Từ thời gian tuyệt đối đến thời gian của ngôn ngữ
1. Thời gian có tồn tại?
Tính phi vật chất của thời gian là cản trở lớn nhất trong việc công nhận sự tồn tại của nó. Bất kỳ sự vật nào cũng không được chúng ta cảm nhận bằng một trong năm giác quan - thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác - đều khó có thể nhìn như một thực thể. Thời gian nằm trong trường hợp này và tạo cho chúng ta cảm giác về sự vắng mặt của nó trong thế giới vật chất. Triết học hiện đại (N. Elias, H. Barreau, K. Pomian, E. T. Hall) đề cập đến khía cạnh xã hội của thời gian hơn là đi tìm bản chất của nó. Điều đó càng gây khó khăn cho việc công nhận sự hiện hữu của thời gian.
Như vậy, bản chất của thời gian là sự kết hợp giữa hiện tượng chuyển động (một hiện tượng vật lí, có thể cảm nhận bằng giác quan), và việc khái niệm hóa chuyển động đó (một hiện tượng tâm lí, không cảm nhận được bằng giác quan). Nếu không có chuyển động, sẽ không có lí do nào khiến con người phải liên hệ đến một tiến trình nào có thể được đúc kết thành thời gian. Trên thực tế, mỗi thực thể của thế giới khách quan đều được con người khái niệm hóa. Nhưng trong trường hợp của thời gian, cái “thực thể” đó không phải là một vật, mà là sự chuyển động.
2. Thời gian tuyệt đối
Con người có khuynh hướng lấy bản thân mình làm mốc để xác định thời điểm của các sự việc. Đó là hiện tượng tự nhiên, không khác gì việc người ta lấy mình làm trung tâm để định vị các vật thể trong không gian. Khuynh hướng đó, thậm chí, phải trở thành quy luật trong giao tiếp, vì trong đa số các trường hợp, những điều mà chúng ta trao đổi với những người xung quanh phải bảo đảm tính thời sự, tức liên quan đến thời điểm phát ngôn: hoặc chúng ta nói về công việc của mình đang làm, hoặc chúng ta kể về những việc đã xảy ra nhưng có ảnh hưởng đến hiện tại, hoặc chúng ta lên kế hoạch thành công cho những ngày tới, kể từ ngày hôm nay. Và bởi vì con người luôn sống theo cộng đồng, việc quy chiếu về thời điểm của mỗi cá thể đồng nghĩa với việc quy chiếu về thời điểm của số đông. Lúc đó, điểm mốc trên dòng thời gian không phải là của một người, mà là tất cả những người có chung một thời khắc sinh tồn, và các khái niệm hiện tại, quá khứ, tương laiphải là những khái niệm chung của tất cả những người chia sẻ đặc tính đó. Trong bối cảnh một tập hợp cá thể có chung đặc điểm về thời gian như vậy, sẽ không khó hiểu khi khái niệm thời gian càng có cơ hội để khẳng định mình.
Những quan niệm của con người về thời gian được “in” vào ngôn ngữ. Ngôn ngữ, với chức năng phản ánh những suy nghĩ của con người, đã tạo ra những phương thức chuyên biệt để truyền tải những khái niệm hiện tại, quá khứ, tương lai, đang, đã, sẽ, đồng thời, trước, sau.Như một quy luật, ngôn ngữ càng hoàn thiện những biểu đạt thời gian của mình, nó càng củng cố khái niệm thời gian trong suy nghĩ của con người. Việc phát ngôn có hệ thống những thuật ngữ trên đây khắc sâu thêm trong tư duy của con người những khái niệm mà các thế hệ trước có lẽ còn do dự khi đề cập đến. Ngày nay người ta tin chắc rằng nếu trong ngôn ngữ có thì hiện tại, đó là vì trên thực có thời hiện tại; nếu trong ngôn ngữ có thí quá khứ đó là vì trên thực tế có thời quá khứ; và nếu trong ngôn ngữ có thì tương lai, đó là vì trên thực tế có thì tương lai. Nói cách khác, người ta cho rằng các phạm trù của ngôn ngữ xuất phát từ thực tế và phản ánh chính xác thực tế. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, quan niệm trên cần được làm sáng tỏ.
Dòng chảy của thời gian, thực ra, là một hiện tượng của vũ trụ. Nó đã vận động từ khi chưa có con người trên Trái đất, từ khi con người chưa có một nhận thức nào về nó và chưa biết áp dụng bất cứ một tính toán nào có liên quan đến nó. Ngày nay, nó vẫn tiếp tục vận động như đã từng vận động, không phụ thuộc vào việc con người quan niệm nó như thế nào, sử dụng nó ra sao. Dòng chảy đó không có ngày, giờ, tháng, năm,không có hiện tại, quá khứ, tương lai,không có đang, đãhay sẽ.Nếu so sánh hai thế hệ người nối tiếp nhau, chúng ta có thể thấy ngay rằng những khái niệm trên chỉ mang tính tương đối, vì tương lai của thế hệ này có thể là quá khứ của thế hệ kia, hiện tại của thế hệ này có thể là tương lai của thế hệ khác. Còn đơn vị giờchỉ là một quy ước, được xã hội loài người chấp nhận từ khi đồng hồ ra đời (thế kỉ XIV), và bản thân thời điểm mà nó chỉ định cũng không đồng nhất trên những múi giờ khác nhau của địa cầu. Những khái niệm tháng, nămcũng chỉ có giá trị khi chúng ta chọn lịch Công giáo làm chuẩn, bên cạnh một Phật lịch vẫn được thế giới Phật giáo ngày nay sử dụng (nay đã là năm 2522). Về điểm này, Barreau nhận xét: “Khái niệm thời gian là sản phẩm của chúng ta, nhưng chỉ ở bên trong dòng thời gian khách quan chúng ta mới xây dựng được khái niệm ấy, cũng như chỉ ở bên trong dòng thời gian khách quan chúng ta mới cảm nhận và đánh giá được các thời lượng. Ngay cả khi chúng ta khó lòng chấp nhận sự tồn tại độc lập của thời gian so với cuộc sống đang không ngừng tiến hóa, chúng ta phải thừa nhận rằng khái niệm thời gian không thể bị đồng hóa với thời gian của từng cá thể” (1996: 54). N. Elias cũng nhận xét: “Cái mà chúng ta gọi là hiện tại, quá khứ, tương laichỉ thích ứng với các thế hệ sống cùng một thời điểm. Và bởi vì các thế hệ nối tiếp nhau từ tuổi này qua tuổi khác, ý nghĩa của hiện tại, tương lai, quá khứkhông ngừng thay đổi” (1996: 86).
Như vậy, phải thấy rằng trong quá trình nhận thức về thời gian, con người đã không sai lầm khi phát hiện ra sự chuyển động của vạn vật, trước tiên là những thay đổi trong thiên nhiên, sau đó là những tiến trình của những họat động cộng đồng do chính con người tổ chức và thực hiện. Việc thiết lập khái niệm thời gian, thậm chí là một bước tiến dài trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Hơn thế, nó là xuất phát điểm của một loạt những ứng dụng có tính quyết định cho sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, khi áp đặt cái tôilên dòng chảy của thời gian để định vị các sự kiện, quan niệm của con người trở nên sai lệch. Việc lấy bản thân mình làm mốc trên dòng thời gian không khác gì việc “cá thể hóa” nó cho một cá nhân nhất định, và vì vậy không thể có cùng một giá trị cho tất cả mọi người và mọi thế hệ. Nó giống như việc chúng ta lấy bản thân mình làm chuẩn và nói Bên trái tôi là một dòng sông, bên phải tôi là một cánh đồng,trong khi đối với những người ở vị trí đối diện chúng ta, sự thật hoàn toàn ngược lại. Vì vậy, tất cả những diễn đạt về thời gian của một cá thể chỉ là tương đối và không có ý nghĩa gì so với sự vận động của vũ trụ, một sự vận động mang tính tuyệt đối, vì bao trùm lên vạn vật, không tạo ra điểm mốc và cũng không lệ thuộc bất cứ điểm mốc nào. Song nếu chúng ta xem xét vấn đề từ một góc độ khác, kết luận trên có lẽ sẽ không phải là kết luận cuối cùng.
3. Thời gian của ngôn ngữ
Để tìm hiểu bản chất của thời gian trong ngôn ngữ, người ta phải quay về dòng chảy của vũ trụ như quay về cội nguồn của vấn đề. Nhưng cội nguồn của vấn đề, người ta lại phát hiện rằng việc tuân thủ triệt để các nguyên tắc khoa học khó mang lại những câu trả lời chính xác cho những vướng mắc trong ngôn ngữ học. Nói cách khác, việc khám phá ra thời gian tuyệt đối, dù xác đáng cách mấy, vẫn không góp phần giải quyết rốt ráo những tranh luận về biểu đạt thời gian của ngôn ngữ, nếu không muốn nói rằng nó làm cho vấn đề phức tạp hơn.
Như chúng ta đã thấy, ngôn ngữ là sản phẩm của đời sống, và đời sống hàng ngày đòi hỏi việc giao tiếp phải mang tính thời sự, tức thể hiện quyền lợi của người phát ngôn và lấy thời điểm phát ngôn làm gốc. Hệ quả tất yếu của quy luật này là người phát ngôn phải hình dung mình ở trung tâm của dòng thời gian và quy chiếu của các sự về thời điểm của bản thân mình. Như vậy, cái nhìn của con người đối với thời gian không thể không mang tính chủ quan, và ngôn ngữ của anh ta không thể không có các phạm trù hiện tại, quá khứ, tương lai, đang, đã, sẽ, đồng thời, trước sau.Chúng ta cũng đã thấy rằng hệ quả này trở nên tất yếu khi người phát ngôn không phải là số ít, mà số đông, và quyền lợi nói đến không phải là của một người, mà của nhiều người.
Dòng thời gian là một hiện tượng vĩnh cửu. Trên dòng thời gian, cuộc sống của con người chỉ là một phần rất nhỏ. Như vậy, dù muốn hay không, tự thân cuộc sống mỗi con người đã mang tính “cát tuyến” so với dòng chảy vĩnh cửu. Bên cạnh đó, việc tổ chức cuộc sống, dù cho cuộc đời hay chỉ cho một ngày, buộc con người phải nhìn mỗi sự việc trong khuôn khổ của riêng nó, tức phải chia dòng thời gian mang tính cát tuyến nói trên thành những giai đoạn nhỏ hơn nữa. Mặt khác, nguyên tắc phát ngôn cũng buộc con người phải xây dựng mỗi câu nói của mình thành một sự việc có khung thời gian nhất định, với một sự kiện làm trung tâm. Tất cả những điều đó khiến cho nội hàm khoa học của dòng thời gian tuyệt đối trở nên mất tác dụng, thậm chí xa lạ đối với những trao đổi hàng ngày giữa con người và con người. Còn cái nhìn chủ quan của con người đối với thời gian lại trở nên hữu hiệu, vì nó tạo cho mỗi họat động của anh ta một điểm tựa để xuất phát và một mục tiêu để tiến triển. Đặc biệt, nó đem đến những thông tin cụ thể cho những người có nhu cầu giải quyết công việc hơn là đi tìm những tri thức mang tính bác học. Trong những trao đổi hàng ngày, sẽ chẳng có ai do dự trước khái niệm ngày mai,với lí do rằng ngày maichỉ là một khái niệm tương đối, vì với ngày kia, nó lại là hôm qua.
Con người là một sinh vật có ý thức, luôn luôn tìm cách khám phá thế giới xung quanh. Nhưng đồng thời con người cũng sống giữa thiên nhiên như một bộ phận cấu thành của nó. Nếu chúng ta nhìn con người như một nhà tư tưởng luôn mong muốn tìm hiểu thế giới, thì dòng chảy của vũ trụ mà chung ta đề cập trên đây sẽ là câu trả lời cuối cùng cho những thắc mắc của anh ta về thời gian. Nhưng nếu chúng ta nhìn con người như một bộ phận cấu thành của thiên nhiên, thì chúng ta phải thấy rằng cảm nhận chủ quan của anh ta về thời gian là phản ứng tất yếu của một sinh vật trước tác động của môi trường xung quanh, không khác gì phản ứng của cây cối trước ánh sáng hay nguồn nước. Không thể phủ nhận một sự thật rằng trên dòng chảy của vũ trụ, không hề có đơn vị ngày,bởi vì ngàychỉ là hệ quả của việc trái đất quay xung quanh mặt trời, mà trái đất và mặt trời chỉ là hai trong số hàng tỉ hành tinh của vũ trụ vốn có những quỹ đạo rất khác nhau. Chỉ cần quan sát mặt trăng, một hành tinh rất gần với chúng ta, đã có thể thấy rằng khái niệm ngàycủa nó mang một nội hàm rất riêng so với khái niệm ngàycủa trái đất, nếu không muốn nói rằng ở đó khái niệm ngàykhông tồn tại. Song, con người với tư cách là thành viên của trái đất, không thể không tính đến đơn vị ngày,khi mà trên hành tinh của anh ta mặt trời đều đặn lên xuống và phân chia dòng thời gian thành những đơn vị bất di bất dịch. Tương tự như vậy đối với những khái niệm năm, tháng, tuần lễ.Sự lặp đi lặp lại của những hiện tượng trong thiên nhiên không thể không dẫn con người đến việc tìm cách thể hiện nó bằng những phương thức cũng có tính phân đoạn, tính chu kì, và có khả năng giúp con người xác định vị trí trên dòng chảy thời gian, cũng như tổ chức những hoạt động của cộng đồng sao cho phù hợp với đặc điểm của thiên nhiên. Chính điều đó tạo điều kiện cho sự ra đời của lịch, với khái niệm nămvà những đơn vị cấu thành của nó. Về điểm này, Elias nói: “Không thể xem con ngườivà thiên nhiênnhư hai thành phần riêng rẽ trong việc xây dựng quan niệm cơ bản về thời gian, mà phải lấy con người trong lòng thiên nhiênđể hiểu được quan niệm ấy. Sẽ dễ dàng nắm bắt ý nghĩa của thời gian nếu chúng ta hiểu rằng việc chia vũ trụ ra làm hai: một bên là thiên nhiên – lĩnh vực của vật lí học, và bên kia là xã hội loài người – lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn, là một sự lệch lạc gây ra bởi một hướng phát triển sai lầm trong khoa học” (1996: 14).
Như vậy, chúng ta nên xem thời gian của ngôn ngữ như một hệ thống quan niệm có căn cứ khoa học không khác gì thời gian tuyệt đối. Chỉ quy luật thích ứng của con người với thế giới xung quanh lí giải cho tính khoa học của hệ thống quan niệm này. Quy luật ấy chi phối chúng ta đến mức ngay cả khi chúng ta khám phá ra bản chất của thời gian tuyệt đối, chúng ta vẫn sống cuộc sống hàng ngày với cảm nhận chủ quan về thời gian và giao tiếp với nhau trên cơ sở của cảm nhận ấy. Đối với chúng ta, những người làm việc theo một lịch trình cụ thể, dù là của cá nhân hay của xã hội, không thể không có hiện tại, quá khứ, tương lai, không thể không có đang, đã, sẽvà không thể không có những hành động nào đó đồng thờivới lúc này, trướclúc này hay saulúc này. Vì vậy, việc dựa vào bản chất của thời gian tuyệt đối để giải thích thời gian của ngôn ngữ hay ngược lại, tìm cách phủ nhận nó, sẽ là một điều phi lí. Song điều đó cũng có nghĩa rằng thời gian không hoàn toàn do tính chủ quan của con người tạo nên. Dù con người có ý thức hay không về thời gian thì sự vận động của vũ trụ vẫn xảy ra, và tính chủ quan của con người chỉ là ở chỗ anh ta dựa vào cảm nhận của bản thân mình để đúc kết sự vận động đó thành khái niệm. Thời gian không đến từ trí tưởng tượng của con người, giống như việc trái đất có hình cầu không hề phụ thuộc vào việc con người hiểu biết điều đó hay không.
Tóm lại có thể nói rằng thời gian tuyệt đối trở thành thời gian của ngôn ngữ bằng con đường gián tiếp. Trước tiên, chuyển động của vũ trụ đem đến cho con người một đối tượng tư duy. Nhưng thông qua tư duy vốn mang tính thực tiễn của con người, chuyển động đó được phản ánh một cách sai lệch so với bản chất của nó. Đến lượt mình, phản ánh này được chuyển tải qua ngôn ngữ.
Ngôn ngữ, lúc đó xây dựng cho mình một hệ thống biểu đạt theo những gì mà con người cảm nhận từ thực tế. Hệ thống này bao gồm các thì của động từ, hoặc các trợ từ, cùng một loạt những diễn đạt về quan hệ thời gian giữa thời điểm phát ngôn và sự việc được nói đến, hoặc giữa bản thân các sự việc. Với một đặc điểm hình thành như vậy, biểu đạt thời gian của ngôn ngữ, nói chung, không đơn giản, và đòi hỏi một cách tiếp cận thích hợp với từng vấn đề được đặt ra, từng mục đích nghiên cứu. Thông thường, tính phức tạp của thời gian trong ngôn ngữ xuất phát từ vấn đề điểm mốc. Khi ai đó nói Tôi sẽ đến,anh ta lấy thời điểm phát ngôn của mình làm điểm mốc cho trợ từ sẽ.Nhưng khi người đó nói Tôi đã hứa là tôi sẽ đến,điểm mốc của sẽđã được anh ta dời về quá khứ. Kết quả là dưới cùng một biểu đạt sẽ,có hai giá trị ngữ nghĩa khác nhau, vì nó chỉ định hai thời điểm khác nhau. Mọi việc có thể xảy ra tương tự với đanghay đã.Đây chính là chỗ cần có sự phân biệt giữa thời gian tuyệt đối và thời gian của ngôn ngữ. Song đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ của một vấn đề lớn mà suy nghĩ của con người về thời gian đặt ra, và vì vậy đòi hỏi phải có những nghiên cứu chuyên sâu.
Tài liệu tham khảo
Barreau H. (1996),Le temps, Paris, Presse universitaire de France.
Elias N. (1996),Du temps, Paris, Fayard.
Hall E. T. (1984),La danse de la vie. Temps culturel, temps vécu, ÉditiEns du Seuil, Paris. Hall E. T. (1984),L langage silencieux, ÉditiEns du Seuil, Paris.
Pomian K. (1984),L’ ordre du temps, Paris, Gallimard.