Trí tuệ đám đông
Cũng cần nhắc đến cuốn “ Tâm lý học đám đông” của học giả người Pháp Gustave Le Bon, xuất bản năm 1895; và cuối năm ngoái (2006) đã được Nhà xuất bản Tri thức cho dịch thuật và ấn hành.
Bạn đọc có dịp so sánh sự khác nhau tưởng như đối lập trong việc đánh giá về trí tuệ đám đông của hai tác giả sống cách nhau hơn một thế kỷ.
Le Bon lập luận: Một đám đông không chỉ là tổng số các thành viên của nó, mà còn là một sinh thể độc lập. Nó có sự nhìn nhận và ý chí riêng, và thường hành xử theo những cách đặc biệt, không có trong ý định của bất cứ ai trong đám đông. Và khi đám đông hành xử thì nó thường hành động một cách mù quáng, ngu ngốc. Quan điểm đó của Le Bon đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn vào cuối thế kỷ 19.
Vậy, trong “ Trí tuệ đám đông”, J. Surowiecki đã phản biện ra sao về vấn đề này?
Ông không hoàn toàn phủ nhận những trường hợp hành xử mù quáng của đám đông mà Le Bon đã từng nêu. Nhưng theo J. Surowiecki, điều khác biệt quan trọng nhất giữa đám đông thông tháivà đám đông ngốc nghếch, đó là: trong đám đông thông thái, mỗi cá nhân ý thức được tính tự chủ của mình về ý tưởng và thông tin, còn trong đám đông kia mọi cá nhân đều bị “hòa tan” thành một khối người, bị “bao cấp” về suy nghĩ, dễ bị kích động, ám thị... Tác giả đi sâu phân tích ba dạng thức hành xử của đám đông thông thái. Dạng thứ nhấtlà các thành viên cùng xét đoán độc lập và đưa ra phán quyết về một sự cố ngẫu nhiên thì thường chính xác hơn phán đoán của một cá nhân, dù cho anh thuộc loại người xuất sắc. Dạng thứ hailà phương cách phối hợp như trong thị trường hay trong giao thông đòi hỏi các thành viên trong nhóm dù muốn hay không, phải tìm cách phối hợp hành động với nhau. Dạng thứ ba: hợp tác; vấn đề là tìm hiểu xem làm thế nào để những con người vốn có tính tư lợi và đa nghi, có thể cùng hợp tác và đóng góp vào lợi ích chung của nhóm; ví dụ: việc xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý ách tắc giao thông... Nguyên tắc cơ bản của ba dạng thức về đám đông là: càng nhiều càng tốt và không ai biết nhiều hơn tất cả mọi người. Theo tác giả, sự cần thiết để đám đông trở nên sáng suốt là: tính đa dạng, tính độc lập của các thành viên và sự phi tập trung hóa có sự tập hợp lại. Bởi vậy, đây là cuốn sách viết về tính sáng suốt của quyết định tập thể, đồng thời cũng là viết về những ưu điểm của sự tự do ý chí của mỗi cá nhân trong xã hội dân chủ.
Các nguyên tắc được J. Surowiecki trình bày trong cuốn sách này đa dạng và phong phú đến mức đáng ngạc nhiên, từ việc điều hành kinh doanh, tổ chức xã hội, cơ cấu hệ thống chính trị, chống chủ nghĩa khủng bố đến các hoạt động bầu cử, cách tổ chức các êkíp nghiên cứu khoa học, thị trường chứng khoán, an toàn giao thông, các cuộc cá cược, cuộc thi hoa hậu... Dường như, “ Trí tuệ đám đông”, theo một cách thức hoàn toàn mới, tham gia vào sự vận hành thực sự của thế giới này.
Thật đáng khâm phục những nhà báo tài năng như Thomas Friedman, tác giả của “ Thế giới phẳng” và James Suvowiecki, tác giả “ Trí tuệ đám đông”... Họ không chỉ thu thập dữ liệu, quan sát, phân tích sự kiện mà còn là các nhà xã hội học thật sự xuất sắc. Bởi vậy, cuốn sách đang được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt, đặc biệt là giới xã hội học và những ai quan tâm đến quản lý và làm việc trong một cộng đồng nhất định.