ sở khoa học song cũng có trường hợp không thấy rõ mối quan hệ nhân quả giữa hai hiện tượng, tức là sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng chưa phải là tác nhân duy nhất gây ra sự thèm đất mà còn có thể do các căn nguyên khác, trong đó có các yếu tốc phong tục - tập quán, tín ngưỡng – tâm linh. Vậy đâu là nguyên nhân, bản chất của tục ăn đất và ảnh hưởng của nó đến văn hóa xã hội và sức khỏe cộng đồng như thế nào? Câu hỏi đang chờ sự trả lời của các nhà khoa học. Vì lẽ đó, một đề tài nghiên cứu khoa học về tục ăn đất ở Việt Nam, đước thực hiện một cách độc lập hoặc trong khuôn khổ một chương trình cụ thể về địa chất y học chắc chắn là rất cần thiết, rất kịp thời, vừa có ý nghĩa khoa học lại vừa có ý nghĩa thực tiễn lớn.

Nguồn: Xưa& Nay số 239 tháng 7/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.
Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phó Chủ tịch VUSTA được trao tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3
Chiều ngày 22/12/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể cơ quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
An Giang: Tổng kết nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày 30/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Hội nghị tập trung đánh giá hoạt động năm 2024, thống nhất bổ sung hội viên mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.