Từ châu Vijaya đến kinh đô Vijaya
Mandala được thành lập dựa vào phong thuỷ như Núi thiêng (tượng trưng cho Siva); Sông thiêng (tượng trưng cho Ganga vợ thần Siva); Cửa biển thiêng (nơi giao dịch trao đổi thương mại); Đất thiêng (nơi thờ thần linh tổ tiên và trung tâm tín ngưỡng); Thành phố thiêng (nơi cư ngụ của vua và hoàng tộc, trung tâm vương quyền).
Châu Vijaya là một Mandala như thế, một tiểu vương quốc trong liên minh các tiểu vương quốc của vương quốc Champa, xưa là cả một không gian rộng lớn từ đèo Bình Đê (địa giới giữa Quảng Ngãi và Bình Định) kéo dài vào tận đèo Cả (địa giới giữa Phú Yên và Khánh Hoà) ngày nay. Tuy là một tiểu vương quốc, nhưng trong cơ cấu tổ chức tiểu vương quốc có thành phố riêng (trung tâm chính trị): Đất thiêng (trung tâm tín ngưỡng tôn giáo) với các tổ chức kinh tế, quân sự độc lập được cai trị bởi các tiểu vương. Mỗi tiểu vương quốc bao gồm nhiều tiểu quốc nhỏ hơn nữa và được cai trị bởi các thủ lĩnh hoặc các lãnh chúa. Là một trong 4 châu lớn và giàu có của Cham pa, cho nên việc bảo vệ sự an toàn cho kinh đô của tiểu quốc được chú ý, có thể thấy trên lãnh thổ Vijaya xưa còn để lại dấu tích ít nhất là 7 thành, trong đó trên vùng đất Bình Định ngày nay là 6 thành gồm: thành Châu Thành, khi phong trào Tây Sơn nổ ra thành được sử dụng làm bản doanh của phong trào này và đổi tên thành Tân Phủ Quy Nhơn (thuộc Nhơn Thành, An Nhơn); thành Chánh Mẫn (Cát Tiên – Phù Cát), thành Uất trì (thị trấn Phú Phong) và 4 thành có quy mô lớn như thành Thi Nại (Phước Hoà, An Nhơn) thành Chas (Nhơn Lộc, An Nhơn); thành Chà Bàn (Nhơn Hậu, An Nhơn) và thành Hồ (thuộc Phú Yên ngày nay).
Với vị trí địa lý, phía tây giáp với Kon Tum nơi cư trú của các bộ tộc Tây Nguyên, phía đông giáp với biển đông là vùng có nhiều vùng biển tự nhiên tạo ra những cảng và vùng biển rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào, neo đậu. Với thuận lợi ấy Vijaya đã sớm phát triển nghề đi biển và thông thương biển. Dấu tích của những cảng biển được hình thành trong lịch sử như cửa An Dũ (Tam Quan), cửa Hà Ra Phú Thứ (Phù Mỹ), cửa Đề Di, Cách Thử (Phù Cát); cửa Thi Nại (Tuy Phước), và cửa sông Cầu, Tuy Hoà (Phú Yên) là những cửa biển thiêng, nơi để các thương nhân vào trao đổi buôn bán với Vijaya, và cũng từ những cửa biển thiêng này Vijaya đã đưa các sản phẩm hàng hoá của mình trao đổi với thị trường các nước và khu vực. Trong hệ thống cảng biển nêu trên của Champa, cửa Thi Nại có vị trí quan trọng nhất vùng này, với thuận lợi như nước sâu, kín gió mà nhiều thương nhân thuộc khu vực Đông Nam Á và cả vùng Trung Cận Đông xa xôi đã cập bến trao đổi hàng hoá với Vijaya. Việc tìm thấy những con tàu đắm với hàng hoá như đồ gốm men ngọc Trung Quốc có xuất xứ đời Nguyên, Tống và Minh trên vùng biển Bình Định năm 2006 và trong di tích cảng biển Thi Nại thám sát năm 2004 và thông tin về những con tàu đắm chở đầy ắp các sản phẩm gốm có nguồn gốc từ Vijaya trong vùng biển Pandanan Philippines, đã cho thấy Champa là một quốc gia sớm có một nền ngoại thương phát triển.
Qua những hiện vật gốm thu được trên những con tàu đắm và trong lòng đất cổ cảng Thi Nại cho thấy, những thương nhân đến trao đổi, buôn bán với Vijaya sớm nhất là người Trung Hoa, giai đoạn sau có thêm các thương nhân Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Hoạt động thương mại của Thi Nại kéo dài và liên tục cho đến thế kỷ XVIII – XIX thì hết vai trò của nó. Nhờ hệ thống cảng biển mà vương quốc Chămpa đã sớm có một nền kinh kế ngoại thương phát triển, nhất là thông thương biển và có mối quan hệ với hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Chính hệ thống cảng biển đã đưa lại cho Vijaya những nguồn thu lớn từ nguồn thuế nội thương cũng như ngoại thương.
Ngoài củng cố và xây dựng những trung tâm chính trị, phát triển kinh tế vương triều Vijaya này còn cho xây dựng khá nhiều đền tháp để thờ các thần linh bản địa, và các vị vua có công với nước được tín ngưỡng hoá thành các vị thần. Với một hệ thống 25 dấu tích kiến trúc đền tháp để lại, và hệ thống 8 cụm tháp trên tổng số 14 đền tháp hiện còn cho thấy sự phồn thịnh của vương triều Vijaya trong lịch sử.
Đền tháp Bình Định mang một phong cách riêng biệt từ kiểu dáng kiến trúc đến vị trí xây dựng. Nếu như giai đoạn sớm các đền tháp Champa chủ yếu nghiêng về chi tiết trang trí cầu kỳ, đến Bình Định những kiểu trang trí ấy đã được thay bằng những mảng khối, và có sự kết hợp hài hoà giữa chất liệu truyền thống (gạch) với một chất liệu đá vào trong một kiến trúc, ta có thể thấy được sự hoà trộn này ở tháp Đôi (Quy Nhơn) và Dương Long (Tây Sơn), đây là khu tháp mà người Champa đã kết hợp giữa hai trường phái kiến trúc Champa và Khmer vào trong một di tích, sự pha trộn một cách tài tình đến ngỡ ngàng mà mỗi khi được đứng dưới chân của di tích ta mới cảm nhận được phần nào về sự tài tình ấy của người Champa xưa.
Cuối thế kỷ thứ X đầu thế kỷ XI, để đảm bảo cho sự an toàn kinh đô của vương triều, Champa đã có những quyết định quan trọng đó là chuyển rời kinh đô từ Indrapuara (Quảng Nam) về đóng tại Vijaya (Bình Định) từ năm 1000 và chọn Chà Bàn làm kinh đô mới. Với vị trí địa lý gần như trung tâm của đất nước, lại có nhiều ưu thế về khí hậu, đất đai màu mỡ, sản vật nhiều, vương triều Vijaya đã nhanh chóng đi vào ổn định và có những giai đoạn khá phát triển, sử cũ chép: “người Chăm trồng: từ tháng 7 đến tháng 10 trồng lúa trắng trên ruộng bạch điền, từ tháng 12 (Chạp) đến tháng 4 trồng lúa đỏ trên ruộng xích điền. Không xuất khẩu gạo nên trong nước gạo nhiều”. Miền Trung vốn là vùng khô hạn, người Chăm đã biết khai thác nước ngầm để sinh hoạt, tưới tiêu bằng cách đào giếng. Theo giới nghiên cứu giếng là loại hình văn hoá xuất hiện sớm vùng miền Trung, những khảo sát điền dã khảo cổ học dọc theo ven biển duyên hải và hải đảo đã phát hiện một loạt hệ thống giếng Chăm cổ, không chỉ ở vùng cư trú mà ngay trong các thành cổ cũng tìm thấy một số lượng khá lớn, chỉ riêng thành Chà Bàn đã có 11 giếng.
Truyền thống dâu tằm là truyền thống lâu đời của Vijaya, do biết tận dụng thời tiết và khí hậu để phát triển nghề dệt vải và nhuộm vải lụa nhiều màu, truyền thống đó vẫn được người Việt sau này kế thừa, duy trì và phát triển tại Bình Định. Những làng dệt như An Thường (Hoài Ân), dệt Phú Phong (Tây Sơn), Đập Đá (An Nhơn) là những làng dệt truyền thống khá nổi tiếng một thời có xuất xứ tiếp thu từ truyền thống của người Chăm trước đó.
Không chỉ chú ý đến lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, khai thác lâm thổ sản, vương triều Vijaya còn chú trọng đến việc phát triển ngành nghề thủ công ngoại vi kinh đô - nghề nung đồ gốm. Qua tìm hiểu, nghiên cứu cho thấy, những khu lò này chuyên sản xuất những sản phẩm gốm gia dụng tráng men, còn sản xuất cả những sản phẩm gốm trang trí kiến trúc phục vụ cho nhu cầu xây dựng các cung điện của Hoàng gia và các công trình tín ngưỡng tôn giáo. Các trung tâm thủ công này, ngoài việc sản xuất phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước còn đưa sản phẩm của mình tham gia vào thị trường trao đổi khu vực và xuất khẩu ra thị trường bên ngoài, trong đó nhiều nhất là thị trường Đông Nam Á.
Sự trỗi dậy của vương quốc Champa vào giai đoạn này không được dài lâu chỉ như tiếng chuông báo hiệu cho sự suy tàn dần dần của nền văn minh Bà La Môn giáo ở Champa vào cuối thế kỷ XIV. Ai cũng biết rằng, từ thế kỷ XIV nền văn minh Champa không còn giữa trạng thái nguyên thủy của nó nữa. Sự biến cố này xuất phát từ sự phai tàn của nền văn hoá Phạn Ngữ, của triết lý Balamôn giáo hay Phật giáo Đại Thừa mà Champa đã dựa vào mấy chục thế kỷ qua, để xây dựng nền tảng của tổ chức xã hội hay chính trị của vương quốc mình. Bia đá Phạn Ngữ viết vào năm 1256 là tư liệu cuối cùng của nền văn minh Phạn Ngữ ở Champa. Sự phai tàn cũng xuất phát từ một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, đó là sự bành trướng của Hồi giáo và Ấn Độ giao vào thế kỷ XII đã cắt đức mối quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Đông Dương, đã làm trì hoãn sự phát triển của văn hoá Ấn Độ bên ngoài: văn hoá mà Champa thu thập để dùng làm cơ sở cho nền văn minh của mình. Sự suy tàn của nền văn minh Champa còn có một yếu tố khác, đó là sự bại vong về quân sự vào thế kỷ XIII đã làm phai nhạt đi niềm tin của công chúng vào cơ cấu huyền bí của Ấn Độ giáo mà Champa vẫn tin rằng cơ cấu này xuất phát từ ý muốn của các đấng thiêng liêng. Vì bằng chứng rõ rệt là những cơ cấu huyền bí đã không còn đủ sức mạnh để chống lại mọi cuộc xâm chiếm của thế lực Khmer, Trung Quốc hay Đại Việt… Chính vì thế, dân tộc Champa bắt đầu xa lánh dần các thần thánh thiêng liêng du nhập từ Ấn Độ giáo. Sự khủng hoảng tinh thần của dân chúng đối với triết lý Ấn Độ trong vương quốc Champa bị ảnh hưởng nặng nề của Bà La Môn giáo này là nguyên nhân chính đã đưa Champa trong suốt thế kỷ XIII, đến con đường suy yếu và mất dần vị trí lịch sử của nó trong thời kỳ lịch sử cổ trung đại Việt Nam.