Từ “vườn ươm Hà Nội” trở thành nhà khoa học tài năng
Tờ Physics World, tờ tạp chí hằng tháng của cộng đồng vật lý quốc tế, trong số tháng 6 - 2005, đã mời Đàm Thanh Sơn, một nhà vật lý hàng đầu (leading physicist), viết một bài đặc biệt (feature article) để lý giải vấn đề mới này. Đó là bài Liquid Universe Hints at Strings (Vũ trụ lỏng gặp lý thuyết dây) mà ta có thể dễ dàng tìm đọc qua Internet.
Điều đáng mừng là một số tạp chí thông tin khoa học ở nước ta như tờ Vật lý ngày nay của Hội Vật lý Việt nam, tờ Hoạt động Khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã kịp thời đưa tin và đăng bài về sự kiện nói trên.
Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Bố Sơn là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; chú ruột là giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn. Thời thơ ấu và tuổi học sinh, Sơn sống trong ngôi nhà nhỏ của bố mẹ ở phố Huế, chênh chếch phía dưới chợ Hôm.
Mùa hè năm 1984, Đàm Thanh Sơn đoạt huy chương vàng với số điểm tuyệt đối tại Olympic toán quốc tế ở Prague. Ngay từ năm ấy, tức là cách đây 21 năm, tôi đã tìm gặp thầy giáo Đinh Văn Thành ở Trường cấp I - II Bà Triệu để hỏi chuyện về Sơn, rồi ghi lại – không tuỳ tiện thêm thắt - lời kể của người thầy giáo ấy:
“Dạo đó tôi làm hiệu trưởng trường này - thầy Thành kể. Vào một buổi sáng đầu năm học mới, tôi đang ngồi làm việc tại văn phòng, bỗng cô giáo Lan Anh dạy lớp 2C (tương đương lớp 3 hiện nay) bước vào:
- Báo cáo các bác, ở lớp cháu có một em học sinh rất mê toán và có năng khiếu toán đặc biệt.
Năm đó cô Lan Anh còn trẻ lắm, chưa lấy chồng, còn tôi thì đã ngót nghét sáu mươi, cho nên khi nói chuyện, cô vẫn quen xưng hô “bác, cháu” như trong gia đình.
- Lan Anh hãy cứ chịu khó theo dõi, bồi dưỡng, bao giờ quận mở kỳ thi học sinh giỏi ta sẽ cử em ấy đi thi.
- Nhưng, thưa bác, đây là một em có năng khiếu đặc biệt, rất lạ cơ! Khi cháu ra đề toán số học, em ấy giải bằng phương pháp đại số!
- Lạ nhỉ? Lan Anh cứ thử kiểm tra xem em ấy đạt trình độ toán lớp mấy rồi?
- Thưa bác, lớp 10 rồi ạ (tương đương lớp 12 hiện nay).
- Thế thì ngay chiều nay Lan Anh hãy đưa em ấy đến văn phòng gặp tôi. Nhớ mời thêm cả ông bố nữa nhé!
Ngay chiều hôm đó Lan Anh dẫn Đàm Thanh Sơn đến. Bố Sơn, nhà dược học Đàm Trung Bảo cùng đi với con trai.
Tôi giao Sơn cho cô giáo Trần Thuý Huệ, tổ trưởng tổ khoa học tự nhiên của trường, nhờ cô Huệ kiểm tra trình độ kiến thức của Sơn. Còn tôi thì ngồi hỏi chuyện ông bố:
- Ở nhà hai bác chắc là thường xuyên kèm cặp em Sơn học toán?
- Thưa thầy, đâu có! Tôi vừa đi công tác ở Bulgaria mới về. Nhà tôi là một dược sĩ, không có thì giờ và cũng chẳng còn nhớ hết kiến thức toán sơ cấp để mà kèm cặp cháu Sơn. Chỉ có đôi lúc chị cháu…
- Chị gái của Sơn chắc phải giỏi toán lắm?
- Không đâu! Cháu Bích Thuỷ chỉ có khiếu về văn.
- Bác đặt tên cho hai cháu là Bích Thuỷ, Thanh Sơn có ý nghĩa lắm. Vậy cháu Thanh Sơn học toán bằng cách nào?
- Cháu nó mày mò tự học từ lúc nào tôi cũng không biết nữa! Có thể là từ sau khi tôi đi Bulgaria, cách đây gần một năm. Nghe kể, cháu làm quen với mấy anh học cấp II bên nhà hàng xóm, mượn sách toán về làm. Rồi cháu lén đọc sách toán cấp III của chị cháu. Tôi nói “lén” bởi vì cháu thường đọc vào lúc cả nhà đi vắng. Nhà tôi và tôi không muốn để cháu học quá nhiều, sợ cháu còi cọc… Nhưng rồi, gần đây, chị cháu rủ mấy cô cậu cùng lớp đến nhà ôn thi vào đại học. Cháu lân la nghe lỏm, rồi lấy từ túi áo ra một viên phấn, ngồi xổm thử làm bài ngay trên mảnh sân gạch sau nhà. Tôi chắc là kiến thức của cháu chưa vững! Chỉ “học lỏm” thôi mà! Biết cháu có năng khiếu toán, chúng tôi rất mừng nhưng không hề muốn nhồi nhét quá sớm vào bộ óc non nớt của cháu những điều chưa thật cần thiết. Cả nhà muốn cháu trước hết phải khoẻ cái đã, phải biết chạy nhảy chơi đùa, cười reo, đá bóng, hát véo von như bao đứa trẻ khác…
Ở cái bàn kê bên góc phải văn phòng, cô giáo Huệ đang ra mấy đề toán cho em Sơn làm thử trên giấy. Trước đó, cô đã đặt hàng loạt câu hỏi kiểm tra và Sơn trả lời bằng miệng khá trôi chảy.
Nghe lời đồn đại, nhiều thầy giáo, cô giáo kéo đến văn phòng, đứng vây quanh bàn, chăm chú theo dõi từng nét bút của em học sinh mà - theo lời cô Lan Anh - “có năng khiếu toán đặc biệt”. Em viết chậm (mới lên lớp 2, em làm sao có thể viết nhanh, viết thạo như các anh, chị cấp III). Nhưng lời giải toán của em thì thật gọn, đẹp, chính xác.
Lát sau cô Huệ bảo tôi:
- Thưa bác, kết quả kiểm tra cho thấy em Sơn nắm được kiến thức toán năm cuối cấp III, nhất là về môn đại số. Hiểu biết lý thuyết của em còn có một số lỗ hổng nhưng không nhiều lắm. Về hình học, em còn yếu, chưa biết một số định lý trong hình học không gian.
Tôi sung sướng bế em Sơn vào lòng, nhấc bổng em lên. Quay sang phía bố em, tôi nói:
- Bác thật hạnh phúc! Ngay ngày mai, chúng tôi sẽ viết báo cáo lên Sở Giáo dục về chuyện em Sơn.
Được sở và bố mẹ Sơn đồng ý, mấy ngày sau, cô Lan Anh gửi Sơn lên học toán ở lớp 7 (tương đương lớp 9 hiện nay) vào giờ cô Huệ dạy. Theo lời cô Huệ kể lại, Sơn làm các bài tập đại số rất nhanh, thường là xong trước các anh, chị trong lớp. Lời giải của Sơn thường gọn, đôi khi khác thường, không giống cách giải trong sách giáo khoa. Cô Huệ gọi em lên bảng. Vẫn thường ngồi xổm, cầm viên phấn làm toán ngay trên sân gạch sau nhà, chưa quen đứng viết bảng trên lớp, cho nên Sơn lúng ta lúng túng. Nhưng bài làm của em thì chặt chẽ, chính xác lắm. Có thể nói, về đại số, Sơn giỏi nhất lớp. Còn về hình học, em hơi kém một vài anh sắp học xong cấp II. Em nắm chưa chắc một số kiến thức cơ bản, nhưng sau buổi học, được cô Huệ giảng cho, em học rất nhanh…
Cuối năm Sơn học lớp 2C, nhận thấy việc học toán không đến nỗi làm cho em mệt nhọc, còi cọc, chúng tôi đề nghị và được Sở Giáo dục chấp thuận cho em Sơn vượt lớp 3 lên thẳng lớp 4 (tương đương lớp 6 hiện nay). Sau đó ít lâu, em chuyển sang học ở lớp phổ thông chuyên toán Trường Tô Hoàng B bên chân đê Đại Cồ Việt. Và rồi tôi về hưu…”.
Lên cấp III, Sơn thi đỗ vào khối Trung học phổ thông chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là trường chuyên đạt chất lượng cao nhất nước ta, về sau, được tặng Huân chương Độc lập và danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Nhiều tiến sĩ toán học như Phan Đức Chính, Lê Đình Thịnh, Nguyễn Vũ Lương cùng nhiều thầy giáo, cô giáo có tiếng như Phạm Văn Điều, Đỗ Thanh Sơn, Phạm Hùng, Đặng Thanh Hoa… giảng dạy tại đây. Có thể nói, đây là vườn ươm lý tưởng cho nhiều tại năng khoa học trẻ đoạt huy chương tại các Olympic toán quốc tế.
Năm 1984, mới 15 tuổi, lần đầu dự thi Olympic toán quốc tế ở Prague, Đàm Thanh Sơn đoạt huy chương vàng với số điểm tối đa, trở thành nhà vô địch tuyệt đối.
Ngay từ dạo ấy, giáo sư Tạ Quang Bửu, một vị giáo sư đầu ngành toán học ở nước ta, đã nhận xét: “Ngày càng có nhiều cháu mới 15 tuổi đã đoạt giải cao toán quốc tế. Sao các cháu giỏi thế, thông minh thế, sáng tạo thế!”.
Sau một năm học tiếng Nga tại Hà Nội, Đàm Thanh Sơn được gửi sang Matxcơva học tại Khoa Vật lý Đại học Lomonosov, trường đại học tổng hợp danh tiếng nhất Liên Xô thời ấy. Ngay từ khi còn nhỏ, Sơn đã mơ ước trở thành nhà vật lý lý thuyết. Và muốn thế, cần phải học toán thật giỏi. Có thể Sơn chịu ảnh hưởng từ người chú ruột, giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn.
Tốt nghiệp đại học vào loại xuất sắc, Đàm Thanh Sơn được chuyển tiếp viết luận án tiến sĩ. Giáo sư Valery Rubakov, người hướng dẫn anh, là một nhà vật lý nổi tiếng thế giới, giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Hạt nhân Matxcơva. Liên Xô sụp đổ, đồng rúp nhanh chóng mất giá, cuộc sống của những người hưởng lương trong đó có các nhà khoa học suy sụp khủng khiếp. Biết Sơn là một tài năng vật lý đầy triển vọng nhưng đang gặp khó khăn ghê gớm, từ Paris, giáo sư Trần Thanh Vân gửi thư sang khẩn thiết yêu cầu anh đừng vì quá túng thiếu mà bỏ khoa học đi buôn! Giáo sư tỏ ý sẵn sàng giúp Sơn về tài chính. Anh liền hỏi ý kiến bố mẹ ở Hà Nội. Cảm tạ tấm lòng tốt của bác Vân, nhưng bố mẹ Sơn cho biết gia đình còn có thể lo cho Sơn, chưa phải phiền đến bác.
Ngay từ cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn tại Hà Nội vào cuối năm 1993, giáo sư Trần Thanh Vân đã tài trợ kinh phí cho tiến sĩ Đàm Thanh Sơn, năm ấy mới 24 tuổi, từ Matxcơva trở về nước dự và trình bày báo cáo khoa học. Các cuộc gặp gỡ Việt Nam những lần sau đó vào những năm 1995, 1999, 2000 và 2004, theo tôi nhớ, Đàm Thanh Sơn dự rất đều, và nhiều lần được mời tham gia Ban Chương trình cùng các nhà bác học nổi tiếng thế giới. Được giáo sư Trần Thanh Vân giới thiệu, tôi gặp riêng giáo sư Valery Rubakov để hỏi về Sơn. Nhà vật lý người Nga này hết lời khen ngợi Sơn và cho biết chính ông đồng ý để Sơn sang Mỹ, nhằm giúp Sơn có điều kiện tốt hơn để phát triển tài năng mặc dù ông rất quý Sơn, muôn giữ anh ở lại Matxcơva.
Những năm đầu sang Mỹ, Đàm Thanh Sơn làm việc tại Đại học Colưmbia, New York, trong nhóm nghiên cứu của giáo sư Lý Chính Đạo. Ông Lý là một nhà bác học lừng danh, người Mỹ gốc Hoa, có tên tiếng Anh là Tsung-Dao-Lee, đã cùng chia sẻ giải thưởng Nobel về vật lý năm 1957 với một nhà bác học người Mỹ gốc Hoa khác là giáo sư Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang) do khám phá hiện tượng không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu, một khám phá gây chấn động lớn. Giờ đây giáo sư Lý tuổi đã xấp xỉ tám mươi. Ông rất mến nhà vật lý Việt Nam trẻ tuổi đầy tài năng, muốn giữ Sơn ở lại Columbia lâu dài. Nhưng rồi Sơn đành từ biệt ông để chuyển đến Đại học Washington ở Seattle bên bờ Thái Bình Dương, do nơi đây khí hậu dễ chịu hơn đối với một người vốn sinh ra ở vùng nhiệt đới như anh…
Tôi còn nhớ, ngay từ năm 1995, tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ hai Thành phố Hồ Chí Minh, khi trò chuyện với giới báo chí trong nước, giáo sư Trần Thanh Vân đã giới thiệu Đàm Thanh Sơn là “một nhà bác học trẻ”.
Nguồn: Diễn dàn trí thức, số 2, 10/2005