Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 21/07/2010 23:14 (GMT+7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quá trình xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam

1. Mở đầu

Nền văn hóa cổ truyền của người Việt Nam được xây dựng trên vùng địa văn hóa gió mùa nhiệt đới, bán đảo. Trong cái nôi phát sinh của loài người, người Việt đã trải qua con người bộ lạc, con người của các mường Đông Nam Á rồi đến con người làng xã định cư, trồng lúa nước. Trải qua các quá trình hoàn thiện các công cụ lao động từ nền văn hóa đá cũ, đá mới đến thời đồ đồng, người Việt đã nhảy xuống đồng bằng khai phá đất đai hoang dại, ẩm thấp, sình lầy, quần cư, từ đó hình thành nên các làng, bản giống như các cư dân Nam Á khác. Nền văn hóa cổ truyền của người Việt đã kết tinh nhiều giá trị tốt đẹp.

Chẳng hạn: Tinh thần yêu nước, chủ nghĩa thích ứng, tình cảm vị tha, đức tính hiếu học, cần cù, tiết kiệm và sáng tạo gắn chặt với cộng đồng làng xã là biểu tượng văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam . Trong nền văn hóa cổ truyền có sự phát triển ưu trội của các quan hệ đạo đức. Con người phải có bổn phận với cộng đồng trên là vua, dưới là làng là cha mẹ, anh em và gia đình. Thiện ác, các tư tưởng bình quân ngấm rất sâu vào văn hóa lao động, giao tiếp, gia đình và nhân cách mỗi người. Bản chất kinh tế - xã hội của nó thể hiện lợi ích cộng đồng. Cơ cấu của nó, như Hồ Chí Minh nhận dạng về chủ nghĩa Khổng Tử: làm cho “sự bình yên trong xã hội không bao giờ thay đổi” (Báo Ngọn lửa nhỏ - Liên Xô, số 39, ngày 23-12-1923).

2. Thực trạng nền văn hóa truyền thống VN trước Cách mạng Tháng Tám

Thực trạng nền văn hóa truyền thống Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có những biểu hiện sau:

2.1.Đó là một nền văn hóa theo chủ nghĩa dân tộc chật hẹp. Nền văn hóa truyền thống đã đạt được những giá trị yêu nước to lớn, song nó phát triển cạnh chủ nghĩa bành trướng Đại Hán nên cũng trở thành một chủ nghĩa Đại Việt hẹp hòi.

2.2. Đó là một nền văn hóa thiếu hụt một truyền thống khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Kết cấu giai cấp trong xã hội cổ truyền không những không có giai cấp đại biểu cho công nghiệp mà còn vắng bóng cả tầng lớp trí thức đại biểu cho khoa học. Kẻ sĩ trong xã hội truyền thống làm quan (văn, võ) thảo binh thư, quốc pháp, lúc bãi triều thường làm thầy đồ, thầy thuốc và thầy địa lý để dạy chữ, bốc thuốc chữa bệnh và trấn an tâm linh cho cộng đồng dân cư. Tư duy lý luận, các khái niệm khoa học, phương pháp khoa học chưa được coi trọng trong nền văn hóa truyền thống.

2.3.Nền văn hóa truyền thống của người Việt có hai dòng văn hóa rõ rệt. Dòng văn hóa dân gian, văn hóa đại chúng thường phản ánh các kinh nghiệm sản xuất, tình cảm yêu thiên nhiên, tình cảm trai gái, trữ tình. Nó không phải là những quan hệ, khuynh hướng văn hóa chính thống và ưu tiên của xã hội, còn nền văn hóa bác học thường chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Quốc.

2.4.Văn hóa Trung Hoa và các tư tưởng của hệ tư tưởng Nho-Phật-Lão ảnh hưởng rất mạnh trong văn hóa truyền thống Việt Nam . Các tư tưởng này chi phối thiết chế văn hóa lao động, văn hóa giao tiếp và các quan hệ khác, vừa ảnh hưởng lớn đến nhân cách làm người đặc biệt là nhân cách kẻ sĩ.

3. Sự vận dụng tư tưởng sáng tạo của Hồ Chí Minh trong xây dựng nền văn hoá mới

Năm 1943 với Đề cương về văn hóa Việt Nam của mình, Đảng Cộng sản ra tuyên ngôn cơ cấu lại nền văn hóa truyền thống theo tư tưởng mácxít. Nhấn mạnh các tư tưởng của Đảng Cộng sản thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ phương thức cơ cấu lại nền văn hóa truyền thống trong giai đoạn lịch sử mới của dân tộc. Như đã trình bày trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II, ngày 11-2-1951, Hồ Chí Minh viết rằng: “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Đây là tư tưởng văn hóa bao quát nhất của Hồ Chí Minh nhằm cải biến, cơ cấu lại nền văn hóa truyền thống Việt Nam trong giai đoạn cách mạng dân tộc – dân chủ.

3.1.Xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam , Hồ Chí Minh đã xuất phát từ một nguyên lý tư tưởng mới, trước hết là nguyên lý tư tưởng về truyền thống và hiện đại. Nền văn hóa mới phải kế tục những giá trị nội sinh của nền văn hóa truyền thống. Song nền văn hóa mới khác về chất so với nền văn hóa truyền thống, nó đồng thời phát triển những giá trị truyền thống và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ. Đó là nguyên lý tư tưởng quan trọng bậc nhất của các nước đang phát triển xây dựng nền văn hóa mới. Như đã trình bày, chủ nghĩa yêu nước truyền thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một giá trị quan trọng. Nó đã tạo nên khí phách kiên cường và chủ nghĩa anh hùng Việt Nam . Nó thử thách cái đẹp, cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, cái chính nghĩa, cái phi nghĩa. Tuy nhiên chủ nghĩa yêu nước truyền thống coi vấn đề dân tộc theo một thế giới quan “vị chủng”. Xây dựng nền văn hóa mới, tư tưởng biến nền văn hóa dân tộc thành “một bộ phận tinh thần quốc tế”, một mặt, mỗi dân tộc phải chăm lo tới sự phát triển toàn diện của mình, mặt khác nó phải xác lập được nguyên lý giao tiếp văn hóa bình đẳng trên nền tảng giá trị. Văn hóa Việt Nam vừa kết tinh bản sắc dân tộc, vừa gắn với các giá trị văn hóa loài người. Dưới ánh sáng tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, mấy chục năm qua văn hóa Việt Nam đã được cơ cấu lại theo định chuẩn tính dân tộc mới. Các thành tựu của nó to lớn và đáng tự hào. Từ một đất nước hơn 90% số dân mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào chống giặc dốt, đến nay 80%-90% số dân biết chữ. Sự tham gia của Hồ Chí Minh vào việc làm trong sáng tiếng Việt đã ngày càng làm hoàn thiện và nâng cao những giá trị văn hóa mới. Nền văn hóa mới có giao lưu quốc tế mở rộng. Hiệu ứng lịch sử có một quy luật rất nghiêm ngặt. Đó là quy luật phát triển tự nhiên nội sinh của các quá trình văn hóa. Nếu truyền thống không phát triển kịp các giá trị mới thì sự hấp thụ văn hóa sẽ gặp nhiều khó khăn và xuất hiện hai khuynh hướng trong nền văn hóa dân tộc: Khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng lai căng. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước và cảnh báo “phải tránh nguy cơ trở thành kẻ bắt chước”.

3.2.Để phát triển được các giá trị truyền thống, hấp thụ các cái mới, cơ cấu lại nền văn hóa Việt Nam, Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh coi việc xây dựng một hệ thống các giá trị khoa học trong đời sống xã hội có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Như đã trình bày, nền văn hóa truyền thống trong toàn cơ cấu của nó chưa được xây dựng trên nền tảng khoa học. Nền sản xuất nhỏ, tư duy kinh nghiệm chiếm vị trí ưu trội trong nền văn hóa ấy. Nước ta xây dựng nền văn hóa mới bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đã khẳng định tư tưởng khoa học hóa của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là có một ý nghĩa rất quan trọng. Quan điểm phát xít mới đã lợi dụng những thành quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nửa đầu thế kỷ XX, quốc tế hóa sự bóc lột giá trị thặng dư định áp đặt chủ nghĩa cực quyền lên các nền văn hóa của dân tộc lạc hậu bị chúng nô dịch. Để bù đắp sự thiếu hụt về các giá trị khoa học của nền văn hóa truyền thống Việt Nam và cơ cấu lại nền văn hóa đó, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng chỉ có khoa học mới đưa nền văn hóa Việt Nam bước vào thời đại mới. Chỉ có khoa học mới cải tạo được các phong tục tập quán lạc hậu. Chỉ có khoa học mới bắt kịp được nền văn minh thế giới. Một nền văn hóa dựa trên cơ sở khoa học là dựa vào chiếc kiềng ba chân của cái đúng, cái chân lý, đó là: 1) Quy luật khách quan, 2) Cơ cấu công nghệ và 3) Hành lang pháp luật. Thực chất nền văn hóa như vậy chưa từng có trong lịch sử dân tộc; bởi vì nó phải xây dựng một cơ cấu giai cấp mới, một nhà nước pháp quyền Việt Nam và một phương pháp tư duy biện chứng. Để thực hiện được quá trình khoa học văn hóa, Hồ Chí Minh đã xác lập một kế hoạch rất sâu rộng. Trước hết, Người đào tạo những chủ thể quản lý văn hóa có trình độ khoa học và xác lập một cơ cấu xã hội công-nông-trí. Hồ Chí Minh đã đề ra kế hoạch “dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học kỹ thuật làm cho các cháu, ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học”. Định chuẩn khoa học mà tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh đã nêu là thành quả phát triển chín muồi của nền dân chủ quốc tế và các thành tựu khoa học kỹ thuật của thời đại. Để thực hiện được định chuẩn này trong văn hóa, kế hoạch lớn lao và triệt để cách mạng của Hồ Chí Minh là giải phóng các năng lực sản xuất cá nhân và thực hiện quyền dân chủ xã hội trên nền tảng pháp luật. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc tới nền dân chủ “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình” (4, tr.84). Nền văn hóa cổ truyền có một cơ cấu giai cấp và một chủ thể văn hóa của nó. Muốn cơ cấu lại nền văn hóa truyền thống cần phải cơ cấu lại các khuynh hướng ưu tiên trong cơ cấu giai cấp. Chủ thể của nền văn hóa mới phải đại diện cho một trình độ văn hóa cao. Nó cần phải có trí tuệ. Để cơ cấu lại nền văn hóa truyền thống, Hồ Chí Minh có kế hoạch liên kết các giai cấp công nhân, nông dân, trí thức thành một chế định xã hội mới của văn hóa. Quá trình đó là một quá trình chuyển hóa và tăng cường khả năng trí tuệ trong cơ cấu văn hóa. Trong một lời kêu gọi quan trọng định hướng việc hình thành chủ thể mới của nền văn hóa, Hồ Chí Minh viết rằng: “Lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang. Công- nông-trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”.

3.3.Nguyên tắc đại chúng hóa mà Đề cương văn hóa năm 1943 đã nêu được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ II năm 1951 xuất phát từ một quan điểm lớn của lịch sử. Đó là nguyên tắc giải phóng năng lượng sáng tạo to lớn trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Ánh sáng của nó mở đường, rọi chiếu xuống lòng sâu của xã hội, làm bật dậy các khả năng sáng tạo và khêu gợi trong tận cùng tâm khảm những khát vọng sáng tạo của hàng triệu quần chúng đã từng bị lịch sử dồn nén và bỏ quên.

Trên ý tưởng này, nhiều lần Hồ Chí Minh đã nói rằng: sản xuất văn hóa nghệ thuật cốt để phục vụ nhân dân. Trong tác phẩm “Cách đường xích đạo hai bước” do Nhà xuất bản nhà văn Liên Xô ấn hành năm 1967, ký giả Rút Bersatski kể lại một lần gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây ấn tượng rất mạnh cho ông. Cuộc trao đổi giữa hai người về nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa nghệ thuật, trong đó vấn đề tính nhân dân của văn hóa được xem như tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh. Người nói: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng nguồn nhựa sống, còn nếu nhà văn quên điều đó – nhân dân cũng sẽ quên anh ta”.

Trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, khái niệm nhân dân, đại chúng vừa có tính phổ cập vừa có tính nâng cao. Tính phổ cập ở chỗ dễ hiểu, nhiều người cùng biết, nhiều người cùng thực hiện; thực hiện một lần rồi lại thực hiện nhiều lần. Như Hồ Chí Minh thường nói về lợi ích của văn hóa nghệ thuật đối với nhân dân, làm sao cho mọi người thích xem, khi xem thì hiểu, xem một lần rồi muốn xem thêm. Tính nâng cao ở chỗ nó kết tinh tinh hoa của cộng đồng rộng lớn, thể hiện cái khát vọng vươn lên của những lực lượng cách mạng và có thể cách mạng tới cùng. Nó làm nền tảng của mọi sự phát triển lành mạnh của xã hội. Hồ Chí Minh đã nói vể phẩm chất của nhân dân như sau: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm”. Trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, tính phổ cập và tính nâng cao luôn luôn tác động biện chứng trên trục giải phóng năng lượng sáng tạo của đông đảo nhân dân lao động trong xã hội. Phổ cập để nâng cao, nâng cao để phổ cập rộng hơn trên một trình độ cao hơn. Hồ Chí Minh coi tính cộng đồng, tính truyền cảm, tính dễ hiểu vừa là nội dung quan trọng của cả phổ cập và nâng cao. Song Hồ Chí Minh rất coi trọng chất lượng văn hóa. Người đã nói tới các giá trị đã kết tinh tài năng giá trị của nhân dân. “Quần chúng là những người sáng tạo. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý”.

Hồ Chí Minh quan tâm đến tính đại chúng của văn hóa trên nền tảng giá trị và tính liên tục lịch sử. Các giá trị văn hóa do quần chúng sáng tạo, phục vụ quần chúng, đánh thức những nhà văn hóa trong biển cả quần chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo ra những vòng khâu chất lượng vô tận của chủ thể và đối tượng văn hóa trong các nhu cầu ngày càng cao của lịch sử. Trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, tính đại chúng vừa mang tính chính trị vừa mang tính phổ cập và nâng cao của văn hóa. Văn hóa khơi dậy các khả năng sáng tạo của đại chúng, chúng tạo nên các chủ thể văn hóa có chất lượng cao của lịch sử. Đó chính là nội dung cơ bản của yếu tố văn hóa trong sự phát triển của xã hội.

3.4.Văn hóa, nghệ thuật tuy có những lớp, những vùng cộng đồng rộng lớn, song cái lõi cứng của nó vẫn là hệ tư tưởng. Nền văn hóa truyền thống của người Việt xây dựng trên hệ tư tưởng Nho – Phật – Lão đã được Việt Nam hóa. Đầu thế kỷ XX, nói chính xác là năm 1919 khoa thi Nho giáo cuối cùng ở nước ta đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của hệ ý thức phong kiến trong nền giáo dục. Các tầng lớp thanh niên năng động nhất của lịch sử đều hướng sang phương Tây, tìm kiếm hệ tư tưởng mới. Một bộ phận trí thức Việt Nam đã bắt gặp các tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của các nhà khai sáng thế kỷ XX của Châu Âu. Một bộ phận khác đã tìm gặp chủ nghĩa Mác-Lênin trong đó có Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1927, trong cuốn Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc do bộ phận tuyên truyền của hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản đã có đoạn viết rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, kách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin”. Từ năm 1930, sau khi thành lập Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin đã dần dần chiếm ưu thế trong đời sống xã hội. Năm 1943, với Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng Cộng sản đã tuyên ngôn cơ cấu lại nền văn hóa mới theo lập trường mác xít. Lập trường mác xít trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh không phải là cái gì chủ nghĩa Mác-Lênin đã nói, đã ứng dụng ở các nước khác, cũng có thể đưa vào văn hóa Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết rằng: “Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử lý mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta. Học để mà làm, lý luận đi đôi với thực tế”. Nhưng có đồng chí học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác-lênin. Họ tự cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác-Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế thì họ hoặc là máy móc hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác-Lênin nhưng không học tinh thần Mác-lênin. Học để trang sức chứ không phải học để vận dụng vào công việc cách mạng. Đó cũng chính là “cá nhân chủ nghĩa”.

Thông qua Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Mác đến với văn hóa Việt Nam lúc đầu nó có sức mạnh cải tạo phong tục tập quán lạc hậu và gợi lên lý tưởng về các giá trị văn hóa tốt đẹp: tự do, công bằng xã hội và ấm no hạnh phúc, con người với con người là bạn bè, là anh em. Có thể nói chủ nghĩa Mác-Lênin đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nền văn hóa Việt Nam. Hàng triệu người nghèo khổ sống dưới đáy bùn, bị lịch sử bỏ quên được chủ nghĩa Mác cổ vũ đứng lên chống áp bức bóc lột, dành lại nhân phẩm. Nó đã thổi sinh khí mới vào văn hóa Việt Nam. Chủ nghĩa Mác đã thúc đẩy tiềm năng tinh thần trong văn hóa Việt Nam và định hướng cho một xã hội nhân cách xuất hiện. Nó xác lập một giá trị mới trong lối sống Việt Nam. Nó là yếu tố văn hóa quan trọng thúc đẩy nước ta theo con đường chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh phản ánh sự thấu hiểu sáng tạo chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh thực tiễn của dân tộc Việt Nam. Người coi trọng tất cả các giá trị tinh thần của nhân loại. Tư tưởng văn hóa của Người thấm sâu vào các định chuẩn văn hóa của thời đại làm rõ tư tưởng bao dung Hồ Chí Minh (La tolérance). Đó là tư tưởng kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại mang tên Người.

Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh cố gắng xác lập một môi trường văn hóa mà ở đó mang tính bao dung rộng lớn giữa các dân tộc, giữa các cá nhân và xã hội, giữa truyền thống và hiện đại. Hồ Chí Minh luôn coi trọng cộng đồng “nguyên là người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận”, Người luôn luôn chống chủ nghĩa cá nhân.

Nhưng Người lại viết rằng: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình”.

4. Kết luận

Mục tiêu của cuộc cách mạng Việt Nam trước hết là tiến tới chủ nghĩa xã hội. Chế định xã hội của văn hóa dẫn ta tới việc phải xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là mục tiêu mà Đề cương văn hóa 1943 đã nêu và khát vọng nhất quán trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh viết rằng: “Để phục vụ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức” (Báo Nhân dân 12-2-1960). Đây là một tư tưởng văn hóa lớn của Hồ Chí Minh. Dân tộc Việt Nam hướng tới chủ nghĩa xã hội nếu đúng quy luật và theo quan điểm về tính hợp lý, cách mạng phải làm hai việc với truyền thống văn hóa như Hồ Chí Minh đã nói: 1- Phát triển các truyền thống tốt đẹp, xác lập một truyền thống văn hóa dân tộc mới để đảm bảo tính liên tục lịch sử. 2- Hấp thụ những cái mới để nâng văn hóa mới lên một tầm cao mới. Nội dung xã hội chủ nghĩa trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là phản ánh các quan hệ mới giữa con người và con người, xác lập một hệ chuẩn giá trị mới mà từ đó con người sống đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Đó là một nền văn hóa trong lao động mỗi người được cộng đồng tôn trọng và các cá nhân có trách nhiệm với cộng đồng; trong giao tiếp mọi người sống có đạo đức và tình yêu thương; trong gia đình thì có lễ giáo, có kỉ cương; mỗi nhân cách đều được phát triển hết năng lực sáng tạo nhưng luôn luôn tôn trọng cộng đồng./.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.