Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu giáo dục
Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhận thấy chính sách ngu dân hết sức thâm độc của thực dân Pháp. Người cũng sớm có thực tế cụ thể và nhận thức sâu sắc về loại trường tiểu học Pháp - Việt do thực dân Pháp mở nhỏ giọt từ năm 1905 ở các thành phố và tỉnh lớn nhằm đào tạo “những tay hợp tác, những công dân bản xứ trả lương ít tốn hơn cho ngân sách thuộc địa…, huấn luyện quen việc các nhà cầm quyền bản xứ”. Vì vậy, ngay trong những năm đầu hoạt động ở nước ngoài, Người đã lên án mạnh mẽ chính sách đó của thực dân Pháp và đòi quyền lợi cho dân tộc mình. Năm 1919, trong bản Yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người yêu nước Việt Nam gửi tới Hội nghị Véc-xây có điều khoản 6 đòi hỏi: “Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh”. Đến năm 1920, tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp họp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc đã không quên lưu ý tình trạng: “Chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm, vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”. Đặc biệt trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã dành hẳn một chương để vạch trần chính sách ngu dân, một tội ác ngang với sự áp bức chính trị và bóc lột kinh tế tàn khốc, ngang với sự đầu độc bằng rượu cồn và thuốc phiện đối với nhân dân Việt Nam của thực dân Pháp.
Như vậy, coi trọng, đề cao dân trí với mong muốn tột bậc “nhân dân ai cũng được học hành” và quyết tâm xây dựng một nền giáo dục mới, hướng tới con người, vì con người là một trong những mục tiêu cách mạng trong quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Cùng với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền giáo dục mới, nền giáo dục nhân dân: Khoa học, dân tộc và đại chúng… Trong bối cảnh vận mệnh quốc gia, dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định vị trí, vai trò của nền giáo dục. Ngay trong khoá họp đầu tiên của Chính phủ (3/9/1945), Người đã nêu lên nhiệm vụ diệt “giặc dốt”, “giặc đói”, giặc ngoại xâm”, Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đồng ý mở chiến dịch chống nạn mù chữ”. Tư tưởng đó đã trở thành một phong trào sôi nổi, mạnh mẽ, phát triển trong nhân dân. Phong trào Bình dân học vụ mở đầu cho việc xây dựng và hoàn thiện con người mới.
Đối với Hồ Chí Minh, nhân tố con người là vô cùng quan trọng, giữ vai trò quyết định cho sự thành bại của sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong “Thư gửi học sinh, sinh viên ngày khai trường” của năm học đầu tiên của chế độ mới, Người đã thể hiện rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu”. Vì vậy, giáo dục và tự giáo dục là vấn đề quyết định sự hình thành, phát triển nhân cách của con người XHCN. Đó là nhân cách con người phát triển toàn diện cả về đức lẫn tài, trong đó đức là gốc, là nền tảng. Người khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN. Có thể hiểu quan niệm Hồ Chí Minh đã biểu hiện trật tự lôgíc: Trong sự nghiệp cách mạng thì việc “xây dựng con người” là một chiến lược quyết định; trong sự nghiệp “xây dựng con người” thì chiến lược giáo dục đứng ở vị trí hàng đầu; trung tâm chiến lược giáo dục là xây dựng và hoàn thiện con người. Sự phát triển phồn vinh của đất nước, sự thành công của sự nghiệp xây dựng CNXH là tiền đồ của dân tộc đòi hỏi phải xây dựng một nền giáo dục có chất lượng và đạt hiệu quả cao. Hồ Chí Minh sáng lập nền giáo dục mới nhằm đào tạo các em trở thành những công dân hữu ích cho đất nước Việt Nam, và làm phát triển năng lưc sẵn có của các em, chuẩn bị cho thế hệ trẻ đảm nhiệm tốt trọng trách, nhiệm vụ của mỗi công dân, người cán bộ, chiến sĩ trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Mục tiêu đó đã được Người xác định trong lưu bút ở trang đầu cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc tháng 9 năm 1940 là: “Học để Làm việc – Làm người – Làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể - Phụng sự giai cấp công nhân và nhân dân - Phụng sự giai cấp và nhân loại”.
Nhiệm vụ của ngành giáo dục rất quan trọng và vẻ vang nhằm xây dựng và hoàn thiện con người mới, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ: Ta xây dựng con người phải có ý định rõ ràng như kiến trúc sư định xây dựng ngôi nhà như thế nào rồi mới dùng gạch, vữa, vôi, cát mà xây dựng lên. Con người mới mà nền giáo dục Việt Nam cần xây dựng theo Người là những công dân “vừa hồng, vừa chuyên”. Hồ Chí Minh coi trọng cả tài lẫn đức, tài đức kết hợp chặt chẽ với nhau trong một con người và phải lấy đức làm gốc. Đức ở đây không phải là đạo đức nói chung chung, không phải là đạo đức, lễ giáo phong kiến mà là đạo đức cách mạng, đã được Người mở rộng, nâng lên một tầm cao mới với những chuẩn mực cao đẹp: “Trung với nước, hiếu với dân, cần - kiệm – liêm – chính – chí công vô tư”. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Mối quan hệ chặt chẽ giữa tài và đức, vị trí, vai trò của mỗi mặt đức, tài được Người chỉ rõ: “Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”, “Có tài phải có đức, có tài mà không có đức thì tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp được ai”. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức…”. Đó chính là cái gốc của con người mới mà nhờ đó con người mới phát triển, hoàn thiện mình. Sự trưởng thành, phát triển của con người” phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện con người nhưng phải giáo dục trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống. Gia đình gắn liền với xã hội, học đi đôi với hành, với lao động sản xuất. Để trở thành những công dân có ích cho xã hội đầy đủ cả đức lẫn tài thì ngoài sự giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội, đòi hỏi mọi người phải tự giáo dục, rèn luyện để hoàn thiện mình. Hồ Chí Minh nhắc nhở ngành giáo dục phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học. Bởi vì, học ở trường của đoàn thể không phải học các đường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học. Theo Người, nền giáo dục mới của chúng ta nhằm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo để vươn lên nắm vững trí thức khoa học và hiểu biết cũng như khả năng thực hành về mọi mặt của đời sống. Tự học là một tư tưởng lớn của Người, nó mang tính khoa học, được đúc kết thành một hệ thống, một chỉnh thể: xây dựng động cơ học tập, mục đích học tập, tạo điều kiện cho học tập bằng lao động; sắp xếp kế hoạch, thời gian học tập với lòng kiên trì bền bỉ, tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để tự học; học đến đâu, ra sức thực hành đến đó. Tự tập luyện, tu dưỡng là một trong những điều kiện không thể thiếu của mỗi người. Không chỉ bằng lý luận, tư tưởng mà bản thân Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng ngời về tự học, tự giáo dục. Nhờ tự học, tự rèn luyện mà Người đã có một trí tuệ uyên bác, trở thành danh nhân văn hoá kiệt xuất của nhân loại. Cho nên những năm cuối đời, Người vẫn kiên trì tự học. Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”.
Như vậy, tự giáo dục, rèn luyện để hoàn thiện mình là công việc thường xuyên, suốt đời, tu dưỡng nhằm đáp ứng nhiệm vụ của cách mạng, của cuộc sống đang đặt ra. Để tự rèn luyện, học tập tốt, cần phải: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau”, “học trong công việc hàng ngày”, “phải học quần chúng”. Mặt khác, Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn cải tạo mình cũng phải trường kỳ gian khổ, chứ không phải dễ đâu”.
Xây dựng và hoàn thiện con người mới phát triển toàn diện thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục, tư tưởng đó của Hồ Chí Minh về mục tiêu giáo dục đã vạch ra phương hướng cơ bản của chiến lược con người, chiến lược giáo dục ở nước ta. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung, về mục tiêu giáo dục nói riêng là tài sản vô giá được Đảng và Nhà nước ta kế thừa, vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo trong quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hiện nay. Văn kiện Hội nghị lần thứ Hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã khẳng định quan điểm của Đảng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư có hiệu quả nhất, qua đó đã đề ra mục tiêu cơ bản của giáo dục là: “Nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, có năng lực tiếp thu văn hoá nhân loại, phát huy tiềm năng của dân tộc Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức, kỷ luật, có sức khoẻ, là những người kế thừa, xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” và “chuyên” như lời căn dặn của Bác Hồ”.