Trồng mướp hương thu nhập cao
Kỹ thuật gieo trồng
Thời vụ
Gieo hạt từ tháng 2 đến tháng 6. Có thể gieo liền chân hoặc gieo trong vường ương, gieo trong bầu nilon thủng hai đầu, kích thước đường kính 5-7cm, cao 10-12cm với giá thể làm bầu bằng đất phù sa hoặc lầm ao ải đập nhỏ đến khi cây có 2 lá thật thì bứng đem trồng.
Làm đất, bón lót và gieo hạt
Mướp thích loại đất có độ pH trung tính khoảng 5,5-7,0. Nếu đất chua, cần bón thêm 20-25kg vôi bột cho 1 sào, rắc đều lên mặt ruộng, cày, bừa để ải khoảng 7-10 ngày trước khi trồng.
Lên luống 2,5-3,0m, bón lót cho một sào 6-7 tạ phân chuồng hoai mục; phân lân super 15-20kg; đạm urê 1-2kg; kali clorua 1-2kg.
Mỗi luống rạch một hàng ở giữa, rồi tra hạt; hốc cách hốc 30cm, mỗi hốc tra 2-3 hạt đã ủ nứt nanh (hạt khô đem ngâm nước sạch 10-12 giờ, đãi sạch, gói vào giẻ sạch, ủ ấm 28-30 độ C trong 30-35 giờ thì hạt nứt nanh), sau khi mọc được 3-4 lá thật tỉa để mỗi hốc 2 cây, khi tỉa chú ý lấy kéo bấm, không được nhổ để khỏi ảnh hưởng tới cây còn lại. Phân bón lót được bón vào khoảng giữa hai khóm mướp.
Chăm sóc
Từ khi lên luống và tra hạt, cho đến lúc mướp keo kìn giàn phải mất ngót 2 tháng. Để tận dụng đất, có thể gieo hạt mướp với hạt rau dền, hoặc trồng gối vụ, xem với cây su su. Nếu trồng xen với rau dền, sau 30-45 ngày tận thu hết rau, vun xới lại đất kết hợp với tỉa cây cho mướp. Nếu trồng xen, gối với su su thì gieo hạt vào tháng 4-5 đến tháng 5-6. Khi su su tàn thì mướp leo kín giàn là vừa. Cũng có thể tận dụng mặt nước ao hồ, làm già cho mướp ngả ra phía mặt nước, cho năng suất và chất lượng cao hơn trồng trên ruộng, vườn.
Bón thúc cho mướp làm 2-3 lần: Khi cây con mọc được 20 ngày, có khoảng 3-4 lá thật, kết hợp xới nhẹ, nhặt sạch cỏ dại, vun nhẹ vào gốc, tưới thúc 1-2kg đạm + 1kg kali (hoà nước loãng tưới vào gốc). Sau đó cứ khoảng 20 ngày bón thúc 1 lần, mỗi lần 1-2kg đạm + 1-2kg kali vào giữa hai đợt hoa tạo điều kiện cho mướp có sức ra được nhiều quả.
Chú ý mướp rất hay bị lốp (lá xanh lướt, không ra quả), nên trước khi bón thúc bà con cần quan sát tình hình sinh trưởng của mướp. Nếu lá xanh đen chỉ bón phân kali; nếu lá có màu xanh vàng bón thêm 1-2kg đạm + 1-2kg kali. Bón phân hoá học cách gốc 15cm, bón sâu 5-7cm.
Khi quả ra rộ cần đảm bảo độ ẩm đất đạt 70-80% độ ẩm đồng ruộng để mướp tăng trọng nhanh. Nếu đất khô, có thể tưới rãnh, cho nước đầy rãnh, té nước ướt mặt luống, sau đó tháo cạn ngay, không được để nước ngập rãnh qua đêm. Nên dùng nước sạch nước giếng khơi, giếng khoan hoặc nước ao, hồ, sông ngòi chưa bị ô nhiễm để tưới cho mướp đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Làm giàn, bắt dây, nương quả
Khi mướp mọc được 2-3 lá thật đã phải chuẩn bị làm giàn cho mướp. Cây cao 20cm phải cắm mỗi cây một cây dóc để mướp leo lên giàn. Giàn mướp nên làm kiểu mái bằng. Tốt nhất nên làm khu vườn mướp cố định để tập trng đầu tư làm giàn. Giàn có cọc sắt hay cọc bê tông đúc sẵn, mái giàn làm bằng dây thép lớn, giàn cao 1,8-2,0m, bắt dây bò đều lên giàn. Khi mướp đã lên đến giàn thì tỉa bỏ hết lá gốc, lá chân cho thoáng. Mướp ra quả chú ý thả thõng quả xuống giàn cho quả thẳng, đẹp, ít bị sâu, bệnh. Những quả bị ong châm cần loại bỏ ngay.
Để mướp bền cây, sai quả, trước khi cho mướp leo lên cây dóc, bà con nên khoanh 2-3 vòng đường kính 30-40cm dưới đất để mướp ra thêm nhiều rễ phụ, hút được nhiều dinh dưỡng. Nếu mướp bị lốp bà con cần “thiến mướp” bằng cách. Dùng mũi dao sắc tách đôi thân mướp (đoạn thân cách mặt đất trên 50cm) rồi lấy mảnh sành, mảnh thuỷ tinh sạch cài vào chỗ thân bị tách, kết hợp bón thêm 3-5kg phân kali/sào. Mướp bị “chột” sau 10-15 ngày sẽ ra nhiều hoa, trái hơn.
Phòng trừ sâu, bệnh
Sâu xám (sâu ải, sâu rút) cắn cây con vào ban đêm, ban ngày chui sâu xuống đất, thường cắn phá cây con. Dùng thuốc sâu Vibasu 10H; Bam 5H; Padan 5H. Mỗi hốc rắc 5-7g (1 thìa con) xung quanh gốc cây.
Bọ xít tròn, bọ xít dài, rầy rệp hút nhựa cây, làm cho mướp vàng úa, ít hoa, trái. Dùng một trong các loại thuốc trừ sâu nội hấp: Actara 25EC; Conphai 10WP; Sutin 5EC phun cho mướp.
Bệnh phấn trắng: Dùng thuốc Anvil 5-10EC; Tilt-Supe 300ND; Manage 5WP phun trừ.
Thu hoạch và để giống
Thông thường từ khi gieo hạt đến thu hoạch quả khoảng 80-100 ngày. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tận tháng 9-10.
Để giống phải chọn quả to, không sâu, bệnh. Quả từ đốt thứ 2-3 trở đi, để quả già khô trên cây, sau chảy phơi nắng thêm, gác lên gác bếp, tới vụ bóc ra lấy hạt.
Nguồn: Báo KH & ĐS, số 27, 3/4/2006