Từ điển tiếng Việt (mới): Biên soạn theo hướng tích hợp
Người có trình độ chuyên môn về sách công cụ tra cứu biết rõ một điều, chất lượng của một cuốn từ điển phụ thuộc vào trình độ và năng lực biên soạn của các tác giả.. Nói một cách cụ thể, các soạn giả phải được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về lí thuyết từ điển học hiện đại. Từ điển là loại sách không thể biên soạn theo kiểu “ăn sống nuốt tươi” được. Đa số các cuốn từ điển có tiếng trên thế giới ( Larousse(Pháp), Weste’rs(Mỹ), Oxford(Anh), Ozhegov(Nga), Từ Hải(Trung Quốc),...) đều được chuẩn bị trong một khoảng thời gian rất dài dưới sự chỉ đạo của một (hoặc một tập thể) các nhà từ điển tài năng.
Vì vậy, tôi rất bất ngờ khi được đọc cuốn Từ điển tiếng Việt(mới) do Trung tâm Từ điển học (Vietlex) biên soạn, NXB Đà Nẵng xuất bản 2007. VIETLEX thực chất là một trung tâm chuyên từ điển thành lập trên cơ sở ý tưởng được cố GS Hoàng Phê ấp ủ và chính thức thực hiện từ năm 1995. Độc giả chắc đã từng biết đến cuốn Từ điển tiếng Việt do ông chủ biên, vốn là công trình của Viện Ngôn ngữ học (39.924 mục từ, dày công biên soạn trong hơn 20 năm) đã được xuất bản liên tục từ năm 1988 đến nay. Cuốn từ điển mới là sự tiếp nối của nhóm cộng sự ở Trung tâm từ điển học với rất nhiều sự điều chỉnh, cập nhật, đáp ứng tình hình hiện tại. Khi nghỉ hưu, với tư cách là Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, GS Hoàng Phê đã quyết định mở một trung tâm biên soạn từ điển độc lập với Phòng từ điển của Viện Ngôn ngữ học.
Từ điển tiếng Việt mới lần này là một hướng biên soạn từ điển tích hợp “nhiều trong một”. Tức là mở ra cho người đọc khai thác nhiều tiện ích, nhiều khả năng, đa dạng hóa theo chiều sâu.
Trước hết, với dung lượng từ được mở rộng đáng kể (45.757 mục từ, 53.758 nét nghĩa, 73.208 ví dụ minh họa), từ điển đã thu thập thêm khá nhiều từ mới. Một ngân hàng dữ liệu lên tới 60 triệu âm tiết (chừng 3 triệu câu ngữ cảnh điển hình) tập hợp từ hàng ngàn tác phẩm với hàng trăm tác gia đã được liệt hạng, nguồn ngữ liệu này đã được chạy trên phần mềm xử lí ngôn ngữ tự nhiên do chính các nhà Việt ngữ học thiết kế. Hầu hết các từ mới xuất hiện trong giao tiếp tiếng Việt gần đây đã được xem xét và bổ sung vào bảng từ chung.
Một đóng góp quan trọng đáng ghi nhận, là từ điển đã mở rộng nội dung mục từ theo hướng đa dạng hóa cấu trúc vi mô. Cụ thể, hầu như tất cả các từ đều được diễn giải theo tuần tự: đầu mục từ; chữ Hán nguyên dạng(nếu có liên quan); từ loại; chú thích phong cách(phạm vi sử dụng, sắc thái tu từ); lời định nghĩa; thí dụ; từ đồng nghĩa, trái nghĩa; chú thích khác. Như vậy, đã có tới 8 nội dung cho một mục từ. So với các từ điển khác, ta dễ dàng nhận ra nhiều cái mới được ứng dụng ở đây: có chữ Hán đối chiếu, có các nghĩa phái sinh mở rộng, chú thêm từ đồng nghĩa - trái nghĩa, các biến thể chính tả và ví dụ được rút tỉa từ các tác phẩm văn học rất quen thuộc từ trước đến nay. Như vậy, là từ một hệ thống, ta có thể tiếp tục khai thác thêm nhiều “tiểu hệ thống” được đan cài (trình bày theo ma-ket kĩ thuật thích hợp, thống nhất). Từ một cuốn từ điển tiếng Việt phổ thông, ta có thêm các cuốn “từ điển” khác đi kèm: từ điển Hán - Việt, từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa, từ điển chính tả, từ điển từ tắt, các kết hợp từ pháp...Đây là hướng mở rộng công năng của các sách công cụ mà xu hướng biên soạn từ điển trên thế giới đang tận dụng rất phổ biến.
Có thể nói, Từ điển tiếng Việt của VIETLEX vừa ra đời là một thành tựu, một bước tiến mới của ngôn ngữ học Việt Nam trong lĩnh vực từ điển học. Các tác giả đã biết tận dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình biên soạn và đã đem lại hiệu quả khá cao. Độ chuẩn xác kĩ thuật trong chế bản và in ấn của cuốn sách cũng đạt tới mức gần như tuyệt đối. Nếu quyển từ điển này được bán kèm đĩa CD, thì chắc chắn việc sử dụng sẽ tiện lợi và mở rộng hơn. Mà tiện ích này, thực ra cũng không phải trở ngại lớn, xét cả ở sự đầu tư công sức và chi phí giá thành.