Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 13/04/2010 07:00 (GMT+7)

“Trói tay” thần chết

A Lưới là một huyện miền núi với hơn 75% dân cư là bà con thuộc các dân tộc thiểu số ít người như PaKôh, Vân Kiều, Cơ Tu, Tà Ôi quần tụ trên địa hình cao nhất và được mệnh danh là "đỉnh trời" của tỉnh Thừa Thiên Huế. "Vùng đất chết", "rốn da cam" hay "tử địa dioxin"... là những cụm từ mà người ta vẫn hay nhắc đến khi nghĩ về nơi này.

Hậu họa dioxin dai dẳng...

Với 432.812 lít chất độc da cam mà mảnh đất giữa đại ngàn này đã hứng chịu khiến môi trường nơi đây bị hủy diệt nặng nề. Hai tổ chức UB 10-80 và Hatfield Consultants (Canada) sau khi tiến hành nghiên cứu từ năm 1994 -2000, đã cảnh báo rằng: "Tại khu vực trung tâm sân bay A So, dư lượng dioxin không chỉ tồn tại trên người, trong đất đai mà tồn tại cả trong cả gà, vịt, cá... và cao gấp nhiều lần mức cho phép".

Hiệu quả từ công trình hàng rào bồ kết của GS. Phùng Tửu Bôi đã thu hút rất nhiều sự quan tâm ủng hộ và đóng góp của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Chính những cựu phi công Mỹ (trực tiếp lái máy bay ném chất độc xuống ALưới) khi trở lại chiến trường xưa lại khuyên người dân: Hãy tránh xa khu vực này. Các nhà khoa học thì khuyến cáo: không nên ăn các loại thực phẩm như gà, vịt, cá, hoa quả... trong khu vực toànxã... Chính quyền nơi đây phải dựng lên những tấm bảng cảnh báo lớn quanh khu vực sân bay, các ngã tư, ghi rõ dòng chữ: "Cấm ăn nội tạng gà, vịt, cá... Cấm uống nước hố bom, nước suối trong khu vựcnày".

Nhưng như lời bà Kăn Sinh (ở bản Chai, Đông Sơn), thì: "Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi chúng tôi cái đói, cái nghèo cứ đeo đuổi mãi nên dù ai cũng biết nguy hiểm đó, nhưng phải... liều thôi". Cuộc sống con người nơi "đỉnh trời" A Lưới mà tâm điểm là hàng ngàn hộ dân xã Đông Sơn không còn cách khác, vẫn ăn, vẫn uống nước và thực phẩm trên đất còn ngấm đioxin.

Nhiều người gọi vùng đất này có mùa trồng trọt ngắn nhất Việt Nam . Bởi cây trồng lên vài ngày sau lại chết. Hết bắp ngô, củ sắn, củ khoai... bà con đành mò mẫm mưu sinh vào khu vực có chất da cam kiếm con tôm, con cá từ các hố bom và kiếm tìm phế liệu chiến tranh.

Có một người đã đến công tác tại Đông Sơn nhiều lần. Chứng kiến biết bao nỗi đau thương mất mát bởi chất độc da cam/đioxin gây ra, thấy cảnh người dân còn phải sống chung với "tử thần" rình rập. "Tôi cứ trăn trở mãi và nghĩ, phải làm một cách nào đó để giúp bà con..." - GS. Phùng Tửu Bôi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng thuộc (thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam ) nói với ký ức ám ảnh.

Và ông bắt đầu kể lại về hành trình đưa hàng rào bồ kết cách ly người dân với chất độc dioxin.

“Trói tay” thần chết

Lần đầu ông đến A Lưới vào năm 1975 và dù là một trong những nhà nghiên cứu về tổn hại sinh thái do chiến tranh hàng đầu ở Việt Nam . Nhưng để có biện pháp gì để hạn chế tác hại của "ma trận" đioxin giữa "tử địa" vẫn là vấn đề không chỉ khiến GS. Phùng Tửu Bôi đau đầu mà là vấn đề nan giải của hầu hết các nhà khoa học.

Phải mất 20 năm sau, khi trở thành Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng, GS. Bôi mới có điều kiện đề quay lại tìm cách tách người dân với "tử địa". Năm 2005, ngay sau khi tham dự Diễn đàn xã hội thế giới lần thứ 5 ở Brazil trở về, GS. Bôi và các cộng sự của Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng bắt tay tìm hiểu loại cây thích hợp để tạo hàng rào vừa có tác dụng làm xanh môi trường, vừa ngăn cản người dân tiếp xúc với vùng đất nguy hiểm.

Trước đó, cả nhóm nghiên cứu đã từng tính đến chuyện khoanh vùng bằng hàng rào dây thép gai nhưng lại sợ người dân túng quẫn lại tháo hàng rào đi bán. Xây hệ thống tường bê tông cách ly dioxin như ở khu vực sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng thì chi phí quá tốn kém. Sau hàng tháng trời mày mò nghiên cứu và tấm lòng trăn trở với bà con mấy chục năm khiến GS. Bôi nảy ra một biện pháp đơn giản: làm hàng rào bằng cây bồ kết, vừa rẻ, vừa dễ trồng. Nó sẽ hạn chế sự phát tán dioxin qua tiếp xúc và thức ăn bằng cách cản trở người dân vào khu vực nguy hiểm.

Bồ kết có nhiều gai lớn và mọc rất nhanh, không làm củi được vì đốt rất khói. GS. Bôi đã từng bắt gặp những hàng rào kiểu như thế này ở các trang trại cà phê ở Tây Nguyên. Chỉ mất khoảng 30.000 đồng mỗi mét vuông, lại cải thiện được môi trường.

Ý tưởng của ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhưng vẫn không ít người ngờ vực bởi vùng đất này loài cây nào cũng chết yểu. Ông về lại Hà Nội và bắt đầu lên kế hoạch cho dự án. Khi bắt đầu triển khai, GS. Bôi và nhóm nghiên cứu lại phải đi thuyết phục các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và được tài trợ hai vạn cây bồ kết gai và cây keo gai làm hàng rào phụ bao quanh 1ha đất nhiễm dioxin.

Đầu năm 2005, hai vạn cây bồ kết giống đặt hàng của trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội lên đường vào A Lưới. Trong hành trình vật lộn, cô lập "tử thần", GS. Bôi gần như gác lại hoàn toàn công việc của một Giáo sư - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng. Giữa hoang vu đại ngàn Trường Sơn, vì công trình của mình, có khi GS. Bôi phải "nằm vùng" cả tháng trời để khảo sát địa hình, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây, cách gieo hạt. Nhưng công trình của GS. Bôi đang dang dở thì trận lũ cuối năm 2005 cuốn trôi tất cả...

Không nản lòng, GS. Bôi nhờ bạn bè trong giới khoa học kêu gọi hỗ trợcủa cộng đồng quốc tế. Năm 2007, thông qua tổ chức War Legacies Project (Hoa Kỳ) và một số tổ chức khác, GS. Bôi được hỗ trợ trên hai vạn cây bồ kết gai và keo gai. Lần này, "tôi nhân giống ngay tạiA Lưới để không tốn tiền vận chuyển và chủ động trong việc chọn ngày trồng. Để cải tạo vùng đất khô cằn, tôi mua lại phân trâu bò của dân để bón cho đất" - GS.  Bôi kể lại.

Đến nay, cây bồ kết đã cao đến hơn 1,5m, bề rộng hàng cây khoảng 2 - 3m, tổng diện tích cây trồng khoảng 8.000 - 12.000m2 tạo nên một hàng rào bao quanh với đường kính 1.000m. "Hai, ba năm nữa hàng rào xanh sẽ cao 3m. Khi được 5 năm, bồ kết rụng hạt. Hạt lại nảy mầm làm cho hàng rào ngày càng dày thêm, tạo một thành lũy vững chắc" - ông Bôi phấn khởi. "Tử địa" dioxin hoàn toàn bị cô lập. "Quan trọng nhất là người dân khó có thể vào được khu vực sân bay A So nhờ hàng rào bồ kết. Cần có thêm nhiều hơn những hàng rào rẻ vốn đầu tư mà có hiệu quả đắt như vậy ở những khu vực nhiễm dioxin khác" - ông Phơm, Bí thư Đảng ủy xã nói như khoe.

Người hùng... trồng bồ kết

Đề tài khoa học "Ngăn chất độc dioxin bằng hàng rào bồ kết" đã đoạt giải trong cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam năm 2005, do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Nhưng với GS. Bôi, giải thưởng lớn nhất là cuộc sống yên bình của đồng bào và biệt danh "người hùng trói tay thần chết". Hình ảnh GS. Bôi trong lòng đồng bào A Lưới không phải là một giáo sư đầu ngành mà chỉ đơn giản là một "cán bộ hay giúp đỡ bà con".

Hết lòng trong việc cách ly cuộc sống người dân với tử địa đioxin, GS. Bôi còn nỗ lực kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ đồng bào A Lưới phát triển kinh tế. Những món quà tuy không nhiều nhưng ý nghĩa từ các tổ chức trong nước và quốc tế góp phần nâng cao đời sống và ấm lòng người dân ở nơi chịu quá nhiều mất mát đau thương. Đó mới là hàng rào lớn nhất ngăn người dân liều mình vào các vùng đất chết.

Ngoài hàng rào ngăn độc, GS. Bôi còn lựa chọn giống bồ kết tốt về nhân giống và chuyển giao cho bà con trồng quanh A So để phủ xanh rừng, xanh vườn nhà, vườn đồi vốn cằn cỗi bao năm nay. Qua nghiên cứu, chất đất vùng này còn phù hợp phát triển cây bồ kết, mây, keo tai tượng và cả cây dó trầm. GS. Bôi tiếp tục đưa ra sáng kiến trồng cây dó trầm ngay trong vườn đồi sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Như một hệ lụy, rất nhiều trẻ em chào đời ở "tử địa" này gặp phải biết bao di chứng, "đẻ nhiều nhưng nuôi được ít" dần trở thành "chuyện bình thường ở huyện". Ông Nguyễn Văn Phơm, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn ái ngại nói: "Dioxin là nguyên nhân bệnh tật cho gần 100 hộ trong số 240 gia đình trong khu vực A So...".

Riêng bồ kết, không chỉ quả được dùng làm nước gội đầu, mà còn để làm dược liệu, gai bồ kết dùng làm thuốc chữa mụn nhọt. Ý tưởng của GS. Phùng Tửu Bôi cũng nằm trong dự án của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2010 nhằm phục hồi các hệ sinh thái vùng A Lưới, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân ở vùng bị ảnh hưởng của chất độc hóa học trong chiến tranh.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.