Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ
1 - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều.
Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó...
Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân” (1).
Quan điểm khẳng định mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa khoa học công nghệ với sản xuất và đời sống trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự phát triển luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về khoa học và công nghệ trong điều kiện cụ thể của nước ta. Từ thế kỷ 19, trong bộ Tư bản, C.Mác đã từng nêu vai trò của khoa học - công nghệ: “Kỹ thuật học vạch rõ thái độ tích cực của con người đối với tự nhiên, vạch trần quá trình sản xuất trực tiếp ra đời sống của con người và những điều kiện của đời sống xã hội”. C.Mác đã tiên đoán khoa học công nghệ sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Còn Ph. Ăngghen, khi đánh giá về động lực phát triển của khoa học công nghệ, đã từng nhận xét: “Khi xã hội có nhu cầu về kỹ thuật thì nhu cầu này thúc đẩy khoa học hơn mười trường đại học”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khoa học công nghệ làm cho sản xuất phát triển nhanh. Ngược lại, sản xuất cũng chính là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của khoa học công nghệ. Ngoài ra, khoa học công nghệ còn có nhiệm vụ phục vụ sự phát triển của xã hội, cải tiến xã hội nhằm gìn giữ, phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới. Tư tưởng đó của Người không thuần tuý là lời chỉ dẫn cho việc giải quyết một vấn đề lý luận đặt ra từ thực tiễn, mà còn là định hướng cho sự phát triển của khoa học.
Vai trò của khoa học công nghệ ngày càng thể hiện rõ là lực lượng sản xuất trực tiếp quan trọng hàng đầu, hay nói một cách khác là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò động lực của khoa học công nghệ chỉ có thể thực hiện được một khi hoạt động khoa học công nghệ gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội.
Ngày nay, mối quan hệ gắn bó giữa khoa học công nghệ với sản xuất và đời sống đã trở thành một thực tế hiển nhiên. Nhưng ở thời điểm mà C.Mác, Ph. Ăngghen và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm nêu trên thì đó là những cái nhìn đi trước thời đại.
2 - Cũng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật, ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của toàn dân chứ không phải tài sản riêng của một nhóm người nào” (2). Khoa học công nghệ phải hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện. Những thành tựu của khoa học công nghệ phải được sử dụng vì sự tiến bộ của xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của đông đảo quần chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ân cần căn dặn: Các nhà khoa học “phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy, nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt...
Những điều đem phổ biến phải thiết thực, phải chính xác, phải làm sao cho quần chúng có thể hiểu được và làm được” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đòi hỏi những nhà khoa học: “các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi” (4).
Tư tưởng về sự phát triển xã hội bằng biện pháp phát triển khoa học công nghệ là một nét độc đáo, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3 - Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ trước hết là con người - người hiền tài. Người coi đó là trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Phải xây dựng con người có hiểu biết, con người có tri thức để phụng sự Tổ quốc. “Kiến thiết đất nước cần có nhân tài”. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Lê Quý Đôn từng triết lý: “Phi trí bất hưng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và làm là một. Khi nói đến con đường hình thành và phát triển đội ngũ trí thức mới, trong đó, có các nhà khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc”, đã viết: “đào tạo trí thức mới. Cải cách trí thức cũ. Công nông trí thức hoá. Trí thức công nông hoá” (6). Ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều cán bộ đã được Người cử ra nước ngoài học tập. Nhiều nhà khoa học, theo tiếng gọi thiêng liêng của Người, đã từ bỏ cuộc sống cao sang nơi “đất khách quê người” về nước tham gia hai cuộc kháng chiến gian khổ, nhưng cực kỳ vinh quang của dân tộc. Chính họ là những người đã đóng góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp khoa học và công nghệ hiện đại nước nhà.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm làm tất cả những gì có thể vì sự phát triển của nền khoa học công nghệ của đất nước. Người đặc biệt coi trọng việc tập hợp trí thức, trọng dụng nhân tài, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật. Nhiều người trong số đó, đã trở thành những nhà khoa học hàng đầu của đất nước và được thế giới biết đến.
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, tại Đại hội X của Đảng, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... Trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, công nghệ giỏi ở trong nước và ngoài nước, trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài” (6).
(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H, 1996, T 11, tr 77 - 78
(5) Sđđ - T 6, tr 23-24.
(6) Báo cáo chính trị củaBCHTW Đảng tại Đại hội X - Báo Nhân dân, số 18563, ngày 7/4/2006.