Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu sự nghiệp giáo dục của mình chính là từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành, dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), đến những năm tháng hoạt động ở Pháp với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy ở Trung Quốc, Thầu Chín ở Xiêm (Thái-lan), Già Thu ở Pác Bó... và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Qua tất cả những năm tháng đó, Người đã tổ chức và trực tiếp giảng dạy nhiều lớp huấn luyện chính trị, văn hóa và quân sự cho bao lớp cán bộ. Người đã có công đào tạo nên nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam , những lãnh tụ xuất sắc cho Ðảng, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Không chỉ vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính người khai sinh và đặt nền móng cho nền giáo dục mới của Việt Nam . Ðó là nền giáo dục mang tính dân tộc, khoa học, dân chủ và đại chúng; bảo đảm cho mọi người đều được đi học, ai cũng được học hành, có quyền bình đẳng về giáo dục; bảo đảm cho sự phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của con người.
Từ những năm 20 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy giáo dục có vai trò và sức mạnh cực kỳ to lớn. Khi Người rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, 95% dân số Việt Nam không biết chữ, chìm trong kiếp sống nô lệ, lầm than. Những năm tháng bôn ba qua các đại dương tìm đường cứu nước, cứu dân, Người đã tận mắt chứng kiến nhiều điều và học được nhiều điều. Sống ở Paris, Thủ đô nước Pháp, nơi được coi là trung tâm văn minh của nhân loại với nền khoa học - kỹ thuật phát triển hàng đầu thế giới vào đầu thế kỷ 20, Người đã nhận thức về tầm quan trọng của trình độ dân trí "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Vì thế, Người luôn coi việc đấu tranh chống chính sách "ngu dân" của thực dân Pháp để có một nền giáo dục tự do là một trong những mục tiêu của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay sau khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề chống nạn dốt là vấn đề cấp bách số hai, sau vấn đề chống nạn đói trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước lúc bấy giờ. Giặc dốt nát được coi như một thứ giặc cần tiêu diệt ngang hàng với giặc ngoại xâm. Người xem việc nâng cao dân trí là "một công việc cần phải thực hiện cấp tốc" để làm cho "mọi người Việt Nam , ai cũng đều có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà".
Trong những ngày đầu giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chăm lo đến việc hoàn thiện các thể chế và bộ máy của nền giáo dục mà Người còn đưa ra phương pháp học mới: người chưa biết thì gắng sức mà học, vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo... để đạt được kết quả trên mặt trận chống giặc dốt. Người đặc biệt quan tâm tới việc học của các tầng lớp nhân dân lao động. Tính nhân văn trong tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh đã đi vào lòng dân tạo ra một phong trào chống mù chữ cuối 1945 đầu 1946.
Khi chúng ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ chỗ 95% dân số mù chữ đã có 90% dân số biết chữ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dù bận lãnh đạo nhân dân đánh giặc và sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm, chú ý đến văn hóa và giáo dục, Người đã kêu gọi mọi người hăng hái học tập "Thi đua diệt giặc dốt". Trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt".
Vừa phải chỉ đạo cuộc kháng chiến gay go, ác liệt, đồng thời xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vững quan điểm của Người về vị trí giáo dục trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đó là nhân tố quyết định việc thực hiện mục tiêu xây dựng lại đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" sau ngày chiến thắng...
Mục đích của nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo mục tiêu như Người chỉ rõ: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Ðoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại". Vì thế, Hồ Chí Minh chủ trương giáo dục toàn diện: trong đó đức phải đi đôi với tài, tức là phải coi trọng cả tài và đức, không những phải giàu về tri thức mà còn phải có đạo đức cách mạng. Học phải gắn liền với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn để có "những công dân tốt và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà". Có nghĩa phải đào tạo được những con người có lý tưởng cao đẹp, biết sống vì Tổ quốc, vì nhân dân và có thái độ quý trọng lao động. Người yêu cầu: "... Phải chú trọng đủ các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất".
Ðể thực hiện mục đích trên, theo Hồ Chí Minh, cần có phương pháp bảo đảm sự phù hợp giữa điều kiện, hoàn cảnh giáo dục với đối tượng giáo dục. Phương pháp học tập là vấn đề rất quan trọng. Ðể đạt đến mục đích, ở bất cứ lĩnh vực hoạt động nào của con người cũng cần phải có phương pháp, cách thức tiến hành hoạt động. Trong học tập, nếu có phương pháp khoa học thì người học sẽ tiếp cận và thu nhận kiến thức một cách hiệu quả. Các phương pháp giáo dục như: học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, phương pháp làm gương, phương pháp kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội..., theo Hồ Chí Minh, đều nhằm mục đích nâng cao nhận thức, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Những phương pháp đó mang tính hệ thống, khoa học, nhưng lại rất cụ thể, thiết thực, luôn gắn với thực tiễn cuộc sống. Ðặc biệt, Người nhấn mạnh phương pháp "Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy". Bởi vậy, Người căn dặn phải luôn gắn việc dạy học với thực tế của cuộc sống, với đời sống của nhân dân; tránh kiểu học vẹt, lối dạy sách vở.
Trong sự nghiệp giáo dục, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến nhiệm vụ có tính chiến lược là vun trồng và bồi dưỡng thế hệ trẻ nhằm kế tục sự nghiệp của cha ông trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 2-9-1945, ngày khai trường năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, gửi thư cho các em học sinh Người đã khẳng định: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Vì thế, chăm lo giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Người rất coi trọng việc kết hợp các hình thức giáo dục đối với thế hệ trẻ: "Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn".
Ngày nay, công tác giáo dục, đào tạo nhằm phát huy nguồn lực con người vẫn là một nhân tố có ý nghĩa quyết định cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới, sự nghiệp công nghiệp hiện đại hóa ở nước ta. Sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục thế hệ trẻ nói riêng đang đứng trước những điều kiện thuận lợi mới và những thách thức lớn. Vì thế cần phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, để đào tạo ra cho đất nước những con người vừa hồng vừa chuyên. Những bài viết, những lời dạy của Thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về giáo dục hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.